Dân Chúa Âu Châu

Khủng Hoảng Nợ Công

BY: HÀ MINH THẢO

Từ nhiều tuần qua, các thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục xuống giá vì nợ công các quốc gia Hoa kỳ cũng như Liên hiệp Âu châu tăng cao. Tại sao?

I. NỢ CÔNG.

A. Trong kinh tế vĩ mô là tình trạng các khoản chi của ngân sách quốc gia cao hơn các khoản thu, phần chênh lệch được gọi là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu cao hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của chính phủ không bao gồm khoản tín dụng (nợ vay). Chính phủ đi vay chính là một cách để giảm bớt mức thâm hụt ngân sách. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa. Do chính phủ bù đắp cho thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, nên lũy kế các khoản thâm hụt ngân sách nhà nước đến một thời điểm nào đó chính là Nợ công.
B. Nợ công hay Nợ quốc gia (Dette publique, tiếng Pháp; Public debt, national debt, sovereign debt, tiếng Anh) là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Đó là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để hình dung quy mô của nợ này, chúng ta đo nó bằng tỷ số bách phân so với Tổng sản lượng quốc nội (TSLQN, tức GDP, Gross Domestic Product, tiếng Anh hay PIB, Produit Intérieur Brut, tiếng Pháp).
Nợ công thường được phân loại như sau:
- Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
- Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).

II. NGUYÊN NHÂN NỢ CÔNG GIA TĂNG.

Khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống tháng 01.2009, nợ công Hoa kỳ chỉ lối 4.247 tỷ mỹ kim. Dự trù đến cuối tháng 6.2011, tổng số nợ vay của Hoa kỳ sẽ là 14.460 tỷ mỹ kim, tức 93% GDP, khiến Hoa kỳ đứng hàng thứ 12 các nước mắc nợ nhiều nhất thế giới, theo sắp xếp của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
1. Ngân sách Hoa kỳ có ba khoản công chi lớn:
a. An sinh xã hội (Social Security) và Y tế cho người Cao niên (Medicare), có tính cách bắt buộc và rất khó giảm, hiện hiện 33,50% tổng số công chi;
b. Quốc phòng và chiến tranh. Sau vụ khủng bố ngày 11.09.2001, Hoa kỳ bước vào thời kỳ chiến tranh với chi phí quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa gia tăng. Ngân sách quốc phòng từ 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP Gross Domestic Product) vào năm 2001 đã tăng lên tới 4,8% GDP hiện nay và chiếm một phần năm số tổng chi, tức 20%.
c. Kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội. Năm 2008 khi kinh tế Hoa kỳ bị suy trầm do cuộc khủng hoảng tài chính sau vụ bể bóng tín dụng gia cư thứ cấp khiến nhu cầu kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội đòi hỏi phải đẩy mức công chi lên những kỷ lục mới. Hai chính phủ G. Bush (con) và B. Obama đã quyết định gói kích cầu trị giá hơn 180 tỷ mỹ kim (năm 2008) và gần 800 tỷ vào đầu nhiệm kỳ ông Obama năm 2009. Trong tài khóa 2011, vừa kết thúc ngày 30.09.2011, tổng số công chi ngân sách liên bang được dự trù sẽ ở mức 24,1% GDP, được cải thiện hơn bách phân chi 25% trong tài khóa 2009, mức cao nhất kể từ năm 1945.

Lưu ý quan trọng. Vụ "bể bóng tín dụng gia cư thứ cấp" (Subprime Mortgage Credits) là một chuỗi những hành vi có tính cách lường gạt mà kết quả đã gây gia tăng nợ công và số thất nghiệp tại Hoa kỳ và tràn lan sang các quốc gia tiên tiến khác.
Từ năm 2001, nhằm khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Ngân hàng trung ương Hoa kỳ) đã giảm lãi suất căn bản thấp nhất từ trước đến nay là 1%, nên trở thành động cơ khuyến khích những gia đình có mức thu nhập thấp vay tiền mua nhà với lãi suất rất thấp trong những năm đầu, gọi là subprime (vay dưới chuẩn). Nhưng lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 4-5 năm đầu, sau đó, đã tăng lên từ 10 đến 15%. Bởi vậy, nhiều gia đình đi vay đã không còn khả năng tiếp tục trả nợ nữa. Do đó, các định chế cho vay tịch thu những căn nhà thế chấp kia đem ra bán nhằm thu hồi lại số tiền đã cho vay. Năm 2007, khoảng 2 triệu căn nhà đã bị phát mãi theo kiểu này (năm 2006 là 1,2 triệu căn). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, con nợ, vừa bị mất tiền lẫn mất nhà, đã đập phá nhà trước khi bị đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, khủng hoảng địa ốc đã xảy ra tại Hoa kỳ vì chủ nợ không thu được lời lẫn vốn.
Chạy theo 'văn hoá' "có gan làm giàu", các chủ nợ và con nợ vay không phải không thấy các nguy hiểm của loại tín dụng dưới chuẩn này, nhưng hoàn cảnh kinh tế (giá nhà đang tăng khoảng 20%/năm) và tài chánh lúc đó đã cho phép đôi bên có những hy vọng.

Sau khi cấp tín dụng, ngân hàng tìm cách chuyển nhượng những món nợ này cho những cơ quan tài chánh khác, bằng cách "tái kết cấu" và "đóng gói lại" (titrisation, tiếng Pháp hay "restructuring and packaging", tiếng Anh) các món nợ và bán lại cho những nhà đầu tư quốc tế dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu được mua bán qua các thị trường chứng khoán.
Thấy có lời và, đôi khi có "lời nhiều", người Âu châu và ở các nước khác tranh nhau mua trái phiếu hay cổ phiếu nên, theo định luật cung cầu, phải trả giá cao). Tại đây, những món nợ với rủi ro cao được chuyền tay mua bán. Người mua có thể thu một số lời rất cao khi món nợ dưới chuẩn trước được thanh toán.
Khi nợ bị mất, trị giá thật các trái phiếu hay cổ phiếu này chỉ còn là số không. Lúc đó, các ngân hàng không còn tiền để cho vay. Các doanh nghiệp không còn vốn để sản xuất, đành phải cho các công nhân nghỉ việc. Do đó, số người thất nghiệp tại Hoa kỳ đã gia tăng tới mức 9,10% so với số người trong tuổi làm việc. Bởi thế, các chánh phủ Hoa kỳ đã phải có những biện pháp tài trợ:
- giúp ngân hàng để mua những trái khoản về những món nợ địa ốc từ các ngân hàng và công ty tài chánh khác (700 tỷ mỹ kim tháng 09.2008),
- giúp các hãng xe hơi để chính các hãng này và những xí nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng cho họ cũng sa thải nhân viên mà tổng số người bị ảnh hưởng có thể lên tới 3 triệu. Chưa hết, nếu kể cả gia đình của họ thì nền kinh tế Hoa kỳ sẽ mất mười triệu người tiêu thụ.

2. Mức trần vay nợ. Chính quyền Hoa kỳ chỉ được phép vay trong giới hạn do Quốc hội ấn định gọi là "mức trần vay nợ" hay "định mức đi vay". Mức này có hiệu lực cho đến ngày 02.08.2011 là 14.460 tỷ mỹ kim. Nếu không, Hoa kỳ sẽ lâm vào tình trạng bị "vỡ nợ" về kỹ thuật. Do đó, tổng thống Obama đang chờ Quốc hội (mà Viện Dân biểu do đảng Cộng hòa chiếm đa số) chuẩn chi mức trần vay nợ mới để chánh phủ có thể vay thêm.

3. Vấn đề Ngân sách (tăng mức trần vay nợ, tăng hay giảm thuế…) là đề tài để mở màn mùa tranh cử 2012 khi cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống, toàn thể 453 dân biểu Hạ nghị viện và một phần ba nghị sĩ Thượng nghị viện. Thật vậy, như bất cứ cử tri một quốc gia dân chủ nào, công dân Hoa kỳ khi sử dụng lá phiếu vẫn căn cứ vào: ai cũng muốn tăng thuế cho người khác mà không muốn giảm chi các khoản phúc lợi xã hội cho mình.
Cuối cùng, lưỡng viện Quốc hội đã thông qua dự luật để tổng thống kịp ký ban hành luật hôm 01.08.2011. Theo đó, tăng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ mỹ kim chia làm hai lần, đổi lấy việc cắt giảm 917 tỷ chi tiêu công trong 10 năm tới, kèm theo chương trình giảm thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ mỹ kim thông qua cải cách thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Ngày 08.09.2011, trước Quốc hội lưỡng viện, tổng thống Barack Obama đã trình bày kế hoạch 447 tỷ mỹ kim để thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm. Trong đó có 240 tỷ bắt dùng để giảm thuế và đóng góp xã hội.Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay lên đến 9,1% số người trong tuổi làm việc.

III. KHU VỰC EURO CÒN CÓ NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHÁC.

Liên hiệp Âu châu gồm 27 quốc gia, nhưng chỉ có 17 nước tham gia khu vực đồng tiền chung là: Áo, Bỉ, Bồ đào nha, Cyprus, Đức, Hòa lan, Hy lạp, Ái nhĩ lan, Lục xâm bảo, Malta, Pháp, Phần lan, Tây ban nha, Ý đại lợi, Slovenia, Slovakia và Estonia).

A. Trường hợp Hy lạp.

Trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04.10.2009, công dân Hy lạp đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội thắng cuộc bầu cử Quốc hội và ông George Papandreou được tín nhiệm chức vụ thủ tướng. Bắt tay vào việc nước, tân chánh phủ tìm thấy các số liệu cho tài chính công chứng minh mức thâm hụt ngân sách là 12% TSLQN, chứ không là 6% như giới cầm quyền xuất nhiệm tuyên bố, và 9,40% năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLQN, năm 2010. Lập tức, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra „toàn diện" để giải thích sự khác biệt này. Nhưng, sau đó, dù người dân phải chịu nhiều hy sinh để được sự trợ giúp tín dụng 110 tỷ euro của 16 quốc gia khu vực euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy lạp thoát khỏi phá sản.
Hy lạp bị khủng hoảng vì nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo vì lợi tức trung bình (TSLQN) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng 80%? so với lợi tức trung bình của một người Đức… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp… Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả. Trong năm 2008, tổ chức này đã xếp Hy lạp vào hạng 57 với 4,7 điểm và năm 2009, hạng 71 (3,8 điểm) trên 180 quốc gia. Để so sánh, năm 2008, Việt Nam được xếp hạng 121 với 2,7 điểm và, năm 2009, vào hạng 120 (2,7 điểm).

Ngày 21.07.2011, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, các lãnh đạo khu vực euro và Ngân hàng Trung ương Âu châu đã đồng ý về một kế hoạch thứ hai để giảm bớt nợ cho Hy lạp 26 tỷ euro từ nay cho đến cuối 2014 và gói hỗ trợ thứ nhì lên tới 158,6 tỷ euro, trong đó Liên hiệp Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tài trợ khoảng 109 tỷ trong bốn năm sắp tới, gần 50 tỷ còn lại sẽ do khu vực tài chính tư nhân, gồm các ngân hàng, hãng bảo hiểm và quỹ đầu tư. Ngoài ra, các vị này còn đề cập đến "khả năng tăng cường các biện pháp chống khủng hoảng tài chính lan rộng" với dự án thành lập Quỹ Tiền tệ Âu châu để Liên hiệp Âu châu cùng hoạch định một chính sách kinh tế chung.

B. Trường hợp các quốc gia khác.

1. Khó khăn về tài chính.

Năm 2008, Âu châu đã phạm sai lầm cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sang phần đất họ từ Hoa kỳ trong khi, thực chất, tích lũy từ đã lâu trong cơ chế kinh tế Âu châu. Nền kinh tế tại đây cũng có hệ thống tài chính ngân hàng với bong bóng đầu tư về địa ốc, có nạn tín dụng thứ cấp đầy rủi ro.
Để giúp thổi phồng bong bóng đầu tư về địa ốc, các ngân hàng cấp phát tín dụng với lãi suất rẻ để phát triển những quốc gia vừa thoái khỏi thảm họa cộng sản ở Đông Âu (Lỗ ma ni, Hung gia lợi,…) bằng đồng Euro mạnh nhờ vào Mark nước Đức.
Sau khi vào khu vực Euro, nhiều quốc gia yếu kém đã bắt chước Đức bảo trợ các tín dụng, nay các ngân hàng vỡ nợ và bị phá sản, như Ái nhĩ lan (Ireland, năm 2009), Hy lạp (Greece, hiện nay), có thể kể đến Bồ đào nha (Portugal), Tây ban nha (Spain) và Ý đại lợi (Italy). Một sự trùng hợp, trong các bài kinh tế Anh ngữ, chữ đầu bằng tiếng Anh của bốn quốc gia này ghép lại thành chữ" PIGS có nghĩa là "những con heo".
Hiện nay, người ta nói đến hiện tượng domino khi lo ngại những khó khăn kinh tế và tài chính nầy có thể sang các nước khác như Pháp và Bỉ.
Theo Ủy ban Âu châu, nợ khu vực Euro sẽ tăng lên chiếm 87,9% TSLQN trong năm nay. Riêng tỷ lệ nợ/ TSLQN của Hy lạp, Ái nhĩ lan, Bồ đào nha cũng như Ý đại lợi sẽ lên tới hơn 100%, trong khi mức trần theo quy định của Liên minh Âu châu chỉ là 60%. Năm 2007, tỷ lệ nợ/ TSLQN trong khu vực đồng tiền chung mới chỉ ở mức 66,3%. Còn đối với Liên minh Âu châu gồm 27 thành viên, tỷ lệ nợ/ TSLQN tăng từ mức 59% năm 2007 lên mức dự báo 83,3% cho năm tới.
Chiều ngày 14.09.2011, tổ chức định mức tín nhiệm Moody đã hạ mức tín nhiệm của hai ngân hàng hàng đầu Pháp: Crédit Agricole từ Aa1 xuống Aa2 và Société Générale từ Aa2 xuống Aa3. Triển vọng xếp hạng đối với cả 2 ngân hàng là "tiêu cực". Năm 2010, Pháp đã trả 50 tỷ euro tiền lời nợ công, mục chi cao thứ nhì, sau chi giáo dục, tương đương trọn số thu thuế lợi tức.

2. Khó khăn do chi về xã hội.

Các nước Âu châu có tinh thần "xã hội chủ nghĩa" vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. Các khoản chi xã hội ấy đã tạo ra những chi lớn cho công chi quốc gia (Pháp chi tới 17,5%, Ý đại lợi đến 17,7% TSLQN mỗi nước).
Để điền khuyết vào khiếm hụt ngân sách thì chánh phủ phải đi vay và càng vay nhiều thì càng phải trả lãi suất càng cao vì khả năng hoàn trái càng giảm.
C. Căng thẳng giữa Mỹ và Liên hiệp Âu châu gia tăng.
Ngày 16.09.2011, lần đầu tiên, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tới tham dự phiên họp cấp Bộ trưởng Tài chính Liên hiệp Âu châu tại Wroclaw (Ba lan) và đã kêu gọi khu vực Euro huy động thêm vốn để giải quyết khủng hoảng nợ công đã kéo dài bằng gia tăng Quỹ Bình ổn Tài chính Âu châu (European Financial Stability Facility, tiếng Anh và Fonds européen de stabilité financière, tiếng Pháp FESF) hầu giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn và để cứu nguy các ngân hàng.
Những đề nghị này không được các bộ trưởng tài chính Liên Âu hoan nghênh. Bộ trưởng Đức đã bác bỏ ý kiến của ông Geithner và cho rằng, Đức không thể tiếp tục bắt người dân đóng thuế để thực hiện mục tiêu này và đề nghị đánh thuế vào các khoản chuyển nhượng chứng khoán, kể cả trên thị trường Mỹ, để gia tăng khả năng can thiệp của FESF khiến ông Geithner phản đối.
Berlin đề nghị đánh thuế vào các khoản giao dịch chứng khoán – kể cả trên thị trường Mỹ- để tăng cường khả năng can thiệp của Quỹ FESP. Đây là điều mà đại diện của Washington tại cuộc họp Wroclaw đã không thể chấp nhận được.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu Jean Claude Trichet khẳng định: "Nhìn chung, tình hình kinh tế trong khu vực Euro khả quan hơn nhiều so với một số các nước phát triển khác: bội chi ngân sách của toàn khối chỉ ở vào khoảng 4,5% GDP trong năm nay, trong lúc thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ là 8,8% tăng thêm 1,7% so với tài khóa 2010".
Các tiên đoán của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cho thấy tình hình kinh tế không khả quan vào những tháng chót của năm 2011
.
IV. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO.

Ngày 18.08.2011, trên chuyến bay từ Roma đến Madrid để gặp gỡ trên một triệu các bạn trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói với 56 ký giả tháp tùng về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại: "Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta thấy điều đã xảy ra trong cuộc đại khủng hoảng trước đây, đó là chiều kích luân lý đạo đức không phải là một điều ở ngoài các vấn đề kinh tế, nhưng là một chiều kích ở bên trong và cơ bản. Kinh tế không phải chỉ tiến hành với qui luật thị trường tự điều hành, nhưng còn cần một lý do luân lý đạo đức để mang lại lợi ích cho con người. Người ta thấy tái xuất hiện điều mà Đức Gioan Phaolô 2 đã nói trong thông điệp xã hội đầu tiên của Người, rằng Con Người phải là trung tâm của kinh tế và không thể đo lường kinh kế theo mức lợi tức tối đa, nhưng theo thiện ích của tất cả mọi người, kể cả trách nhiệm đối với tha nhân, và kinh tế chỉ thực sự tiến hành tốt nếu nó hành động một cách nhân bản, trong niềm tôn trọng tha nhân."

Trong cuộc khủng hoảng tài chính rồi kinh tế năm 2008, các doanh nghiệp đã lạm dụng thời cơ để đẩy quá nhiều công nhân vào số người thất nghiệp, làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Số người thất nghiệp gia tăng làm cho mức đóng góp vào các quỹ an ninh xã hội giảm. Kết quả, mức khiếm hụt các quỹ được đào sâu và phải vay thêm tiền để lấp mức khiếm hụt. Tính đến cuối tháng 07.2011, số người thất nghiệp trong khu vực euro là 22,7 triệu người, tức 10% so với số người trong tuổi làm việc.
Trong khi đó, những người đang làm việc phải chia nhau hoàn tất khối việc mà người bị cho thôi việc phải làm trước kia. Việc giảm giờ làm việc từ 39 còn 35 giờ/tuần tại Pháp đâu có tuyển thêm người mới. Sức người có hạn, lâu ngày thấm mệt.

Thu nhập của người thất nghiệp thấp so với trước thì mức thu thuế lợi tức cũng bị giảm sụt. Với số nhiều trăm ngàn người thất nghiệp trong một năm thì số thuế bị mất cũng thật đáng kể và đưa đến sự khiếm hụt ngân sách ngày càng cao.
Đề cập đến thảm trạng xã hội, sự thất nghiệp làm giảm thu nhập gia đình không đủ để chi tiêu học hành cho con cái, trả tiền thuê nhà hay vay mua nhà… cuối cùng là ly dị, gia đình tan nát, con cái thất học. Với thu nhập thấp, người thất nghiệp buộc phải mua hàng phẩm chất xấu do Trung cộng sản xuất và tiền lời này được dùng để cho quốc gia người này vay.
Nợ công tự nó không là điều xấu, nhưng vấn đề chính là là vay để làm gì và đem lại lợi ích nào cho tập thể, có tạo nên việc làm cho người dân hay không.
Dưới tiểu đề "Của cải có là để được chia sẻ", Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo viết:
- Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát; bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải. Sự cứu độ trong Kitô giáo là sự giải thoát toàn diện con người, tức là được giải thoát không những khỏi mọi nhu cầu mà còn khỏi mọi sở hữu. Những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và có được của cải hãy xem mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao (số 328).
- Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội. Thánh Gioan Kim Khẩu quan niệm: của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả giải thích: của cải tựa như nước lấy từ giếng: càng kín múc thường xuyên, nước càng trong, và nếu không sử dụng, nước trở nên vẩn đục (số 329).