Dân Chúa Âu Châu

Nền kinh tế Hy Lạp đi về đâu?
BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những ngày qua, dân chúng Hy Lạp tổng đình công, xuống đường biểu tình chống đối chính phủ, dĩ nhiên phải có lý do. Sự khủng hoảng tài chính của Hy Lạp không ít thì nhiều có ảnh hưởng trực tiếp tới đồng tiền chung Euro của Liên Hiệp Âu Châu (EU) và nền kinh tế của khối này. Nếu không có biện pháp giải quyết cấp thời thì cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế của một số quốc gia hội viên trong Liên Hiệp sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng toàn Âu Châu. Là công dân của các quốc gia Âu Châu người Việt tị nạn cũng bị ảnh hưởng một phần, điển hình là thuế gia tăng và hàng hóa mắc mỏ. Để có cái nhìn thực tế về hiện tình kinh tế Hy Lạp, chúng tôi sẽ trình bày các mục dưới đây.

I- Một vài nhận định về cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp?

-Giáo sư kinh tế người Mỹ Noriel Roubini đã tiên đoán đúng cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ và thế giới năm 2008. Nay ông lại tiên đoán là tình trạng tài chính của Hy Lạp có thể trở thành gần như một nhà băng bị phá sản.
-Một số nhà bình luận khác cho rằng nền tài chính của Hy Lạp hiện nay sẽ không khác gì tình trạng khủng hoảng tài chính của Băng Đảo (Iceland) vào năm 2008 và Dubai năm 2009.
-Theo Pascalis Rainmondos Moeller gốc người Hy Lạp, giáo sư kinh tế của Trường Thương-mại Copenhagen thì "Hy Lạp có tiền, nhưng nhiều tiền xuất phát từ kinh tế đen, và như vậy người ta không thấy được. Vấn nạn là tài chính của chính phủ chứ không phải nền kinh tế của Hy Lạp là như vậy. Kinh tế đen chiếm 25% nền kinh tế Hy Lạp và không giúp được gì cho công quỹ."
-Theo tin tức của Thời báo Tài Chính (Financial Times) của Anh quốc thì Hy Lạp đang đi van xin Trung Quốc để người Tầu mua công khố phiếu trị giá khoảng 35 tỷ Mỹ-kim. Nhưng chính phủ Hy Lạp mới đây đã phủ nhận tin này qua phát biểu của Bộ-trưởng Tài chính George Papaconstantinou: "Chúng tôi không là Băng Đảo kế tiếp cũng như Dubai".

II- Cuộc khủng hoảng trầm trọng như thế nào?

Tổng hợp tin tức từ giới truyền thông Âu-Mỹ, chúng tôi nhận thấy vấn nạn của Hy Lạp xuất phát từ các dữ kiện như sau:
- Sự thâm thủng ngân sách tài chính của chính phủ đã lên tới 12,7% Tổng Sản-lượng Quốc-gia "GNP" (Gross National Product) trong khi qui định của Liên-hiệp Âu-châu không vượt quá 3%.
-Chính phủ Hy Lạp đã báo cáo dối trá về con số thâm thủng trong ngân sách cho Ngân-hàng Trung-ương (ECB: European Central Bank) và Ủy-ban Đặc-nhiệm Âu châu (EC: European Commission).
-Chính phủ Hy Lạp không kiểm soát được sự chi tiêu trong lãnh vực công quyền, cho vay rẻ và thất bại trong việc cải tổ tài chính trong thời kỳ kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ
-Số nợ của quốc gia Hy Lạp hiện nay vào khoảng khoảng trên 300 tỷ Euro (413,6 tỷ US Dollars), có nghĩa nó lớn hơn Tổng Sản-lượng Quốc-nội "GDP" (Gross Domestic Product) là 338.250 tỷ USD và Tổng Sản-lượng Quốc-gia là 341.688 tỷ USD, lớn hơn nền kinh tế của quốc gia và số nợ có thể lên tới 120% Tổng sản-lượng Quốc-gia vào năm 2010.
-Trị giá tín dụng bị xuống thấp nhất trong khu vực đồng Euro, một lỗ hổng đen lớn về tài chính khiến cho các nhà đầu tư ngoại quốc e ngại đầu tư vào Hy Lạp.

2- Phản ứng của dân chúng

Dân chúng Hy Lạp đã tỏ ra bất mãn và phản ứng mạnh vì:
-Người ta được biết Hy Lạp là một trong số các quốc gia nhập cảng nhiều nhất xe hơi mắc tiền hiệu Mercedes của Đức. Tiền bạc ở đâu và do giới nào là câu hỏi đang cần được trả lời.
-Sau gần 30 năm trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu châu mà Hy Lạp coi như vẫn còn nằm trong tình trạng kinh tế kém phát triển, như vùng Trung Đông (Levanten) và Đông-Nam Âu Châu (Balkan). Hy Lạp cũng không theo kịp đà phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị theo hệ thống Tây Âu.
-Nhiều người trốn thuế hoặc lừa đảo. Nhóm này chỉ tìm cách trả thuế một phần tượng trưng so với lợi tức thu nhập của mình.
-Số lượng công chức làm việc trong các công sở gia tăng gấp bốn lần, trên 1 triệu người, kể từ khi Hy Lạp trở thành hội viên vào năm 1981. Nhiều công chức về hưu ở tuổi 40 hay 50 và được hưởng tiền hưu bổng cao.
-Theo Ngân-hàng Thế-giới (WB: World Bank) và Quỹ Tiền-tệ Thế-giới (International Monetary Fund) thì Hy Lạp được xếp vào danh sách tham nhũng nhất trong 27 quốc gia hội viên Liên Hiệp Âu Châu và ngang hàng với một số nước tham nhũng nổi tiếng trong thế giới thứ ba như Chí-lợi (Chilé) và Ai Cập (Egypt). Vấn đề tham nhũng bắt nguồn từ khi đảng Bảo-thủ Tân Dân-chủ lên cầm quyền vào ngày 7/3/2000. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh vào những năm cuối 1990 đã rơi vào tình trạng suy sụp. Hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ bị phá sản vào năm 2000. Các vụ buôn bán gian lận khế ước bảo hiểm, vụ bê bối của công ty điện thoại Vodafone, các vụ cháy rừng chiếm đất đã đưa tới sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế Hy Lạp. Việc nhẩy lầu tự tử của Tổng thư-ký Bộ Văn-hóa Christos Zachopoulos đã nói lên vấn nạn này. Sau khi Zachopoulos chết, người ta phát giác trong sổ băng của ông này có 5,5 triệu Euro.
-Trong khi 1/5 dân số sống dưới mức nghèo, theo thống kê tiền lợi tức có 20% dân Hy Lạp kiếm được 100.000 Euro một năm, và 90% có lương dưới 30.000 Euro. Bộ-trưởng Tài chính tuyên bố với báo Người Quan Sát (Obsever) là Hy Lạp có nhiều người giầu không bị đánh thuế, vì có quá nhiều người trốn thuế. Nếu nhìn vào con số thực tế người ta sẽ thấy số người khai lợi tức trên 100.000 Euro là 15.000 người. Nhưng ông không tin có ai tại nước này lại tin chỉ có 15.000 người Hy lạp kiếm được hơn 100.000 Euro một năm. Lời phát biểu này chứng tỏ có khá nhiều người trốn thuế. Vì thế ngân sách quốc gia bị thiếu hụt là chuyện dĩ nhiên.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng này, công đoàn của các công nhân viên chính phủ không chấp nhận trở thành nạn nhân của các vụ đầu cơ tài chính của ngoại quốc; cũng không muốn hy sinh phải trả giá cho nhiều nhà giầu, những người không giúp gì cho ngân quỹ quốc gia. Đây là sự kiện có thể nhìn thấy tại các quốc gia hội viên trong Liên Hiệp. Mỗi khi tăng hay giảm thuế thì hầu như người nghèo chịu thiệt thòi nhất.
Sau các cuộc bàn thảo, thương lượng nhằm tìm giải pháp cứu nguy cho nền kinh tế và tài chính không thành công, ngày 11/2/2010, các công đoàn đã phải bày tỏ sự bất mãn của mình qua các cuộc biểu tình và tổng đình công tại phi trường, công sở, trường học, bệnh viện, nhà ga, taxi; nông dân thì phong tỏa dọc theo biên giới Bảo Gia Lợi (Bulgaria) v.v… để đòi chính phủ phải cải tổ chính sách tài chính, thuế khóa và thi hành các kế hoạch kinh tài sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

3- Biện pháp giải quyết của chính phủ Hy Lạp

Trước nguy cơ phá sản của đất nước, Bộ-trưởng Tài-chính Panpondou đã đưa ra các biện pháp cấp thời như sau:
-Giảm thiểu sự tiêu dùng trong cơ cấu công quyền, giảm lương công chức, giảm tiện nghi công cộng; gia tăng thuế thuốc lá, xăng dầu và rượu bia; cải tổ hệ thống hưu bổng, nâng cao tuổi về hưu lên 2 tuổi và cắt giảm tiêu dùng ở khu vực công v.v…
Biện pháp trên lại đưa tới tình trạng thất nghiệp lên cao, đến một thời điểm nào đó sẽ không kiểm soát được. Bộ-trưởng Tài chính Panpondou hứa hẹn với Đặc nhiệm Âu Châu (EC) sẽ làm giảm sự thâm thủng ngân sách từ 12,7% Tổng Sản-lượng Quốc-nội (GDP) năm 2009 xuống còn 3% vào năm 2012. Theo đài BBC trong cuộc họp giữa Thủ-tướng Hy Lạp George Papandreou và Tổng-thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 10/2/2010, Thủ-tướng Papandreou hứa sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề qua lời phát biểu "Chúng tôi không yêu cầu sự giúp đỡ, mà chỉ cần hỗ trợ thiện chí của chúng tôi."

4- Hậu quả của sự khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp dĩ nhiên có ảnh hưởng tới giá trị của đồng tiền chung Euro và kéo theo sự suy thoái của một số quốc gia có nền kinh tế kém phát triển trong Liên Hiệp như
- Ái Nhĩ Lan (Ireland): Thị trường Ái Nhĩ Lan cũng bị khủng hoảng trong thời gian qua và hệ thống ngân hàng bị mỉa mai như là một mảnh giẻ rách. Chính phủ tiên đoán nền kinh tế bị suy giảm khoảng 7,5% năm 2009 và 1,25% năm 2010.
-Bồ Đào Nha (Portugal): Cơ quan đặc trách về nợ nần của Bồ Đào Nha dự tính kế hoạch cắt giảm 300 triệu Euro (417,2 triệu USD) từ mức 500 triệu. Chính phủ Bồ trở nên yếu kém khi đảng đối lập đánh bại về biện pháp khắt khao mà quốc gia cần làm dịu thị trường và giảm sự gia tăng nợ nần. Sự kiện này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư ngoại quốc. Như vậy biết đâu Bồ Đào Nha cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh của Hy Lạp?
-Tây Ban Nha (Spain): Chính phủ Tây Ban Nha cũng dự tính sự thâm thủng ngân sách sẽ gia tăng cao hơn trong ba năm tới. Năm 2010 sẽ thâm thủng 9,8% Tổng Sản-lượng Quốc-nội GDP, 7,5% vào năm 2011 và 5,2% vào năm 2012. Tức cao hơn dự đoán trước đây 1,7% tới 2,3%.
Nếu Liên Hiệp Âu Châu can thiệp để cứu nguy Hy Lạp giống như Quỹ Tiền Tệ Thế giới IMF thì sự giảm uy tín của đồng Euro có thể xẩy ra. Nói cách khác, đồng Euro sẽ mất giá so với đồng Dollar của Hoa Kỳ. Sự thật cũng cho thấy nợ nần của Hy Lạp lên tới khoảng 100% Tổng sản lượng Quốc-gia (GNP) và năm nay có thể lên tới 113%. Theo Đặc-nhiệm Liên-hiệp Âu-châu thì số nợ lên tới 135% Tổng sản lượng Quốc-gia vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp đưa tới hậu quả là thị trường chứng khoán ở thủ-đô Athens giảm xuống khoảng 7% từ tháng 12/2009. Vì thiếu tiền, chính phủ Hy Lạp phải bán công khố phiếu. Nhưng tiền lời công khố phiếu so với Đức Quốc gia tăng từ 2% lên 2,5%, có nghĩa tiền lời công khố phiếu của chính phủ hiện nay là 5,7%. Vấn đề bất lợi cho chính phủ Hy Lạp là tiền lời càng cao theo yêu cầu của các nhà đầu tư, thì nợ nần tự nó càng là gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo báo Guardian của Anh quốc, sự khủng hoảng tài chính đưa tới hậu quả là nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đã rút từ 8-10 tỷ Euro ra khỏi Hy Lạp. Hành động này sẽ gây khủng hoảng mạnh trên thị trường lao động, nạn thất nghiệp gia tăng; sản xuất và xuất cảng khó phát triển.

6- Liên-hiệp Âu Châu giúp được gì?

Theo lý thuyết thì vấn đề của Hy Lạp chỉ có ảnh hưởng trong quốc gia này. Dựa vào hiệp ước Maastricht thì vấn nạn về ngân sách công của một quốc gia không bao giờ được tài trợ bởi Ngân-hàng Trung-ương Âu Châu bằng tiền bạc hay đổ nợ qua cho các quốc gia hội viên khác. Điều 101 của Hiệp Ước cấm Ngân-hàng Trung-ương tài trợ cho sự lạm phát và điều 103 cũng cấm việc các quốc gia hội viên phải gắn bó trách nhiệm đối với nợ nần của một quốc gia khác. Các điều khoản trên của Hiệp-ước nhằm ngăn ngừa các quốc gia hội viên khi gặp vấn đề lại ỷ vào Liên Hiệp, mà không cần phải trả nợ của nước mình. Nếu nhiều quốc gia làm như vậy thì Liên-hiệp Âu-châu sẽ không tránh khỏi nhiều khủng hoảng về mọi lãnh vực, và không biết lấy tiền đâu để thanh toán.
Tuy nhiên, nếu dựa vào luân lý đạo đức thì khi một quốc gia hội viên lâm nạn về tài chính, cùng chung đồng Euro, mà tập thể hay các quốc gia khác làm ngơ, thì giá trị của một Liên Hiệp nằm ở đâu? Thủ tướng Thụy Điển và nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia hội viên không nhiệt tình đưa vấn đề trợ giúp tạm thời ra bàn bạc. Nếu Hy Lạp bị phá sản thì theo dây chuyền có thể tới lượt Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trong Liên Hiệp. Như vậy, thế giới sớm muộn gì cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu Hy Lạp van xin Tầu Cộng mua công khố phiếu thì Liên-hiệp Âu-châu sẽ nghĩ gì?
Theo nguyên tắc các quốc gia tham dự vào đồng tiền chung Euro thì phải chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định kinh tế và tài chính của Liên Hiệp Âu Châu. Do đó, trong cuộc họp ngày 11/2/2010 của Liên Hiệp Âu Châu tại thủ-đô Brussels (Bruxelles) của Bỉ Quốc (Belgium), Tổng-thống Herman Van Rompy tuyên bố sẽ sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp nếu cuộc khủng hoảng nợ nần đưa tới nguy cơ phá sản.

Kết luận

Hy Lạp có thể bị phá sản như Băng Đảo hay Dubai không?
Về phía Hy Lạp thì chính phủ nước này đã quả quyết là ""Chúng tôi không là Băng Đảo kế tiếp cũng như Dubai".
*Dubai là một Bang trong số 6 Bang của Cộng-hòa Ả-rập Emirates đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ-kim để xây dựng công trình đồ sộ trị giá 582 tỷ Mỹ-kim, bao gồm các công thự nguy nga, trung tâm buôn bán đắt tiền, nhà tháp chọc trời Donald Trump cao nhất thế giới 820 mét xây tốn 100 tỷ Mỹ-kim; công viên thiên nhiên xây tốn 95 tỷ MK, hồ cá mập và cá voi chứa 1 triệu lít nước, khách sạn có 1539 phòng, tốn phí xây cất hơn 1 tỷ Mỹ-kim v.v… nhằm thu hút các nhà đầu tư Tây phương và Hoa Kỳ. Dubai cũng muốn trở thành hòn ngọc của Trung Đông với lối sống sa hoa vật chất tư bản và đầy đủ các thú vui giải trí. Nhưng toàn bộ công trình xây dựng xong bị thất bại nặng nề, vì không đạt được giấc mơ trở thành trung tâm tư bản tại Trung Đông. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đang bị khủng hoảng tài chính và là con nợ, không ai muốn đầu tư. Ngân khoản dự trữ ngoại tệ của Trung Đông chiếm tới 40% thế giới. Nếu các nước này biết dùng vào việc kinh doanh cho khu vực này thì có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong thời gian vừa qua có khoảng 70.000 khách đến để thăm Dubai chứ không phải là khách mua hàng. Dubai trên đường bị phá sản, nhưng được Abu Dhabi, thủ đô dầu hỏa của Ả Rập Emirated bỏ ra 1 tỷ Mỹ-kim để cứu vớt.
Tuy nhiên, cần phải khách quan và không nên so sánh Hy Lạp với Băng Đảo hay Dubai được. Thâm thủng ngân sách của Hy Lạp trong những năm trước là 10% GNP và năm 2008 là 15% GNP, giống trường hợp Băng Đảo trước cuộc khủng hoảng vào năm 2008. Cái giá phải trả cho bảo hiểm phần thưởng công khố phiếu, mà nhà đầu tư đòi hỏi trong trường hợp chính quyền Hy Lạp không thể trả nợ được, đã gia tăng mạnh trong một vài tuần qua và vượt xa với cái giá phải trả. Hy Lạp là hội viên của Liên-hiệp Âu châu nên không thể tự giảm giá đồng bạc bằng hình thức lạm phát, như một phương tiện giải quyết vấn đề cân bằng chi trả.
Người ta cũng có thể so sánh với các quốc gia khác. Thực tế cho thấy số nợ nần của Nhật Bản còn cao hơn trong nhiều năm trước đây, và ngay cả Hoa Kỳ sự thâm thủng ngân sách cũng sẽ gia tăng trên 100% Tổng sản lượng Quốc-gia trong những năm tới. Như vậy vấn nạn của Hy Lạp có thể không đồng nhất và không hẳn bị đe dọa nặng nề, nếu có sự hỗ trợ bằng một hình thức nào đó của Liên-hiệp Âu-châu.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
www.information.dk/223039.
www.cnn.com/2010/BUSINESS/02/11/greece.eu.deal/index.html
www.dailyfrappe.com/Default.aspx
onlinejournal.com/artman/publish/article_2911.shtml
sofiaecho.com/2010/02/11/856220_greek-general-strike-intensifies-amid-eu-meeting-in-brussels
www.cnn.com/2010/BUSINESS/02/10/greek.debt.qanda/index.html
www.msnbc.msn.com/id/35260378/ns/business-world_business/