Dân Chúa Âu Châu

Tân Tổng Thống Barack Obama đã viết lên trang sử mới

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

1-Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008:

Kể từ đầu năm 2008 cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2009-2013 bước vào giai đoạn quyết liệt. Các Ứng cử viên (ƯCV) của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã tung hàng triệu Đô-la cho cuộc vận động để được đảng đề cử là ƯCV của đảng ra tranh Tổng thống. Về đảng Dân Chủ thì cuộc vận động gay go nhất giữa Hillary Clinton và Barack Obama đã làm cho các đảng viên phân vân trong quyết định lựa chọn. Hillary Clinton, phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton đã chi phí hàng chục triệu trong cuộc vận động với hy vọng sẽ được đảng đề cử. Mặc dù nhờ uy tín và cơ cấu vận động khổng lồ của chồng trên toàn nước Mỹ, người phụ nữ Mỹ đầu tiên ra tranh cử Tổng thống đã bị thất bại trước Barack Obama.
Cuối cùng chỉ còn John McCain và Barack Obama là hai ƯCV duy nhất đại diện cho đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đã đạt tới phí tổn cao nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Số cử tri đi bầu 64,5%, con số cao nhất kể từ năm 1908 (65,7%). Có 136,6 triệu cử tri và chi phí trung bình cho mỗi cử tri là 8 Đô-la Mỹ, có nghĩa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 tốn 1.088.000.000 Đô-la (1 tỷ 88).
Trong khi Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, hàng ngàn người mua nhà và nhiều ngân hàng tín dụng bị phá sản, mà hai ỨCV đã chi phí hơn 300 triệu Đô-la cho cuộc tranh cử Tổng thống.

Theo đài truyền hình CNN ngày 29.10.2008 thì:

-ỨCV Barack Obama đã chi 25 triệu Đô-la cho 30 phút xuất hiện trên các đài truyền hình CBS, NBC, Fox và Univision vào ngày 29.10.2008, trước ngày bầu cử 4.11.2008. Có tới 33,5 triệu người Mỹ theo dõi chương trình này. Tính chung, Obama đã chi 205 triệu Đô-la cho các dịch vụ quảng cáo trên hệ thống truyền thông, không kể phí tổn dành cho việc di chuyển 4,7 triệu và ban vận động 2,8 triệu.
-ỨCV McCain cũng phải tốn phí không kém: 119 triệu Đô-la cho quảng cáo, 3 triệu cho di chuyển và 1,2 triệu cho ban vận động. ỨCV Phó Tổng thống Sarah Palin đã đem lại nụ cười duyên dáng như một luồng gió mát cho McCain khi xuất hiện trước công chúng; nhưng bông hồng tươi thắm này cũng làm cho Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hoà phàn nàn là đã xài 22.000 Đô-la trong tháng 8/2008 và tổng cộng 150.000 Đô-la cho y phục, trang sức, làm tóc và di chuyển gia đình bà trong cuộc tranh cử.

2- Kết quả:

2.1-Bầu cử Tổng thống

Ngày 4.11.2008, công dân Mỹ đã đi bầu Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Kết quả của cuộc bầu cử được đài truyền hình CNN công bố khi 99% số phiếu đã được xác nhận ngày 7.11.2008 như sau:
-Barack Obama đạt được 349 đại biểu bầu cử, với 64.975.682 phiếu, tỷ lệ: 53%
-John McCain đạt được 163 đại biểu bầu cử, với 57.118.380 phiếu, tỷ lệ: 46%

2.2-Bầu cử Quốc hội

Đảng Dân Chủ cũng toàn thắng và chiếm đa số trong Quốc hội:
-Thượng Viện (US Senate): Dân Chủ 57 ghế, Cộng Hòa: 40 ghế
-Hạ Viện (US House): Dân Chủ: 254 ghế, Cộng Hòa: 173 ghế
Đây là sự thuận lợi lớn lao đối với Tân Tổng thống Obama. Khi chính phủ đưa ra các chính sách sẽ không gặp sự chống đối đáng kể trong Quốc hội.
Theo thống kê thì đa số cử tri tuổi từ 18 tới 65, đặc biệt nữ giới và tuổi trẻ, bầu cho Barack Obama. Sự kiện này cho thấy mầu da không còn là vấn đề kỳ thị, tự do phá thai hay đồng tính luyến ái được lấy nhau và sự thay đổi chính quyền là khuynh hướng đang có ảnh hưởng mạnh trong xã hội Mỹ ngày nay.
John McCain chỉ được đa số phiếu của cử tri già trên 65 tuổi. Sự kiện này cho thấy người già còn tư tưởng bảo thủ về mầu da cũng như sự tôn trọng các giá trị luân lý đạo đức gia đình.

3-Barack Obama, một biểu tượng cho người da đen.

Có thể nói, ngày 4.11.2008, Barack Obama là người gốc gác da đen đầu tiên đã thực hiện được ước mơ của Mục sư Martin Luther King (1929-1968), một lãnh tụ da đen đầu tiên dấn thân cho cuộc đấu tranh đòi dân quyền và việc làm cho người da đen. Nhờ thấm nhuần tư tưởng đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi, cha già dân tộc của Ấn Độ, Mục sư King đã công khai dẫn đầu cuộc hành trình từ miền Nam tiến lên Thủ đô Hoa Thịnh Đốn biểu tình nhằm đòi cho người da đen được tự do, bình đẳng và việc làm, những quyền lợi đã được ghi trong tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776. Chính nhờ tranh đấu bất bạo động cho dân quyền, Mục sư King được trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình vào ngày 14.10.1964.
Năm 1963, Mục sư King đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng trong cuộc biểu tình có hơn 200.000 người tham dự trước đài kỷ niệm cố Tổng thống Abraham Lincoln, (người anh hùng giải phóng nô lệ vào năm 1863), tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C).
Bài diễn văn có câu “Tôi có một ước mơ’’ (I have a dream) đã đi vào lịch sử và được coi như lời ước nguyện của dân Mỹ da đen trong hơn 40 năm qua.

Nhân dịp này, chúng tôi tạm chuyển ý một đoạn quan trọng trong bài diễn văn. (nguyên văn bài diễn văn bằng tiếng Anh, quí độc giả có thể tìm đọc tại địa chỉ: http://en.wikipedia.org/wiki/I_Have_a_Dream.
“Tôi có một ước mơ rằng một ngày đất nước này sẽ vươn lên và sống thực với ý nghĩa của niềm tin “Chúng ta duy trì các sự thật này làm bằng chứng mọi người được sinh ra bình đẳng”.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày trên những đồi cỏ miền Georgia con cái của những người nô lệ trước đây và con cái của các chủ nộ lệ có thể ngồi với nhau bên chiếc bàn huynh đệ.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày, kể cả Tiểu bang Mississipi, một Tiểu bang oi bức vì cái nóng bất công, oi bức vì sự đàn áp, sẽ chuyển biến thành ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một ước mơ rằng bốn con nhỏ của tôi sẽ có ngày sống trong một nước, nơi đó không bị xét đoán bởi mầu da nhưng bởi đặc tính phẩm chất của chúng.
Hôm nay tôi có một ước mơ.
Tôi có một ước mơ rằng một ngày ở Alabama, với bản chất kỳ thị chủng tộc, với ông thống đốc có đôi môi nhỏ ra những từ chia cắt và tiêu diệt, một ngày ở đó, tại Alabama các trai nhỏ và bé gái da đen sẽ có thể nối vòng tay với các trai nhỏ và bé gái da trắng như anh chị em.

Hôm nay tôi có một ước mơ.

Tôi có một ước mơ rằng một ngày tất cả các thung lũng phải vương cao, các đồi núi phải làm cho thấp, những nơi gồ ghề phải san cho phẳng, những chỗ quanh co phải uốn cho ngay và vinh quang Thiên Chúa phải tỏa ra (cho mọi người được thấy) và mọi người phải nhìn biết nhau.
Đây là hy vọng của chúng ta. Đây là niềm tin mà tôi đem theo khi trở về miền Nam.
Với niềm tin này chúng ta sẽ có thể chém ngọn núi của thất vọng để lấy tảng đá hy vọng.
Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể chuyển biến những tiếng kêu bất đồng của đất nước thành một khúc nhạc hoà tấu tươi đẹp của tình huynh đệ.
Với niềm tin này, chúng ta sẽ có thể cùng làm việc, cùng cầu nguyện, cùng đấu tranh, cùng đi tù. cùng đối đầu cho tự do, hãy hiểu rằng sẽ có ngày chúng ta được tự do. Sẽ là ngày, sẽ là ngày khi tất cả con cái Thiên Chúa có thể hát với ý nghĩ mới “Quốc gia của tôi là của bạn, đất nước tự do trìu mến, tôi hát ca đất nước của bạn. Đất nước nơi mà cha tôi đã chết, đất nước hãnh diện của người lữ khách, từ các sườn núi, hãy để tự do vang lên”.
Và nếu Hoa Kỳ là một đại cường quốc, ước mơ phải thành sự thật. Và như thế hãy để tự do vang lên từ đỉnh núi vĩ đại của New Hamsphire.
Hãy để tự do vang lên từ những núi hùng vĩ của New York
Hãy để tự do vang lên từ những dẫy núi Alleghenies của Pennsylvania.
Hãy để tự do vang lên từ đỉnh núi tuyết của Colorado.
Hãy để tự do vang lên từ các sườn núi gầy guộc của California.
Nhưng không chỉ có thế,
Hãy để tự do vang lên từ điểm quan sát trên núi Tennessee.
Hãy để tự do vang lên từ mỗi đỉnh núi và bờ đê sông Mississipi, từ mỗi sườn núi.
Hãy để tự do vang lên.
Và khi nó xuất hiện, và khi chúng ta cho phép tự do vang lên, khi chúng ta để tự do vang lên từ làng mạc đến thôn xóm; từ mỗi tiểu bang đến mỗi thành thị, chúng ta sẽ có thể gia tăng tốc độ, ngày đó khi tất cả con trẻ của Thiên Chúa, người da đen và da trắng, Do Thái và không Do Thái, Tin Lành và Công Giáo, sẽ có thể nối vòng tay và hát những bài thánh ca của người da đen Phi châu xưa: “Cuối cùng (rồi cũng) tự do! Cuối cùng (rồi cũng) tự do! Cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng, cuối cùng chúng con tự do!”

Chiến dịch tranh đấu cho người nghèo và dân quyền của Mục sư Martin Luther King qua hành trình tới Thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1963 đã đưa tới thành công lớn. Hai đạo luật đã được ban hành là đạo luật dân quyền (the Civil Rights Act) năm 1964 và Quyền bầu cử (the Voting Rights Act) năm 1965.

Giấc mơ của MS King nay trở thành sự thật.

Không chỉ người Mỹ da đen gốc Phi Châu được tự do và phát triển mạnh trong các lãnh vực, đặc biệt nổi tiếng thế giới trong ngành thể thao bóng rổ, quyền Anh, quần vợt, âm nhạc, phim ảnh v.v… mà còn dấn thân trên chính trường và trở thành các nhân vật nổi danh trong chính quyền như: Đại tướng Colin Powell, cựu chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên quân, Cố vấn An Ninh Quốc gia của Tổng thống Ronald Reagan và Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống George W. Bush; nữ Giáo sư Tiến sĩ Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống George W. Bush v.v…
Nay giấc mơ đó đã vươn tới đỉnh cao nhất là chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, một chức vụ đầy quyền lực không chỉ trong nước Mỹ mà có ảnh hưởng bao trùm Thế giới. Tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, con của dòng máu Phi Châu sẽ cai trị con cháu của các chủ nô lệ da trắng gốc Âu Châu, ít nhất trong một nhiệm kỳ bốn năm và bỗng nhiên trở thành biểu tượng cho tuổi trẻ và dân da đen.

Về danh vọng thì Barack Obama không chỉ thành công trong chức vụ Tổng thống, nếu đánh giá, cái giá trị lên tới bạc tỷ. Về tiền bạc vật chất thì 3 quyển sách của Barack Obama hiện đang là những quyển sách bán chạy nhất trên thị trường, dĩ nhiên trị giá tối thiểu vài chục triệu Đô-la; chưa kể hai cô con gái là Malia 10 tuổi và Sasha 7 tuổi đã được Billy Ray Cyrus mời xuất hiện trong chương trình truyền hình dành cho trẻ em “Hannah Montan” của World Disney cùng với con gái của ông ta là nữ tài tử trẻ đẹp duyên dáng Miley Cyrus. Nếu TT. Obama và phu nhân Michelle đồng ý thì hai cháu nhỏ cũng sẽ kiếm tiền triệu. Ngoài ra, tài tử và nhà đạo diễn Edward Norton sẽ thực hiện một phim về cuộc đời Tân TT. Obama và phim sẽ ra mắt thế giới vào năm tới. Công ty truyền hình HBO đã đặt trước cả chục triệu Đô-la để được bản quyền chiếu trên hệ thống truyền hình Mỹ. Tất cả các dịch vụ bán sách, quảng cáo trên truyền hình và phim ảnh sẽ mang lại cho Tân TT. Obama hàng chục triệu Đô-la. Đúng là vừa thành danh và thành tài.

4-Thế giới vui mừng hay lo ngại?

4/1-Về phương diện chính trị và quân sự:

Nói chung, nhiều lãnh tụ trên thế giới tỏ vẻ lạc quan đối với chính sách sống chung hòa bình của Tổng thống Barack Obama. Trong toàn bộ cuộc tranh cử ỨCV Obama đã nhấn mạnh tới dân chúng Mỹ có nhiều mầu da, nhưng chúng ta đang sống trong một quốc gia mang tên “Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” thì không thể có sự phân biệt về bất cứ lãnh vực nào. Dựa trên quan điểm này thì Thế giới cũng là một “Hiệp Chủng Quốc” thì cần phải hợp tác và sống chung hòa bình.

Nguyên tắc là như vậy.

Nhưng hai sự kiện sau đây chứng tỏ chính sách của Tổng thống George W. Bush hay Barack Obama không khác nhau, khi quyền lợi của Hoa Kỳ bị tổn thương:

Sự kiện 1:

Ngày 2/8/2007, ỨCV Barack Obama đã tuyên bố trước các học giả tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson:
“Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền tiến quân vào lãnh thổ Đồng Minh Pakistan và thâu hồi tài trợ nếu Hoa Kỳ nghĩ Tổng thống Pervez Musharraf không thành công đủ trong việc chận đứng khủng bố”.
(the United States should reserve the right to invade the territory of its Pakistani allies and withdraw U.S. financial aid if it believed Pakistani President Pervez Musharraf was failing to do enough to stop terrorists).
Lời tuyên bố trên có nghĩa chính sách chống khủng bố, dĩ nhiên, sẽ đi đôi với các hành động trừng phạt bằng quân sự. Như vậy, chỉ có những quốc gia nào không chứa chấp khủng bố và quân khủng bố ngưng các cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ thì Hoa Kỳ mới không dùng biện pháp quân sự.

Sự kiện 2:

Trong bài diễn văn đọc trước quần chúng khi thắng cử trong đêm 4 rạng 5.11.2008, Tân TT. Obama đã khẳng định:
“Đối với những ai - với những ai muốn xé nát thế giới: chúng tôi sẽ đánh bại các bạn. Đối với những ai mưu tìm hòa bình và an ninh: chúng tôi hỗ trợ các bạn’’. (To those - to those who would tear the world down: We will defeat you. To those who seek peace and security: We support you).

Sau lời tuyên bố trên của Tân Tổng thống Barack Obama, ngày 6.11.2008 tờ Thời Báo (The Times) của Anh quốc đăng tin Tổng thống Nga Sô Dmitri Medvedev đã tuyên bố là sẽ đưa các giàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử đến ngoại ô thành phố Kaliningrad (là đất của Đức quốc bị mất vào tay Nga sau Thế chiến II), trong vùng biển Baltic và gần biên giới Ba Lan. Lời tuyên bố này có vẻ như một lời cảnh giác và khiêu khích để đối đầu với phòng tuyến chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ sẽ được thiết trí tại Ba Lan và Tiệp Khắc.

4/2-Về phương diện kinh tế

Bề ngoài thì các nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu, Âu châu, Phi châu, Úc châu, Trung Đông và Nam Mỹ tươi cười chúc mừng Tân Tổng thống Obama với nhiều hy vọng; nhưng trong lòng lại lo ngay ngáy, kể cả các nhà kinh doanh và tài chính.
Tại sao vậy?
Tại vì đảng Dân Chủ luôn để cao Thuyết Bảo vệ (Protectorism) trong kinh tế của Hoa Kỳ. Và chính Tổng thống Abraham Lincoln, mặc dù thuộc đảng Cộng Hoà, cũng đã áp dụng thuyết này trong cuộc Nội chiến Mỹ¸ và ông chống tự do mậu dịch. Chính sách thuế khóa và trợ giúp cũng được đảng Cộng Hòa áp dụng kéo dài tới thời kỳ TT. Eisenhower và sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

Chính sách Bảo Vệ kinh tế gồm các điểm chính sau:
-Hạn chế giao thương giữa các quốc gia.
-Đánh thuế (tariffs) các hàng hóa nhập cảng khiến cho hàng hóa ngoại quốc trở nên đắt và phí tổn nhập cảng lên cao. Như vậy sẽ giảm bớt được hàng nhập cảng của ngoại quốc, tạo điều kiện cho các công ty sản xuất trong nước có cơ hội phát triển.
-Hạn chế số lượng hàng nhập cảng (quotas) sẽ làm cho gía hàng nhập cảng lên cao trên thị trường nội địa. Hàng ngoại nhập giá cao sẽ giảm được mức cầu nhập cảng hàng ngoại quốc. Nhờ thế sản phẩm trong nước có cơ hội tràn ngập thị trường trong nước.
-Hạn chế hành chính (Administrative restricts) bằng đưa ra luật lệ và những đòi hỏi khó khăn về nhập cảng như: không làm ô uế môi trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa, hợp vệ sinh, không chứa hóa chất độc hại trong thực phẩm v.v… Biện pháp này sẽ ngăn chặn hàng hóa rẻ và phẩm chất kém của ngoại quốc.
-Tài trợ các dịch vụ về xuất cảng (Export subsidies) để giá thành sản phẩm thấp đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tài trợ các nhà kinh doanh bằng biện pháp cho vay với mức lời thấp để gia tăng khả năng sản xuất và xuất cảng và bảo vệ việc làm cho công nhân.
-Can thiệp vào thị trường hối đoái bằng cách hạ giá đồng tiền bản xứ để giá sản phẩm thấp dễ bán ra thị trường ngoại quốc.
Và nhiều biện pháp khác do chính quyền đưa ra nhằm làm giảm hàng hóa nhập cảng; cũng như ngăn chặn người ngoại quốc nắm quyền kiểm soát các thị trường và các công ty tại Hoa Kỳ.

Nhìn vào chính sách Bảo vệ, người ta có thể coi đó như một sự chống đối Toàn Cầu Hóa (anti-globalization) và đối nghịch với Tự do Mậu dịch (free trade).
Chính vì chính sách Bảo Vệ kinh tế quốc gia và hạn chế nhập cảng hàng hóa vào thị trường Mỹ mà các chính phủ và các nhà kinh doanh của các nước từ Đông sang Tây lo ngại về vấn đề xuất cảng sang Hoa Kỳ, một thị trường mà mức tiêu thụ vẫn còn đứng hàng đầu trên thế giới.
Trước khi trở thành Tổng thống, ỨCV Obama từng tuyên bố sẽ hủy bỏ hoặc xét lại các thỏa ước về thương mại. Nhìn tổng quát thì tự do giao thương làm cho kinh tế thế giới phát triển, trường hợp Việt Nam chẳng hạn. Nhưng nó lại làm cho dân Mỹ bị thất nghiệp nhiều, vì nhiều công ty sản xuất đã di chuyển cơ sở ra ngoại quốc, đặc biệt sang Trung quốc để tiết kiệm phí tổn sản xuất và lương công nhân.
Chính vì vậy mà Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization) lo ngại chính sách tự do thương mại DOHAN sẽ bị trì hoãn, các quốc gia đang trên đà phát triển kinh tế sẽ gặp khó khăn và các nước chậm tiến sẽ khó có cơ hội được “đặc quyền” bán hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Kết luận

Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ không chỉ lôi cuốn dân chúng Mỹ qua hệ thống báo chí, truyền thanh và truyền hình; mà hầu như khắp nơi trên Thế giới người ta cũng theo dõi sát nút chương trình tranh cử và kết quả của cuộc bầu cử, vì:
-Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất hiện nay trên Thế giới và bất cứ chính sách nào về chính trị và quân sự của chính quyền Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh và hòa bình trên Thế giới.
-Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia kinh tế hàng đầu Thế giới, như các chuyên gia kinh tế đã nói “Khi thị trường Hoa Kỳ hắt hơi thì thị trường thế giới sổ mũi!” (When the US market sneezes the world markets catch cold). Cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán hiện nay tại Hoa Kỳ là một bằng chứng điển hình.
-Hoa Kỳ là Đồng Minh duy nhất có khả năng tài trợ và giải phóng các dân tộc bị áp bức. Hai biến cố gần nhất là cuộc giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Tổng thống Saddam Hussein của Iraq và Kosovo khỏi sự tiêu diệt của Nam Tư (Serbia) đã chứng minh tinh thần cứu giúp của Hoa Kỳ đối với các dân tộc và quốc gia bị xâm lăng và đàn áp.
-Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể thi hành quyết định của Liên Hiệp Quốc về biện pháp trừng phạt một quốc gia không tôn trọng qui luật quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Biến cố diệt chủng tại Somalia, Congo v.v… hiện nay chưa được giải quyết thoả đáng, cũng chỉ vì Hoa Kỳ không muốn nhúng tay để mang thêm tai tiếng. Ăn cơm nhà vác ngà voi cho Thế giới không được gì, lại bị các quốc gia tự do cũng như cộng sản lên án thì chính phủ Mỹ dại gì phải hy sinh thêm xương máu của dân mình!