Dân Chúa Âu Châu

Cộng Sản Bắc Hàn công khai khiêu khích thế giới bằng cuộc thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 9.10.2006, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCNDTT) hay quen gọi là Bắc Hàn đã thử trái bom nguyên tử đầu tiên dưới lòng đất và cuộc thí nghiệm đã thành công. Hành động tiếp tục tiến hành chương trình phát triển vũ khí hạch nhân của Bắc Hàn đã tạo nên sự chống đối trên khắp thế giới. Về phương diện kỹ thuật và khoa học, đại sứ Bắc Hàn trong khi gặp báo chí tại Nữu Ước đã trả lời một cách tự hào về tài năng của các bác học nước mình và coi đây là biến cố mà thế giới nên chia vui.
Để tìm hiểu sâu xa hơn về biến cố này, chúng tôi lần lượt trình bày các vấn đề sau đây:

I- ĐÔI HÀNG VỀ TÌNH TRẠNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI CỦA BẮC HÀN.

Nhìn vào nền kinh tế của Bắc Hàn, người ta thấy tốc độ phát triển chỉ ở mức từ 1-1,5%. Tình trạng nghèo đói và suy sụp được chứng minh qua tường trình của tổ chức Lương Nông Quốc tế FAO (Foods and Agiculture Organization) với 37% trẻ em bị thiếu dinh dưỡng, 23% bị thiếu cân và 7% bị coi là “hết thuốc chữa”. Trong thập niên 1990, có khoảng 2,5 triệu người dân Bắc Hàn bị chết đói do hạn hán, lũ lụt và khả năng quản lý nông nghiệp tồi tệ.
Suốt hơn 10 năm nay, thay vì sử dụng các nguồn viện trợ từ bên ngoài để cải tạo xã hội, nâng cao mức sống của dân và phát triển kinh tế, nhà cầm quyền cộng sản nước này lại ăn bẩn, dùng tiền vào chương trình phát triển vũ khí nguyên tử. Người ta ước tính khoảng hơn 1/3 tổng sản lượng quốc nội (GDP) đã bị nhà nước sử dụng cho các hoạt động quân sự (tỉ lệ thông thường ở các quốc gia chỉ khoảng 5-9%). Dù trong những năm gặt hái được mùa, Bắc Hàn vẫn thiếu khoảng 1 triệu tấn lương thực. Riêng trong năm 2005, Nam Hàn đã phải viện trợ cho Bắc Hàn khoảng 500.000 tấn gạo.
Một vài con số nêu trên chứng tỏ nhà cầm quyền Bắc Hàn vô lương tâm, mặc kệ dân đói khổ, miễn sao họ thực hiện được chương trình chế tạo bom nguyên tử để che lấp sự nghèo đói và lạc hậu của mình!

II- TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ CỦA BẮC HÀN.

Ngày nay, các nước cộng sản cũng như các nước theo Hồi giáo vẫn đeo đuổi chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và hóa học, với mục đính chống trả cái mà họ gọi là sự bành trướng của đế quốc tư bản Hoa Kỳ; mặc dù chính sách bành trướng nhằm mục đích tự do và dân chủ hóa các quốc gia còn lạc hậu và phải sống dưới chế độ độc tài. Bắc Hàn là một trong năm nước cộng sản còn lại vẫn ngủ không yên, vì chính sách toàn cầu hóa và dân chủ hóa của Hoa Kỳ. Họ vẫn lo sợ hơn 30.000 lính Mỹ đang đóng tại vĩ tuyến 38, biên giới chia cắt Đại Hàn, sẽ bất ngờ tấn công giải phóng Bắc Hàn, như trường hợp của Iraq. Vì thế, cộng sản Bắc Hàn phải chứng minh được sức mạnh của mình để trả đũa quân đội Mỹ, nếu một cuộc giải phóng được Mỹ thực hiện. Biến cố thử bom nguyên tử không phải bất ngờ xẩy ra. Nó là kết quả của công trình nghiên cứu từ hơn 10 năm qua, trước năm 1993. Với áp lực từ phía Hoa Kỳ và thế giới, Bắc Hàn có lúc nhượng bộ, có lúc âm thầm thực hiện chương trình của mình.

Năm 1993: trước thiên tai, nghèo đói và bị áp lực của thế giới, Bắc Hàn tuyên bố hủy bỏ ý định phát triển chương trình năng lượng nguyên tử. Nhưng sau đó lại xác quyết ý định của mình.
Năm 1994: Bắc Hàn chịu ký với Hoa Kỳ về thỏa hiệp hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử, để đổi lấy sự tài trợ của quốc tế nhằm xây dựng hai lò nguyên tử nhiệt điện.
Năm 1998: vào tháng tám, Bắc Hàn phóng bốn phi đạn qua Nhật Bản, tới Thái Bình Dương và tuyên bố có khả năng bắn tới bất cứ phần lãnh thổ nào của Nhật Bản. Sau khi biểu dương lực lượng, Bắc Hàn mới chịu ngồi vào bàn hội nghị cao cấp tại Bình Nhưỡng (Pyongyang) với Hoa Kỳ để bàn về việc hủy bỏ các phương tiện chế tạo nguyên tử chôn ngầm dưới đất.
Năm 1999: Sau cuộc viếng thăm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Perry, ngày 17.9.1999, Tổng thống Bill Clinton hủy bỏ phong tỏa kinh tế Bắc Hàn. Ngày 13.9.1999 Bắc Hàn hứa ngưng các cuộc thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa. Với thiện chí này, Hoa Kỳ đã ký giao kèo 4,6 tỷ Đô-la cho chương trình thiết lập hai lò nguyên tử nhiệt điện.
Năm 2000: Bắc Hàn lại tráo trở tuyên bố tiếp tục chương trình, nếu Hoa Kỳ không bồi thường cho sự tổn thất điện lực gây ra do hậu quả chậm trễ trong việc xây cất hai lò nguyên tử.
Năm 2001: vào tháng sáu, Bắc Hàn tuyên bố sẽ thử hỏa tiễn, nếu Tổng thống George W. Bush không tái bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Không được Hoa Kỳ đáp ứng yêu cầu, Bắc Hàn thí nghiệm hỏa tiễn tầm ngắn Taepodong-1 vào tháng 11. Tháng 12, TT. Mỹ cảnh cáo Iraq và Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm, nếu hai nước này sản xuất vũ khí giết người hàng loạt và cung cấp cho quân khủng bố.

Năm 2002: Ngày 29.1.2002, TT. George W. Bush lên án ba nước Bắc Hàn, Iran và Iraq là “Trục độc ác”(the Axis of Evil), vì có hành động tiếp tay cho khủng bố. Tháng 10, Hoa Kỳ tố cáo Bắc Hàn bí mật tiến hành chương trình vũ khí nguyên tử, như vậy vi phạm thỏa hiệp năm 1994. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn hủy bỏ việc cung cấp dầu hỏa cho Bắc Hàn. Quyết định này đưa tới hậu quả là Bắc Hàn tháo bỏ các dấu niêm và máy ảnh kiểm soát của Nguyên Tử Cuộc Thế giới (IAEA), đồng thời trục xuất các phái đoàn thanh tra của tổ chức này.
Năm 2003: ngày 10.1.2003, Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Nguyên tử. Ngày 12.2.2003, Nguyên Tử Cuộc Thế giới đưa vấn đề Bắc Hàn ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngày 24.2.2003, Bắc Hàn lại khiêu khích bằng cách thí nghiệm hỏa tiễn từ lục địa chống chiến hạm giữa quần đảo Đại Hàn và Nhật Bản. Trước tình trạng có thể gây nên cuộc thi đua vũ trang tại Á châu, thế giới và Hoa Kỳ làm áp lực mạnh đối với Bắc Hàn. Kết quả đưa tới là tháng 8, Hoa Kỳ, Nam Hàn, Trung Cộng, Nhật Bản và Nga Sô tái ngồi vào bàn hội nghị với Bắc Hàn.
Năm 2004: vào tháng 2, sáu quốc gia tham dự cuộc họp lần hai, nhưng không đưa tới kết quả thực tiễn nào và cuộc họp thứ ba diễn ra vào tháng sáu cũng không thành công. Tháng 8.2004, Bắc Hàn lại đòi viện trợ, giảm phong tỏa kinh tế và xóa tên trong danh sách quốc gia hỗ trợ khủng bố của Hoa Kỳ. Về phía Mỹø thì Hoa Kỳ đòi Bắc Hàn phải mở cửa cho các phái đoàn thanh tra tới kiểm soát.

Năm 2005: tháng 2, Bắc Hàn lại tuyên bố sẽ hủy bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, nếu Hoa Kỳ cam kết không lật đổ chế độ này.
Năm 2006, tháng 4, Bắc Hàn chịu ngồi vào bàn hội thảo nếu Hoa Kỳ không phong tỏa các ngân khoản họ gửi tại ngân hàng Macau, Trung Cộng và Mông Cổ. Tháng 7, Bắc Hàn lại thử thêm 6 hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn tầm xa Taepodong-2, có thể bay tới phía Tây của Hoa Kỳ. Nhưng vụ thử hỏa tiễn này bị thất bại, rơi ngay sau khi được phóng lên 40 giây. Hoa Kỳ đã lên án Bắc Hàn cố tình khiêu khích trong vụ này. Ngày 6.10.2006, Bắc Hàn tuyên bố thành công trong việc thí nghiệm trái nguyên tử đầu tiên dưới lòng đất.
Đây là hành động trực tiếp phản lại những hứa hẹn trên đầu môi chóp lưỡi của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn. Và đây cũng là bản chất của các chế độ cộng sản.
Sở dĩ chúng tôi phải chứng minh dài dòng về tiến trình ngoại giao và đàm phán giữa Hoa Kỳ và các quốc gia với Bắc Hàn không ngoài mục đích chứng minh sự kiện “lưu manh và ngoan cố” của cộng sản Bắc Hàn. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy Hoa Kỳ và Đồng minh Tây phương thường bị thua trong các cuộc đàm phán, chỉ vì chia rẽ nội bộ chần chừ trong việc đưa tới quyết định trừng phạt một chế độ độc tài và tàn ác.

III- NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẮC HÀN ĐEO ĐUỔI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ.

Trung tâm phát triển và sản xuất bom nguyên tử của Bắc Hàn đặt tại Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng chừng 100 cây số về phía Bắc. Cơ sở này bao gồm một lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt và một nhà máy chế biến plutonium để cung cấp nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất vũ khí nguyên tử, từ những thanh nhiên liệu đã chế biến.
Câu trả lời cho vấn đề tại sao Bắc Hàn cố tình đeo đuổi mục đích chế tạo bom nguyên tử là:
- Bắc Hàn muốn vấn đề của mình được nghiêm chỉnh cứu xét trong các cuộc thương lượng về vấn đề tài giảm binh bị và muốn Mỹ cùng các quốc gia khác phải nhượng bộ yêu sách của Bắc Hàn về chính trị và kinh tế.
-Hậu quả tức khắc của cuộc thí nghiệm là tạo nên sự căng thẳng chính trị và làm sáng tỏ vai trò của Bắc Hàn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, làm sáng giá thêm vai trò của Bắc Hàn tại diễn đàn khu vực như: Tổ chức Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia vùng Đông Nam Á (ASEAN).
- Vụ nổ bom nguyên tử đã mở thêm lỗ hổng đối với chương trình hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử và trực tiếp khuyến khích việc thi đua vũ trang tại Á châu. Nhật Bản có thể quyết định phát triển vũ khí hạch nhân như một phương tiện ngăn chặn mọi sự tấn công vào lãnh thổ mình. Nam Hàn, Đài Loan và Việt Nam có thể viện cớ chạy đua vũ trang. Như vậy, vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ ở châu Á sẽ không còn ảnh hưởng mạnh, vì mỗi nước đều có thể phòng thủ và trả đũa các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử. Như vậy, cả khu vực sẽ bị hủy hoại nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử xẩy ra.
-Vụ thử bom nguyên tử, nếu nhìn bề ngoài, người ta thấy ảnh hưởng của Trung cộng đối với Bắc Hàn bị suy giảm phần nào. Trung Quốc không kiềm chế nổi hay không muốn kiểm soát đàn em, để rồi nay có thể bị áp lực từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc phải cắt giảm hay ngừng chuyên chở dầu hỏa và viện trợ thực phẩm cho Bình Nhưỡng.
-Cuộc khủng hoảng sẽ khuyến khích nhiều nước nuôi mộng ước chế tạo bom nguyên tử sẽ tiến hành kế hoạch của mình. Iran là một ví dụ. Liên Hiệp Quốc có thể trở thành bất lực hay bị yếu đi, nếu không có biện pháp trừng phạt có hiệu quả đối với biến cố này.

IV- BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA THẾ GIỚI

Liên Hiệp Quốc: Ngày 14.10.2006, với số phiếu 15.0, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) đã ban hành quyết định trừng phạt Bắc Hàn, sau vụ nước này thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên. Quyết định này có liên quan tới các QĐ 825 (1993), QĐ1540 (2004) và QĐ 1695 (2006). Nội dung quyết định khá dài, vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ nêu lên một số điểm chính yếu dưới đây:
-Lên án cuộc thử bom nguyên tử được Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (CHDCNDTT) tuyên bố ngày 9.10.2006. Hành động này không tôn trọng các quyết định 1695 (2006), cũng như lời phát biểu của chủ tịch HĐBA ngày 6.10.2006 về việc thử bom nguyên tử sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án, vì đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới.
-Yêu cầu CHDCNDTT không tiếp tục thử bom nguyên tử và phóng hỏa tiễn.
-Yêu cầu CHDCNDTT rút lại lời tuyên bố rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí nguyên tử.
-Yêu cầu CHDCNDTT trở lại hiệp ước không phát triển vũ khí nguyên tử, tôn trọng việc giám sát của Quốc tế Nguyên tử Cục và chú tâm về sự cần thiết đối với tất cả các quốc gia tham dự vào hiệp định, để tiếp tục chu toàn các nhiệm vụ do hiệp định qui định.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ các hoạt động liên quan tới chương trình hỏa tiễn và phóng hỏa tiễn.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ tất cả vũ khí nguyên tử và các chương trình nguyên tử hiện tồn tại theo tinh thần hiệp định không phát triển vũ khí nguyên tử như đã thỏa thuận và phải cung cấp phương tiêïn, tài liệu theo yêu cầu của Quốc tế Nguyên tử Cục.
-Quyết định: CHDCNDTT phải hủy bỏ tất cả các loại vũ khí giết người hàng loạt và chương trình hỏa tiễn đã hay chưa hoàn tất.
-Quyết định: các quốc gia hội viên LHQ phải ngăn chặn sự tiếp tế trực tiếp hay gián tiếp, cung cấp hoặc chuyển nhượng cho CHDCNDTT, qua lãnh thổ mình hay từ quốc gia mình, hoặc sử dụng tầu thủy hay máy bay mang quốc kỳ nước mình…
-Bất cứ loại xe tăng, chiến xa, hệ thống pháo binh hạng nặng, phi cơ chiến đấu, trực thăng chiến đấu, chiến hạm, hỏa tiễn và hệ thống phóng hỏa tiễn …
-Các vật dụng, trang bị, hàng hóa, và kỹ thuật được qui định trong danh sách tài liệu S/2006/814 và 815; và xa xỉ phẩm.
-CHDCNDTT không được phép xuất nhập các vật dụng nêu trên và các quốc gia hội viên phải cấm nhập cảng các hàng hóa của CHDCNDTT.
-Các quốc gia hội viên phải ngăn chặn chương trình huấn luyện kỹ thuật, cố vấn, dịch vụ hay các sự trợ giúp liên quan tới kỹ nghệ sản xuất, phương tiện; phong tỏa các trương mục, các dịch vụ tài chính khác và nguồn kinh tế hay các vật liệu liên quan tới bom nguyên tử, hóa học và vi trùng.
-Mời gọi và cổ võ các cố gắng của sáu quốc gia trở lại bàn hội nghị gồm Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Nam Hàn, Nhật Bản, Nga Sô và Hoa Kỳ.
Qua quyết định trên của HĐBA/LHQ, người ta không thấy biện pháp trừng phạt bằng quân sự. Như vậy, một cuộc tấn công lật đổ chế độ cộng sản Bắc Hàn sẽ chưa thể xẩy ra. Trừ khi chủ tịch Kim Chính Nhất (Kim Yong Il) ngông cuồng tấn công quân Mỹ tại vĩ tuyến 38 hoặc chiến hạm Mỹ đang di chuyển trên hải phận quốc tế. Bao giờ quyết định trên có hiệu lực cũng không thấy ghi rõ trong văn bản. Thực tế cho thấy Trung Cộng giáp biên giới với Bắc Hàn và hai nước cộng sản anh em này không thể rời bỏ nhau thì vấn đề phong tỏa của LHQ làm sao có hiệu lực?

V- ẢNH HƯỞNG TAI HẠI SAU VỤ THÍ NGHIỆM BOM NGUYÊN TỬ

Các loại cổ phiếu ở châu Á đã giảm giá mạnh do vụ thử hạt nhân. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 2,6%. Đồng Won của Nam Hàn giảm giá mạnh, từ 949 xuống 963 Won/ Đô-la. Trong khi đó, trị giá đồng Yen của Nhật Bản cũng xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua: 119,29 Yen/Đô-la. Thị trường Hương Cảng, Tân Gia Ba, Úc, Sydney, Nam Dương, Mã Lai và Phi Luật Tân cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởngï.

Vụ thử bom nguyên tử tạo nên sự lo sợ và nghi ngại của giới đầu tư, vì an ninh và mức độ giảm giá sẽ còn bị khủng hoảng trong những ngày tới. Thị trường tiền tệ của châu Á xuống giá do các nhà đầu tư tìm mua Mỹ kim để tránh tình trạng bất ổn trên thị trường hiện nay. Thị trường tài chính Nam Hàn được dự đoán là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là Nhật Bản, vì hai quốc gia này là thù địch đối với Bắc Hàn. Nam Hàn hiện nay đứng hạng 10 về kinh tế trên thế giới. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, kể cả việc cung cấp thêm tiền mặt, để ổn định thị trường tài chính. Theo các nhà bình luận thời cuộc dự đoán thì các thị trường châu Á sẽ tiếp tục biến động. Trên thị trường hàng hóa, giá dầu và giá vàng đều tăng trở lại. Giá dầu thô tại Nữu Ước tăng trên 60,46 Đô-la/thùng, giá vàng tăng 1% lên 579,40 Đô-la/ounce.

VI- HOA KỲ KHÔNG LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI BẮC HÀN

Ngày 10.10, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tấn công Bắc Hàn, Tổng thống Bush cũng không có quyết định lật đổ chế độ cộng sản Bắc Hàn. Lời xác quyết của chính phủ Mỹ nhằm chứng minh rằng, Bình Nhưỡng có thể an tâm, không cần thí nghiệm bom nguyên tử thêm để phòng thủ và không sợ một cuộc xâm lược kiểu Iraq của Mỹ.
Về khả năng phát triển hạch nhân của Bắc Hàn, một chuyên gia tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng vụ thử mang tính cách chính trị nhiều hơn, vì cần hàng chục thử nghiệm như vậy mới có thể tạo ra được bom nguyên tử và sẽ cần nhiều thử nghiệm nữa để có thể thu nhỏ quả bom đó xuống mức độ có thể sử dụng được.
Ấn Độ cần khoảng 24 năm từ khi tiến hành vụ thử đầu tiên cho đến khi thực hiện thí nghiệm thành công đầu đạn nguyên tử vào năm 1998.

KẾT LUẬN

Theo tin tức từ Kyoto tại Nhật Bản thì Mỹ đã phát hiện được âm mưu chuyển tiền của Bắc Hàn vào các trương mục của ngân hàng ngoại quốc. Ngân hàng Tanchon Commercial Bank của Bắc Hàn đã gửi cả tiền Đô-la Mỹ và Euro của Liên Hiệp Âu châu tại ngân hàng Thương mại Quân sự Việt Nam (Military commercial Bank). Sự kiện này được ngân hàng quân sự VN công khai xác nhận sau quyết định của Ngân hàng Trung ương VN, khi có sự yêu cầu của chính quyền Mỹ. Ngân hàng Tanchon đã bị từ chối không cho tham dự vào dịch vụ tài chánh và kinh doanh của Hoa Kỳ, vì bị nghi ngờ chuyển tiền cho chương trình phát triển và chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, số tiền ký thác của Bắc Hàn sau đó được nhanh chóng chuyển qua các ngân hàng khác, trong đó có ngân hàng của Đức và ngân hàng Ngoại thương VN (the Bank for Foreign Trade of VN, hoặc Vietcombank).

Trước đây, ngân hàng Banco Delta Asia SARL của Macao cũng được chính quyền Mỹ yêu cầu phong tỏa trương mục của Bắc Hàn vào tháng 9.2005. Theo tin tình báo tài chính thì ngân hàng của Bắc Hàn đã ký thác khoảng 23 trương mục tại 10 quốc gia, kể cả ở Nga sô; trong đó có 10 trương mục tại VN. Chính vì vậy mà chính quyền Mỹ yêu cầu các quốâc gia hội viên Liên Hiệp Quốc phong tỏa tất cả các trương mục đáng nghi ngờ của các ngân hàng Bắc Hàn. Trong chuyến công du Việt Nam vào tháng bẩy vừa qua, Bộ trưởng ngân khố Mỹ, Stuart Levey, đã yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hợp tác trong việc điều tra và phong tỏa các trương mục ngân hàng đáng nghi ngờ của Bắc Hàn.

Sự kiện trên cho thấy có một thỏa hiệp ngấm ngầm nào đó giữa hai nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn và Việt Nam. Biết đâu trong tương lai Việt Nam đãõ giúp Bắc Hàn về tài chính sẽ nhận được sự giúp đỡ chế tạo bom nguyên tử? Như vậy, có thể VN sẽ là nước thử bom nguyên tử kế tiếp, sau Bắc Hàn?
Sự kiện tuyên bố nêu trên của chính phủ Mỹ chứng tỏ Hoa Kỳ chỉ là “con cọp giấy” như Mao Trạch Đông đã từng chê bai. Quốc gia nào không có bom nguyên tử thì Mỹ hù. Quốc gia nào có bom nguyên tử thì Mỹ mời vào bàn hội nghị. Chính sách “Con lừa và củ cà rốt” của Hoa Kỳ không hiệu nghiệm đối với các nước cộng sản. Họ “lì lợm, chịu đấm ăn xôi” và bao nhiêu cà rốt đưa ra họ cứ đớp mà không sợ bị nhục, chứ không nghe Mỹ để hủy bỏ ý đồ thâm độc.

Việt Nam vẫn còn là bài học quí giá cho các chính quyền Mỹ về cái gọi là “thiện chí hòa bình!”
Nay Bắc Hàn sẽ là trái bồ hòn mà Tổng thống George W. Bush có lẽ phải ngậm suốt đời, vì sự thất bại trong chính sách ngoại giao đối với các nước cộng sản.