Dân Chúa Âu Châu

thanh than chuaSự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
"Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy".

* Thánh nhân sinh năm 295 tại A-lê-xan-ri-a. Người cộng tác, rồi kế vị giám mục A-lê-xan-ri-a. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại công đồng Ni-xê-a. Cũng vì đó người bị công kích khắp nơi. Nhưng dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373

Lời Chúa: Ga 15, 26-16, 4
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần
Trong thế gian, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện vô hình và chứng tá của Chúa Thánh Thần cho Chúa Giêsu được thể hiện, được nhìn thấy nơi chứng tá của các môn đệ cho Chúa. Và như vừa nói trên, chứng tá này không phải là điều dễ dàng. Ðây là con đường nhỏ hẹp, gặp nhiều gian nan, thử thách. Theo Chúa đích thực làm cho ta ra khỏi thế gian và vì thế mà bị thế gian ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong những lúc gian nan thử thách như vậy, trong những giây phút cảm thấy trống rỗng và đau khổ trong cuộc đời của người đồ đệ, Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ, mà Chúa Giêsu sai xuống từ Thiên Chúa Cha, Ðấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ và trợ giúp họ, để các ngài được luôn trung thành làm chứng cho Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các môn đệ là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của đồ đệ giữa những thử thách trên trần gian. Và chúng ta nhìn thấy điều này khi đọc qua những trang sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các tông đồ như được biến đổi hoàn toàn, từ lo sợ chạy trốn, chuyển sang can đảm, sẵn sàng hy sinh và cương quyết phục vụ. Trong lúc gặp thử thách, trước mặt những người quyền thế ngăn cấm không được làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, các tông đồ can đảm trả lời công khai: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người".
Người Kitô hôm nay, đồ đệ của Chúa Giêsu, cần xét lại thái độ sống chứng nhân của mình. Có hai thái cực cần tránh đi, không thể có thái độ vênh vang tự đắc, cũng không được qụy lụy chiều theo qui mô của kẻ chống đối Chúa, cần sống khiêm tốn nhưng đồng thời can đảm mạnh mẽ trong việc phục vụ, chấp nhận phiền phức mà trong lòng vẫn vui tươi. Ðây là kinh nghiệm sống chứng nhân của thánh Phaolô tông đồ khi ngài tâm sự trong thư thứ hai Corintô chương 4, câu 7 và các câu tiếp theo như sau: "Thiên Chúa làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên dung mạo Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, gian nan nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi".
Tóm lại, làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu Kitô. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã mời gọi chúng con làm chứng cho Chúa. Xin thương ban ơn nâng đỡ chúng con, nhất là trong những lúc gian nan thử thách, tin tưởng vào Lời chúa và với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con muốn làm chứng cho Chúa và chứng tỏ cho anh chị em biết rằng chúng con biết Chúa và yêu mến Chúa thực tình. Chính vì biết Chúa và yêu mến Chúa thật tình nên chúng con dấn thân làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

SUY NIỆM 2: Trách nhiệm với Đức Kitô
Toàn bộ Tin mừng thánh Gio-an được coi như một vở kịch trình bày một phiên tòa với những ngôn từ: Chứng nhân, quan án, trạng sư, bảo trợ, bào chữa, tố cáo, chiến thắng ... Đấng Bảo trợ đến tố cáo và xét xử thế gian vì họ tố cáo và xét xử sai lầm về Đức Giêsu. Thần chân lý đến với những dấu chỉ và công việc đầy nhân ái, nhưng người Do thái không biết đón nhận Ngài. Họ từ khước ánh sáng và họ bị kết án ở trong tối tăm. Chính họ đã kết án Đức Giêsu là sự sáng, nhưng Thánh Thần, Đấng bào chữa cho Đức Giêsu sẽ chỉ cho Giáo hội biết đến cùng Đấng có lý.
Nhờ Ngài làm chứng và soi sáng cho chúng ta, là những Kitô hữu, biết nhận ra trách nhiệm của mình đối với Đức Kitô, để trở nên giống hình ảnh Đức Kitô đi loan báo Tin mừng cho thế giới. Mỗi Kitô hữu phải là hình ảnh của Đức Kitô hiện diện trong thế giới, vì Đức Kitô sống lại không còn là Đức Giêsu đi lại cô độc ở Ga-li-lê và cầu nguyện cô đơn trong nơi thanh vắng của núi rừng hoang địa. Người chỉ hiện diện nơi các chứng nhân của Người. Đức Kitô cần nhờ các tín hữu để nói với thế gian như Người đã nói với Phao-lô: "Sao ngươi bắt Ta?". Đức Giêsu sẽ không làm được gì nếu Người chỉ ở trên trời ngự trên ngai tòa bên hữu Đức Chúa Cha. Vì thế, cần phải thêm rằng Người đang hoạt động trên trái đất cùng với những ai đi rao giảng lời Ngài (Mc. 16, 19-20). Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Người cần có những kẻ được cứu chuộc. Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến như đã hứa ở bài này, cần có nhiều người đón nhận Ngài và với Ngài trở nên những chứng nhân làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt loài người (Cv. 5, 32).
Như thế Tin mừng thánh Gio-an thúc đẩy chúng ta hiện tại hóa lời luận chứng xưa thành lời chứng mãi mãi, để làm sống lại vở kịch đầy xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, sự sống và sự chết, chân lý và giả dối, đồng thời không ngừng đặt chúng ta trước giờ Đức Kitô bị kết án, bị giết chết, này trở nên Đấng phán xét và sống lại, trở nên Đấng Kitô đang hiện diện trong các kẻ tin nhờ Thánh Thần.
LP.

SUY NIỆM 2: Thập Giá và Đức Kitô
Tại một trung tâm truyền giáo bên Italia, người ta đọc thấy một bài thơ với nội dung như sau: Bạn thân mến, tôi đã tìm một Thập giá. Một hôm tại tiệm bán đồ cổ, tôi đã mua được một tượng Đức Kitô, đây là Đức Kitô tuyệt đẹp nhưng sứt mẻ và bơ vơ vì bị tách lìa khỏi Thập Giá. Tôi chợt nghĩ không chừng bạn đang có một Thập giá, nhưng là một Thập giá trơ trụi không có Đức Kitô. Đức Kitô của tôi không có nơi ngơi nghỉ vì thiếu Thập giá, còn Thập giá của bạn thì lại thiếu Đức Kitô. Đức Kitô không Thập giá và Thập giá không Đức Kitô. Tôi xin đề nghị với bạn: tại sao chúng ta không liên kết cả hai lại? Tại sao bạn không trao Thập giá trống trơn của bạn cho Đức Kitô? Bạn chỉ có một thập giá đơn độc trống rỗng lạnh giá vô nghĩa, một Thập giá không có Đức Kitô. Hẳn bạn đã hiểu đau khổ như thế là vô lý, tôi không hiểu được tại sao bạn lại chịu đau khổ như thế từ bao lâu nay. Một thập giá không có Đức Kitô là một tra tấn, là nguyên nhân dẫn đến thất vọng. Giờ đây bạn đã có liều thuốc trong tay, bạn sẽ không còn đơn phương chịu đau khổ nữa. Bạn hãy trao cho tôi Thập giá trống không của bạn, tôi sẽ trao cho bạn Đức Kitô sứt mẻ của tôi. Bạn hãy trao Thập giá và hãy đón nhận Đức Kitô, rồi bạn sẽ thấy mọi sự đổi thay, bạn sẽ không còn đơn độc trong đau khổ, bởi vì trong Thập giá của bạn có Đức Kitô.
Bách hại, khổ đau là phần số gắn liền với ơn gọi Kitô hữu. Trong những giây phút cuối cùng ngồi bên các môn đệ, Chúa Giêsu không những loan báo cuộc tử nạn của Ngài, mà còn báo trước những khổ đau mà họ sẽ trải qua vì mang Danh Ngài. Ngài sẽ tiếp tục hiện diện ấy càng rõ nét hơn qua chính những khổ đau mà các môn đệ Ngài sẽ trải qua. Một cách nào đó, vụ án của Chúa Giêsu sẽ tiếp tục trong chính các môn đệ của Ngài. Thế gian đã kết án Chua Giêsu và do đó trút hận thù lên các môn đệ của Ngài. Thật ra, không phải thế gian xét xử Chua Giêsu, mà chính Ngài xét xử thế gian. Cuộc tử nạn và cái chết của Chua Giêsu là một tố cáo về chính tội ác của thế gian. Qua cuộc tử nạn dưới nhiều hình thức mà các môn đệ Đức Kitô phải trải qua trên khắp thế giới và suốt lịch sử nhân lọai, sự xét xử của Chúa Giêsu đang tiếp diễn, tội ác của con người được tiếp tục phơi bày qua những khổ đau mà các môn đệ Đức Kitô phải gánh chịu vì niềm tin của họ.
Nhưng Chúa Giêsu không đến để luận phạt thế gian. Ngài đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cuộc tử nạn và cái chết của Ngài mạc khải cho nhân lạo gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và ngày nay qua cuộc tử nạn của các môn đệ Ngài, gương mặt yêu thương của Thiên Chúa lại tiếp tục được sáng tỏ. Qua cuộc tử nạn ấy, con người mới nhận thấy rằng chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù, chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tình yêu chiến thắng hận thù, tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, tình yêu ấy người môn đệ chỉ có thể múc lấy từ Đức Kitô mà thôi. Ngài là Đấng Phục Sinh, Ngài đang hiện diện trong tâm hồn các môn đệ Ngài. Hãy để cho Ngài được hiện diện và đồng hành với ta, hãy để cho Ngài được tiếp tục dự phần vào thập giá của ta mỗi ngày, khi ấy cuộc sống sẽ mãi mãi có ý nghĩa, khổ đau sẽ có sức thanh luyện, và tình yêu sẽ chiến thắng hận thù.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')