Dân Chúa Âu Châu

Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán.

Thứ tư tuần 24 thường niên – Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

* Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.

Lời Chúa: Lc 7, 31-35
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. "Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc". Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán
Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Bất tín kinh niên
“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai?
Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:
Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.” (Lc. 7, 31-32)
Dù là ai, dù làm thế nào cũng luôn luôn có những kẻ chối bỏ mọi thứ, chối bỏ tất cả. Đó là trường hợp một số những kẻ đồng hương của Đức Kitô, họ mang bệnh kinh niên không tin gì hết, chối bỏ mọi chứng cớ hiển nhiên tới cùng. Đức Kitô gọi họ là “Dòng giống này”, một từ ngữ mang tính chất phán xét. Họ vẫn có ảo tưởng về một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trong bốn mươi năm vượt sa mạc dầu được hưởng bao nhiêu phép lạ họ chứng kiến rõ ràng, họ vẫn không muốn theo Chúa.
Đức Giêsu so sánh họ với lũ trẻ ranh con quậy phá cứng đầu ngoài chợ. Chúng chơi dỡn để làm cho nhiều người múa nhảy, mà không ai theo, chúng hát bài đưa ma để làm cho người ta khóc, mà không ai thèm khóc. Chắc hẳn Đức Kitô muốn nói quá về những quậy phá của hạng người tai to mặt lớn quá ngu muội trong dụ ngôn nực cười này.
Khi kém lòng tin, không gì có thể mở tai mở mắt cho họ được. Ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đến và sống khắc khổ đến nỗi không ăn bánh, không uống rượu, họ xử với ông như kẻ bị quỷ ám. Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đến ăn uống như mọi người, không phải để hùa theo kẻ mê ăn uống, nhưng họ coi Người là tay ăn nhậu và họ xỉ nhục tố cáo Người là bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. “Bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” đó là điều Đức Kitô muốn và đó là lý do Người đến trần gian: để cứu chữa những người tội lỗi và tật xấu. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại điều đó, nhất là bằng việc làm. Điều đó làm cho kẻ chống đối và bất tín kinh niên giận dữ cho đến tận thế, những ai muốn theo Đức Kitô trên con đường này, đều vấp phải tâm thức trẻ con cố chấp này. Họ không bao giờ có lòng thương xót tha thứ. Giáo Hội biết rõ thế và đã quyết chí trở về với con đường của Đức Giêsu.
GF

Suy niệm 3:

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?

Cầu nguyện :

Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)