Dân Chúa Âu Châu

Lòng tin chữa lành.

Thứ Hai tuần 14 thường niên.

"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".

Lời Chúa: Mt 9, 18-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Thiên Chúa yêu thương con người
Với tựa đề: "Nơi Chúa, họ tin tưởng", tuần báo Kinh Tế Viễn Ðông số tháng 6/1996 dành hai trang để nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Việt Nam. Tựa đề của bài báo lấy lại dòng chữ mà người Mỹ vốn cho in trên đồng tiền của họ: "Nơi Chúa, chúng tôi đặt tin tưởng".
Nếu với người Mỹ, Chúa là một ngôi vị cá biệt, thì Chúa theo tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông lại là thể hiện của một nhu cầu tôn giáo cơ bản nhất của con người, không gì có thể dập tắt nổi.
Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: "Ðức tin của con đã cứu chữa con", nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một đức tin sáng suốt để chúng ta không ngừng nhận ra tình yêu của Chúa và dâng lời cảm tạ Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Cầu xin liền đấy… mà đâu có được ngay
Người còn đang nói với họ như thế, thì kìa, một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống lại.” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. (Mt. 9, 18-19)
Từ lòng tin… đến phép lạ
Đọc các sách Phúc âm, đôi khi người ta có cảm tưởng rằng mọi chuyện xảy ra như do phép mầu vậy. Có những người có lòng tin Chúa Giêsu rất mạnh. Họ ngỏ lời thỉnh cầu Chúa, và hầu như điều họ ước muốn đều được thực hiện liền. Điển hình như hai trường hợp được kể lại trong Phúc âm hôm nay.
Khi nghe những câu chuyện tương tự như trên, có thể là chúng ta đã muốn mơ tưởng đến một thời mà kẻ có lòng tin chân thành đều mau chóng được tưởng thưởng. Nhưng ta đừng quá mơ mộng. Không phải cứ có được lòng tin thật tinh tuyền là nhất thiết được ơn phép lạ đâu. Lòng tin không luôn luôn dẫn đến phép lạ. Phúc âm tuy có kể lại nhiều trường hợp kẻ xin được ban ơn ngay do lòng họ tin. Nhưng ai có thể kể được là bao nhiêu những con người mà Phúc âm đã không nói đến, họ là những kẻ đã trong chờ từ lâu, rất lâu, thế mà Chúa vẫn chưa đáp lời họ kêu xin? Ai có thể đếm được là bao nhiêu số người chưa bao giờ được lành bệnh, dầu rằng họ đã thiết tha van xin Chúa với lòng tin sâu xa?
Tin không cần phép lạ
Ta đừng sợ phải cầu xin nhiều, thật nhiều với Chúa. Phải dám cầu xin cả những sự không thể được nữa. Nhưng đừng nghĩ rằng ngay khi ta vừa có lòng tin thực là phép lạ sẽ xảy ra đâu. Chúa đáp lại lời ta cầu xin khi nào và như thế nào là thuộc quyền Chúa. Người nhận lời kẻ này mà không đáp lời người kia. Chỉ có những lời cầu nguyện này mà Chúa luôn luôn đáp lại; đó là những lời cầu nguyện giúp mở lòng ta ra hơn với Chúa, giúp ta biết đón nhận và thực hành ý Chúa hoàn toàn hơn; đó là những lời cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến ở trần gian. Đức tin tinh tuyền không phải là đức tin trông mong có phép lạ, đó là lòng tin đưa đến kính mến Chúa nhiều hơn và yêu thương anh em nhiều hơn.

Suy niệm 3:

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.
Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,
nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.
Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:
“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).
Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.
Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.
Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.
Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.
Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.
Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).
Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.
Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.
Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,
và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.
Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé:
“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy !” (c. 24).
Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.
Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.
Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã trỗi dậy (c. 25).
Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.
Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?
Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.
Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.
Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,
bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.
Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá:
“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).
Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,
nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.
Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).
Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.
Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).
Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.
Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.
Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,
bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.
Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.
Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm 4:

1. Thân phận con người
Bải Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay kể lại biến cố Đức Giê-su thực hiện một lúc hai phép lạ, một chữa bệnh và một làm cho sống lại; những phép lạ này liên quan đến hai nghịch cảnh trong cuộc sống:

Người cha có đứa con gái mới 12 tuổi đã chết. Sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là nỗi đau của bố, của mẹ, của cả nhà.Theo lời kể của Thánh Mát-thêu, em bé đã chết rồi, còn theo các thánh sử Mác-cô và Luca (Mc 5, 21-43; Lc 8, 40-56), lúc người cha xin Đức Giêsu thì em bé chưa chết; nhưng lúc Ngài đang trên đường tới nhà, cháu bé mới chết. Chi tiết này làm bật lên nỗi đau của người bố và của cả gia đình là một nỗi đau kéo dài.
Người phụ nữ, có lẽ đã lớn tuổi, mang một thứ bệnh kín đáo trong người đã 12 năm. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có những thứ bệnh ai cũng biết, nhưng cũng có những thứ bệnh chỉ có một mình biết, kéo dài, nỗi đau triền miên.
Hai nghịch cảnh, hai lứa tuổi nói cho chúng ta thật nhiều về thân phận và những vấn đề lớn của con người: bệnh tật và cuối cùng là cái chết, có thể xẩy ra ở bất cứ lứa tuổi nào; bệnh tật và sự chết làm bật lên sự liên đới của nhiều người; bệnh tật và sự chết là điều không thể tránh được, là giới hạn con người không thể vượt qua, vì thế tất yếu dẫn con người đến vấn đề Thiên Chúa, và buộc phải lựa chọn tin hay không tin.

Và Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta biết cách Thiên Chúa, ngang qua Đức Giêsu-Ki-tô, liên đới với thân phận con người như thế nào, với đau khổ và cả sự chết.

2. Lòng tin

a. Để được chữa lành, Chúa cần lòng tin và chỉ cần lòng tin mà thôi. Lòng tin của người phụ nữ thật đơn sơ, nhưng mạnh mẽ: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. Ở những nơi hành hương, người ta vẫn thể hiện lòng tin bằng cách đụng vào các bức tượng hay thánh tích. Tuy nhiên, ơn chữa lành đã không xẩy ra khi bà thực hiện hành động này, nhưng chỉ xẩy ra khi ánh mắt của Đức Giê-su hướng về bà và lời của Ngài dành cho bà một cách đích thân:

Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con[1].

Được khỏe là một nhu cầu quan trọng, nhưng điều này vẫn chưa giải quyết được hết những vấn đề liên quan đến “sự sống” của một con người. Đời sống con người cần sức khỏe, nhưng khỏe thôi vẫn chưa đủ. Hơn nữa, xét cho cùng, người ta đâu có khỏe được mãi, và có rất nhiều phận người, sinh ra đã tật nguyền. Vì thế, người phụ nữ đau khổ nhiều năm và có nhu cầu chữa bệnh, Đức Giê-su đáp ứng nhu cầu của bà, nhưng đồng thời Ngài khơi dậy lòng ước ao của bà và hướng bà tới đối tượng đích thật của lòng ước ao. Đó là nhận biết Đấng Ban Ơn và đi vào tương quan đích thân với Ngài, để cho Ngài “cứu độ” bà, nghĩa là giải phóng bà khởi mọi sự dữ, ban cho bà “sự sống dồi dào” chiến thắng bệnh tật và sự chết, không chỉ cho hôm nay, nhưng còn cho mãi mãi, như niềm hi vọng mà phép lạ phục hồi sự sống cho bé gái mở ra cho bà và cho loài người.

b. Cái chết của đứa con, nhưng lòng tin lại là lòng tin của người cha: “Con gái tôi mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu, là nó sẽ sống”. Lòng tin của bố cứu được con mình. Điều kì diệu này được ghi lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người sống và kẻ chết. Vì Chúa cũng yêu thương những người chúng ta thương yêu trong Chúa.

Khi đến nhà em bé, Đức Giê-su đã không quan tâm đến tiếng tăm của mình, nhưng quan tâm đến sức khỏe và sự sống của em bé: “Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm” (c. 40). Sau này, trong cuộc Thương Khó, Ngài sẵn sàng mang vào mình cái chết sỉ nhục tận cùng, để bày tỏ lòng thương xót và dẫn chúng ta vào Niềm Hi Vọng. Làm cho một em bé hồi sinh là biến cố cá biệt, nhưng đem lại cho nhân loại chúng ta niềm hi vọng thật lớn và phổ quát: tất cả người chết sẽ sống lại, không phải để sống sự sống cũ, nhưng để sống sự sống mới, nếu Đấng Phục Sinh “cầm lấy tay”.

3. Niềm Hi Vọng

Cách Đức Giêsu đến với mỗi người mỗi khác: với người phụ nữ, bà cố để đụng được vào gấu áo của Người, nhưng với em bé, Ngài đến tận nơi: “Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền trỗi dậy”. Đó chính cũng là cách Chúa ban ơn cứu độ cho từng người, luôn luôn đích thân và duy nhất. Bởi lẽ người ta không thể công thức hóa ơn cứu độ, lề luật hóa lòng tốt của Thiên Chúa được.

Những gì Ngài làm cho người phụ nữ và cho em bé, thật lạ lùng, nhưng cũng thật giới hạn. Vì người phụ nữ cũng sẽ bệnh lại và sẽ chết; em bé sau đó lớn lên và cũng sẽ qua đi. Nhưng đó là những dấu chỉ làm cho chúng ta xác tín rằng, Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của mỗi người, của cả loài người chúng ta, và với mầu nhiệm Vượt Qua, Người làm cho chúng ta hi vọng đón nhận ơn huệ còn lạ lùng hơn, và đó sẽ là ơn huệ sự sống vô hạn.

Chính niềm hi vọng đặt nơi ngôi vị của Đức Kitô phục sinh, làm cho chúng ta bình an và can đảm đảm nhận hôm nay phận người của mình và thân phận của cả những người khác nữa, nhất là những người thân yêu của chúng ta trong Gia Đình và trong ơn gọi dâng hiến.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.