Dân Chúa Âu Châu

Chữa người phong cùi.

Thứ Sáu tuần 12 thường niên.

"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".

Lời Chúa: Mt 8, 1-4

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Chữa người phong cùi
Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.
Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Xin làm cho con được sạch!
Khi Đức Giêsu ở tên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt. 8, 1-2)
Những lời nguyện đẹp
Thời ấy những người mắc bệnh phong hủi ý thức rất rõ về thân phận hẩm hiu của mình. Người phong hủi mắc một chứng bệnh nguy hiểm, nên không ai dám đụng chạm đến người họ. Phải mang chứng bệnh khốn khổ này, nên người phong hủi buộc phải sống biệt cư bên ngoài cộng đồng xã hội, điều này còn khiến họ phải đau xót và khổ tâm hơn. Bởi vậy lời người phong hủi ấy khẩn cầu Chúa Giêsu phải là lời cầu xin rất tha thiết và chân thành, phát ra tự đáy lòng anh. Lời ấy phải là một tiếng kêu van thật, một lời cầu nguyện thật.
Biết bao lần chúng ta cũng thưa với Chúa những lời nguyện xin tương tự như của người phong hủi. “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con được sạch. Xin rửa chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn sám hối. Xin thay đổi lòng chúng con.”. Chúng ta có biết bao những mẫu kinh thân quen như vậy. Phụng vụ còn không ngừng đặt trên môi miệng ta những lời kinh ấy để ta nói lên, để ta ca hát nữa.
Phải là những lời nguyện chân thành
Khi ngỏ lời với Chúa như vậy, lòng ta có hoàn toàn tha thiết và chân thành không? Đó có phải là những tiếng van xin phát ra tự lòng ta không? Ta có thật sự xác tín rằng mình cần được chữa lành, cần được thanh tẩy, cần được ơn sám hối?
Để cho mình mượn những mẫu kinh đẹp đẽ kia, cứ lặp đi lặp lại những lời của người khác mà không làm cho chúng thành lời của mình, thiết tưởng quá dễ dàng. Giả vờ hay có vẻ đóng kịch phần nào, cũng quá dễ thôi. Cầu nguyện liến thoắng như con vẹt, như cái máy, mà không đặt tâm trạng của mình vào đó, cũng là quá dễ dàng. Nên chăng đôi khi thà yên lặng còn hơn là nói đi nói lại những lời mà ta chỉ mới tin một nửa? Chúa không muốn nghe những lời không phát xuất từ nội tâm ta, những lời trống rỗng. Để gặp gỡ Chúa, ta không cần phải nhiều lời, không cần cả những lời hay ý đẹp. Mà phải có những lời thiết tha, những lời chân thực. Có thế thôi.
Suy niệm 3:
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.

“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.

Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).

Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.

Lời nguyện

Lạy Chúa
in ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu lời Chúa
những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính ta.”

Mẹ Têrêxa Calcutta

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.