Dân Chúa Âu Châu

Thi hành điều muốn người khác làm cho mình.

Thứ Ba tuần 12 thường niên.

"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".

Lời Chúa: Mt. 7, 6. 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Hãy qua cửa hẹp
Một cuốn phim Mỹ với nội dung như sau: Có đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn đưa nhau đi nghỉ cuối tuần tại Las Vegas, một thành phố cờ bạc nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ðang lúc thuận thời vận, hai người chia sẻ cho nhau ước muốn có được một căn nhà. Một nhà tỷ phú tình cờ theo dõi câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng cho họ một triệu Mỹ kim. Chỉ sau một đêm họ có thể trở thành triệu phú. Nghĩ thế, họ ra phòng luật sư để ký giao kèo. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỷ phú, người chồng cũng bắt đầu nghĩ lại, viễn ảnh mất vợ bỗng làm anh lo sợ. Thế nhưng đã quá muộn, sau một đêm để có được tất cả cũng chính là lúc họ mất nhau để rồi đi đến tan vỡ.
Câu chuyện phim trên đây có thể là một dụ ngôn cho chúng ta hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.
Trong lúc huấn đức cho đồ đệ, một người mới nhập viện lên tiếng hỏi vị Thiền sư:
- Thưa Thầy, con quyết chí tu cho đắc đạo dễ hay khó?
Thiên sư trả lời:
- Không dễ cũng không khó.
Người đồ đệ ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại không dễ cũng không khó? Con thật không hiểu, xin thầy giải thích.
Thiền sư dõng dạc trả lời:
- Vì tu đắc đạo không ở đó.
Người đồ đệ càng sửng sốt hơn:
- Con không thể nào hiểu được. Vậy làm sao để đạt đích?
Thiền sư trả lời:
- Vì đường tu không khoảng cách. Khi con ngưng bước là lúc con tới đích.
Xin Chúa cho chúng ta thực thi những gì Chúa đòi hỏi. Xin cho chúng ta luôn đi sát Chúa và hướng thẳng tới đích cao vời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Cửa hẹp
“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng là đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua cửa đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt. 7, 13-14)
Những cánh cửa khép kín
Ta nghĩ đến cái gì khi nghe Phúc âm nói về cửa hẹp? Có lẽ ta cho đó là chuyện chẳng có gì đáng “tếu”, đáng phấn khởi cả. Trong đầu óc ta, đó là những tiếng gợi nên cảnh nhiệm nhặt, khổ chế, những điều răn, thập giá và đau khổ. Trong tất cả những điều này, chẳng có gì làm cho ta ham sống cả. Một phần nào đó cũng giống như muốn qua cửa hẹp, thì trước tiên là phải lo đóng chặt các cửa chung quanh, phải bận tâm nhiều đến những điều cấm đoán, phải thường xuyên ở thế phòng thủ, phải luôn luôn canh chừng để khỏi rơi xuống hố sâu vực thẳm.
Như vậy thiết tưởng cửa hẹp là một cái vòng xiềng cổ, là cái áo bó chặt vào người, là con đường khúc khuỷu gập ghềnh chẳng có nhiều ánh sáng, niềm vui sống và tự do.
Những cánh cửa mở rộng
Nghĩ tưởng như vậy đúng là không biết đánh giá cao điều Chúa Giêsu đề nghị cho ta. Để tỏ ra công bằng đối với Chúa, khĩ nghĩ đến cửa hẹp, thiết tưởng ta phải nghĩ nhiều đến những cánh cửa rộng mở hơn là những cánh cửa khép kín. Chúa Giêsu chẳng phải là con người dập tắt niềm vui, sự sống và tự do. Và chính cửa hẹp Chúa nói đến ở đây, sẽ đưa ta tới đó.
Nếu Chúa Giêsu có mời gọi ta sống nhiệm nhặt khắc khổ, chính là để nếp sống ấy đưa ta tới nguồn vui. Chúng ta sẽ phải đau khổ, nếu Chúa không giấu ta điều đó, chính là để nói với ta rằng hạnh phúc đang chờ ta ở cuối đoạn đường. Nếu Người thúc ép ta vác thập giá mình, chính la để dẫn ta đến sự sống.
Thế nên cửa hẹp được gọi là tình yêu thương, sự hiến thân, đức công bình, sự tha thứ lỗi lầm, lòng quảng đại, nhân từ, dịu hiền. Cửa hẹp này mở rất rộng rãi hướng về một thế giới tuyệt vời; thế giới chan hòa tự do và hoan lạc này chỉ mình Thiên Chúa mới có thể vun trồng ở thâm sâu của lòng ta.
Suy niệm 3:
Trong Thánh Lễ của những ngày này, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, được kể lại trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Trong bài giảng đầu tiên này, Đức Giê-su công bố Tin Mừng Nước Trời (5, 1-16) và mời gọi chúng ta đón nhận và sống Tin Mừng Nước Trời: trước hết trong cách chúng ta tuân giữ Lề Luật; tiếp đến, vì Lề Luật, xét ở mức độ chữ viết, không chi phối hết mọi hành vi của chúng ta, nên Đức Giê-su nói về tương quan đích thật của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời, khởi đi từ việc thực hành những việc đạo đức: bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6, 1-18), việc sử dụng những gì thuộc về cuộc đời này (6, 19-34) và cách chúng ta sống với người khác (7, 1-20: những bài Tin Mừng của tuần tới).
Trong cách chúng ta sống với người khác, trước hết, Đức Giê-su mời gọi chúng ta đừng xét đoán (7, 1-5 : bài Tin Mừng hôm qua thứ hai), tiếp đến là ba lời khuyên mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay :

« Của thánh, đừng quăng cho chó ; ngọc trai chớ liệng cho heo » !
« Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. »
« Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong… »
* * *

Lời khuyên đầu tiên thật khó hiểu, lời khuyên thứ hai dễ hiểu, nhưng thật khó sống. Vậy chúng ta hãy lắng nghe ở lời khuyên thứ ba của Đức Giê-su, vì lời khuyên thứ ba sẽ giúp chúng ta hiểu lời khuyên thứ nhất và sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để sống lời khuyên thứ hai. Vậy chúng ta nghe lại lời mời gọi thứ ba của Đức Giê-su :

Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

Trong kinh nghiệm đi lại thường ngày, chúng ta thường chọn cửa rộng mà vào, và chọn đường thênh thang mà đi, vì dễ đi hơn, đi nhanh hơn và an toàn hơn. Nhưng lời của Chúa không liên quan cách chúng ta đi lại, nhưng ngang qua hình ảnh « cửa vào và đường đi », Chúa muốn nói đến chính lối sống của chúng ta. Trong lối sống của chúng ta, có hai chọn lựa, hay nói cách khác, có hai cánh cửa, hay hai con đường (x. Tv 1) :

(1) Chọn lựa thứ nhất là chọn lựa sống theo Lời Chúa. Và khi chọn lựa sống theo Lời Chúa, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, lựa chọn này thật không dễ thực hiện trong cuộc sống, tương tự như chúng ta phải vào cửa hẹp và đi đường chật. Nhưng, đàng khác, ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, đó là lựa chọn làm cho chúng ta sống trong hiệp nhất, hòa thuận và yêu thương. Như chính Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta trong Tin Mừng của Thánh Lễ thứ năm : « Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá » (7, 25-25)

Để sống trong hiệp nhất, hòa thuận và yêu thương, thật không dễ dàng, nhưng rất đáng cho chúng ta nỗ lực và hi sinh để xây dựng. Bởi lẽ chỉ có hiệp nhất, hòa thuận và yêu thương mới làm cho chúng ta no thỏa, mới mang lại niềm vui và bình an.

(2) Lựa chọn thứ hai là lựa chọn không sống theo Lời Chúa, nhưng sống theo ý muốn riêng, theo lối sống vô ơn, theo lòng ham muốn, theo dục vọng, theo lòng ghen ghét và ghen tị. Lối sống này thật thoải mái, như lối sống của người con hoang đàng, bỏ nhà Cha ra đi, để đi vào cửa rộng và bước đi trên con đường thênh thang. Nhưng kết quả là đánh mất tất cả và đánh mất chính mình. Như chính Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta trong Tin Mừng của Thánh Lễ thứ năm : « Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành » (7, 26-27)

* * *

Và một khi chúng ta lựa chọn sống theo Lời Chúa, chúng ta sẽ nhìn nhận người khác là anh chị em của chúng ta, là chính bản thân của chúng ta, thay vì coi nhau là địch thủ hay kẻ thù. Lúc đó, chúng ta sẽ sống được điều Chúa mời gọi, đó là làm cho người khác, những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình ; và lúc đó, chúng ta sẽ không « quẳng » sự sống của chúng ta, vốn quí giá như « của thánh » và « ngọc trai », cho loài vật, vốn hình ảnh của thú tính, của ma quỉ và Sự Dữ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 4:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.
Cả người Do-thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.

Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.

Như thế người kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực :
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.

Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Ðó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.

(Dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.