Dân Chúa Âu Châu

Điềm lạ Gio-na.

Thứ Hai tuần 6 thường niên.
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?".

Lời Chúa: Mc 8, 11-13
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Dấu lạ của tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Chúa Giêsu thở dài
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc. 8, 11-12)
Than vắn thở dài là chuyện thường tình. Có ai đã không nghe tiếng thở than của một người bệnh, một người hấp hối? Ai trong chúng ta đã không bao giờ buông ra tiếng thở dài não nuột? Khi lòng ta gặp chuyện trái ý, đau buồn, thất vọng, hoặc thân xác ta phải đau đớn, thở dài một tiếng, ta cũng cảm thấy được vợi bớt phần nào. Chính nỗi đau thái quá ta phải chịu, khiến ta bộc lộ những phản ứng thái quá. Làm như thế ta coi như tâm hồn được giải thoát phần nào.
Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu cũng phải buông tiếng thở dài. Người cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Người vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pharisiêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn Người. Họ đòi Người làm cho họ một dấu lạ từ tròi, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Họ đòi một điều như thế đó, khi mà Chúa Giêsu vừa mới làm phép lạ hóa bánh rá nhiều cho bốn ngàn người ăn no. Họ còn muốn được thấy từ trời đổ xuống một trận mưa những miếng bánh mì, như dấu chỉ có giá trị và chứng minh cho sứ mạng chân chính về ngôn sứ của Chúa Giêsu.Trước một yêu sách như thế, chứng tỏ họ cứng lòng và ngoan cố không tin, nên Chúa Giêsu phải thở dài não nuột.
Một thái độ cự tuyệt
Trong những điều kiện như vậy, để phản đối những người Pharisiêu, Chúa Giêsu tỏ một thái độ cự tuyệt, một sự từ chối thẳng thừng: “Thế hệ này sẽ khong được một dấu lạ nào cả”. Biết được lòng dạ xấu xa của họ, Chúa Giêsu không tranh luận, không tự biện bạch, Người từ chối điều họ yêu cầu. Và như để tỏ rõ lập trường hơn nữa, Người nói là làm ngay: Người để họ đứng trơ ra đó, xuống thuyền, đi ngược chiều về phía bờ bên kia. Nguyên sự có mặt của họ cũng đủ làm cho Người bực mình rồi, nên Người muốn thoát đi cho mau lẹ. Chúa Giêsu tỏ ra rất cương nghị, Người tàn nhẫn xua đuổi những kẻ đến trò chuyện với mình. Vì đây là trường hợp hi hữu, trái với thái độ thường xuyên của Người là vốn niềm nở tiếp đón và hiền từ với mọi người: xưa nay Người vẫn hay để cho dân chúng chen lấn xô đẩy, trẻ em “quấn quýt”, bệnh nhân tràn ngập.
Là những tín hữu, chúng ta có thể bắt chước thái độ ngoan cường, cứng rắn đó của Chúa không? Tất nhiên là có, khi danh dự của Chúa – chứ không phải của ta – bị coi thường. Người ta vẫn tố cáo là Kitô giáo đã làm cho con người trở nên nhu nhược, mất tính nam nhi, ta cần phải chứng minh điều ngược lại, khi biết tỏ thái độ cương quyết, lúc cần phải tỏ. Người Kitô hữu là người có khả năng chọn lựa, thì cũng phải có khả năng từ chối. Nhưng người Kitô hữu cũng phải biết cho người ta những dấu lạ ở trần gian khi người ta đòi mình những dấu lạ từ trời.

Suy niệm 3:
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường.
Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.
Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến,
lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.

Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ.
Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy,
cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng.
Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ :
một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.
Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá :
một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết ngài.
“Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Đức Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha.
Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc…

Kitô giáo không đặt nền trên những chuyện dị thường, ma quái.
Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ
vì ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của con người,
vì ngài muốn đáp lại lòng tin quá lớn của bệnh nhân,
và vì ngài muốn cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến rồi.
Phép lạ lớn nhất của Đức Giêsu là Tình Yêu.

Các ông Pharisêu không phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ.
Sau này các thượng tế cũng nhìn nhận :
“Hắn đã cứu được người khác…” (Mc 15, 31).
Nhưng họ thấy điều đó vẫn không đủ hoành tráng và gây ấn tượng.
Họ đòi một dấu lạ từ trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào ngài.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ chối đòi hỏi ấy.

Làm sao chúng ta nhìn ra được những điều bình thường, nho nhỏ
mà Chúa vẫn làm cho chúng ta mỗi ngày ?
Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện.
Chúng ta vẫn muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Xin cho tôi thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu
nơi những điều tưởng như là tự nhiên của cuộc sống.

Cầu nguyện:

Lạy Cha là Đấng tạo hóa nhân từ,
Xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
Trong vũ trụ vô cùng lớn,
Trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
Và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
Khi ban cho chúng con một thế giới đầy màu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,
Mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
Khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
Tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
Khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
Hương thơm của nắng xuân dìu dịu.

Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
Khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
Sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
Sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
Và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.

Dưới lòng đất, trên núi cao,
Giữa biển sâu, trong rừng vắng,
Chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.

Xin cho chúng con
Biết chung sống với thiên nhiên này
Như một người bạn, một quà tặng cha ban,
Biết giữ gìn ngôi nhà trái đất
Để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
Và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
Và muôn loài cha đã dựng nên
Được cùng với cả nhân loại chúng con
Vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.