Dân Chúa Âu Châu

Thứ Năm Tuần 15 TN1, Năm B

Bài đọc: Exo 3:11-20; Mt 11:28-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa muốn giúp con người vượt qua những đau khổ.

Khác với người Hy-lạp và phần đông các tôn giáo khác quan niệm một Thiên Chúa vô cảm, Do-thái Giáo, Hồi Giáo, và Kitô Giáo, tin tưởng một Thiên Chúa biết các nỗi đau khổ của con người. Ngài quan tâm đến những đau khổ con người phải chịu, và Ngài có cách giúp con người vượt qua những đau khổ đó. Đối lại, con người phải chạy đến với Thiên Chúa, lắng nghe và thi hành những lời Ngài dạy dỗ, để họ có sức mạnh vượt qua những đau khổ của cuộc đời.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến những chân lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa nói với Moses: "Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập;" và Ngài đã có sẵn một kế hoạch để cứu thoát dân tộc Israel ra khỏi cảnh làm nô lệ khổ cực cho người Ai-cập. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thấu hiểu những khó nhọc và gánh nặng của dân chúng. Ngài kêu mời họ hãy đến học hỏi và được bổ dưỡng nơi Ngài, để ách của họ trở nên êm ái và gánh của họ trở nên nhẹ nhàng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn giải thoát con cái Israel khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập.

1.1/ Thiên Chúa mặc khải Thánh Danh Ngài cho Moses: Ông Moses nêu một lý do để Thiên Chúa mặc khải Danh Thánh của Ngài: "Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" Thiên Chúa cho ông Moses một lúc hai Danh Thánh:

(1) Đấng Hằng Hữu: Thiên Chúa phán với ông Moses: "Ta là Đấng Hằng Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Israel thế này: "Đấng Hằng Hữu sai tôi đến với anh em."

Trong tiếng Do-thái, "Đấng Hằng Hữu = Yahveh" là một động từ có nghĩa như động từ "to be" trong tiếng Anh hay "essere" trong tiếng La-tinh. Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu, Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cứu cánh. Một văn hào Pháp chú giải: Yahveh là một lời hứa của Thiên Chúa: "Ta luôn ở với con;" hay một lời cầu nguyện từ phía nhân loại: "Xin Thiên Chúa luôn ở với con."

(2) Thiên Chúa là Đức Chúa của các Tổ-phụ: Thiên Chúa lại phán với ông Moses: "Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia."

Khi cho Moses biết Danh Thánh này, Thiên Chúa cũng nhắc lại lời Ngài đã hứa với các Tổ-phụ là Ngài sẽ bảo vệ giòng dõi của các Tổ-phụ đến muôn đời, nếu họ trung thành bước theo đường lối của Ngài.

1.2/ Thiên Chúa sẽ đưa dân vào Đất Ngài đã hứa.

(1) Thiên Chúa quan tâm đến đau khổ của con cái Israel: Thiên Chúa truyền cho Moses hãy đi triệu tập các kỳ mục Israel và nói với họ: "Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Jacob, đã hiện ra với tôi và phán: Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập. Ta đã phán: Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập mà lên miền đất tràn trề sữa và mật."

(2) Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho dân Israel: Trước tiên, ông Moses phải thuyết phục các kỳ mục của Israel; nhưng Thiên Chúa bảo đảm với Moses: "Họ sẽ nghe tiếng ngươi." Sau đó, ông Moses phải đi với các kỳ mục Israel đến gặp vua Ai-cập.

+ Xin phép vua Ai-cập trước: Các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: "Đức Chúa, Thiên Chúa của người Do-thái, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi."

+ Trước khi Thiên Chúa biểu tỏ uy quyền: Chúa phán với Moses: "Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi."

Đau khổ của dân Do-thái là do vua Ai-cập gây nên. Nhà vua sẽ không nhượng bộ cho dân Israel ra đi, vì vua sẽ mất một khối lao động lớn, cho tới khi Thiên Chúa tỏ uy quyền của Ngài để vua Ai-cập nhận ra qua 7 thiên tai; và chỉ với thiên tai cuối cùng "giết hại các con đầu lòng" của Ai-cập, nhà vua mới đồng ý để dân Israel ra khỏi Ai-cập.

2/ Phúc Âm: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi.

2.1/ Chúa Giêsu quan tâm đến nỗi khổ đau của con người: "Tất cả những ai đang vất vả làm việc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, vì không ai có thể tránh được đau khổ: phần hồn cũng như phần xác. Khi con người làm việc mệt nhọc, con người cần được nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe; Chúa Giêsu hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Những điều Chúa Giêsu giúp chúng ta là BT Giao Hòa và Thánh Thể, Lời Chúa, và các ơn lành hồn xác. Ngài đã mang lấy các bệnh tật của con người và chữa lành mọi vết thương hồn xác.

2.2/ Ngài có cách để giải thoát con người khỏi đau khổ: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

(1) Hãy mang lấy ách của Chúa Giêsu: Đau khổ không thể nào tránh được trong cuộc đời. Chúa Giêsu không hứa Ngài sẽ cất khỏi đau khổ cho con người, nhưng Ngài có thể giúp cho con người có sức mạnh để chịu đựng đau khổ, vì Ngài cũng đã từng chịu đau khổ và vác Thánh Giá lên đồi Golgotha. Chúa có thể cho chúng ta nhìn ra ý nghĩa của đau khổ để sẵn sàng chịu đựng. Ách của Chúa Giêsu vừa vặn để chúng ta có thể mang mà không cảm thấy đau đớn.

(2) Hãy học với Chúa Giêsu: Hai bài học quan trọng Chúa đề cập đến hôm nay:

+ Bài học hiền hậu: Đây là mối phúc thứ hai trong Bát Phúc, chỉ sau bài học khó nghèo. Nếu con người muốn có sự bình an thực sự trong tâm hồn, họ phải học cho được bài học hiền hậu này. Theo gương Đức Kitô, người hiền hậu không dễ dàng nóng nảy với tha nhân, ngay cả với kẻ thù. Trong chương 5 của Tin Mừng Matthew, Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ, làm ơn, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi mình. Ai cũng biết sự nóng nảy và tức giận gây đau khổ và thiệt hại thế nào cho thân thể; hơn nữa, nếu một trong hai bên không thỏa thuận làm lành, thù hận có thể đưa tới cái chết của một trong hai người, và gây nhiều thiệt hại cho cả hai gia đình.

+ Bài học khiêm nhường: Có thể nói đa số các đau khổ của con người là hậu quả của tính tự kiêu tự đại, không chịu biết mình. Tục ngữ Việt-nam có câu "trèo cao té đau." Nếu con người chịu bằng lòng với số phận cứ ở dưới đất, đừng leo lên cây, làm sao có thể té được? Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta bạc nhược, hay không có tinh thần cầu tiến; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng bao giờ theo thời để rồi ganh đua sát ván, người ta sống làm sao mình phải được như vậy hay hơn người. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm chúng ta mệt mỏi và đau khổ xảy ra khi chúng ta không đạt được điều chúng ta mong ước.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa luôn quan tâm đến những đau khổ của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được dạy dỗ, được chữa lành, và được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

- Con người phải chạy đến với Ngài để lắng nghe và thực thi những lời Chúa dạy dỗ. Hai bài học quan trọng con người cần học nơi Thánh Tâm Chúa là hiền hậu và khiêm nhường.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP