Dân Chúa Âu Châu

beatricesilvaThánh Beatrice Silva (1424-1491)

"Trong cộng đoàn của họ nảy sinh một nhân đức ngoại hạng về lòng bác ái cộng đồng và liên tục, mà nhân đức này đã kết hợp họ thành một " (Celano)
Lược sử
Thánh Beatrice có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô. Dòng tu ngài sáng lập đã không được sát nhập vào dòng Phanxicô cho đến sau khi ngài chết, nhưng ngày nay dòng ấy là một nhánh chính yếu của gia đình Thánh Phanxicô.
Beatrice sinh trưởng ở Ceuta, Morocco. Ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Đào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile. Sau khi từ bỏ công việc ấy, ngài gia nhập tu viện Đa Minh ở Toledo, là nơi ngài sống trong 37 năm (dù rằng ngài chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này).
Ngài từ trần ngày 01 tháng 9 năm 1490. Bảy năm trước khi từ trần, Thánh Beatrice thành lập một cộng đoàn chiêm niệm theo luật Dòng Xitô. Sau khi ngài chết được ba năm, Đức Giáo Hoàng Alexander VI đặt cộng đoàn của thánh nữ trong hệ thống Anh Em Hèn Mọn Phanxicô và theo Luật Thánh Clara. Ngày nay những nữ tu này thường được gọi là Người Theo Linh Đạo Thánh Clara Khó Nghèo, và vào năm 1968 các nữ tu này chiếm khoảng 20 phần trăm tổng số người trong Dòng Nhì. Sơ Beatrice được phong thánh năm 1976.
Suy niệm 1: Liên hệ
Thánh Beatrice có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô.
Đời ngài có hai mối liên hệ đặc biệt luôn được đề cập đến. Trước hết xét về mặt đời, ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Đào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile. Nhưng nổi bật nhất đó là mối liên hệ xét về mặt tu trì, ngài có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô.
Thật thế, dầu lúc sinh tiền, Dòng tu ngài sáng lập đã không được sát nhập vào dòng Phanxicô, nhưng sau khi ngài chết được ba năm, Đức Giáo Hoàng Alexander VI đặt cộng đoàn của thánh nữ trong hệ thống Anh Em Hèn Mọn Phanxicô và theo Luật Thánh Clara. Đến năm 1968 các nữ tu này chiếm khoảng 20 phần trăm tổng số người trong Dòng Nhì. Và ngày nay dòng ấy là một nhánh chính yếu của gia đình Thánh Phanxicô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức và hết mình sống mối liên hệ thiêng liêng với mọi người cùng có một Cha chung trên trời (Mt 6,9).
Suy niệm 2: Thị tỳ
Ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Đào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile.
Lối sống thị tỳ cho một nữ hoàng dĩ nhiên đã buộc ngài phải hư vô hóa chính mình hoàn toàn, để chỉ biết thực thi mọi lệnh truyền và chủ ý của chủ nhân.
Lối sống này vô tình như một chuẩn bị xa cho nếp sống tu trì của ngài khi ngài gia nhập tu viện Đa Minh ở Toledo, là nơi ngài sống trong 37 năm mà không được tuyên khấn, để rồi trở thành một mẫu gương sống cho chính cộng đoàn do ngài sáng lập.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tâm tình hết mình phục vụ như là một tôi tớ của Chúa (Lc 1,38).
Suy niệm 3: Tuyên khấn
Silva chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này.
Tuyên khấn dầu là lần đầu hay trọn đời vẫn là một cột mốc cho đường đời tu luyện của một tu sĩ, và dĩ nhiên là đích nhắm cho mỗi một người khi đặt chân vào một Dòng Tu.
Với Silva chắc hẳn cũng thế khi ngài rời bỏ thế gian mà chọn lấy hướng sống tu trì. Nhưng thật độc đáo và cũng họa hiếm, suốt quãng đường tu luyện gần nửa đời người, 37 năm trời trong tu viện Đa Minh ở Toledo, ngài vẫn chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này. Điều này cho hay không phải vì phẩm chất tu trì của ngài không tốt, mà ngược lại vì quá tốt nên đủ kiên trì để theo đuổi, để rồi theo Thiên Ý thích hợp cho tư cách của Vị sáng lập một cộng đoàn khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đủ kiên nhẫn đợi chờ thì giờ Thiên Ý thực hiện.
Suy niệm 4: Dòng Xitô
Thánh Beatrice thành lập một cộng đoàn chiêm niệm theo luật Dòng Xitô.
Tại Pháp quốc cuối thế kỷ thứ XI, khi đời sống đạo tại đan viện Molesme có phần sa sút, thánh Robertô cùng với một số đan sĩ của đan viện đã tách ra làm một nhóm khác hầu giữ trọn bộ tu luật của thánh Biển Đức một cách trọn vẹn hơn. Nhóm này lấy vùng đất có tên là Xitô làm nơi xây dựng cộng đoàn.
Theo dòng thời gian, họ biến đổi nhiều điểm khác với dòng Biển Đức. Một trong những đặc điểm chúng ta thấy rõ đó là màu áo. Các đan sĩ Biển Đức mặc áo đen và áo choàng đen, các đan sĩ Xitô mặc áo trắng và giữ lại áo choàng đen. Dòng Xitô được phát triển mạnh mẽ nhất dưới thời thánh Bênađô (Bernard).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa đã ban ơn cho các vị sáng lập để có được những thích ứng phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Suy niệm 5: Người Theo Linh Đạo Thánh Clara Khó Nghèo
Ngày nay những nữ tu này thường được gọi là Người Theo Linh Đạo Thánh Clara Khó Nghèo.
Nhiều người khiếp sợ sự cầu nguyện và hãm mình của các nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Những người khác lại được hứng khởi bởi lòng bác ái và hy sinh này, mà linh đạo ấy đã giữ cộng đoàn trung tín với mục đích của dòng: phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với một tâm hồn ngày càng thanh khiết hơn.
Celano viết về những người đầu tiên theo Thánh Phanxicô: "Trên tất cả mọi sự, trong cộng đoàn của họ nảy sinh một nhân đức ngoại hạng về lòng bác ái cộng đồng và liên tục, mà nhân đức này đã kết hợp họ thành một, mặc dù bốn năm chục người sống trong một mái nhà, và sự đồng tâm nhất trí của họ đã khuôn đúc thành một tinh thần trong nhiều tinh thần ngoại hạng khác" (I Celano, #19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết thể hiện niềm cảm phục bằng hành động cụ thể trong cuộc sống.
Suy niệm 6: Dòng Nhì
Các nữ tu này chiếm khoảng 20% tổng số người trong Dòng Nhì.
Trong tổ chức của một số Dòng Tu chẳng hạn như Dòng Đa Minh hoặc Dòng Phanxicô đang có mặt tại Việt Nam, chúng ta thường thấy xuất hiện cụm từ Dòng Nhất, Dòng Nhì và Dòng Ba.
Chung quy tất cả đều sống chung một linh đạo từ Đấng Sáng Lập là Thánh Đa Minh hoặc Thánh Phanxiô Átsidi cũng được gọi là Thánh Phanxiô Khó Khăn, nhưng có thể nói Dòng Nhất là các nam tu, Dòng Nhì là các nữ tu, còn Dòng Ba là các giáo dân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các thành viên dầu thuộc Dòng nào cũng hết mình sống linh đạo của Dòng để thánh hóa bản thân và tha nhân.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ