Dân Chúa Âu Châu

Anselm bishopThánh Anselm (1033-1109)

Lược sử

Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài.
Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.
Được coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Đức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Đan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.

Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Đức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo ("Tại Sao Thiên Chúa Làm Người").
Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Đức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.
Sau cùng Đức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Đức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.
Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Đức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Đồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.
Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.

Suy niệm 1: Thờ ơ tôn giáo

Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước.
Nào có ai ngờ: Là 1 thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên 1 trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.
Nào có ai ngờ: ba năm sau khi gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ. Rồi khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Đức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng có định kiến về quá khứ lầm lỗi của bất cứ một ai, nhưng đón nhận thiện ý canh tân đời sống để không lãng phí một nhân tài và đánh mất một thánh nhân.

Suy niệm 2: Khuyên bảo

Thánh Anselm nhìn thấy các nhân đức và tật xấu của mỗi người và khuyên bảo họ một cách thích hợp.
Cũng như linh dược tự nó có hiệu năng chữa lành bệnh tật, nhưng cũng phải thích hợp với địa tạng của bệnh nhân và liều lượng điều trị. Lời khuyên bảo tự nó cũng có giá trị, nhưng để có giá trị thuyết phục và thực dụng cần thiết phải mang tính thích hợp với từng người và từng trường hợp.
Nhờ hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như đọc được tư tưởng và hành động của tha nhân với các nhân đức và tật xấu của họ, nên Thánh Anselm đã có được những lời khuyên bảo thật thích hợp và hữu ích.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chú tâm đến tính thích hợp của các lời khuyên bảo.

Suy niệm 3: Công trình

Theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Đức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài.
Suy tư cũng như viết ra những điều mình suy tư và giữ riêng cho chính mình thì chắc hẳn ai cũng làm được, nhưng để phổ biến cho những người khác cùng chia sẻ thì thật không phải dễ thực hiện.
Chính Đức Anselm có được danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" thế mà ngài cũng không vượt qua được rào cản này, vì chẳng ai cả dám tự hào về suy tư của mình là tuyệt tác, mà ngược lại luôn nhận ra sự hạn hẹp và yếu kém của mình, vì thế chỉ khi có lời yêu cầu của cộng đoàn và vì lợi ích của tha nhân thì ngài mới công bố được.

* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm cho nhiều người để họ mạnh dạn phổ biến các suy tư của mình như một chia sẻ khiêm tốn nhằm phục vụ tha nhân.

Suy niệm 4: Thánh ý Thiên Chúa

Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Đức Tổng Giám Mục của Canterbury, trái với ý muốn của ngài.
Dầu trái với ý muốn của ngài, nhưng ngài sẵn lòng đón nhận sứ vụ vì đó là thánh ý Thiên Chúa, điều mà mọi tín hữu phải khao khát thực hiện không chỉ ở tại thế mà ngay cả trên thiên đàng.
Đúng như tâm tình của ngài đã ngỏ: "Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa" (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuẩn bị sống trên thiên đàng, bằng việc luôn thực hiện Thiên Ý khi còn ở tại thế.

Suy niệm 5: Chính quyền

Đức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục.
Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Đức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị.
Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với cac nguyên tắc đang bị đe dọa, cho dầu phải bị đi lưu đầy dưới thời vua Rufus, và ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma dưới thời vua Henry I, là em và là người kế vị Rufus.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.

Suy niệm 6: Nô lệ

Thánh Anselm là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Đồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.
Mang thân phận của một người làm nô lệ đã là khốn khổ lắm rồi. Thế mà còn bị hạ giá xuống như một đồ vật để bị buôn bán. Thật là thảm hại vô cùng. Thấu hiểu tình cảnh này, Thánh Anselm đã ra sức chống đối và đạt được kết quả.
Điều răn thứ bảy nghiêm cấm bất cứ hành vi hoặc dịch vụ nào dẫn tới việc nô lệ hóa con người, không nhìn nhận nhân phẩm của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa. Tội này xúc phạm đến nhân phẩm và những quyền căn bản của con người, vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi (Sách Giáo Lý số 2414).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các chủ nhân theo gương Chúa luôn đối xử với tha nhân không như tôi tớ mà là bạn hữu (Ga 15,15).

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ