Dân Chúa Âu Châu

Agnes Bohemia tending the sickThánh Agnes ở Bohemia (1205-1282)

Lược sử

Tuy Thánh Anê không có con nhưng ngài đã đem lại sức sống cho tất cả những ai biết đến ngài.
Anê là con của Nữ Hoàng Constance và Vua Ottokar I của Bôhêmia. Lúc lên ba, ngài được hứa gả cho Công Tước xứ Silesia, nhưng ba năm sau đó ông này từ trần. Khi Anê lớn lên, thánh nữ định tâm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của Vua Henry VII của nước Đức và Henry III của nước Anh, Anê phải đương đầu với sự cầu hôn của Frederick II, là Thánh Đế Rôma (Holy Roman Emperor). Thánh nữ cầu khẩn đến Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX để xin giúp đỡ. Đức giáo hoàng đã nghe theo; một cách cao thượng Frederick trả lời rằng ông cũng không khó chịu khi Anê yêu quý Vua Thiên Đàng hơn ông.
Sau khi Anê xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague. Năm 1236, cùng với bảy phụ nữ quý tộc khác, ngài đã gia nhập tu viện này. Thánh Clara đã gửi năm nữ tu từ San Damiano đến tiếp tay với họ, và đã viết cho Anê bốn lá thư khuyên bảo về ơn gọi mỹ miều của ngài và đặt ngài làm tu viện trưởng.
Sơ Anê ngày càng nổi tiếng về sự cầu nguyện, đức vâng lời và hãm mình phạt xác. Đức giáo hoàng làm áp lực để ngài nhận chức vụ tu viện trưởng; tuy nhiên, ngài thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng. Dù là tu viện trưởng, ngài cũng không quản ngại nấu nướng cho các nữ tu khác cũng như may vá quần áo cho người cùi. Các nữ tu trong dòng nhận thấy ngài rất tử tế nhưng rất nghiêm nhặt về đức khó nghèo; ngay cả người anh ruột của ngài muốn tặng cho nhà dòng ít của cải cũng bị ngài từ chối.
Sau khi ngài từ trần ngày 6 tháng Ba 1282, việc sùng kính ngài ngày càng lan rộng. Năm 1989, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.

Suy niệm 1: Tu trì

Khi Anê lớn lên, thánh nữ định tâm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.
Đã dâng mình cho Chúa thì hãy sống lời khuyên bảo: "Đừng dính dáng với bất cứ ai cản đường bạn và tìm cách thay đổi lời thề mà bạn đã hứa với Đấng Tối Cao, cũng như tách bạn ra khỏi cuộc sống tuyệt hảo mà Thần Khí Thiên Chúa đã mời gọi bạn" (Trích trong Thư II Thánh Clara gửi cho Anê).
Chẳng những bất cứ ai mà bất cứ gì, cho dầu đó là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo... thậm chí sự chết hay sự sống, hoặc bất cứ sức mạnh nào, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác (Rm 8,35-39).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc tu trì sống niềm xác tín: Không ai và không gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô và của Thiên Chúa.

Suy niệm 2: Cầu hôn

Sau khi từ chối lời cầu hôn của Vua Henry VII của nước Đức và Henry III của nước Anh, Anê phải đương đầu với sự cầu hôn của Frederick II, là Thánh Đế Rôma.
Dầu lời cầu hôn bị từ chối, nhưng một cách cao thượng, Frederick trả lời rằng ông cũng không khó chịu khi Anê yêu quý Vua Thiên Đàng hơn ông.

Ngược lại với trường hợp của thánh nữ Agatha, thì Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội vốn say mê ngài lại ra lệnh bắt giữ ngài và đưa ra xét xử, rồi ra lệnh tra tấn ngài đến chết.

* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho thế giới này có được nhiều tâm hồn cao thượng.

Suy niệm 3: Bác ái

Sau khi Anê xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague.
Thánh Anê đã sống 45 năm trong tu viện Clara Nghèo Hèn. Một cuộc sống như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn và bác ái lớn lao. Những cám dỗ về sự ích kỷ chắc chắn không tan biến khi thánh nữ bước chân vào tu viện.
Có lẽ chúng ta dễ nghĩ rằng các nữ tu dòng kín "sẵn có" sự thánh thiện. Nhưng con đường của họ cũng giống như của chúng ta: hàng ngày cố gắng thay đổi bản tính ích kỷ để đạt đến tiêu chuẩn độ lượng của Thiên Chúa.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm tiêu trừ tính ích kỷ và xây đắp lòng bác ái vị tha.

Suy niệm 4: Bệnh viện

Sau khi Anê xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague.
Bệnh viện có một tên gọi bình dân là nhà thương, vì đó là nơi cần phải có tình thương ngự trị và cũng là nơi tình thương được biểu hiện một cách đậm nét nhất trong việc chăm sóc và chữa trị cả tinh thần lẫn thể xác bệnh nhân.
Bác sĩ cũng như y tá điều trị cần phải có y đức, phải có con tim của người mẹ, như câu nói thường nghe: lương y như từ mẫu. Tiền bạc cần thiết để sống nhưng phải luôn đặt ở hàng thứ yếu, đặc biệt đối với người nghèo khó.

* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn bù đắp cho các tình nguyện viên đang phục vụ trong nghành y tế, không vì tiền bạc nhưng chỉ vì tình thương.

Suy niệm 5: Danh tiếng

Sơ Anê ngày càng nổi tiếng về sự cầu nguyện, đức vâng lời và hãm mình phạt xác. Đức giáo hoàng áp lực để ngài nhận chức vụ tu viện trưởng; tuy nhiên, ngài thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng.
Được nổi danh là điều quý, nhưng điều quý hơn khi được nổi danh là phải sống khiêm nhường. Đó mới là bậc chính nhân quân tử. Chính vì thế thánhAnê thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng.Thánh Gioan Tiền Hô được nổi tiếng đến mức ngay cả Đức Giêsu cũng tìm đến xin chịu phép rửa ở sông Giođan, nhưng ngài lại tự nhận không đáng xách dép cho Đức Giêsu (Mt 3,11).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không sống vì tìm hư danh cho mình, nhưng luôn nỗ lực làm cho danh Chúa được cả sáng.

Suy niệm 6: Khó nghèo

Các nữ tu trong dòng nhận thấy ngài rất tử tế nhưng rất nghiêm nhặt về đức khó nghèo; ngay cả người anh ruột của ngài muốn tặng cho nhà dòng ít của cải cũng bị ngài từ chối.
Thánh nữ Anê đã sống được thế, nhờ ngài thấu hiểu bài học: Chúa khóc thương những người giàu có vì họ tìm an ủi (Lc 6,24) nhờ của cải dư dật; kẻ kiêu căng tìm quyền lực thế trần, còn người có tinh thần nghèo khó tìm kiếm Nước Trời (thánh Âutinh).
Ai phó thác vào sự quan phòng của Cha trẽn trời, thì được giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai (Mt 6,25-34). Ai tín thác vào Chúa sẽ được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban cho người nghèo: Họ sẽ được thấy hạnh phúc (Mt 5,3;Lc 6,20).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nỗ lực làm việc để sống, nhưng đừng quên phải hằng tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ