Dân Chúa Âu Châu

GregoryII FloreentineThánh Grêgôriô II (c. 731)

Lược sử

Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Đức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Đế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Đồng Trullan II (692). Sau khi Đức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.

Đức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Đan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Đức. Và cũng như Đức Giáo Hoàng Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Đế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Đức Grêgôriô. Hoàng Đế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Đức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Đàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Đức Grêgôriô II từ trần năm 731.

Suy niệm 1: Trẻ

Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội.
Dầu còn trẻ, nhưng Grêgôriô cũng được tín nhiệm phụ giúp liên tục bốn Đức Giáo Hoàng với các chức vụ trợ phó tế, thủ quỹ và quản thủ thư viện, để rồi sau đó được lên ngôi Giáo Hoàng.
Trẻ Đavít không được vua Saun đánh giá cao do tuổi tác (1Sm 17,33), nhưng khi lâm trận thì Đavít đã hạ gục và chặt được đầu của tướng quân Gôliát (1Sm 17,50-51) vốn gây kinh hoàng cho cả vua quân Ítraen (1Sm 17,11).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng tự ti mặc cảm vì tuổi tác, nhưng hãy cậy dựa vào sức Chúa để hết mình phục vụ.

Suy niệm 2: Giáo hoàng

Sau khi Đức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.
Đức Giáo Hoàng, vừa là Giám Mục Rôma vừa là vị kế nhiệm thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu.
Thật vậy, do nhiệm vụ là đại diện Chúa Kitô và mục tử của toàn thể Hội Thánh, Giám Mục Rôma có quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Hội Thánh và bao giờ ngài cũng được tự do thi hành quyền ấy (Sách Giáo Lý số 882).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vâng phục quyền bính của Đức Giáo Hoàng.

Suy niệm 3: Thời gian

Đức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm.
Thời gian 15 năm của một đời người thì không dài lắm, nhưng để làm việc thì thật đáng kể.
Với Đức Grêgôriô, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý.
Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, đan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô, cũng như tu viện của Monte Cassino.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức thời giờ còn quý hơn vàng bạc để đừng bao giờ phí phạm.

Suy niệm 4: Truyền giáo

Đức Grêgôriô tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Đức.
Bổn phận truyền giáo là căn tính của mọi kitô hữu. Nhưng sứ vụ đi truyền giáo đòi hỏi nhà truyền giáo chẳng những phải đạo đức thánh thiện mà còn phải có quyền bính nữa.
Chính vì lý do này mà Thánh Boniface và Thánh Corbinian được tấn phong làm giám mục. Cũng như xưa kia mặc dầu thánh Banaba và thánh Phaolô được Thánh Thần chọn gọi riêng, nhưng cũng phải được các tông đồ đặt tay tấn phong rồi tiễn đi (Cv 13,2-3).

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tham gia vào công cuộc truyền giáo bằng đời sống thánh thiện.

Suy niệm 5: Kiên nhẫn

Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Đế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Đức Grêgôriô.
Bầu khí thương thuyết luôn mang tính căng thẳng vì đôi bên đều vừa muốn bảo vệ lợi ích phần mình vừa phải nhường nhịn đối phương. Yếu tố kiên nhẫn không thể thiếu trong các trường hợp này.
Nếu dục tốc bất đạt thì kiên nhẫn mới có cơ may thành công. Dầu đã ban lời hứa cứu độ ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, nhưng Thiên Chúa phải kiên nhẫn đợi chờ cả hằng bao thế kỷ mới sai Đấng Cứu Thế đến trần gian (Dt 1,2;2Pr 3,9.15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con gia tăng niềm tin để tạo được lòng kiên nhẫn (Gc 1,3).
Suy niệm 6: Thỉnh cầu
Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng.
Đã là xã hội thì dầu dân chủ và bình đẳng đến đâu cũng vẫn luôn tôn trọng tôn ti trật tự, vẫn luôn tồn tại thứ bậc đẳng cấp, vẫn phải có bề trên bề dưới cũng như người lớn kẻ nhỏ. Giáo Hội cũng có phẩm trật.
Vì thế khi không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, các giám mục đã thỉnh cầu đến giáo hoàng vốn là bề trên của các ngài, với quyền tối thượng mà Đức Giêsu đã ban cho người kế vị Ngài.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ làm gì vượt quá quyền hạn của mình.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ