Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

 

Từ khi Nguyễn Hoàng được bổ nhiệm vào trấn giữ đất Thuận Hóa vào năm 1600, sau đó cắt đứt liên hệ với vua Lê và chúa Trịnh để tạo nên một vương quyền mới là Nhà Nguyễn, thì Huế và miền Trung, đất của Chiêm Thành năm xưa, bắt đầu phát triển và trở thành lãnh thổ của Việt Nam

 

Nhà Nguyễn tiếp tục phát triển quyền lực, xâm chiếm và xóa tên nước Chiêm Thành trên bản đồ, mở rộng đất đai xuống miền Nam. Kể từ thời điểm 1600 trở đi, Huế nói riêng và miền Trung nói chung trở thành tên gọi quen thuộc trên bờ môi, trên giấy tờ và địa dư Việt Nam. Vương quyền xuất hiện ở đâu thì địa danh đó trở thành Kinh đô và được ca tụng trong thi văn cũng như âm nhạc.
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ (*), sợ phá Tam Giang (*)

 

Chính vì thế mà Huế được nổi danh không chỉ với vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, mà bên cạnh nó, còn có các di tích văn hóa, các lăng tẩm của thời quân chủ, những giá trị văn học và nghệ thuật không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà chung cho cả nhân loại.
Nói tới cảnh đẹp của Huế và miền Trung thì khá nhiều. Trong bài này chúng tôi cùng quí độc giả tìm hiểu một số danh lam thắng cảnh tiêu biểu tại đất Thầân Kinh.

 
1-SÔNG HƯƠNG (SÔNG THƠM)

 

Tại sao lại có tên "Hương Giang - sông Hương?"
Theo mạng lưới Cố Đô thì Trung tâm Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo Dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hiệp Quốc "UNESCO" đã đề nghị chính quyền Thừa Thiên Huế và cơ quan chuyên môn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ đệ trình xin công nhận sông Hương là di sản văn hóa thế giới.
Nếu sự kiện này trở thành sự thật thì đây là một biến cố có lợi cho dân tộc VN về phương diện văn hóa. Sự kiện này cũng làm cho nhiều người ngỡ ngàng, vì có nhiều con sông dài, rộng và nổi tiếng tại nhiều quốc gia mà chưa được UNESCO đề nghị là di sản của thế giới như: sông Seine, Mississipi, Danybe, Nile, Hoàng Hà, sông Ấn, Hằng, Dương Tử...

 

Vậy sông Hương có hy vọng gì không?

 

Theo tài liệu cũ còn để lại thì tác phẩm địa lý sớm nhất nói về sông Hương là Ức Trai Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi biên soạn năm 1438. Sông Hương lúc ấy có tên gọi là Linh Giang. Thực ra sách chỉ đề cập đến quãng sông từ thành Hóa Châu, Ngã ba Sình, chảy ra cửa Thuận An. Năm 1552, Dương Văn An cho ra đời tác phẩm Ô Châu Cận Lục trong đó tác giả nói rõ hơn về lai lịch sông Hương.
Thời xưa dân ta có thói quen gọi tên một con sông hay trái núi dựa theo tên làng, xã, huyện, tỉnh. Sông Hồng có những đoạn mang tên Mê Linh, Bạch Hạc, Việt Trì...
Trong quyển Đất nước Việt Nam qua các đời (NXB Thuận Hóa, Huế 1996), học giả Đào Duy Anh viết:
"... thời Lê sơ là Kim Trà, chúa Nguyễn đổi làm Hương Trà. Huyện Hương Trà bấy giờ là tương đương với đất huyện Hương Trà và một phần huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay" (tr.198). Vì vậy, theo kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, khi huyện Kim Trà được đổi tên thành huyện Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà. Yếu tố Hương của sông Hương có lẽ xuất hiện từ đó.

Đến nay có vài giả thuyết giải thíchnguồn gốc tên gọi của sông Hương.

 

1- Phải chăng Sông Hương có tên gọi từ chuyện thần tiên của Nguyễn Hoàng?

 

Các vị sáng lập các triều đại thường có khuynh hướng tạo ra hay dựa vào các câu chuyện truyền kỳ để cho dân chúng dễ tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp của mình.
Nguyễn Hoàng cũng thế, dựa vào câu chuyện dân gian kể về người đàn bà nhà trời (Thiên Mụ) trao cho nhiệm vụ để tìm đất định đô là một tính toán có chủ đích, về sau trở thành huyền thoại tạo dựng vương quyền triều Nguyễn. Sự kiện này cũng giống như giấc mơ rồng bay (Thăng Long) của vua Lý Thái Tổ khi ban hành chiếu chỉ dời kinh đô từ Hoa Lư ra La Thành.

 

Căn cứ vào thời điểm xây dựng chùa Thiên Mụ người ta có thể xác định được thời gian xuất hiện câu chuyện nén hương của chúa Nguyễn Hoàng. Chuyện kể rằng, trong chuyến tuần du phương Nam vào năm 1601, Nguyễn Hoàng từ Dinh Cát thuộc tỉnh Quảng Trị vào Nam, dọc đường hạ trại nghỉ ngơi cạnh dòng sông (Hương). Trong giấc ngủ ông mơ thấy một người đàn bà nhà trời hiện ra, trao cho một nén hương và dặn rằng:
"Hãy thắp hương rồi đi xuôi theo dòng sông xinh đẹp này, khi nào hương tàn hết thì dừng lại, đấy là đất thiên thu vạn đại đế vương."
Tỉnh giấc, nén hương trong mộng vẫn còn trên tay, Nguyễn Hoàng cả tin bèn nghe theo lời dặn của người đàn bà nhà trời, chọn thủ phủ Phú Xuân sau này.
Câu chuyện trên làm cho người ta liên tưởng đến hai sự kiện thực tế: Nguyễn Hoàng nhân nén hương linh mà đặt tên cho dòng sông dẫn đường chọn đất đế nghiệp là sông Hương, và tạ ơn người đàn bà nhà trời mách bảo, ngay trong năm 1601, ông cho xây Quốc Tự tại nơi đã được báo mộng bên sông, đặt tên là Linh Mụ, hay còn gọi là Thiên Mụ.

 

Dựa vào câu chuyện mơ mộng trên, người ta nghĩ tên "sông Hương" là do Nguyễn Hoàng đặt ra.
Tuy nghiên, Nguyễn Hoàng vẫn đóng thủ phủ ở Dinh Cát (Quảng Trị) cho đến khi mất, năm 1613 Nguyễn Phúc Nguyên kế vị, 14 năm sau, năm 1626 mới dời dinh từ Dinh Cát vào Phước Yên (Quảng Điền, Thuận Hóa). Đến năm 1636, Nguyễn Phúc Lan, con chúa Nguyễn Phúc Nguyên, lần đầu tiên xây dựng dinh cơ tại Kim Long, cạnh bờ sông Hương.
Nguyễn Phước tộc thế phả, NXB Thuận Hóa, 1995, tr. 123, ghi theo sử cũ:
"Kim Long rộng rãi, cảnh trí xinh đẹp, phủ chúa và các nhà quan lại còn lan ra các làng chung quanh. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mãi trong đời ngài (chúa Nguyễn Phúc Lan). Các thuyền buôn từ Hội An, Trung Hoa ghé Thuận An, đi dọc theo sông Hương lên Huế. Nhờ đó mà phẩm vật của người Âu và Trung Hoa (tơ sống, thuốc Bắc, bút chỉ...) đều được mang bán tại Huế. Khách phương xa ghé đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hoàng của phủ chúa và các nhà quan lại. Mỗi khi ngài ngự đi đâu đều có hơn hai nghìn thị vệ theo hầu, tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời, oai vệ khác thường".
Mãi đến đời Nguyễn Phúc Thái, con Nguyễn Phúc Tần, mới dựng thủ phủ ở Phú Xuân, điểm chọn của chúa Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của người đàn bà nhà trời trong mộng.

 

2- Phải chăng Sông Hương do vua Quang Trung đặt ra qua một mẩu dã sử chưa có điều kiện kiểm chứng?

 

Năm 1792, trong chuyến tuần du Phú Xuân, vua Quang Trung hỏi sông đang đi thuyền tên là gì. Đoàn tùy tùng đáp rằng đoạn vừa đi qua tên Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, trước đây lại có tên Kim Trà.
Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi để đặt tên cho sông dài là thiên nhiên muôn thuở, và phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang, từ nguồn cho tới biển.
Vua còn lệnh cho Tổng tài Quốc sử quán Ngô Thì Nhậm đưa ý tưởng của vua thành điển lệ. Như vậy, theo chuyện dã sử này, người đặt tên cho sông Hương là vua Quang Trung.

 

3-Sông Hương tên gọi phát xuất từ địa dư thực tế:

 

Theo sổ tay địa danh của Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951, NXB Giáo Dục, 2001 thì:
"Hai bên bờ tả, hữu trạch có giống thạch xương bồ (và Thủy xương bồ) là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy"
Theo tài liệu đông y thì Thạch xương bồ còn có tên dân gian là bồ bồ, bồ hoàng. Tên khoa học là Acorus Gramineus Soland. Thạch xương bồ cũng là một loại trợ dục "Viagra". Trong sách thuốc cổ "Biện Chứng Lục" đã có bài thuốc chữa cho người bị suy yếu năng lực tình dục, trong đó thạch xương bồ là một vị quan trọng.


2-NÚI NGỰ BÌNH

 

Cùng với Sông Hương, núi Ngự Bình là biểu tượng tuyệt vời của Huế. Khi nói tới Huế, người ta không chỉ nói tới sông Hương thôi, nhưng bao giờ cũng kèm theo núi Ngự, như một cặp bài trùng.
Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết "Phía Đông bắc Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng "như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông"
Núi Ngự Bình cao 105 mét, dáng cân đối uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Triều Nguyễn quyết định xây dựng kinh thành Huế đã dựa trên đồ án của các thày địa lý. Bằng Sơn được coi như một bức bình phong án ngữ trước mặt hay tiền án, một trong những điều kiện cần thiết cho việc xây dựng đế đô. Vì thế vua Gia Long đã đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.

 

Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, người ta có thể nhìn toàn cảnh thành phố với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co. Trước mắt là các khu đồi, rừng thông bát ngát và một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà..., xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về hướng Đông, dải cát trắng mờ mờ phía xa là cửa biển Thuận An. Cách núi Ngự Bình vài cây số là đồi Vọng Cảnh, một thắng cảnh khác của Huế, bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản.


3- ĐIỆN HÒN CHÉN

 

Điện Hòn Chén thuộc làng Hải Cát, tổng Long Hồ, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên, đối diện với đồi Vọng Cảnh. Điện Hòn Chén nằm cheo leo lưng chừng triền núi Ngọc Trản, hướng xuống vực sông. Điện có từ lâu đời, thờ nữ thần Po Nagar (nay gọi là Thánh Mẫu Thiên Y A-Na) thuộc tín ngưỡng của người Chàm (Champa).
Kiến trúc thời xưa như thế nào không ai rõ, nhưng vào năm 1832 vua Minh Mạng mới bắt đầu ra lệnh sửa sang, và mở rộng điện này. Gần đây Điện còn thờ một số thần khác như: Thủy Long, Sơn Trung, Bà Thượng Ngàn, Quan Thánh Đế. Hàng năm đều có tổ chức nhiều lễ lậy. Nhưng lễ quan trọng nhất là lễ Quốc tế vào mùa Xuân, tháng hai Âm lịch. Triều đình Huế thường cử quan Đại thần về chủ tế. Năm 1882, vua Đồng Khánh lại cho tu sửa điện rộng rãi hơn và đổi tên là Huệ Nam Điện. Trong điện còn lưu giữ một số cổ vật tôn giáo có giá trị.


4- BÃI BIỂN CẢNH DƯƠNG, LĂNG CÔ VÀ THUẬN AN

 

Cửa biển Thuận An có khẩu độ rộng hơn một cây số là điểm hội tụ của nhiều đầm, phá. Đây cũng là nơi hợp lưu nhiều con sông lớn như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Về lịch sử, cửa biển Thuận An đã từng giữ một vị trí quan trọng về quân sự, giao thông vận tải, kinh tế và thương mại. Bãi biển Thuận An nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12 cây số, có phong cảnh đẹp và là một trong những bãi biển khá hấp dẫn khách du lịch.
Đi theo đường quốc lộ 1 từ Huế vào Đà Nẵng, người ta sẽ gặp bãi biển Cảnh Dương. Bãi nằm không xa quốc lộ 1 bao nhiêu, cách Huế 55 cây số, dưới chân đèo Hải Vân. Đây là nơi tắm biển và nghỉ mát rất lý tưởng vào mùa hè.
Bãi biển Lăng Cô thuộc bán đảo Sơn Trà, quanh năm lộng gió, khung cảnh hữu tình với bãi tắm dài ngút tầm mắt, là một trong các bãi tắm lý tưởng. Bãi này thuộc vùng biển rộng 5.000 cây số vuông. Hai dự án trong số 17 dự án nhằm khuếch trương thành bãi biển hấp dẫn du khách phải kể đến dự án P&I của Nhật Bản và Làng Xanh của Hương Cảng (HongKong).


5- NÚI BẠCH MÃ

 

Núi Bạch Mã thuộc dẫy núi Trường Sơn giáp ranh hai huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên và Hòa Vang thành phố Đà Nẵng, cách Huế 60 cây số về phía Nam. Núi Bạch mã ở độ cao 1.450 mét, quanh năm mây phủ trắng xóa, nên có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ mùa hè không quá 20 độ. Đỉnh núi cao, 4 mùa cây cỏ xanh tươi, thác nước trong, suối rừng trùng điệp tạo cho nơi này có khí hậu giống vùng ôn đới như: SaPa, Tam Đảo, Đà Lạt. Một số thác đẹp như: thác Bạc, thác Đỗ Quyên, thác Ngũ Hồ.
Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới, vì vậy đã được Việt Nam quy hoạch thành khu rừng cấm quốc gia. Khu vực rộng 8.000 mẫu Tây, có 45 loài thú, 230 loài chim, 500 loài thực vật. Nhiều động vật quí hiếm như: vượn, chó sói, báo (beo) gấm, báo hoa mai, hổ (cọp), voi, công, trĩ, gà lôi đen...


6-VƯỜN THƯỢNG UYỂN

 

Trong 143 năm (1802-1945) trị vì, triều Nguyễn đã xây dựng ở kinh đô Huế rất nhiều vườn thượng uyển. Cho đến nay, một số vườn chỉ còn lại dấu tích và một vườn vẫn còn nguyên vẹn tuy hoang phế, đó là Tịnh Tâm.Thượng uyển (hay Ngự uyển) những khu vườn kiến trúc tuyệt đẹp, là nơi vua và quan triều đình dạo chơi, buông câu, đọc sách, ngâm thơ... sau những giờ làm việc.
Theo sách "Thần kinh nhị thập cảnh", Tập thơ của Vua Thiệu Trị, trong 20 bài thơ nhà vua vịnh 20 thắng cảnh nổi tiếng của Kinh thành Huế xưa, có tới bảy bài vịnh các vườn thượng uyển. Các bài thơ này được thể hiện trên tranh gương đóng khung thếp vàng treo trong cung điện. Hiện nay một trong những bức tranh gương đó vẫn còn. Đọc thơ cách đây hơn 150 năm ta có thể hình dung về các vườn thượng uyển đẹp nhất kinh đô đã được miêu tả.
-Vườn Thiệu Phương, một vườn thượng uyển xây dựng năm 1828 (thời Minh Mạng) ở trong Tử Cấm Thành. Bài thơ thất ngôn bát cú vịnh vườn này được khắc tranh gương thơ còn may mắn sót lại, hiện vẫn còn lưu giữ trong Bảo tàng Cổ vật Huế".

 

Vườn rộng mênh mông thắm sắc hoa
Bao năm hương ngát gió đưa xa.
Lan vươn dáng khỏe sen tròn trịa
Cúc nép thân thon mai mặn mà..

 

Theo sử sách, khu vườn này có tường gạch bao quanh. Chính giữa là những hồi lang có mái lợp ngói hoàng lưu ly rất độc đáo dẫn ra bốn phía, nối tiếpmãi với nhau theo hình chữ vạn. Trong vườn có hai ngôi đình và hai hiên lãm ở bốn góc, có hai lạch nước tên là Ngự Câu, có hòn núi giả Trích Thúy Sơn. Năm 1841, dưới thời vua Thiệu Trị, vườn Thiệu Phương được sửa sang. Phía Tây xây thêm điện Hoàng Phúc, thêm nhiều đình tạ để vua câu cá và hóng mát. Đến nay, dấu tích còn lại duy nhất của khu vườn thượng uyển này là chiếc cổng ở trong Đại Nội. Trên cổng vẫn còn dòng chữ lớn: "Ngự chế - Thiệu Phương viên môn, Minh Mạng cửu niên cát nhật tạo".

 

-Vườn Thư Quang được mô tả trong bài thơ Thư Uyển Xuân Quang (Nắng xuân vườn Thư Quang) là một trong những vườn ngự uyển tráng lệ và nổi tiếng được xây dựng vào năm 1836 (Minh Mạng). Vườn phía về bắc Hoàng Thành (thuộc phường Thuận Thành bây giờ). Vườn có chu vi nửa cây số, sáu cửa ra vào, nhiều điện lầu gác, đình tạ, nhiều cầu có mái, vườn hoa, hồ nước, chim cây... Thơ vua Thiệu Trị diễn tả vườn này như sau:
Rực mầu phong cảnh như châu ngọc
Lộng ảnh ao hồ tựa gấm sa

 

-Vườn Ngự Viên là cảnh đẹp thứ năm được vua Thiệu Trị ca ngợi qua bài thơ Ngự Viên đắc nguyệt (Ngự Viên ngắm trăng):
Thâm nghiêm cung cấm giữa canh khuya
Trong vắt ao thu trăng nước hòa
Liền dải lâu đài in lóng lánh
Sáng ngời hoa thụ rực nguy nga

 

Vườn Ngự Viên được xây dựng năm 1821, ở góc đông bắc Tử Cấm Thành. Dấu vết hiện vẫn còn là Hồ Ngọc Dịch, Tiểu Ngự Hà và một số hòn núi giả ở khu nhà lầu Ngự Tiền Văn phòng (thời Bảo Đại). Trong Hoàng Thành thời Minh Mạng ở đông bắc có hồ Nội Kim Thủy. Giữa hồ có đảo Doanh Châu được xây dựng thành một vườn thượng uyển với kiến trúc cầu kỳ gồm hệ thống gác, đình, lầu, thủy tạ, hiên lãm, các hòn núi giả, các bụi tre, đầm sen, các loại bông hoa mai, trúc, cúc.
Đây là nơi các vua Nguyễn thường ra dạo chơi, hóng mát, đề thơ vịnh cảnh. Trên đảo Doanh Châu này, đẹp nhất là gác Hải - Tịnh Niên Phong (sóng lặng mùa no). Vua Thiệu Trị xếp gác này vào Thần Kinh nhị thập cảnh và có bài thơ Cao Các Sinh Lương vịnh gác này.

 

Bây giờ hồ Nội Kim Thủy vẫn còn các đảo mọc đầy cây cối cỏ dại. Cũng vào thời Minh Mạng, Thiệu Trị, một hoa viên nữa được ca ngợi hết lời là Cung Trường Ninh với hệ thống lầu điện nguy nga, hồ nước, vườn cây hoa thâm u, có núi Bảo Sơn, Kình Ngự, có lạch Đào Nguyên như bồng lai tiên cảnh. Cung Trường Ninh cũng được vua Thiệu Trị đề thơ:

 

Đình bên hồ lắng cả trời cao?
Sông nước cuộn mây hợp sắc mầu
Tơ liễu theo cần vương sợi gió
Hương sen luồn cửa cuốn trường bà
(Bài Buông câu ở hồ Trường Ninh).

 

-Vào năm 1840, vua Nguyễn còn cho làm một vườn thượng uyển nổi tiếng ở gần khu ruộng vua cày khi làm lễ Tịch Điền (phường Tây Lộc bây giờ) gọi là vườn Thượng Mậu. Kiến trúc cũng tương tự như các vườn ngự uyển khác, nhưng hoa hệ hơn. Đây chính là nơi Hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) sống và nghiên cứu kinh sử. Vua làm tới hàng chục bài thơ ca ngợi các cảnh đẹp trong vườn này, trong đó có bài Thường Mậu Quan Canh (xem cày ở vườn Thường Mậu) nổi tiếng.
-Một vườn thượng uyển nổi tiếng đẹp từ thời Minh Mạng đến nay tuy đã hoang phế vẫn còn nguyên diện tích và hình hài kiến trúc là Hồ Tịnh Tâm. Hồ thuộc phường Thuận Thành, từ cửa Thượng Tứ đi thẳng vào. Hồ do ngăn sông Kim Long mà thành từ thời Gia Long. Trên hồ có hai hòn đảo có nhà kho chứa thuốc súng của triều đình. Năm 1839, vua Minh Mạng cho sửa sang, xây dựng thành vườn ngự uyển lớn và đẹp nhất Hoàng gia. 8.000 binh lính tham gia xây dựng công trình. Xây xong, vua đặt tên là Tịnh Tâm Hồ. Chu vi hồ 1.450 m. Trên hồ có ba đảo. Hai đảo lớn phía nam gọi là Bồng Lai, bắc là Phương Trượng. Đảo nhỏ phía tây đảo Phương Trượng gọi là Doanh Châu. Giữa đảo Bồng Lai có Điện Bồng Doanh nguy nga, có cầu Bồng Doanh nối vào bờ, có nhà Thủy Tạ Thanh Tâm, có lầu Trùng Luyện. Trên đảo Phương Trượng có gác Nam Huân hai tầng, có cầu Bích Tảo, có lầu Tịnh Tâm, rồi hiên, đình, hòn giả sơn, cây cổ thụ, hành lang mái lợp...
Chung quanh hai đảo lớn và quanh hồ trồng nhiều tre trúc, liễu và các loại hoa. Khắp mặt hồ thả sen hồng, sen trắng... Vua Thiệu Trị xếp Tịnh Tâm Hồ là thắng cảnh thứ ba trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, với bài thơ đề Tịnh Tâm Hạ Hứng (cảm hứng ở Hồ Tịnh Tâm vào mùa hè). Bức tranh thơ này có vẽ lại cảnh hồ xưa.
.....................
Chú thích
(*)-Truông
là khoảng đất trống nhiều cây hoang, cạnh Hồ Xá (Xá: có nghĩa là nhà); nên người ta gọi là Truông Nhà Hồ. Nơi này nổi tiếng trộm cướp. Ông Nguyễn Khoa Đăng được lệnh chúa Nguyễn đi dẹp. Ông nghĩ kế giả bộ làm người đi đường đi ngang qua Truông Nhà Hồ. Cướp bắt ông đem về sào huyệt. Vừa đi, ông vừa tải lúa để làm dấu và binh sĩ theo đó đến tận sào huyệt bắt trọn ổ cướp.
 
(*)-Phá Tam Giang:
Phá Tam Giang còn có tên là Hạc Hải. Phá có tên Tam Giang vì là nơi hội tụ của ba con sông: sông Lâm, sông Bồ và sông Hương, thuộc huyện Quảng Điền, phía Đông tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là nơi nước chỗ cạn, chỗ sâu và sóng cuộn bất ngờ làm cho nhiều thuyền chèo ngang qua nơi này đã bị đắm. Ngày nay Pha Tam Giang đã cạn vì đất phù sa của ba con sông bồi đắp, chỉ còn con lạch nhỏ thông ra cửa biển Thuận An.
.......................
-Tài liệu tham khảo:
-Từ điển Địa danh Văn hóa và Thắng cảnh VN (NXB: Khoa học & Xã hội)
-Mạng lưới Cố đô
-Vietnam Tourism
   