Dân Chúa Âu Châu

BY: HOÀNG THẠCH

Đất không có nước sẽ cằn cỗi, nứt nẻ. Cây cỏ không có nước sẽ hô khéo. Một thành phố không có ao, hồ, sông thì chỉ nói về phương diện cung cấp nước thôi cũng gặp nhiều khó khăn và mất đi vẻ đẹp. Không chỉ thế, các hồ nước còn điều hòa khí hậu và làm cho thành phố dịu mát. Đây cũng còn là tụ điểm của khách thập phương đến dạo chơi hay ngắm cảnh hồ.
Không kể các con sông làm nên lịch sử như sông Nile Ai Cập, sông Seine Ba Lê, sông Thames Luân Đôn, sông Mississipi Hoa Kỳ, Hoàng Hà Bắc Kinh, sông Hồng Thăng Long v.v… đã làm phát triển và đem lại sức sống cho các thủ đô danh tiếng trên thế giới; các hồ tại cố đô Thăng Long cũng đóng vai trò khá quan trọng cả về phương diện lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam.
Biết bao nhà văn đã từng ngồi mê mẩn bên bờ hồ để viết lên những câu truyện tình trăn trở. Biết bao thi sĩ đã du thuyền trên mặt hồ để viết lên những vần thơ lai láng và biết bao họa sĩ đã lang thang bên bờ hồ để vẽ lên những tuyệt tác mỹ thuật.

Nói chung, các hồ thiên nhiên không chỉ là nơi cung cấp nước cho dân thành, mà còn là nơi tạo nên cảm hứng cho văn nhân thi sĩ và là điểm hẹn hò của các đôi tình nhân hoặc khu vực thể thao cho các chàng lực sĩ chạy bộ. Vì thế, khi nói tới Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật, người ta không thể quên một số hồ nổi tiếng được ghi vào lịch sử mà các di tích để lại là những nét đặc thù trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong đề tài văn hóa kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu bốn hồ nổi tiếng trong số 18 hồ lớn nhỏ nằm trong địa danh cố đô Thăng Long.

1- HỒ HOÀN KIẾM

Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm còn có tên là hồ Hàng Hương, là một trong những hồ đẹp nhất nằm giữa cố đô Thăng Long. Hồ Gươm trước kia có một khúc của sông Hồng mặt nước xanh trong, chung quanh có cây cối tươi mát và đường phố đông người. Giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ, phía Bắc là đảo Ngọc Sơn, phía Nam là đảo Tháp Rùa. Trên đảo Ngọc Sơn có đền thờ Tam Thánh và Hưng Đạo Đại Vương. Trước đền có Trấn Ba Đình, cửa ngoài của đền là Chùa Tháp Bút và Đài nghiên. Cây cầu vồng bắc qua từ bờ vào đền gọi là cầu Thê Húc. Đứng ở Trấn Ba Đình nhìn về phía Nam thấy ngọn tháp xây từ năm 1884 trên đảo Tháp Rùa.

Theo truyền thuyết thì sau khi đánh đuổi được quân nhà Minh, vua Lê Thái Tổ ngự chơi trên hồ, bỗng thấy một con Rùa Vàng lớn nổi lên trước mũi thuyền rồng. Ngài bèn cầm thanh kiếm "Thuận Thiên" đã vớt được khi còn kháng chiến suốt 10 năm dài ở Chí Linh, mà chỉ vào con rùa. Con rùa đớp ngay thanh kiếm quý rồi lặn xuống đáy hồ. Ngài cho là việc đánh giặc Minh đã xong nên Trời đòi lại kiếm, bèn đặt tên cho hồ này là hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là trả lại kiếm báu. Vì thế, hồ Hoàn Kiếm còn gọi là hồ Gươm.

Trong thời gian vừa qua, người ta thấy có một số "Cụ Rùa" bò lên đảo nằm phơi mình dưới ánh trăng và tắm nắng cho da dẻ hồng hào. Dựa vào sự xuất hiện bất ngờ này, lời đồn đãi được loan truyền trong dân chúng là Thần Kim Quy tái xuất hiện để cứu nước! Như vậy, VC kỳ này chắc tiêu tùng!
Cũng có tin Nhà Cầm quyền CS Hà Nội tính làm sạch ven bờ và vét bùn dưới lòng hồ để cho nước trong xanh và bớt mùi ô uế. Nhưng nếu vét hồ mà không thấy cây kiếm Thuận Thiên và Cụ Rùa Vàng đớp kiếm của Vua Lê Thái Tổ năm xưa thì thật là chuyện dở khóc dở cười. Không thấy các chứng tích lịch sử thì truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm coi như chỉ là truyện cà kê dê ngỗng? Như vậy, nếu Nhà Cầm quyền CSHN, muốn phủ nhận các truyền thuyết về lịch sử và văn hóa của dân tộc, lại phải đổi tên hồ. Chả lẽ là Hồ Đồ?

2- HỒ TÂY

Hồ Tây vốn là một khúc sông Hồng, có hình móng ngựa, vừa dài, vừa rộng, chạy từ Tây Bắc sang phía Đông thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích gần 500 mẫu Tây (ha). Đường Cổ Ngư (chính ra là Cố Ngự yển, tức đập nước, đọc trệch ra là Cổ Ngư) ngăn Hồ Tây với hồ Trúc Bạch (còn có nghĩa là hồ giặt lụa).
Về lịch sử Hồ Tây, người ta thấy có nhiều truyền thuyết như sau:

-Truyền thuyết 1:

Về đời Hùng Vương, trong hồ Tây có con thuồng luồng già sống lâu ngày thành tinh và bắt nuốt một bà cụ già, khi bà xuống đó rửa chân. Con của cụ bà là một ông Khổng lồ đã nhẩy xuống đánh và vật lộn với quái vật để cứu mẹ. Người và vật quần thảo nhau khiến chỗ giao đấu ngày càng sâu dần biến thành một hồ nước rộng mông mênh.

-Truyền thuyết 2:

Tục truyền ở giữa hồ có con cáo trắng có tới chín cái đuôi đã sống hơn nghìn năm, thành tinh và thường biến hóa ra người để hãm hại dân chúng sống chung quanh hồ. Long Vương thấy thế liền làm nước dâng cao và điều động các loài thủy tộc lên đánh, bắt được con cáo rồi giết chết đi. Quái tinh và loài thủy tộc quần thảo nhau nên biến nơi này thành hồ lớn, sau này người ta gọi là đầm "Xác Cáo."

-Truyền thuyết 3:

Ở núi Tiên Du có con Trâu Vàng khó trị, nên một Thiền sư đã phải lấy thiền trượng đánh nó. Trâu Vàng sợ, vừa chạy vừa lấy đầu húc vào đất thành thôn Húc, nên sau mới lại có cái tên cầu Thê Húc. Chỗ đất mà Trâu Vàng húc sâu dần biến thành vũng đầm, có tên là vũng Trâu Đầm ở Văn giang thuộc tỉnh Hưng Yên. Trâu chạy ngược lên thành sông Kim-ngưu và cuối cùng ẩn vào hồ Tây. Từ sự tích này mới có chuyện đồn trong dân gian là nhà ai sinh được 10 con trai thì lên hồ Tây kéo được Trâu Vàng.

-Truyền thuyết 4:

Lại có chuyện kể rằng, nhà sư Không Độ (tức Lý Quốc Sư) có tài thu hết kim loại đồng của phương Bắc đem về đúc thành quả chuông lớn. Khi chuông đánh lên, con Trâu Vàng ở bên Tầu nghe được tưởng là tiếng mẹ gọi liền lồng sang Việt Nam. Nó quần mãi chỗ đất nơi phát ra tiếng chuông làm cho đất lúng sâu thành hồ Tây ngày nay.

-Truyền thuyết 5:

Dân chúng còn kể rằng: Long Vương có công diệt được con cáo trắng chín đuôi, nên trở thành đệ tử của Đức Huyền Thiên Châu Vũ Đế (vốn là một vị Thần trấn giữ phương Bắc trong thần thoại Trung Hoa). Do đó mới có đền thờ Đức Thánh Trấn Võ (tức Thánh Châu Vũ đọc trệch ra vì theo phong tục cổ người ta kỵ húy) ở cạnh Hồ Tây ngày nay. Trong đền có pho tượng đồng đen, cao gần 4 mét và nặng 4 tấn mà người ta quen gọi là đền Quan Thánh. Bên Hồ Tây còn có ngôi trường nổi tiếng là Trường Bưởi hay có tên khác là trường Chu Văn An, nơi đã đào tạo được nhiều danh nhân nước Việt.

Hồ nước mênh mông và phong cảnh hữu tình của Hồ Tây đã gợi lên nguồn cảm hứng cho thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835-1909) làm lên bài thơ ca tụng dưới đây:

Chơi Thuyền Hồ Tây (1)
Thuyền lan nhè nhẹ,
Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.
Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây.
Bát ngát nhẽ dễ trêu người du-lãm,
Yên thủy mang mang vô hạn cảm,
Ngư long tịch-tịch thục đồng tâm.
Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm,
Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm họa?
Gió hây-hẩy bỗng nức mùi hương xạ,
Nhác trông lên, vách phấn đã đôi bài.
Thơ ai, xin họa một bài.
Chú thích: (1) Hồ Tây còn có tên rất đẹp khác là Lãng bạc hồ.

3- Hồ Văn

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn bao gồm cả một cái hồ lớn gọi là Thái hồ hay Văn hồ, mà sau này khi người Pháp mở đường đã bị tách sang phía bên kia phố Quốc Tử Giám ngày nay.
Giữa hồ Văn trước đây có gò đất gọi là Kim Châu, quanh hồ trồng nhiều thông, trúc, hoè, lựu, liễu, mẫu đơn, trắc... Năm 1863, Hoàng giáp Lê Hữu Thanh và Án sát Đặng Tá đã quyên tiền thuê người nạo vét bùn, mở rộng mặt hồ rồi cho làm một ngôi đình trên gò Kim Châu, khắc 10 bài thơ vịnh Thái Hồ của Phạm Công Trứ treo trong đình. Ở phía đông Văn hồ có Nho sinh quán (hay còn gọi là quán anh đồ) do Phủ Hào - một người yêu thơ văn lập ra để làm nơi trú ngụ cho học trò các tỉnh về thi cử. Ông sửa lại ngôi đình cũ trên gò giữa hồ, gọi là Nhật Hồ Đình để văn nhân, tài tử đến đó ngâm vịnh. Nơi ấy còn vang vọng trong không gian và thời gian câu thơ ghi nhớ:
Nước Văn hồ tha hồ tắm mát,
Rượu Hồ Đình khao khát bạn làng văn.

Tuy nhiên, từ thời Pháp thuộc, hồ Văn đã bị lấn chiếm, xâm hại khiến các quan lại và thân hào VN phải kêu cứu trong một lá đơn gửi chính quyền Thực Dân, mà Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện còn quản thủ, trong đó có đoạn:
"Văn Miếu được đặt trong một vị trí rất đẹp và một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của nó chính là Hồ Văn... Theo những quan niệm kiến trúc cổ thì hồ này có thể so sánh như chiếc gương lớn soi sáng cho Văn Miếu... Hồ này một khi được trả lại Văn Miếu và được tiếp tục sửa sang bằng các việc làm đúng đắn thì sẽ tạo nên một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất, hơn nữa là một phong cảnh đẹp của thành phố Hà Nội, tạo nên một sức hấp dẫn mới cho du khách tham quan. Do đó cần phải ưu tiên cứu hồ sớm thoát khỏi sự đe doạ của thời tiết và các công trình lấn chiếm ngày càng nhiều..."

Hiện nay, hồ Văn cũng đang là một công trình trọng điểm trong các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử của Thủ đô, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. (HNM)

4- Hồ Trúc Bạch

Hồ Trúc Bạch ngăn cách với Hồ Tây bởi đường Thanh Niên (trước kia là Cố Ngư) đắp vào năm 1957-1958. Thực tế thì hồ Trúc Bạch xuất hiện vào thế kỷ 17 khi dân làng Yên Hòa, nay là Yên Phụ và Yên Quang, nay là đường Quan Thánh đã ngăn phía Đông-Nam hồ Tây để đánh cá. Phía Nam thì dân Trúc Yên che kín làng bằng lũy tre xanh và đó là lý do tại sao mỗi gia đình lại trồng nhiều loại tre nhỏ khác nhau. Dưới thời chúa Trịnh Giang (1729-1740) Viện Trúc Lâm được xây dựng, nhưng sau này tòa nhà được dùng làm trung tâm giam giữ các Cung Tần Mỹ Nữ bỏ Cung Đình lẻn ra ngoài trăng gió hay phạm một tội nào khác bị phạt. Các cô phải tự tìm kế sinh nhai bằng nghề thêu dệt và hàng lụa thêu của các nàng ca nhi không ngờ lại đẹp hết chỗ chê, nổi tiếng khắp trong vùng cố đô mà người ta quen gọi là Lụa Làng Trúc.

Cũng như hồ Tây, các di tích lịch sử và văn hóa về hồ Trúc Bạch được nói đến như: Đền Quán Thánh nằm góc Tây-Nam và Chùa Châu Long nằm về phía Đông. Theo lời kể thì chùa được xây dựng dưới đời Trần Nhân Tông và là nơi Công chúa thường lui tới lễ Phật. Đền An Trí ở đường Phó Đức Chính thờ Uy Đô, một anh hùng đã có công chống lại quân xâm lược phương Bắc.

Về phía Bắc, cách đường Thanh Niên không xa, có Đền Cẩu Nhi hiện không còn tồn tại, nhưng có một tảng đá ghi lại chứng tích VC bắt sống phi công Mỹ dưới đây:
"Ngày 26.10.1967, tại hồ Trúc Bạch quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt sống tên Jchn Sney Macan Thiếu tá Không quân Mỹ lái chiếc máy bay A4 bị bắn rơi tại nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị bắn rơi cùng ngày." (Tên thực Thiếu tá Phi công là John Sidney McCain mà VC phiên âm ra tiếng Việt đọc nhức đầu!)

Như quí độc giả đều biết John Sidney McCain là Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã tham chiến tại VN và trong khi thi hành phi vụ thứ 23 oanh tạc Bắc Việt năm 1967, thì máy bay bị bắn rơi. McCain nhẩy dù ra khỏi máy bay và bị bắt sống. Thượng Nghị sĩ John Sidney McCain từng ra tranh cử vào năm 2000 để được đảng Cộng Hòa đề cử là ứng cử viên Tổng thống. Trong cuộc phỏng vấn của Mike Wallace trên đài truyền hình CBS, John McCain đã không ngần ngại đâm sau lưng chiến sĩ của mình và làm mất thể diện quân đội Mỹ qua việc nhìn nhận mình là "giặc Lái" (Air Pirate) và lời tuyên bố "tôi là một tội nhân chiến tranh, tôi đã bỏ bom đàn bà và trẻ em vô tội." (I am a war criminal; I bombed innocent women and children).

TNS McCain không đủ phiếu để trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa cũng là điều may. Nếu không VC lại phải quẳng bia đá trên xuống hồ Trúc Bạch hoặc đem chôn dưới đất, giống như bức hình biểu tình phản chiến chống chiến tranh VN thời còn sinh viên của TNS John Kerry treo trong bảo tàng viện chiến tranh đã được VC dấu đi. Lý do: Ứng cử viên John Kerry, thuộc đảng Dân Chủ, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã qua thăm VN và ủng hộ CSVN.

Đúng là cảnh đời thay trắng đổi đen!