Dân Chúa Âu Châu

Trong bài viết về đề tài Trồng Răng Giả - Phần I, chúng tôi đã bàn về phương cách trồng răng giả tháo rời (removable prostheses).  Khi nói đến vấn đề đeo răng giả, một số bệnh nhân than phiền rằng họ không thể nào đeo răng giả được, dù là loại bán phần hàm hoặc loại răng giả toàn hàm vì những lý do như bị cấn đau, vướng víu, xục xịch, nhai không được hoặc ăn không ngon. Cũng có vài bệnh nhân khác bị cảm giác buồn nôn mỗi khi mang một bộ răng giả tháo rời.  Cuối cùng các bệnh nhân này đành ‘bỏ cuộc’ và tìm tới những phương cách khác để thay lại những chiếc răng thật họ đã mất.   Bài viết này sẽ trình bầy những ưu điểm và khuyết điểm trong việc trồng răng giả cố định (fixed prostheses) - có nghĩa là bộ răng giả sẽ được gắn dính cứng trong miệng hoặc trong xương hàm.  Trong phần này, bệnh nhân có quyền lựa chọn làm cầu răng (Bridge) hoặc trồng/cấy chân răng bằng kim loại thẳng vào xương hàm (Dental implant).  Khi làm xong, bệnh nhân có cảm giác như đó là răng thật của mình, có mầu sắc giống hệt như những chiếc răng khác, ăn uống ngon lành, và không bao giờ phải tháo gỡ ra!
CẦU RĂNG (BRIDGE)
Cầu răng được áp dụng khi bệnh nhân bị mất đi 1-3 răng, hoặc nhiều hơn.  Cầu răng được chia ra làm ba loại:
Cầu răng ‘thông thường’ [conventional bridge]:  gồm có hai răng đứng ở hai đầu và răng giữa đã bị mất.  Nha sĩ sẽ phải mài nhỏ hai chiếc răng bên cạnh để làm hai cái mão răng (crown), rồi làm thêm cái răng chính giữa để thế vô chỗ răng đã bị mất.  Sau đó 3 chiếc răng sẽ được hàn dính lại với nhau thành một chiếc cầu ba nhịp, tiếng Anh được gọi là three-unit bridge.  
Chiếc cầu răng dài bao nhiêu thì tùy theo số chân răng bị mất.  Thí dụ, nếu bệnh nhân bị mất 2 răng ở giữa, thì sẽ phải cần một chiếc cầu răng bốn nhịp (four-unit bridge).       
                  (2 + 2  = 4)  
hoặc bị mất đi 2 chiếc răng xen kẽ thì sẽ phải làm 5-unit bridge.  
          (3 + 2  = 5)
hoặc bị mất đi 4 chiếc răng ở giữa thì sẽ phải cần 6-unit bridge.
          (2 + 4 = 6)
hoặc phức tạp hơn nữa là bệnh nhân bị mất đi hơn nửa số răng còn lại trong hàm,  thì nha sĩ sẽ cần phải làm công việc ‘tái tạo toàn hàm’  [full-mouth reconstruction].  Nếu trong trường hợp này, thì bệnh nhân sẽ cần phải làm 15-unit bridge.
                    
      (7  + 8  = 15)
Đây là loại cầu thông dụng nhất được làm bằng vàng, ceramics, hoặc bằng sứ được đắp lên trên nền kim loại (porcelain-fused-to metals).
2. Cầu răng ‘cánh ép’ [Maryland bridge]:  cũng có răng đứng ở hai đầu và răng giữa bị mất.  Sự khác biệt là loại cầu này bảo tồn mặt răng nhiều hơn thay vì bị mài hết chung quanh, như đã được diễn tả ở trên.  
Những chiếc răng cột trụ cũng bị mài xén đi bớt để đủ chỗ cho hai cánh nẹp bằng kim loại được ép và dính cứng vào mặt sau của răng. Chiếc cầu này sẽ được dán cứng vào mặt răng bằng chất resin hoặc bằng xi-măng.  Hiện tại, cầu răng này rất ít được làm vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, kinh nghiệm của vị nha sĩ và thường hay bị rớt ra vì nhiều lý do khác như bị nước miếng làm ô uế (salivary contamination), hoặc khớp nhai cắn quá mạnh (heavy occlusion), v.v...
3. Cầu ‘Đà’ [Cantilever Bridge]:  chỉ có duy nhất một đầu cầu để gánh đỡ cho một chiếc răng đã bị mất, khác với những loại cầu vừa được diễn tả ở trên là phải có hai đầu cầu.
Chúng ta có thể ví chiếc cầu này như một tấm ván nhô ra dùng để nhảy xuống hồ bơi, hoặc nói nôm na như kiểu ‘thằng mập cõng thằng gầy’!  Thỉnh thoảng nha sĩ có thể dùng 1 hoặc 2 chân răng để làm trụ chống cho 1 chiếc răng đã bị mất.  
Thí dụ như:     hoặc      , như được diễn tả trong hình quang tuyến ghi nhận sau đây.        
Loại cầu này chỉ nên làm khi
a) chiếc răng bị mất không có sức nhai cắn mạnh hoặc cần phải làm việc nhiều.
b) chiếc răng cột trụ phải được vững chắc và khỏe mạnh để gánh chịu thêm sức đè nặng của chiếc răng đã bị mất.
Nếu không, thì hậu quả sẽ mang tới phần mất xương cho chiếc răng cột trụ và đưa tới chuyện ‘một cây cầu gẫy’!  Nói tóm tắt là loại cầu này phần nhiều dùng để làm ‘kiểng’, che lấp khoảng trống vì sự mất răng mà thôi!
Trong ba loại cầu đã được diễn tả, vài điểm quan trọng chúng ta nên ghi nhớ: Chiều dài cầu răng sẽ tùy thuộc vào số chân răng bị mất cộng thêm những chiếc răng cột trụ (2-unit, 3-unit, 6-unit, 14-unit bridge . . . )  Bởi vậy, tiền phí tổn sẽ dựa trên tổng số răng phải làm để thay thế cho những chiếc răng đã bị mất.  
Những chân răng cột trụ phải được khỏe mạnh, vững chắc và không mắc bệnh nướu răng.  Vì nếu không có những răng trụ chống vững chắc hoặc bệnh nhân không biết gìn giữ kỹ lưỡng, thì cầu răng sẽ dễ bị hư hoại.  Thêm vào đó, khi một trụ bị hư hỏng hoặc bị gẫy thì cả dàn cầu cũng bị sập đổ!!!
Khi những chiếc răng cột trụ đã bị mài đi, bệnh nhân có thể dễ bị buốt răng khi đụng phải những thực phẩm có nhiệt độ nóng hoặc lạnh.  Khi tình trạng tê răng bị kéo dài sau nhiều ngày tháng, bệnh nhân có thể phải đi rút tủy.  Răng bị rút tủy sẽ bị yếu đi và tiền phí tổn này thì bệnh nhân sẽ phải chịu.
Nếu chúng ta không có thời gian mỗi ngày để đánh răng và dùng chỉ răng nha khoa (dental floss), tốt hơn hết đừng nên làm cầu răng mà hãy nghĩ tới bộ răng giả tháo rời.  Việc chăm sóc cầu răng đòi hỏi nhiều thời gian và phức tạp hơn so với việc gìn giữ bộ răng giả tháo rời.
Nên nhớ cầu răng chỉ thay cho một chỗ trống mà thôi.  Nhưng nếu bị mất nhiều chân răng hoặc mất răng ở nhiều chỗ khác nhau trong một hàm thì việc trồng răng giả rất là phức tạp và phí tổn nhiều.  Thí dụ, một bệnh nhân bị mất đi 8 chiếc răng () và còn lại 6 chiếc răng đứng xen kẽ như sau:
                               thì bệnh nhân sẽ có 2 đường lựa chọn:
a)  Chọn làm cầu răng 14-nhịp (14  x $800 - 1000 USD   =   <$14.000 USD).
b)  Chọn làm bộ răng giả tháo rời (removable partial denture) để thay cho 8 chiếc răng đã bị mất  ~ $1.500 - 2.000 USD    
Nói tóm lại về sự thích ứng (flexibility) của chiếc cầu răng giả trong công việc lắp đi những khoảng trống trong hàm, thì dĩ nhiên là hoàn toàn không có!
6. Nếu bị tình trạng phức tạp như trên, chúng ta nên tìm tới những nha sĩ có nhiều kinh nghiệm về phần làm răng giả hoặc tìm tới những nha sĩ chuyên khoa về bộ môn răng giả [Prostho-dontics] để tham khảo ý kiến, vì trường hợp này đòi hỏi nha sĩ phải học hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng khớp nhai cắn của bệnh nhân và tình trạng của những chiếc răng tồn tại. Bệnh nhân có quyền hỏi kinh nghiệm của nha sĩ đó bằng cách cho mình xem những trường hợp tương tự đã làm trong quá khứ và đã làm được bao nhiêu lần!  Nếu vị nha sĩ đó có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức và hình ảnh thì dĩ nhiên họ sẽ hãnh diện và không ngần ngại bày tỏ những công trình đó cho bệnh nhân xem.   
7. Nếu những chiếc răng cột trụ còn nguyên vẹn, tinh tuyền và không tì vết trám hoặc sâu (virgin teeth), bằng mọi cách chúng ta nên bảo vệ những chiếc răng đó và đồng thời hỏi nha sĩ những cách trồng răng khác như dental implant  hoặc đeo bộ răng giả tháo rời (removable denture).  Vì không có gì quý bằng chiếc răng thật của mình!
TIẾN TRÌNH LÀM CẦU RĂNG.
Khi đã quyết định làm cầu răng, trong buổi hẹn đầu tiên nha sĩ sẽ mài nhỏ đi những chiếc răng cột trụ.  Nếu cầu răng được làm bằng men/sứ, thì nha sĩ sẽ chọn mầu tương xứng với những chiếc răng đứng bên cạnh.  Sau đó, nha sĩ sẽ lấy khuôn mẫu răng và gửi tới phòng lab để nha công (lab technician) đổ khuôn để đúc thành chiếc cầu răng.  Bệnh nhân sẽ phải đeo tạm bộ răng giả làm bằng chất resin từ 2 - 4 tuần trong khi chờ đợi cho cầu răng làm xong.   Khi đeo chiếc cầu răng ‘tạm’ này, đây là thời gian thuận tiện nhất để bệnh nhân cho nha sĩ biết những ý kiến, tư tưởng của mình về bộ cầu răng ‘thật’ sắp có của mình, thí dụ:
Tôi muốn tẩy răng trắng hơn!
Tôi muốn mặt răng đừng hô ra quá!
Tôi muốn chiều dài của chiếc răng dài hoặc ngắn hơn!
Tôi muốn răng được khít chặt vào hơn!.....
Tôi không muốn thấy viền mão răng (crown margin) bằng sắt lộ ra!
Nếu không cho nha sĩ biết những ý nguyện trong đầu của mình, khi bộ răng thật về thì có thể không sửa được hoặc bệnh nhân sẽ phải trả thêm những phí tổn để sửa lại!!!!
Buổi hẹn kỳ hai, chiếc cầu mới sẽ được gắn tạm vào răng và điều chỉnh, nếu cần, cho tới khi đạt được sự thoải mái và thích hợp với việc nhai cắn cho bệnh nhân.  Ta có thể xin nha sĩ dùng xi-măng gắn tạm chiếc cầu này để đeo thử trong vài tuần, rồi sau đó sẽ thay thế bằng loại xi-măng vĩnh viễn.  Nếu bệnh nhân không bằng lòng một điểm nào đó thì nên bàn luận với nha sĩ (nước mầu không đúng, không thẩm mỹ, v.v...) trước khi quyết định xi măng vĩnh viễn vào trong răng!  
CÁCH THỨC SĂN SÓC CẦU RĂNG
Thông thường bệnh nhân muốn biết là chiếc cầu răng sẽ dùng được trong bao nhiêu năm.
Câu trả lời đơn giản nhất là tùy theo bệnh nhân có biết cách giữ gìn kỹ lưỡng hay không.
Nếu biết chăm sóc giữ gìn cẩn thận, không để cho những chiếc răng cột trụ bị sâu, gẫy, hoặc bị bệnh nướu răng.   Thêm vào đó, bệnh nhân không có những tật xấu như nhai đá cục, cắn xương, hoặc nghiến răng thì cầu răng sẽ được đứng vững lâu bền.  Chúng ta nên bỏ thời giờ để chải răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng thường xuyên theo định kỳ để bảo trì hàm răng quý giá này!
Một điểm phức tạp trong công việc săn sóc cầu răng là bệnh nhân phải được chỉ dẫn cách dùng sợi chỉ nha khoa để đẩy sạch những vụn thức ăn bám dưới chân cầu. Vì những chiếc răng được hàn dính tụm lại nên bệnh nhân phải cần tới một vật dụng để luồn sợi chỉ xuống dưới cầu răng, gọi là ‘Floss Threader’, rồi kéo sợi chỉ đó qua lại cho sạch đồ ăn bám dưới gầm cầu.  Chúng ta nên làm công việc này mỗi tối trước khi đi ngủ.
Sau khi đọc bài viết về phần răng giả cố định, tác giả mong ước bệnh nhân sẽ hiểu biết thêm về những cách trồng răng giả để việc chọn lựa và quyết định được vững chắc hơn. Trong phần III sẽ đăng vào số báo kỳ tới, chúng ta sẽ biết thêm một cách trồng răng giả cố định khác là loại dental implant. Để tóm lại, khi mất răng chúng ta nên xét lại những điểm quan trọng sau đây đã được so sánh:
(xem biểu đồ)

Chú Ý:
Tất cả những điều nêu trên tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi nha sĩ.

    Cần thời gian để tập nhai cắn và phát âm cho chính xác
 *     Giá tiền thay đổi tùy theo mỗi văn phòng và mỗi tiểu bang!
 Thời gian lâu dài sẽ tùy theo bệnh nhân biết gìn giữ kỹ lưỡng