Dân Chúa Âu Châu

Những người đàn ông muốn có bộ xương vững chắc cần nên tập thể dục thường xuyên bằng cách chạy bộ, theo một cuộc nghiên cứu mới.

Trong một cuộc khảo sát một nhóm đàn ông từ 19 tới 45 tuổi thường xuyên tập thể dục, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng môn chạy bộ có vẻ đem lại phúc lợi cho xương nhiều hơn các môn thể dục khác.

Tuy rằng cả những người chạy bộ lẫn những người cử tạ đều có mật độ xương (bone density) cao hơn nơi xương sống, khi so sánh họ với những người thường đi xe đạp đường dài, nhưng phần lớn phúc lợi cho xương của những người cử tạ có vẻ phát xuất từ sự kiện bắp thịt của họ gia tăng khối lượng. Trong khi đó, môn chạy bộ tỏ ra có hiệu ứng giúp cho xương vững chắc, bất kể khối lượng bắp thịt của những người chạy.

“Những kết quả từ cuộc khảo sát này xác định rằng cả môn tập tạ lẫn những môn thể dục có tác động cao (highimpact exercise) đều giúp tăng cường mật độ xương,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Pamela S. Hinton, thuộc trường đại học University of Missouri ở Columbia, nói trong một bản tin của trường này và thêm: “Tuy nhiên, những môn thể dục và thể thao có tác động cao, như chạy bộ, tỏ ra có nhiều phúc lợi hơn.”

Giáo Sư Hinton và các đồng nghiệp đã đăng phúc trình nghiên cứu trên đặc san Journal of Strength and Conditioning Research (Ðặc San Nghiên Cứu Sức Mạnh và Luyện Tập) số Tháng Hai năm 2009.

Bộ xương của chúng ta gồm có những mô sinh động và phản ứng đối với thể dục bằng cách trở thành vững chắc hơn.

Những môn thể dục nào khiến cho than thể cần phải kháng cự trọng lực – như chạy bộ, nhẩy cao và cử tạ - có nhiều hiệu ứng cho xương nhất. Trái lại, những môn thể dục có tác động thấp (low-impact), như bơi lội hoặc chạy xe đạp, tương đối ít ảnh hưởng tới xương hơn.

Giáo Sư Hinton khuyên những người thường tập thể dục hoặc chơi những môn thể thao có tác động thấp – như bơi lội, chạy xe đạp hoặc chèo thuyền

- hãy nên tập tạ hoặc chạy bộ để giúp cho xương vững chắc hơn.

Bà nói them rằng khi tập thể dục chúng ta hãy nhắm vào tất cả những bắp thịt khắp thân thể để tạo ảnh hưởng tới xương. Bà nói: “Những chương trình thể dục để gia tăng sức mạnh của bộ xương cần nên được thiết kế để tạo ảnh hưởng cho khắp bộ xương. Chỉ những nơi nào trên bộ xương chịu ảnh hưởng từ những động tác thì mới trở thành vững chắc hơn.” (n.m.)

THIẾU NGỦ CÓ THỂ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Giấc ngủ đầy đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo một cuộc nghiên cứu mới ở Hoa Kỳ.

Những người ngủ trung bình dưới 6 tiếng đồng hồ mỗi đêm trong thời gian lâu dài tỏ ra có nguy cơ phát sinh bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn gần 5 lần, khi so sánh với những người ngủ trung bình từ 6 tới 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm, theo một cuộc nghiên cứu đã được tường trình tại một cuộc hội thảo của Hội Tim Mỹ (AHA - American Heart Association) ở Palm Harbor, Florida, hôm 11 Tháng Ba.

“Cuộc nghiên cứu này đem lại them những bằng chứng về sự liên quan giữa tình trạng thiếu ngủ và những vấn đề xấu cho sức khỏe. Giấc ngủ cần nên được coi như thuộc vào nỗ lực săn sóc sức khỏe trong suốt đời,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Lisa Rafalson, thuộc trường đại học University at Buffalo, New York, nói trong một bản tin của Hội Tim Mỹ.

Cuộc nghiên cứu - bao gồm 1,455 người đã báo về những thói quen lien quan tới giấc ngủ của họ - so sánh mức đường glucose trong máu của những người này trong thời gian 6 năm. Những kết quả căn cứ vào những điều chỉnh về tuổi tác, chỉ số khối lượng thân thể (body mass index), mức đường glucose và kích thích tố insulin trong máu, nhịp tim đập, áp huyết cao, tiểu sử gia đình về bệnh tiểu đường, và những triệu chứng trầm cảm.

Các nhà nghiên cứu không thấy có sự khác biệt gì đáng kể trong mức đường glucose hoặc nguy cơ phát sinh bệnh tiểu đường loại 2 giữa những người ngủ trung bình từ 6 tới 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm và những người ngủ trung bình trên 8 tiếng đồng hồ mỗi đêm.

Giáo Sư Rafalson nói: “Chúng tôi hy vọng những kết quả tìm thấy này sẽ thúc đẩy thêm những cuộc nghiên cứu về sự liên quan rất phức tạp giữa giấc ngủ và những chứng bệnh.”

GIỚI THIẾU NIÊN CẦN CÓ ĐỦ SINH TỐ D ĐỂ GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH TIM VÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Những thiếu niên ở tuổi “teen” có mức sinh tố D thấp trong máu thì có nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, xét một cách tổng quát, những thiếu niên thuộc sắc dân da trắng có mức sinh tố D cao hơn gần hai lần so với những thiếu niên Mỹ gốc Phi Châu, và cao hơn 30% so với những thiếu niên Mỹ gốc Mexican.

“Những số liệu về mức sinh tố D trong máu của những người trẻ tuổi dẫn tới một số lo ngại về sự chọn lựa thức ăn của họ và cả tới thời gian mà họ tiếp xúc với ánh nắng,” lời Bác Sĩ Robert Eckel, một cựu chủ tịch của Hội Tim Mỹ (American Heart Association).

Cơ thể của chúng ta sản xuất sinh tố D khi phản ứng với ánh nắng, và sinh tố này hiện hữu trong một số thực phẩm, như cá, sữa và trứng.

Sinh tố D giúp duy trì sự vững chắc của xương bằng cách yểm trợ cho xương hấp thụ chất calcium, đồng thời nó cũng giúp duy trì mức bình thường của chất phosphorus chất calcium trong máu.

Sinh tố D hòa tan trong chất béo và những người quá nặng cân hoặc phì mập thường có mức sinh tố này thấp trong máu.

Sau khi đã điều chỉnh những yếu tố như chỉ số khối lượng thân thể (body mass index), mức độ hoạt động thể chất, tuổi tác, sắc tộc, và địa vị kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu vẫn thấy có những liên quan đáng kể giữa mức sinh tố D thấp và tình trạng kém sức khỏe trong số các thiếu niên ở tuổi “teen” (lứa tuổi từ 13 tới 19).

Những thiếu niên nào có mức sinh tố D thấp nhất thì có nguy cơ cao gấp 4 lần bị mắc hội chứng biến dưỡng (metabolic syndrome) và một loạt những yếu tố liên quan tới quan tới bệnh tim và bệnh tiểu đường, như có vòng bụng lớn, áp huyết cao, mức đường cao trong máu.

Cuộc nghiên cứu này - đã được tường trình tại cuộc hội thảo thường niên của Hội Tim Mỹ - đã phân tích 3,577 thiếu niên tham gia cuộc khảo sát National Health and Nutrition Examination Survey (Khảo Sát Sức Khỏe và Dinh Dưỡng Toàn Quốc).

Người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Tiến Sĩ Jared P. Reis, thuộc trường y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health ở Baltimore, nói: “Tuy cuộc nghiên cứu này là quan trọng, nhưng chúng tôi tin rằng cần nên thi hành thêm những cuộc thí nghiệm lâm sàng để xác định những hiệu ứng của sinh tố D bổ sung đối với nguy cơ mắc bệnh tim trong giới thiếu niên,

trước khi xét tới những đề nghị dùng sinh tố D bổ sung để ngăn ngừa bệnh tim mạch.”