Dân Chúa Âu Châu

hoa 40Cô Tuyết Hằng kính mến!

Đã lâu nay em muốn viết thư cho Cô để bày tỏ nỗi lòng của mình, nhưng em cứ ngần ngại suy nghĩ hoài... Đến nay mọi chuyện chẳng giải quyết được gì hơn, nên em nhất quyết viết thư này gởi đến Cô. Xin cô cho em một lời chỉ dẫn đích thực.

Em đã lấy vợ 6 năm và được 2 cháu, mà sao gia đình em cứ vẫn lục đục hoài... Người vợ em lấy, nàng là diện đi du lịch. Với thời buổi lúc đó trai thừa, gái thiếu. Em quen nàng được khoảng một năm và xin cưới nàng. Thời gian đầu gặp một vài khó khăn nhỏ, em nghĩ rằng ngày nào đó nàng sẽ hiểu được cuộc sống bên đây. Rồi chỉ vì nàng đòi tính toán mọi chuyện trong nhà, nhất là tiền bạc. Em đã đưa hết sổ sách tiền cho nàng để chi phí mọi vấn đề, nàng làm được vài ba tháng thế là tài chánh trong nhà càng hao hụt hơn... Em vẫn... Em vẫn còn nhớ ông bà ta thường nói: "Đồng chồng, đồng vợ tát bể đông cũng cạn". Như em giờ có thế nào tát cũng chẳng cạn, vì số tiền Erziehungsgeld (tiền nuôi dưỡng con) và Kindergeld (tiền con), ngay đến cả lương nàng đi làm thêm là đều do nàng giữ để riêng. Còn với số lương của một người công nhân bình thường như em phải nuôi nấng sống cả 4 miệng ăn, không những còn trả đủ mọi bảo hiểm trong nhà (thí dụ: đóng bảo hiểm xe, Rechtschutzversicherung (bảo hiểm quyền lợi), Haftpflichversicherung (bảo hiểm tài chánh)...) Và nàng còn ra điều kiện phải cho tiền gia đình nàng còn ở VN như thường lệ.

Nàng lại hay thích mua sắm và đi du lịch. Nhưng chẳng nghĩ gì đến số tiền nàng góp được để phụ giúp vào quỹ gia đình mỗi khi mua hay đi chơi riêng cho nàng và con, mà tất cả cũng đều bắt em phải lo hết!! Nếu em không thực hành được những điều kiện như nàng muốn thì gia đình em ngày nào cũng to tiếng với nhau. Nhìn đến cảnh này em chán hết sức, nhất là cứ mỗi buổi chiều đi làm về... Em đã nhiều lần nói về tiền bạc với nàng, cắt nghĩa cho nàng hiểu, mà nàng sao vẫn không hiểu được cuộc sống gia đình mình. Mà nàng lúc nào cũng cứ đứng núi này trông núi nọ..

Em hy vọng với lá thư buồn phiền này. Cô sẽ giúp em tìm được những nguồn vui trong gia đình. Và cũng ước mong sao cho nàng đọc hoặc nghe được lời Cô khuyên bảo.

Cầu chúc Cô trong mùa chay được anh lành.
Em, An Bình - Đức


Trả lời: An Bình thân mến,

Câu chuyện gia đình nhà em là nỗi phiền muộn da diết của nhưng người trai có vợ mới từ quê nhà sang. Các cô gái Việt Nam vì hoàn cảnh cơ hàn của cha mẹ, em út nheo nhóc không đủ tiền ăn, tiền học. Mà phải tự ép mình để lấy chồng xứ xa, để mong mỏi có tiền gởi về nuôi gia đình. Có cô không phải nghèo túng, nhưng chạy theo mốt mới là thích có chồng ngoại kiều, Việt kiều. Hầu có thể ăn xài xa hoa phóng túng, tỏa thích mộng ước háo danh hư ảo của mình! Và cũng có em gái thật đáng thương, chỉ vì chữ hiếu mà phải cam đành quên hạnh phúc riêng tư của mình "để bước lên máy bay" nức nở sang ngang về phương trời xa xôi lý tình sầu!

Cùng "Mợ An Bình", chị chẳng biết rõ mợ thuộc vào hoàn cảnh nào? Nhưng cho dù ở vào một trong cảnh ngộ nào chăng nữa, thì đã chung sống cùng cậu chồng đằng đẵng 6 năm vợ chồng tình nghĩa gối chăn. Câu ái ân cho rằng mặn nồng hay hững hờ, cũng mang lại kết quả là có hai trẻ lần lượt ra đời. Cho nên, thiết tha khuyên mợ nên thường xuyên tự vấn lại lương tri và trái tim của mình. Để bồi dưỡng tình cảm giữa vợ chồng với nhau. Thực sự làm một người hiền thê dịu dàng thủy chung. Hãy dẹp bỏ ý nghĩ làm "vợ tạm bợ", nếu có? Mà gắn bó cuộc đời trăm năm dài lâu với chồng, với con cái!

Cậu mợ đã quen biết nhau gần trót năm rồi mới thành lập gia thất với nhau đó nhé. Thì dù không nhiều nhỏi, hay ít oi gì, hai bên cũng có tình yêu với nhau chứ? Tại sao lại để cho vấn đề tiền bạc nhỏ nhoi làm vẩn đục mái ấm gia đình của hai em?! Đã đành rằng:
Hữu tài hữu vạn năng,
Vô tài bất vạn năng!

Nhưng tình yêu nồng sâu giữa vợ chồng đôi lứa mới chính là con đường vui sống. Là nền tảng hạnh phúc. Tình yêu và thủy chung gắn liền với nhau như bóng với hình đồng tâm hiệp ái...
Vợ với chồng như cơm với cá,
Hòa tim ấp ủ như lá thương hoa!

Thật khó vui vẻ cho tương lai con thơ, nếu cha mẹ cứ mãi cãi cọ tranh chấp quyền hành cất tiền chi thu trong nhà. Và cũng thật khó yêu đương hạnh phúc, nếu đôi lứa không chịu nhường nhịn nhau, tìm hiểu nhau thêm chút nữa. Cuộc đời rất ngắn ngủi trong truân chuyên gai góc vô thường. Thế thì tại sao cậu mợ lại để cho mối u sầu cứ triền miên đeo đẳng. Rồi một ngày nào đó, sẽ làm sụp đổ vỡ tan tổ ấm của trẻ thơ. Tương lai sáng lạn của các con và của cả đôi lứa nữa rồi sẽ đi vào đêm tối mịt mờ! Để cứu vãn tình trạng tang thương hiện giờ, nào xin mời hai em chịu khó "ngồi lại nhỏ to" tính toán lại với chị nhé? Chịu không cơ?

Vợ chồng phải bình đẳng quyền làm vợ, làm chồng với nhau. Quyền dạy dỗ con cái, quyền thu, xuất tiền bạc đều ngang nhau cả. Sống bên đất nước người, thì cần phải hội nhập với văn hóa, với hoàn cảnh cuộc sống bên này. Không thể sống bừa bãi theo sở thích, khát vọng riêng rẽ của mình nữa. Mà hãy nhớ rằng mình còn có trách nhiệm, bổn phận thật lớn lao với con trẻ yêu quý mà mình đã tạo ra. Đã tạo ra con cái, thì hãy biết quên mình một chút, để nghĩ nhiều đến con đường tương lai hạnh phúc huy hoàng cho tuổi thơ con khờ. Để mà nhẫn nại cùng thứ tha cho nhau, tìm thông cảm đồng tâm hiệp nhất với nhau. Bằng cách: Chia phần gánh lo tài chính đều nhau. Tiền lương của cậu để trả tiền nhà, bảo hiểm xe cộ, ăn uống v.v.. Và mỗi tuần bỏ một ít số tiền tiết kiệm vào "Trương Mục tiết kiệm". Lương Cậu cũng như lương vợ đều nhín ra một ít bỏ vào đó cả. Với tên chủ quyền của cả vợ chồng. Đó là để dành cho tương lai con cái. Còn số tiền của mợ kiếm được thì phụ thêm vào việc chi tiêu quần áo vợ chồng con cái. Đi chơi nghỉ hè, thì một năm một lần thôi, thì tốt nhất. Giúp đỡ cha mẹ gia đình là điều nên làm. Nhưng cần phải coi lại ngân quỹ gia đình đó. Nếu túng hụt, thì có thể thỉnh thoảng gởi về mà thôi. Một hay hai lần mỗi năm là đủ rồi. Nếu như thực sự gia đình cha mẹ nghèo cổ cần sự chu cấp, thì mợ nên nhín nhút tiện tặn cần kiệm lại nhé, bớt ăn xài những chuyện không đáng xài, thì sẽ không làm hao hụt lương tiền của cả hai vợ chồng, khi bắt buộc phải gởi cho bên nhà. Em gái hãy chịu khó hòa nhập với hoàn cảnh cuộc sống khó khăn bên này, mà nên ngăn nắp tiền bạc. tâm tình cởi mở với chồng con, để không phụ tấm lòng yêu thương của cậu chồng. Mà làm một người nội tướng hiền phụ vững vàng đảm đang mọi mặt. Dịu dàng yểu điệu thục nữ Việt Nam ngoan lành, noi dấu theo gương hiền nữ của tiền nhân thơm lừng ngát hương tài nữ!

Về phần em trai An Bình, "Cậu" nên chịu khó cân nhắc lại "tài lãnh đạo" làm chủ gia đình của em nhé? Nhất là "quyền làm chồng" cho đúng "mục tiêu" chính chắn ấy nhé. Lúc nào cần cứng rắn thì nên cứng cỏi một chút đó. Chớ có quá "chìu chuộng" vợ nhà, mà mỗi chút mỗi trao quyền để cho vợ hiền trở nên lộng quyền. Mặc tình bướng bỉnh muốn sao được vậy. Rồi cứ dẫm chân lên tính nhu nhược yếu đuối của chồng, mà dương oai làm... bà chằng cằn nhằn tác quái mãi. Bản tính của người phụ nữ không có xấu xa dữ dằn cơ. Chỉ tại em trai không biết cách lãnh đạo, chỉ dẫn con đường tốt đẹp cho mợ nhà. Vì thế "cớ sự" lục đục mới lần khai dai dẳng bấy lâu nay đấy. An Bình ạ, hãy sống mạnh mẽ lên nhá. Lãnh đạo vợ con bằng chính gương mẫu sống của mình. Hãy trở nên người chồng, người cha thật tốt. Không so đo hơn thiệt. Sống thực đúng nghĩa làm người. Để cho vợ con thấy rằng, em chân thành quan tâm đến họ. Thực sự thương yêu lắng lo quan hoài cho họ luôn luôn!

Con đường dẫn đưa đến bóng dáng hạnh phúc thật nồng sâu là ở chính nơi trái tim tha thiết yêu đương của em trai đó. Chẳng phải xa xôi cách núi ngăn sông chi đâu...
Không tới được, em không tới được...
Khi lòng nhau đầy những sương mù!
Kiên tâm nhận ra mình trong nắng tình cháy đỏ,
Để do đó mọi hiểu lầm đều rộng mở!

Thực vậy đấy em trai ơi, hãy bền tâm kiên trì "dắt dìu" vợ hiền. Đừng quên, nhà phát minh bóng đèn điện là Thomas Edison, đã phải khó nhọc kiên tâm thủ đến lần thứ 11.000 lần, thì mới đạt được kết quả thành công là có được chiếc bóng đèn sáng như ý muốn. Em cũng vậy, nếu chịu khó "vui vẻ" nhẫn nại, nhẫn nại thì tin rằng, "chiếc bóng hạnh phúc" của em sẽ rực rỡ chiếu soi con đường tình mặn nồng của lứa đôi!

Thiết tha nguyện cầu, trong tháng hoa của Đức trinh Vương Maria, ngôi nhà thân yêu của bốn người lớn, nhỏ nhỏ trải đầy hoa hồng thắm tươi gió tình. Cho An Bình tâm hồn thể xác bình an vui sống thơ thới bên vợ hiền con ngoan!  

Thân ái, Tuyết Hằng