Dân Chúa Âu Châu

WGPSG (15-06-2020) – Chân Phước Charles de Foucauld, vị sáng lập Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu đã viết : “Hãy sống ngày hôm nay, từng ngày, từng phút như thể chiều nay anh sẽ phải tử đạo”… Hôm nay, một Tiểu đệ Chúa Giêsu, anh Pierre Rollier Nguyễn Văn Thạch, đã đi theo con đường của Cha Charles de Foucauld đến giây phút cuối đời.

Sinh ngày 21.6.1933 tại nước Bỉ. Năm 20 tuổi anh gia nhập Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu và khấn lần đầu năm 1955. Hai năm sau, anh từ bỏ quê cha đất tổ để đến Việt Nam (1957). Trong tinh thần của Cha Charles, anh muốn đi đến những vùng đất xa xôi nhất, với những người xa lạ nhất, những người nghèo khổ nhất, những người bị bỏ rơi nhất, để đem Tin Mừng Tình Yêu của Chúa đến cho họ, như Cha Charles đã đi sâu vào sa mạc Sahara, đến với thổ dân vùng Touareg.

Được biết, gia đình anh có 6 anh và 3 chị. Gia đình đã dâng cho Chúa trong đời sống thánh hiến: 2 anh làm linh mục Dòng Tên, một chị nữ tu Dòng Kín Cát-Minh (Carmelite) và 2 anh Tiểu đệ. Năm 1957 Anh từ giả gia đình để qua Việt Nam, ở nhà tại Sàigòn với Anh Yves (Yếng, + 24.4.2019). Trước đó ba năm, vào năm 1954, đã có 2 Anh người Pháp đến Việt Nam: anh Bernard (gọi tên Việt là anh Sáu Vọng) và anh Charles Bazin đặt nền móng cho Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu tại Việt Nam.

Tại đây, để trở thành người Việt Nam với người Việt Nam, Anh Pierre Thạch đã nhập quốc tịch Việt Nam, lấy tên gọi Việt Nam : Pierre tiếng Pháp là Đá (Phêrô, anh là Đá) được gọi trong tiếng Việt là Thạch. Anh là Phêrô Nguyễn Văn Thạch, rồi Anh còn phải học tiếng Việt nữa. Anh nói sành sỏi tiếng Việt với người Việt. Nhờ đó, Anh đã dễ dàng sống giữa khu dân cư lao động, nghèo khó, tiếp xúc và gặp gỡ mọi người, để trở thành “anh em của mọi người” ở sâu trong hẻm của khu xóm dân nghèo Khánh Hội, Quận 4, Sàigòn.

Lúc đầu, Anh xin vào làm công nhân trong một xưởng mộc do người Pháp làm chủ, sống với nghề thợ mộc như Thánh Giuse ở xưởng mộc Nazarét, đến khi Anh về lại Âu châu và khấn trọn trong Dòng tại Tây Ban Nha năm 1961. Trở lại Việt Nam vào năm 1963, Anh được nhận vào làm công nhân lái xe cần cẩu ở Bến Cảng Sàigòn. Công việc vất vả nặng nhọc, nhưng với tác người cao lớn, khỏe mạnh, khuôn mặt luôn hồng hào và tươi cười, Anh đã sống và làm chứng cho Tin Mừng giữa môi trường lao động, đồng lao cộng khổ với anh em công nhân ở Bến Cảng. Các bạn công nhân  người Việt của Anh rất ngạc nhiên khi được một “Ông Tây” nói tiếng Việt, chia sẻ mọi công việc vất vả với mình. Họ đã đặt câu hỏi trong đầu? “Ông này là ai?” giống như dân chúng Do thái đã đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu. Cha Charles đã từng nói: “Việc tông đồ của tôi phải là tông đồ bằng lòng tốt: khi nhìn thấy tôi, người ta phải tự nhủ rằng: “Bởi vì ông này tốt như thế nên tôn giáo của ông phải tốt” – Nếu người ta hỏi rằng tại sao tôi hiền từ và tốt lành, thì tôi phải nói: “Bởi vì tôi là tôi tớ của Đấng còn tốt lành hơn tôi nhiều, nếu các bạn biết Thầy GIÊSU của tôi tốt lành đến mức nào”(CdF. Sổ tay Tamanrasset, 188). “Con người ngày nay không tin những “ông thầy” cho bằng tin những chứng nhân” (x.Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Phaolô VI) . Anh đã không rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng chứng tá của cuộc sống đơn sơ, nghèo khó, tốt lành với mọi người.

Sau ngày Giải Phóng Miền Nam, 1975, người ta không cho Anh làm công nhân lái xe cần cẩu ở Cảng Sàigòn nữa, Anh phải xoay xở thuê mướn xích lô để đạp. Cũng lại thật ngỡ ngàng: một “Ông Tây” đạp xích lô! Đây lại là một chứng tá khác của Tin Mừng. Anh đạp xích lô đưa đón khách đi đây đi đó, không phải vì tiền bạc hơn là vì tình người. Khách trả giá nào Anh cũng sẵn sàng đạp. Vì thế Anh đã tạo được nhiều thiện cảm với khách và giữ được nhiều mối đưa đón hằng ngày.

Một thời gian sau, Cảng Sàigòn cần công nhân lái xe cần cẩu, Anh đã đến trình diện, nhằm ngay ông bạn cũ ngày xưa, nay làm “sếp” ở Cảng, vì thế Anh được nhận trở lại lái xe cần cẩu cho đến tuổi về hưu vào năm 2011.

Thời gian về hưu là thời gian Anh sống cuộc đời Nazareth với Chúa Giêsu nghèo khó, làm việc nội trợ, gặp gỡ anh em, cầu nguyện và sống bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Thể  là mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm trung tâm trong linh đạo của Cha Charles. Thánh Thể là Hy lễ của Chúa Giêsu để đem lại sự sống cho muôn người. Trong thời gian này và nhất là trong thời gian lâm bệnh, anh đã kết hợp nỗi đau đớn bệnh tật của anh với Hy lễ Thập giá của Chúa Kitô cho đến lúc anh an nghỉ trong Chúa, vào lúc 8 giờ sáng thứ sáu 12.6.2020. Anh hưởng thọ 87 tuổi đời, 67 năm Khấn Dòng, 55 năm sống đời công nhân lao động, chứng tá giữa đời thường. “Anh đã chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương!”

“Hãy sống ngày hôm nay từng ngày, từng phút như thể chiều nay anh sẽ phải tử đạo”… Lời của Cha Charles còn vang dội đến hôm nay bên tai chúng ta, qua cuộc “ tử đạo không đổ máu” của anh Pierre Thạch. Anh đã sống theo sát linh đạo của Cha Charles đến giây phút cuối đời. Một tấm gương lớn của “Người Em Nhỏ Chúa Giêsu” cho tất cả chúng ta. Trong môi trường xã hội chúng ta ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải sống mạnh mẽ và trọn vẹn cuộc đời của Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở cùng chúng ta. Bởi vì người nghèo vẫn còn đó và ngày càng có những người nghèo mới bên cạnh chúng ta. Người chưa biết Chúa vẫn có và có thêm một lớp người mới không muốn biết Chúa. Chính ở đây, trên đất nước Việt Nam thân yêu này, chứ không phải ở phương trời xa xôi nào khác, đây phải là môi trường chúng ta phải dấn thân, nhập thế để cho tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ đại đồng giữa con người được thấm nhập, lan rộng và lớn mạnh, như hoa quả nẩy sinh từ những hạt mầm đầu tiên của hai anh: Anh Yếng, Anh Thạch đã từ Âu Châu đến gieo vào lòng đất Mẹ Việt Nam chúng ta.

Xin đại gia đình Chân Phước Charles de Foucauld - sắp được phong thánh - hiệp thông trong lời tạ ơn, vì ân huệ sự sống Chúa trao ban cho Anh Pierre Rollier Nguyễn Văn Thạch, vì ơn gọi là Tiểu đệ của Chúa Giêsu và mầu nhiệm sự chết và phục sinh mà Chúa đang cho anh trọn hưởng trong Nước Trời. Xin Chúa đón nhận anh trong Lòng Thương Xót của Ngài.

Tưởng nhớ và thương tiếc Anh Thạch,
14.6.2020
Lm. FX. Lê Văn Nhạc

Nguồn: WGPSG