Dân Chúa Âu Châu

VRNs (26.02.2015) – Sài Gòn – Báo chí trong nước cho biết, vào chiều 25/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong phiên họp thứ 35 đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày, trong đó có những ý kiến băn khoăn.

Theo cơ quan trình dự thảo Luật – Hội Luật gia Việt Nam được tờ Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời, trưng cầu ý dân là phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các hoạt động lấy ý kiến để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại còn nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là Việt Nam chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết thêm, mặc dù đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật này và nhất trí trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây nhưng nhiều ý kiến còn bày tỏ quan ngại về những nội dung khác nhau trong dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về dự luật “do thể chế chính trị của ta khác biệt với thể chế chính trị của các nước”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cần đánh giá kỹ tác động của luật nếu được triển khai trong thực tế, vì trưng cầu ý dân khác với lấy ý kiến nhân dân. Bởi lấy ý kiến thì chỉ để cơ quan có thẩm quyền tham khảo, xem xét, còn trưng cầu ý dân sẽ có hiệu lực trực tiếp, phải thi hành dựa trên kết quả quyết định của người dân.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì cho rằng, việc “trưng cầu ý dân xong phải để Quốc hội xem xét có chấp nhận hay không, chứ không phải đem ra thực hiện luôn”.

Theo ý ông Phước, luật này rất quan trọng, nếu xử lý không khéo thì chúng ta tự đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta.

Bà Mai được tờ Người Lao Động dẫn lời nói cần quy định cụ thể những vấn đề cần trưng cầu ý dân như “đụng chạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng nhìn nhận đây là dự luật quan trọng nhưng cũng hết sức nhạy cảm. Ông Khoa đề nghị những vấn đề được trưng cầu ý dân “cần phải nghiên cứu kỹ” như không được trái với Hiến pháp, pháp luật.

Bà Mai còn đề nghị cần quy định rõ những vấn đề không được trưng cầu ý dân, liên đến ngân sách nhà nước, pháp luật… Đồng tình với ý kiến bà Mai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần có quy định nghiêm cấm đưa ra những vấn đề trưng cầu ý dân trái với Hiến pháp.

Về vấn đề giám sát trưng cầu ý dân, UBTVQH đề nghị không quy định vấn đề giám sát trong Luật trưng cầu ý dân để tránh trùng lặp những qui định trong Luật hoạt động giám sát của QH, Luật tổ chức HĐND và UBND.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả pháp luật về trưng cầu ý dân.

Đức Thiện, VRNs tổng hợp

Nguồn: DCCT