Dân Chúa Âu Châu

Đợt dịch tả lợn Châu Phi (ASF) năm nay tại Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở 4 tỉnh khu vực miền Bắc gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa vào cuối tháng 2 năm 2019.

Tình trạng dịch bệnh này ngày càng trở nên xấu đi và lây lan khắp nơi. Đến tháng 9 năm 2019, Việt Nam tuyên bố ASF đã lây lan trên toàn lãnh thổ 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Số liệu thống kê được báo giới trong nước đưa tin cho thấy có khoảng 5 triệu 700 ngàn con heo nhiễm ASF bị tiêu hủy tại Việt Nam.

Giới chuyên gia trong nước nhận định rằng nguyên nhân lây lan nhanh chóng là do chăn nuôi manh mún và quản lý không bám sát tình hình dịch bệnh. Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực quản lý thú y, không muốn nên tên, hồi tháng 6 đã giải thích với RFA về tình trạng lây lan của ASF tại Việt Nam:

“Chăn nuôi tại Việt Nam manh mún, nằm rãi rác phân tán nên việc khống chế dịch bệnh phải nói là quá khó, các hộ chăn nuôi ở Việt Nam cứ nuôi lẻ một vài con thì không ai có thể kiểm soát được hết cả. Heo chết thì người ta giết mổ thịt, rồi người ta bán nên kiểm soát không được. Đây không phải là chăn nuôi công nghiệp mà là kiểu chăn nuôi hộ gia đình, nuôi đủ các loại khác nhau, nay thịt này mai thịt nọ, con nọ con kia nên không khống chế được. Cơ quan quản lý cũng cố hết sức làm để khống chế nhưng không thể được. Mấy hộ nhỏ lẻ họ không quan tâm kiểm soát phòng dịch gì đâu.”

Hậu quả từ ASF

Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNN), được báo giới vào ngày 17/12 dẫn nguồn cho biết dù ASF vẫn chưa được kiểm soát ở Việt Nam nhưng thịt heo vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn chiếm khoảng 70%, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT thì tổng lượng thịt heo các loại trong năm 2019 ước đạt hơn 5 triệu tấn, giảm hơn 4% so với năm 2018; đồng thời dự báo mặc dù giá thịt heo gia tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ trong trong tháng 12/19 và tháng 1/20 sẽ khỏang 600 ngàn tấn và trong vòng 3 tháng tới tổng lượng thịt heo thiếu hụt tầm 200 ngàn tấn.

Bộ NN&PTNT còn được báo giới dẫn lời cho biết số lượng thịt heo trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể thiếu hụt nhiều hơn số liệu mà Bộ này ước tính. Bởi vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại và ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn cũng bị tình trạng tương tự nên gây ra nguồn cung giảm mạnh.

Đài Á Châu Tự Do trao đổi được với một vài chủ trại chăn nuôi heo ở vùng Đông bằng Sông Cửu Long và được cho biết họ chuẩn bị xuống giống lứa heo con mới và thường nuôi từ 5-6 tháng mới được 5 kg để xuất chuồng.

Phóng viên RFA cũng dạo một vòng các chợ dân sinh ở Bình Dương và Vũng Tàu những ngày cuối năm 2019 và ghi nhận như sau:

Một công nhân ở Bình Dương chia sẻ:

“Bình thường lúc thịt heo khi chưa lên giá thì đi chợ có thể mua nửa kg hoặc 1 kg về kho. Còn bây giờ thịt heo tăng giá đâu có dám ăn nữa đâu. 50 ngàn đồng mua được có một miếng nhỏ xíu thì làm sao mà ăn đủ. Trước đây, một tuần có thể ăn 2-3 lần còn bây giờ ăn bớt lại. Vợ chồng em bây giờ ăn một buổi vào Chủ nhật có thịt heo, mua một lượng đủ vừa ăn nhưng một đứa ăn, một đứa nhịn.”

Một tiểu thương bán thịt heo ở Bình Dương cho biết:

“Nói chung từ ngày thịt heo lên giá đến nay thì bán chậm hơn tại vì mặt hàng bị lên giá cao quá. Trước đây ví dụ sườn non bán hết 4-5 kg còn bây giờ thì bị ế. Hiện tại ở chợ này vẫn bán rẻ hơn siêu thị, sườn non bán 170 ngàn đồng/kg mà còn bán ế đấy. Nói chung là người ta vẫn chọn ăn thịt heo nhiều hơn các loại thịt như thịt bò, thịt gà hay cá nhưng ăn giảm hơn, ví dụ như ngày xưa người ta mua 1 kg thì bây giờ còn 7-8 lạng hay trước đây mua 0,5 kg thì bây giờ mua còn 3 lạng thôi.”

Một người dân ở Vũng Tàu đi chợ bày tỏ:

“Không dám ăn thịt, mắc quá! Ngày xưa mua 20 ngàn đồng còn đủ ăn. Bây giờ phải mua 50 ngàn đồng mới đủ ăn, mà có chút xíu thôi cũng không đủ ăn luôn. Mua cá khô, đậu hủ, trứng vịt, mua rau…luộc ăn.”

Bộ Công thương vào ngày 17/12 phát đi thông tin Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 100 ngàn tấn thịt heo (thịt lợn) trong 10 tháng năm 2019, tăng hơn 101 về lượng và tăng gần 95% về trị giá so với cùng kỳ năm trước do bị ảnh hưởng bởi ASF. Bộ Công thương dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê ghi nhận trong tháng 11 năm 2019, đàn heo trên cả nước Việt Nam giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm 2018. Bộ Công thương cho biết từ tháng 10, Việt Nam nhập khẩu thịt heo nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ và Hà Lan trong tổng số 24 quốc gia nhập khẩu thịt heo chính ngạch.

Bộ Công thương nhấn mạnh rằng mặc dù nguồn cung thịt heo bị thiếu hụt và gia tăng nhập khẩu, tuy nhiên việc nhập khẩu thịt heo còn gặp khó khăn ở khâu hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản và lượng thịt heo nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khiêm tốn đối với người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa thích thịt tươi sống.

Một nhân viên tên Trọng, làm việc ở Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết tình hình nhập và bán mặt hàng thịt heo của công ty trong dịp cuối năm và Tết cổ truyền:

“Bên công ty của tôi chuyên nhập thịt sống về và giết mổ. Giết mổ vừa xong thì đưa vào phòng lạnh cho tươi mát một chút xíu rồi bán. Nhưng tình hình vài tháng nay thì hàng tươi sống rất hiếm. Những công ty mà mình ký hợp đồng thì người ta cũng giao hàng cho mình, nhưng chỉ giao khoảng 40% còn 60% thì người ta nói bị dịch bệnh hay heo chưa đủ (kg) xuất chuồng nên người ta sẽ không bán và người ta sẽ tuồn qua Trung Quốc hết. Do đó, thịt heo sẽ không có nên bắt buộc mình phải nhập thịt heo và nhập gần như đến 60%.”

Báo Người Lao Động Online, vào ngày 16/12 loan tin tình trạng xuất/nhập lậu thịt heo tiểu ngạch gia tăng nhằm trục lợi, do sự chênh lệch giá cả thịt heo ở Campuchia và Thái Lan rẻ hơn, còn ở Trung Quốc cao hơn so với Việt Nam.

Ngày Tết Nguyên đán của người Việt Nam không thể thiếu món ‘thịt kho dưa giá’ hay ‘thịt mỡ dưa hành’ và một trong những thành phần thu nhập thấp trong xã hội Việt Nam là giới công nhân, họ tâm tình rằng giá cả thịt heo tăng cao và những thông tin vừa nêu cũng khiến họ không an tâm cho món ăn cổ truyền này trong dịp Tết Canh Tý, như qua lời của một người đi chợ mà phóng viên RFA tình cờ gặp gỡ “Tết này không ăn thịt heo nữa mà mua thịt gà, kho với trứng”.

Dịch ASF lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia Kenya, ở Châu Phi vào năm 1921. Tuy nhiên cho đến nay bệnh dịch này vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận đã có 20 quốc gia trên thế giới báo cáo có lợn bị mắc phải bệnh dịch tả Châu Phi, tính từ thời điểm năm 2017 và đã có hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh dịch này bị tiêu hủy đến trung tuần tháng 2 năm 2019.

nguồn: rfa.org