Dân Chúa Âu Châu

Vụ tai nạn thảm khốc tại Bến Lức (Long An) ngày 2/1 đã khiến 4 người chết, 18 người bị thương, hơn 20 xe máy bị hư hỏng nặng. Vụ tai nạn đã khiến sự bất an mỗi khi ra đường của người Việt lớn hơn bao giờ hết. Cho dù có tham gia giao thông đúng luật, hay chỉ đi bộ trên vỉa hè, ngồi quán uống nước, thậm chí ngồi ở trong nhà may vá, cũng có thể là nạn nhân của tai nạn giao thông (TNGT).

Thống kê mới nhất của UB ATGT Quốc gia cho biết trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 6.700 người chết vì tai nạn giao thông, trung bình là 23 người/ ngày. 4 ngày nghỉ năm mới Dương lịch, có 110 người chết do tai nạn giao thông, trong đó riêng ngày cuối cùng của năm 2018 có 29 người chết. Số người bị thương tật suốt đời còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Đó là những con số thiệt hại về người còn lớn hơn cả do thiên tai, khủng bố. Cứ 12 ngày, số người chết do tai nạn giao thông tại Việt Nam tương đương với số người thiệt mạng trên chuyến bay MH17. Cứ 20 ngày, số người chết tương đương với số người thiệt mạng trong trận động đất – sóng thần kép tại Bali – Lombok.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau mang tên tai nạn giao thông thì vẫn còn hiện hữu, đã và sẽ ám ảnh thêm hàng nghìn gia đình mỗi năm. Chừng đó liệu đã đủ để thức tỉnh chúng ta sống và di chuyển có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và người khác?

Nguyên nhân gây ra TNGT có nhiều, phần lớn được quy cho người tham gia giao thông (thiếu ý thức, sử dụng rượu bia, thiếu quan sát v.v). Tuy nhiên, những người ngoài cuộc liệu có vô can?

Khi việc tiêu thụ rượu bia dần trở thành thói quen của những cuộc nhậu, những bữa tiệc, có bao nhiêu người biết nghĩ cho người khác phải điều khiển xe sau đó mà tránh ép họ cạn chén? Có bao nhiêu người vượt qua được những ấu trĩ trong đầu về việc “không uống là khinh nhau, là không hết mình, là không phải anh em” mà dừng nài nỉ người khác uống rượu?

Tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container đâm vào hàng loạt xe máy chờ đèn đỏ ở Bến Lức đã được xác nhận dương tính với ma tuý và trong máu có nồng độ cồn cao. Người quen cũng xác nhận trước khi lái xe container, tài xế Hiếu đã dự một bữa tiệc của người cùng ấp. Những người đã uống hết mình với tài xế Hiếu liệu có cảm thấy day dứt trong tâm?

Những chủ xe luôn muốn quay vòng nhiều nhất có thể để kiếm lợi, liệu bao nhiêu người sẽ suy nghĩ khi có rất nhiều tài xế phải dùng ma tuý để tỉnh táo khi lái xe? Tại sao điều này dường như ai cũng biết và dần xem nó là một điều bình thường của cánh lái xe đường dài?

Cả cộng đồng sôi sục lên án tài xế Hiếu, trong đó liệu có bao nhiêu người không nài người khác uống rượu bia dù sau đó biết rằng người đó phải điều khiển phương tiện đi về? Trong đó, có bao nhiêu người đã không vượt qua được một chữ “nể” mà đành uống dù phải đi xe?

Có bao nhiêu người đã không từng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lái quá tốc độ, mua bằng? Có bao nhiêu người “đi bão” ăn mừng chiến thắng bóng đá những ngày qua mà tuân thủ luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi chạy xe? Có bao nhiêu người khi đi sai luật bị dừng phương tiện mà không cố tìm cách nhờ vả, thoát tội?

Có bao nhiêu người dám lên tiếng khi tiền thuế của họ bị lạm chi vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông nghìn tỷ nhưng đường, cầu chưa dùng đã hỏng, đội vốn vô tội vạ? Có bao nhiêu người dám lên tiếng khi đã bao nhiêu năm, đường xá giao thông vẫn chỉ là mớ hỗn loạn với rất nhiều bất cập?

Có quá nhiều thứ bất ổn xảy ra xung quanh, và chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm. Nhiều người hỉ hả khi bản thân có được chút thuận tiện, tiết kiệm được chút thời gian, đi được quãng đường ngắn hơn, vượt lên được trước, nhưng không bao giờ nghĩ rằng cái thuận tiện cho mình có khi lại là bản án tử cho người khác.

Bản thân chúng ta chưa gặp phải những sự vụ nghiêm trọng, có lẽ phần nhiều là do chúng ta may. Nhưng cái may đó sẽ không kéo dài với nhiều người, khi chúng ta vẫn tiếp tục cho phép bản thân được nương nhẹ khi mắc lỗi, vẫn thờ ơ với sinh mạng người khác, vẫn nhắm mắt làm ngơ trước những điều sai trái xảy ra xung quanh.

Tài xế Phạm Thành Hiếu và vụ tai nạn thương tâm ở Bến Lức, thực ra chỉ là một ví dụ về hệ quả cuối cùng của một xã hội nơi con người bị bần cùng hoá về đạo đức, nhân cách và ý thức trách nhiệm; nơi sinh mạng con người không được trân quý bảo vệ. Nếu không có sự thức tỉnh, chúng ta sẽ không thể ngăn được tận gốc những vụ tai nạn tương tự trong tương lai.

Lê Xuân

Nguồn: Trithucvn.net