Dân Chúa Âu Châu

#GNsP – Trong phiên tòa xét xử anh Nguyễn Văn Oai ngày 15/01/2018, bên ngoài phiên tòa công an đã đánh đập, cướp điện thoại những người tham dự. Trong số người bị hành hung nặng nề đa phần là trẻ vị thành niên, và cả người già và phụ nữ. Bên trong tòa, cuộc đấu sức pháp lý cũng căng thẳng không kém, khi những luận chứng của luật sư và nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai không được tòa chấp nhận.

Luật sư Hà Huy Sơn đã đưa ra những luận cứ bào chữa dựa trên pháp luật và thực tiễn để chứng minh rằng việc bắt và kết tội anh Oai hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “không chấp hành án quản chế” là thiếu căn cứ pháp lý và oan sai.

Phiên tòa tuy mang tiếng công khai nhưng những người thân không được vào ngoại trừ mẹ và vợ của nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai. Đầu và cuối phiên tòa anh Nguyễn Văn Oai khẳng định rằng bản án là bất công.

Chị Linh Châu, vợ của anh Nguyễn Văn Oai nói rằng trong lời nói sau cùng chồng chị nói: “Tôi khẳng định mình vô tội. Bản án chỉ là để chia cắt tình cha con,tình mẹ, tình anh em thôi. Với Tôi thì luôn một lòng với đất nước chứ không có tội gì cả. Vì sự tự do của đất nước, tôi phải nói lên điều nên làm. Vì sự tự do và công bằng mà tôi bị trả thù thôi.”

Chúng tôi xin gửi đến quý vị toàn bản luận cứ bào chữa cho Nguyễn Văn Oai tại phiên tòa hình sự phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An vừa qua hôm 15/01/2018.

———————-

LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO NGUYỄN VĂN OAI TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ PHÚC THẨM, TAND TỈNH NGHỆ AN, NGÀY 15/01/2018.

Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn; địa chỉ số 156 Trần Vĩ, Cầu Giấy, Hà Nội xin được trình bày luận cứ bào chữa cho anh Nguyễn Văn Oai như sau:

I. Tóm tắt vụ án:
Ngày 09/01/2013, TAND tỉnh Nghệ An ra bản án hình sự sơ thẩm số 01/2013/HSST tuyên phạt anh Nguyễn Văn Oai “Tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” 04 năm tù và 04 năm quản chế. Ngày 02/08/2015, anh Oai chấp hành xong 04 năm tù và bắt đầu chấp hành 04 năm quản chế.

Ngày 18/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án số 03/PC44 (Đ2) vụ án “Không chấp hành án” Điều 304 và “Chống người thi hành công vụ” Điều 257, Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 18/01/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố bị can số 02/PC44 (Đ2) đối với anh Nguyễn Văn Oai.

Ngày 19/01/2017, bị bắt tạm giam cho đến nay.

Ngày 14/04/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra số 01/KLĐT-PC44 đề nghị truy tố anh Oai “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 07/06/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐT-PC44 đề nghị truy tố anh Oai “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999. Nội dung không có gì thay đổi. Sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã chuyển hồ sơ vụ án về Viện KSND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Ngày 30/06/2017, Viện KSND thị xã Hoàng Mai ra Cáo trạng số 35/VKS-HS truy tố anh Nguyễn Văn Oai ra Tòa án nhân dân thị xã Hoàng Mai về “Tội không chấp hành án” Điều 304 và “Tội chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257, Bộ luật hình sự 1999. Ngày 07/08/2017, TAND thị xã Hoàng Mai ra Quyết định số 49/2017/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử ngày 21/08/2017.

Ngày 18/09/2017, Tòa án nhân dân thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An ra Bản án số 42/2017/HSST tuyên Nguyễn Văn Oai:
1- “Tội không chấp hành án” Điều 304, Bộ luật hình sự 1999. Áp dụng điểm g, khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015: phạt 02 năm tù.
2- “Tội chống người thi hành công vụ” Điều 257, Bộ luật hình sự 1999; điểm g khoản 1 Điều 48, Bộ luật hình sự 1999: phạt 03 năm tù.
3- 04 năm quản chế của Bản án trước chưa thi hành.

“Điều 304. Tội không chấp hành án
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Bộ luật hình sự 2015:
Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

“Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Bộ luật hình sự 2015:
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

II. “Tội không chấp hành án”:
1. Mặt khách quan:
1.1. Chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế:
Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2013/HSST, ngày 09/01/2013 của TAND tỉnh Nghệ An, trong đó tuyên phạt anh Nguyễn Văn Oai 04 năm quản chế tính từ ngày 02/08/2015.

Điều 38 Bộ luật hình sự 1999, quy định:
“Điều 38. Quản chế
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.”

Điều 304, Bộ luật hình sự 1999:
“Điều 304. Tội không chấp hành án
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

1.2. Khoản 2 Điều 86, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.”

1.3. Anh Nguyễn Văn Oai chưa 01 lần bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc không được đi khỏi nơi cư trú. Bản án sơ thẩm 42/2017/HSST (trang 04):
– Ngày 06/12/2015, khi anh Oai “trên đường đi từ thành phố Hà Nội về xã Quỳnh Vinh” thì bị Công an xã Quỳnh Vinh lập biên bản.
– Ngày 20/09/2016, anh Oai “khi về đến xã Quỳnh Hậu” sau đó bị UBND xã Quỳnh Vinh lập biên bản.

Nói cách khác, anh Oai có tự ý đi khỏi nơi cư trú nhưng anh Oai lại tự đi về chứ không phải “áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết” như Điều 304 quy định.
• Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm về mặt khách quan “Tội không chấp hành án”.

2. Cấp tòa sơ thẩm áp dụng điểm g “tái phạm” khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 là 01 tình tiết tăng nặng là không đúng. Về mặt chủ quan của tội phạm Điều 304 bắt buộc phải là lỗi cố ý, đây là dấu hiệu định tội nên không được xác định là tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.

III. “Tội chống người thi hành công vụ”:
1. Mặt khách quan:
1.1. Ngày 01/09/2016, ông Hồ Văn Thái và những người đi cùng đã tự ý vào nhà anh Oai không được anh Oai đồng ý; tự ý dùng camera và điện thoại ghi âm ghi hình. Anh Oai đã đuổi những người này ra khỏi nhà (Cáo trạng – trang 04). Hành vi của những người này vi phạm Điều 22 Hiến pháp 2013, quy định:

“Điều 22.
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Mặt khác, Điều 91 Luật thi hành án hình sự 2010, quy định không bắt người chấp hành án phạt quản chế phải có nghĩa vụ cho người của UBND xã tự ý vào chỗ ở của mình. Việc kiểm danh, kiểm diện và gửi thông báo không phải là căn cứ để có quyền xâm phạm chỗ ở của người chấp hành án phạt quản chế.

1.2. Hành vi anh Oai dung cây rào rau, đánh đuổi ông Thái khi xâm phạm nơi ở trái phép là hành vi phòng vệ chính đáng, quy định tại Bộ luật hình sự 1999:

Điều 15. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
1.3. Ngày 01/09/2016, ông Hồ Văn Thái và những người đi cùng mục đích đến nhà anh Oai để giao giấy “Thông báo yêu cầu chấp hành các quy định về quản chế” của UBND xã Quỳnh Vinh. Như vậy, tờ giấy thông báo này đã được giao cho anh Oai nó là của anh Oai. Anh Oai có quyền xé. Hành vi xé giấy thông báo không phải là hành vi chống người thi hành công vụ như trang 8 của Bản án sơ thẩm nhận định.

2. Cấp tòa sơ thẩm áp dụng điểm g “tái phạm” khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999 là 01 tình tiết tăng nặng là không đúng. Về mặt chủ quan của tội phạm Điều 257 bắt buộc phải là lỗi cố ý, đây là dấu hiệu định tội nên không được xác định là tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.

IV. Đề nghị HĐXX:
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Với các lý lẽ trình bày ở trên;
Tôi đề nghị Hội đồng xét xử khách quan xem lại Bản án số 42/2017/HSST, ngày 18/09/2017 của TAND thị xã Hoàng Mai tránh oan sai cho anh Nguyễn Văn Oai.

Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,
Thành phố Vinh, ngày 15/01/2018.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn