Dân Chúa Âu Châu

GNsP (06.12.2017) – Trong những ngày qua, dậy sóng vụ việc cánh tài xế sử dụng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 (Tiền Giang) với thông điệp “phản đối lệ phí thu cắt cổ và trạm đặt sai vị trí”. Nhiều tài xế đã đồng loạt đưa cho người thu phí 25.100 VNĐ và yêu cầu hồi lại cho họ 100 VNĐ. Nhưng BOT không thể hồi lại tiền cho các tài xế 100 VNĐ như đề nghị. Sự giải quyết chậm trễ của các nhân viên BOT Cai Lậy đã khiến nhiều phương tiện giao thông không thể di chuyển.

Đây là hành động phản kháng ôn hòa của người dân – đặc biệt của những người ngồi đằng sau vô lăng – phản đối những lệ phí thu bất hợp lý, quá cao (một chiều 25.000 VNĐ ở BOT Cai Lậy) và nhiều lần, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại thu phí cho người dân một cách thỏa đáng và phù hợp khi đã phải oằn mình hứng chịu nhiều thứ thuế, lệ phí… khác.

Lỗi của BOT?

Phương thức thanh toán tiền mặt bằng tiền lẻ của cánh tài xế cho BOT Cai Lậy là quan hệ dân sự và phù hợp với quy định pháp luật. Quan hệ dân sự “thuận mua vừa bán” này nhưng người mua lại không có quyền lựa chọn cho mình một món hàng thay thế khác, buộc phải theo các quy định của người bán là những người cầm quyền đứng đằng sau các dự án trọng điểm như: cầu, đường… với lợi nhuận kếch xù.

Sự việc nhân viên BOT Cai Lậy – người bán – không hồi tiền hoặc chậm trễ trong việc thối tiền cho cánh tài xế, làm cho nhiều phương tiện không thể tham gia giao thông, là do lỗi của hệ thống thanh toán tiền của BOT Cai Lậy, đã để khách hàng/người mua đợi chờ lâu, mất thời gian và gây ra nhiều sự cố không mong muốn.

Thẩm quyền xử phạt của CSGT, công an

Sau đó, rất đông CSGT, CSCĐ… đã đến trấn áp nhiều tài xế như: cẩu xe của họ một cách tùy tiện, lấy CMND của các bác tài, tịch thu bằng lái xe, áp tải tài xế về đồn công an làm việc… Ngay sau đó, cánh tài xế đã phản ứng, yêu cầu công an thả tài xế đã bị bắt, trả lại CMND vì họ cho rằng hành động của CSGT là trái pháp luật.

Theo nguồn thông tin từ báo chí nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đang có xu hướng “quy kết” các tài xế vi phạm pháp luật và truy cứu hình sự những người đã làm cho nhiều phương tiện không thể tham gia giao thông tại BOT Cai Lậy.

Trách nhiệm và thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính giao thông đường bộ của CSGT được quy định tại khoản 3, Điều 37 Luật Giao thông Đường bộ: “a) Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;

  1. b) Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.”

Trách nhiệm và thẩm quyền xử phạt được quy định đối với Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tại khoản 3, Điều 70 Nghị Định 46/NĐ-CP.

Do đó, khi vụ việc xảy ra làm cho nhiều phương tiện giao thông không thể lưu thông tại BOT Cai Lậy, CSGT có nhiệm vụ “chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường”, “phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe”… Nhưng khi CSGT tịch thu giấy phép lái xe, CMND, cẩu xe, bắt người đưa về đồn công an… là trái với quy định của pháp luật.

Nếu như, các nhân viên công quyền hiểu đúng phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của họ thì họ sẽ tôn trọng luật pháp, tìm phương thức giải quyết phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông được tốt hơn và tránh gây ra nhiều bất ổn.

Huyền Trang, GNsP