Dân Chúa Âu Châu

Phải chăng Tự do ngôn luận là một công cụ sẽ đưa được xã hội đến sự phát triển ngay cả khi nó bất chấp sự tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng niềm tin, tôn giáo của người khác?*

Trong tuần vừa qua, mạng xã hội Việt Nam một lần nữa xuất hiện cuộc tranh cãi sôi nổi liên quan đến đề tài: Có hay không có giới hạn của quyền tự do ngôn luận? Lần này là hình ảnh một cô ca sĩ giăng biểu ngữ bên đường, khi đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ sân bay Nội Bài hướng về Hà Nội. Biểu ngữ với dòng chữ:

Cụm từ “EACE” trong chữ PEACE có gạch chéo xoá bỏ, thay bằng cụm từ “ISS” thành chữ PISS.

Dư luận trên mạng xã hội chia thành hai nhóm, một phản đối và một ủng hộ biểu ngữ trên, vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có hai lý do đáng chú ý, một nhóm phản đối biểu ngữ này, gọi nó là “vô văn hoá”, một nhóm cho rằng biểu ngữ này là thể hiện quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của cô ca sĩ, cần được chấp nhận và tôn trọng.

Nhóm phản đối, thí dụ facebooker V.T.P.A. viết như sau: “Cho dù có ai nói gì đi nữa thì tôi vẫn cho rằng một cô ca sĩ như Mai Khôi mà đòi đái vào đầu tổng thống Mỹ là một điều không thể chấp nhận vì tính vô học và vô căn cứ của hành động ấy.”

Nhóm cho rằng cần tôn trọng quyền tự do biểu đạt, dựa vào lý lẽ sau: “Tự do ngôn luận chưa bao giờ nghĩa là phải đứng đắn và lịch sự. Tự do ngôn luận nghĩa là tự do nói lời hay ý đẹp lẫn nói lời thanh ý tục, nói lời tục ý thanh, nói lời tục ý tục. Tự do mà lại phải nói theo ý người khác thì đó là áp đặt và tư duy kiểu độc tài chứ không phải tự do” (facebooker hoạt động cho phong trào nhân quyền T.H.L.), hay để bênh vực người viết biểu ngữ facebooker P.L.V.C. cho rằng: “Hành vi biểu đạt của Mai Khôi có thể bị xem là xúc phạm đến tổng thống Trump, nhưng sự biểu đạt này đã tạo ra một cuộc tranh luận hữu ích và cần thiết cho cộng đồng liên quan đến quyền tự do biểu đạt trong bối cảnh hiện tại”.

Từ sự không cần tôn trọng con người, đi đến sự không tôn trọng niềm tin, tâm linh của người khác có vẻ cũng không xa.

Trên mạng xã hội, khắp nơi, cũng đã từng có các cuộc tranh cãi và bảo vệ quyền tự do ngôn luận tương tự như thế, thí dụ về các tranh biếm hoạ của tạp chí biếm hoạ Charlie Hebdo (ở đây tôi chỉ chọn những biếm hoạ nhẹ nhàng nhất).

Screen Shot 2017-11-14 at 15.25.32

Lập luận của giới luật pháp bảo vệ “quyền xúc phạm người khác”, đã được đưa ra ở một số toà án nước Pháp, khi nói về các vụ án liên quan đến vấn đề “xúc phạm tôn giáo hay quyền tự do ngôn luận” cho rằng cần phân chia các hành vi ấy ra làm 2 loại: “các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội, và các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm nhưng với mục đích chính đáng”.

Theo họ:Các hành vi của nhóm đầu tiên sẽ phải được giới hạn và chịu sự cấm đoán, trừng phạt tối đa của pháp luật. Nhóm thứ hai sẽ chịu sự giới hạn và cấm đoán ít hơn, hoặc không phải bị giới hạn hay cấm đoán.”

Nếu một xã hội chấp nhận, ủng hộ cả việc người ta có thể dùng “quyền tự do biểu đạt” của mình để xúc phạm, biện minh rằng “với mục đích chính đáng”, như nhân danh một cái lợi, cho là, lớn hơn như tạo ra được một cuộc tranh luận hữu ích và cần thiết cho cộng đồng, là con người không bị áp đặt tư duy; thay vì khuyến khích từ chối cách biểu đạt ấy, thì:

Thật sự, cái lợi nhân danh xã hội này có lớn hơn cái hại cho xã hội là tạo một mâu thuẫn, xung đột giữa người với người không?

Có cách nào khác để tạo ra được cái lợi ấy mà vẫn tôn trọng phẩm giá của người khác không?

Có cách nào khác để bảo vệ tư duy không bị áp đặt mà không phải nhục mạ người khác không?

Và, dùng cách nhục mạ người khác, xúc phạm phẩm giá người khác để đạt được điều gì đó mình muốn thì chính phẩm giá của con người là mình có đang bị hạ thấp không? Khi đó có còn là giá trị tự do đích thực hay chỉ là bản năng thích thì làm, ngay cả giao tiếp bằng bóng dáng của bạo lực?

Đến đây chắc sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau vì khác nhau về quan niệm thế nào là phẩm giá con người, thế nào là tự do, thế nào là xã hội phát triển.

Với Kitô hữu, phẩm giá là hạt ngọc mang hình Giêsu trong mỗi người. Khi hành xử mà không nhìn vào hạt ngọc đó, là tự hạ thấp hay “bỏ mất” phẩm giá của mình, hay người đối diện. Hạt ngọc luôn tồn tại, làm mất hay hạ thấp hạt ngọc là do cách hành xử của mỗi người.

Với phẩm giá đó, tự do đích thực của con người không phải là khả năng chọn bất cứ thứ gì mình muốn, dù tốt hay xấu, mà là khả năng chọn lựa điều thiện hảo.

Cuối cùng, một xã hội chỉ phát triển không chưa đủ mà cần phát triển thật và bền vững. Ủng hộ sự nhục mạ nhau, xúc phạm nhau không thể dẫn đến sự phát triển xã hội thật và bền vững.

Thuận Kiệt

Nguồn: dcctvn.org