Tin Việt Nam
- Viết bởi Huyền Trang, VRNs Ảnh: Phạm Đức Hiệp
VRNs (14.03.2015) – Khoảng 153 quý ông TPB VNCH được “tầm soát sức khoẻ” tại DCCT – Sài Gòn trong đợt 6 vào ngày 13.03.2015, để tiếp nối cho các hoạt động của chương trình “Tri Ân Quý TPB VNCH’ do quý cha DCCT tổ chức.
Buổi “tầm soát sức khoẻ” diễn ra từ 7 giờ nhưng nhiều ông đã đến từ rất sớm để được gặp nhau, trò chuyện với nhau và có ông đã tìm lại được đồng đội cũ qua các câu chuyện thời xưa. Nhiều ông ở xa như Phan Thiết, Tiền Giang… lên Sài Gòn trước một ngày và quý cha cũng lo cho các ông chỗ ăn chỗ nghỉ qua đêm.
Tuy nhiên, đợt khám lần này số người đến không đúng như dự định, bởi có nhiều người không đến được vì nhiều lý do, và có những người không nằm trong danh sách lại đến tham dự cũng được quý cha tiếp nhận. Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp nhận một vài thông tin của một số anh em TPB phản ánh, các cấp nhà cầm quyền địa phương mời lên làm việc và hỏi họ lên DCCT làm cái gì… Các anh em rất thật thà và trả lời rằng, chúng tôi được các linh mục mời một bữa cơm, được khám bệnh, gặp gỡ nhau, phát quà… Và, đó là sự thật. Nhưng có một số khác lại không đến được với những lý do không thể nói nhưng không biết đằng sau đó là gì?”.
Các hoạt động “tầm soát sức khoẻ” trong đợt 6 diễn ra tương tự như các đợt khám khác. Đầu tiên, các ông sẽ được lấy máu và mang đi xét nghiệm; kế tiếp đưa các ông đến các phòng khám khám cận lâm sàng, chụp X-quang phổi, thử nước tiểu, siêu âm nội tạng… Đến giờ trưa, các ông gặp gỡ, trò chuyện, ca hát với nhau và cùng nhau dùng bữa cơm trưa thân mật, tại Hội trường An Phong – Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn. Sau đó, các bác sỹ sẽ gặp gỡ từng vị một để thăm hỏi sức khỏe. Cuối cùng, các bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh và kết luận sức khỏe của các ông dựa trên các kết quả xét nghiệm đã có vào buổi sáng. Họ sẽ đề nghị với quý cha các biện pháp chữa trị cho từng trường hợp.
Các bác sỹ tiếp tục băn khoăn về thể trạng sức khoẻ của quý TPB do tuổi tác và nhiều thương tổn để lại. Các bệnh về tim mạch, thấp khớp, mắt xuất hiện khá nhiều với tần suất cao và có một vài ca bệnh nặng như lao phổi tái phát, thoái hóa khớp háng… Các bác sỹ cũng đề nghị cho 6 trường hợp được đi mổ mắt. Quý cha sẽ cân đối tài chính để yểm trợ chi phí cho 6 ông này. Hoàn cảnh của quý ông ở những vùng xa sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc điều trị.
Trong đợt “tầm soát sức khoẻ” lần thứ 6, một số các ân nhân có lòng hảo tâm muốn chia sẻ quà cho các y bác sỹ và các tình nguyện viên. Một đại diện TPB VNCH ngỏ lời cám ơn và trao món quà tri ân này đến đại diện y bác sỹ và các tình nguyện viên.
Một số quà của đài Little Saigon (USA) cũng được quý cha chia sẻ cho tất cả quý TPB trong ngày hôm nay.
Trước đó ba ngày, vào ngày 10.03.2015, quý cha yểm trợ chi phí mổ mắt cho 7 ông bị đục thủy tinh thể theo đề nghị của bác sĩ sau các đợt khám tổng quát lần trước.
Ông TPB Lê Văn Bảnh nhận xét, “Cô Phượng – nhân viên Chương trình rất tận tình, chu đáo cơm ăn, thuốc uống cho chúng tôi”. Ông cũng gửi lời cám ơn đến quý cha, quý ân nhân và các anh chị em tình nguyện viên.
Đặc biệt, trong đợt khám lần thứ 4, các bác sỹ chẩn đoán ông TPB Nguyễn Phú Bảy bị thận ứ nước cấp độ IV và đề nghị ông phải nhập viện mổ khẩn cấp. Vào ngày 02.03.2015, ông nhập viện và ca mổ của ông đã thành công.
Ông TPB Nguyễn Phú Bảy chia sẻ, sau năm 1975, cuộc sống của ông khá khó khăn, chưa một lần đi khám tổng quát sức khỏe nên không rõ bệnh tình của mình ra sao. Ông Bảy nói tiếp: “Tôi ghi danh tham gia chương trình này vào năm ngoái. Nhờ có chương trình của cha mà tôi được khám bệnh và bác sỹ chẩn đoán tôi bị sỏi thận, ứ nước cấp độ IV, cần phải đi mổ gấp. Tôi đến bệnh viện Bình Dân thì bác sỹ cũng chẩn đoán tôi bị sỏi thận nặng. Sau khi bác sỹ phẫu thuật lấy sỏi thận ra thì nó có hình dáng san hô, kích thước lớn. Nhìn thấy số sỏi thận này, tôi nghĩ, nếu mà tôi không mổ thì tôi sẽ chết rồi. Nhìn rùng rợn lắm!”
Về viện phí cho ca mổ của ông Bảy hết khoảng 15 triệu và đã được chương trình ‘Tri Ân Quý TPB VNCH’ yểm trợ.
Ông TPB Nguyễn Phú Bảy bị gãy lìa xương đùi bên chân trái vào năm 1973, tại căn cứ Mỏ Tàu – Thừa Thiên Huế. Ông Bảy nói, các bác sỹ đã cố gắng chữa trị và phục hồi lại chân trái cho ông, nhưng chân trái ngắn hơn chân phải vài phân, từ đó, hai chân của ông bước đi những bước chân khập khiễng. Sau năm 1975, cuộc sống của ông Bảy cũng như nhiều quý TPB khác tự thân vận động sống qua ngày bằng những tờ vé số rao bán trên khắp nẻo đường.
Ông TPB Nguyễn Văn Bảy bày tỏ lòng cám ơn đến quý cha, quý ân nhân vì “đó là món quà quý báu lần đầu tiên tôi nhận được và cũng là món quà cuối đời của tôi”.
“Đôi khi tôi nghĩ mà nước mắt cứ trào ra vì cuộc đời tôi đã tàn rồi, không nghĩ mình sẽ có cơ hội được người khác quan tâm và chăm sóc sức khỏe cho mình. Bây giờ, mình được chương trình giúp đỡ thì đó là điều quý đối với tôi. Tôi mong những người TPB khác sẽ được quan tâm và giúp đỡ giống như tôi.” Ông Bảy tâm sự.
“Tầm soát sức khỏe” là một trong chuỗi các hoạt động của chương trình “Tri Ân Quý TPB VNCH” với mục đích đồng hành thường xuyên để chia sẻ, nâng đỡ tinh thần và vật chất cho quý ông.
Huyền Trang, VRNs
Ảnh: Phạm Đức Hiệp
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Đức Thiện, VRNs
VRNs (14.03.2015) – Sài Gòn – Hôm 14.03.2015, nhiều nhóm và cá nhân đã tổ chức kỷ niệm 27 năm biến cố Gạc Ma tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng, tuy nhiên những người tham gia sự kiện ở Hà Nội cáo buộc họ bị một nhóm được cho là dư luận viên ‘quấy phá và gây rối’.
Cũng để tưởng niệm biến cố Gạc Ma, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam hôm 103.03 đã tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma trên mảnh đất rộng 2,5 ha thuộc Khu Du lịch Bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 14.03.1988, HOA LỤC đã sát hại 64 binh sĩ Việt Nam và bắn chìm 03 tàu biển, trong đợt cưỡng chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN, trong đó có đảo Gạc Ma.
Hà Nội
Lúc 9 sáng, khoảng 200 người đã đổ về khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm (Hà Nội) để tưởng niệm sự kiện Gạc Ma và vinh danh 64 tử sĩ.
Cô Mai Phương Thảo chia sẻ, buổi tưởng niệm “rất xúc động khi tất cả được biết là các chiến sỹ [VN] đã tay không tấc sắc khi bọn giặc Tầu nã pháo vào tầu mà đã được lệnh không được chống trả, đây là điều vô cùng đau xót và uất hận, [xác] 64 chiến sỹ hiện vẫn đang nằm dưới đáy biển sâu”.
Cô Thảo cũng cho biết có một nhóm được cho là dư luận viên nhà nước đã “quấy phá và gây rối bằng cách hát hò ưỡn ẹo dưới tượng đài Lý Thái Tổ và gây hấn với những người tổ chức buổi tưởng niệm hôm nay”.
Anh Nguyễn Văn Đề cho biết thêm, đoàn người tập trung ở tượng đài vua Lý Thái Tổ đã bị “đoàn thanh niên cộng sản, trong đó có một số dư luận viên cầm cờ búa liềm ngăn cản không cho đoàn tưởng niệm tiến vào lễ đài”.
Anh Đề nói tiếp: “Vì vậy đoàn tưởng niệm đi sang phía bờ hồ Gươm để diễu hành, lúc đó nhóm dư luận viên cũng sang theo để gây sự. Dù vậy, mọi người vẫn tiến lại phía tượng đài Cảm Tử để tưởng niệm, lúc gần đến nơi thì dư luận viên rút hết, đoàn tưởng niệm tiến đến tượng đài Cảm Tử và đặt lẵng hoa và một người đọc diễn văn”.
Anh Nguyễn Văn Đề nhận xét, tuy bị “ngăn cản phá đám nhưng buổi tưởng niệm vẫn thành công tốt đẹp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết, ông cùng một nhóm người vào sáng 14.03 đã đến Đài Liệt Sỹ Bắc Sơn để tưởng niệm biến cố Gạc Ma. Ông vui mừng vì đoàn không bị ai khiêu khích dù “một số người dí sát máy quay phim từng khuôn mặt chúng tôi”.
Sài Gòn
Cũng vào lúc 9 giờ sáng ngày 14.03, khoảng 40 người, trong đó có các thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã tập trung trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng (Sài Gòn) để tưởng niệm sự kiện Gạc Ma.
Giáo sư Tương Lai trong bài phát biểu đã vinh danh sự hy sinh của 64 binh sĩ VN trong việc “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ liêng thiêng của tổ quốc”. Ông Tương Lai khẳng định, ngày 14.03 “vĩnh viễn ở trong lòng dân tộc, dù ai đó âm mưu làm mờ nhạt đi”.
Bên cạnh đó, vị giáo sư nói buổi tưởng niệm còn nhằm “lên án, chống lại và kêu gọi toàn dân cảnh giác trước việc HOA LỤC đang xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa” với ý đồ bành trướng.
Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, đang có mặt tại Sài Gòn và là người tham dự buổi tưởng niệm chia sẻ, “Không khí rất cảm động và trân trọng khi nghe Giáo sư Tương Lai phát biểu”.
Tuy nhiên, bà Chi nói thêm, “đứng cạnh tôi có một người rất là quậy và phát ngôn không hay. Anh ta nói ‘đừng có mơ tưởng’, ‘đừng nói dài dòng nữa, dẹp đi’… Tôi quay lại, trừng mắt nhìn anh ta và nói ‘đừng nói bậy bạ’. Sau đó, anh ta im lặng”.
“Công an, an ninh đứng xung quanh đó nhưng không gây rắc rối cho mọi người. Tôi cũng cảm thấy vui. Nếu như những người này cùng với chúng tôi tưởng niệm các tử sỹ thì rất là tuyệt vời”, Nghệ sỹ Kim Chi nhận xét.
Lúc 11 giờ 55, trước hang đá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp [ĐMHCG] thuộc giáo xứ ĐMHCG – Sài Gòn, linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại cùng với gần 20 người cũng tổ chức cầu nguyện, dâng hương tưởng nhớ đến các tử sỹ đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.01.1974, cuộc chiến biên giới Phía Bắc 17.02.1979 và trận hải chiến Trường Sa 14.03.1988 do cộng sản HOA LỤC đánh chiếm.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh chia sẻ: “Về mặt chính trị các tử sỹ phải là người được đất nước ghi ơn, nhưng họ đang bị quên. Về mặt tâm linh thì các vị ấy đã bị bỏ rơi và lãng quên trong suốt thời gian qua. Các vị cũng mong muốn được người thân tưởng nhớ, cầu nguyện, thắp nén hương lòng. Chúng ta hãy nhớ đến các vị trong lời cầu nguyện và lời kinh hôm nay”.
Đà Nẵng
Tờ Thanh Niên cho biết, sáng 14.03, tại cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC), Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984 – 1988 tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ bãi đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trước mũi súng Trung Quốc.
Khoảng 50 cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, thành viên Ban liên lạc, cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác tại Trung đoàn 803 (nay là Lữ đoàn 803 công binh Hải quân) đã dâng hương, thả vòng hoa và mặc niệm.
Facebook AnNam Dương Lâm cũng cho biết, “Hội cựu chiến binh Tp Đà Nẵng hôm 14.03 cũng tiến hành kỷ niệm tưởng nhớ liệt sĩ Gạc Ma. Nhưng khi chúng tôi đến thì không được tham dự. Chỉ những cá nhân có giấy giới thiệu hoặc bảo lãnh mới được vào. Thiết nghĩ, việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh vì đất nước thì không nên có sự phân biệt và chia rẽ lòng dân như vậy”.
https:..www.facebook.com.profile.php?id=100008285150205
Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế cũng tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma tại gia. Cha nói: “Chung lòng với toàn thể dân Việt. Tưởng niệm những Anh hùng tuẫn tiết. Để bảo vệ mảnh đất giang sơn. Các vị hãy ngàn đời bất diệt!”
Đức Thiện, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi VRNs
VRNs (13.03.2015) – Sài Gòn – Như VRNs đã loan, sáng ngày 10.03.2015, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến gặp các Tăng sĩ tại chùa Phước Thành (đường Phan Chu Trinh), cưỡng bức quý Thầy hủy bỏ buổi gặp gỡ “Tri ân Quý Thương binh VNCH” được tổ chức vào ngày 15.03 tới, có sự tham dự của một số thành viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN).
Đây là việc làm có dấu hiệu lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật và văn hóa người Việt. HĐLTVN nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên dựa vào luật pháp nào để cấm đoán nhân dân thực hiện việc tập trung gặp gỡ nói trên, và dựa vào luật pháp nào để tự cho phép mình tới chùa hăm dọa sẽ ra tay ngăn chận rồi còn tịch thu giấy mời gởi các thương binh?”
—
Kháng thư của Hội đồng Liên tôn Việt Nam
về việc nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên cấm đoán cuộc gặp gỡ Thương binh VNCH tại chùa Phước Thành, Huế
Kính gởi:
- Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
- Các chính phủ dân chủ, các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc và quốc tế.
- Nhà cầm quyền Cộng sản VN
Theo trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế (11-03-2015), sáng ngày 10-03-2015, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến gặp các Tăng sĩ tại chùa Phước Thành (đường Phan Chu Trinh), cưỡng bức quý Thầy hủy bỏ buổi gặp gỡ “Tri ân Quý Thương binh VNCH” được tổ chức vào ngày 15-03 tới, có sự tham dự của một số thành viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Buổi gặp gỡ này sẽ quy tụ hơn 200 quý ông Thương binh VNCH sống ở vùng Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, theo sáng kiến của Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Từ thiện thuộc Tăng đoàn GHPGVN Thống nhất. Nhà cầm quyền cộng sản cho rằng việc tập trung gặp gỡ như thế không hay, chẳng được phép, nếu cứ tiến hành thì sẽ dùng bạo lực để ngăn chận. Ngoài ra, công an còn đi gặp nhiều thương binh, tịch thu giấy mời và bắt cam kết không đến chùa Phước Thành.
Trước vụ việc này, Hội đồng Liên tôn Việt Nam thấy cần phải lên tiếng trước công luận quốc tế và quốc nội như sau:
1- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thông điệp đầu năm 2014, có khẳng định một nguyên tắc pháp luật mà cả hầu hết nhân loại đều công nhận: “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Còn nhà cầm quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Thủ tướng còn kêu gọi xây dựng một nhà nước pháp quyền. Vậy xin hỏi: nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên dựa vào luật pháp nào để cấm đoán nhân dân thực hiện việc tập trung gặp gỡ nói trên, và dựa vào luật pháp nào để tự cho phép mình tới chùa hăm dọa sẽ ra tay ngăn chận rồi còn tịch thu giấy mời gởi các thương binh?
2- Toàn dân Việt đang hướng về ngày kỷ niệm 40 năm đảng Cộng sản Việt Nam cai trị toàn thể đất nước. Đảng luôn lớn tiếng kêu gọi “hòa giải hòa hợp” dân tộc, quên đi hận thù. Vậy việc nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên cấm đoán Hội đồng Liên tôn và các Tăng sĩ chùa Phước Thành quy tụ các thương binh Việt Nam Cộng Hòa phải chăng là hành động thực hiện lời kêu gọi đó? Hay thực chất chỉ là nuôi mãi lòng căm thù đối với những cựu chiến binh đã bị đọa đày suốt 40 năm qua mà nay cũng chẳng còn có thể gây nguy hại cho chế độ cộng sản!
3- Đất nước đang trong cảnh đương đầu với ngoại thù Tàu cộng xâm lược (biến cố Gạc Ma năm 1988 với 64 anh hùng vị quốc vong thân sắp được kỷ niệm vào ngày 14-03 tới là sự nhắc nhở đầy đau thương và sôi sục). Vậy phải chăng việc cấm đoán cuộc gặp gỡ nói trên là hành động “ổn định xã hội” và “thu phục nhân tâm” để “đoàn kết toàn dân” chống kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc?
4- Là những người tu hành, có bổn phận rao giảng lẫn thực hiện việc xóa bỏ hận thù, việc chăm sóc những kẻ bất hạnh, việc tri ân những người đã hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho Tổ quốc, Hội đồng Liên tôn chúng tôi cương quyết tiến hành việc tập trung gặp gỡ các Thương binh VNCH. Chúng tôi hy vọng rằng mọi sự sẽ được xuôi thuận, để làm sạch hơn chút ít bộ mặt nhân quyền lem luốc của Việt Nam mà Đặc phái viên Liên Hiệp quốc về tự do tôn giáo vừa trình bày cho thế giới thấy tại Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 11-03 mới rồi.
Làm tại Việt Nam ngày 13-03-2014
Hội đồng Liên tôn VN
- Cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng PGHH (đt: 0199.243.2593).
- Hòa thượng Thích Không Tánh, Phật Giáo (đt: 0165.6789.881)
- Thượng tọa Thích Viên Hỷ, Phật Giáo (đt: 0937.777.312).
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Công Giáo (đt: 0984.236.371)
- Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Công Giáo (đt: 0935.569.205)
- Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Công Giáo (đt: 0993.598.820)
- Chánh trị sự Hứa Phi, Cao Đài (đt: 0163.3273.240)
- Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, Cao Đài (đt: 0988.971.117)
- Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng, Cao Đài (đt: 0988.477.719)
- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Tin Lành (đt: 0949.275.827)
- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Tin Lành (đt: 0906.342.908)
- Mục sư Lê Quang Du, Tin Lành (đt: 0121.2002.001)
- Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Tin Lành (đt: 0162.838.7716)
- Mục sư Đinh Thanh Trường, Tin Lành (đt: 01202352348)
- Mục sư Đinh Uy, Tin Lành (đt: 01635847464)
- Ông Phan Tấn Hòa, PGHH (đt: 0162.630.1082)
- Ông Tống Văn Chính, PGHH (đt: 0163.574.5430)
- Viết bởi HT, VRNs
VRNs (11.3.2015) – Sài Gòn – Sáng ngày 10.03.2015, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đến gặp quý Thầy tại chùa Phước Thành, và yêu cầu quý Thầy hủy bỏ buổi gặp gỡ “Tri ân Quý TPB VNCH’ được tổ chức vào ngày 15.03 tới.
Hòa thượng Thích Chí Thắng, Phó viện trưởng Hội đồng điều hành Tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) kiêm viện Trụ trì chùa Phước Thành, cho biết: “Họ nói là không nên tập trung vì làm như vậy không được tốt đẹp, có thể tìm cách gửi quà về cho gia đình họ thì tốt hơn. Họ nói là, việc làm từ thiện này là tốt nhưng không được tập trung, nếu mà tập trung họ sẽ ngăn cản. Mình vẫn tổ chức, vị nào đến được thì mình gửi quà, vị nào không đến được thì mình gửi quà về cho họ. Đây là việc làm tốt, mình giúp họ thì họ quý lắm, họ vui, mình cũng vui. Họ là những người trong chế độ cũ đã xả thân bảo vệ quê hương.”
Buổi gặp gỡ này sẽ quy tụ hơn 200 quý ông TPB VNCH sống ở vùng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Từ Thiện thuộc GHPGVN Thống nhất, là người sáng kiến ra chương trình ‘Tri Ân Quý TPB VNCH’, cho hay:
“Chúng tôi nhận thấy, anh em ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế rất khổ, khó khăn, bị phân biệt đối xử, nên chúng tôi chia sẻ với họ một ít quà do quý ân nhân gửi. Còn quý anh em TPB sống ở Sài Gòn và gần khu vực đó đã được quý cha Dòng Chúa Cứu Thế phát quà trong thời gian vừa qua. Do đó, chúng tôi mời một số anh em về Chùa Phước Thạnh để gặp mặt, nhận quà. Nhưng, vào ngày 10.03.2015, nhà cầm quyền kéo đến Chùa, ép buộc các thầy không cho các chức sắc trong Hội đồng Liên tôn được thăm gặp và phát quà cho anh em. Nếu nhà chùa kiên quyết làm thì họ sẽ có biện pháp mạnh như ngăn cản các anh em TPB không được đến đây, hoặc sẽ gây khó khăn cho nhà chùa. Đó là chính sách kỳ thị đối với anh em TPB, tuy rằng cuộc chiến đã đi qua lâu rồi. Tôi mong mọi người cầu nguyện cho chúng tôi.”
Dù thế nào đi chăng nữa, Quý Thầy ở chùa Phước Thành và Quý chức sắc Tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn [HĐLT] vẫn tổ chức buổi tri ân này. Hòa Thượng Thích Không Thánh nói:
“Nhà nước không có lòng nhân đạo nên họ ngăn cản là việc của họ, còn chúng ta làm trên tinh thần từ bi bác ái và nhân đạo nên chúng ta vẫn cứ làm. Nếu họ ngăn cản quý chức sắc trong HĐLT không được vào chùa thì chúng tôi đành chịu. Nếu anh em TPB nào vào được chùa thì Quý thầy sẽ chia sẻ quà cho anh em, còn anh em nào chưa nhận được quà thì chúng tôi sẽ gửi về cho họ.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh chia sẻ thêm: “Tôi đã tổ chức phát quà nhiều năm trước đây tại Chùa Liên Trì và cũng bị họ ngăn cản, rồi họ đến từng nhà anh em TPB cấm không được đến chùa như thế này. Chúng tôi cũng bị hăm dọa, ngăn cản như vậy. Trước tình cảnh này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức gửi quà cho anh em TPB. Nếu như chúng tôi bị nhà cầm quyền gây khó khăn, sách nhiễu không thực hiện được buổi phát quà trên tinh thần nhân đạo và không tiến hành được công việc, thì kính mong quý ân nhân, thân hữu thông cảm cho chúng tôi.”
Trước đây, vào ngày 17.08.2014, Quý Thầy ở chùa Phước Thành và quý Chức sắc trong HĐLT đã tổ chức một buổi gặp gỡ và bữa cơm thân mật với Quý TPB VNCH tại chùa Phước Thành.
HT, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi K. Thuyên
VRNs (08.03.2015) – Sài Gòn – Chính phủ sẽ làm theo khuyến nghị của ông Tony Blair hay vẫn phải kiện định theo Cương lĩnh đảng CSVN?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, một giảng viên kinh tế trong Chương trình Fulbright đã nhận xét trên tờ Thanh Niên Online: “10 năm làm Thủ tướng Anh, ông Tony Blair không một lần đến VN, song chỉ từ năm 2012 đến nay, ông lại đến VN 5 lần nhưng trong vai trò một khách mời tham vấn chính sách. Bối cảnh kinh tế VN những lần ông Blair đến VN gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là những khó khăn kinh tế và những ngổn ngang của các chính sách cải cách”.
Theo vị chuyên gia này, thông điệp của cựu thủ tướng Anh quá rõ ràng: “DNNN phải được cổ phần hóa, kinh tế tư nhân phải được khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn. Cái tư tưởng nhà nước phải nắm quyền chi phối kinh tế để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích người lao động vốn đã rất thịnh hành vào những thập niên 1940 – 1950 nhưng nay đã quá lỗi thời”.
Báo Thanh Niên Online cũng ghi nhận trong một bài khác, rằng ông Tony Blair đã nói, hôm 04.03.2015, tại một Hội thảo do Bộ kế hoạch và đầu tư của Việt Nam tổ chức: “Tôi đã làm thủ tướng 10 năm, qua 2 nhiệm kỳ và tôi rút ra bài học lớn nhất là: Khó nhất đối với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện được nó vì có nhiều ý tưởng hay nhưng không thực hiện được. Bài học thứ hai là mọi cuộc cải cách đều khó khăn và có sự cản trở”.
Tại Việt Nam, chúng tôi thấy tính tham lam của người Việt Nam được thể hiện trong các chính sách hiện hành ở Việt Nam. Ở trong đó, lòng tham đôi khi cũng là cách che đậy một sự thật hoặc làm trì hoãn sự tiến bộ. Trong mục tiêu cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ VN đã đưa ra quá nhiều mục tiêu, khiến các hoạt động triển khai phải nương nhau, nhằm tránh xung đột, dẫn đến việc cổ phần hóa ì ạch, không mang lại hiệu quả, lại còn tạo kẻ hở cho tham nhũng và thanh trừng phe nhóm. Các mục tiêu CPH do Công ty tư vấn tại VN của ông Tony Blair đưa ra là (1) tiến tới nền kinh tế thị trường, (2) cải thiện hiệu quả khối DNNN, (3) giảm nợ công, (4) áp lực hội nhập quốc tế.
Chúng tôi cho rằng khi xác định mục tiêu vì “áp lực quốc tế” nên phải CPH các DNNN tức là anh không thực lòng muốn làm điều đó, mà chỉ làm cho có để đối phó nhằm đạt được cái gì khác lớn hơn, chứ không phải cho chính lợi ích của doanh nghiệp hay nền kinh tế nói chung.
Còn mục tiêu “giảm nợ công” cũng không thể chất lên vai CPH được, vì nợ công chính yếu là do tham nhũng và hối lộ dẫn đến những đầu tư sai luật, sai nguyên tắc. Thậm chí để tham nhũng và hối lộ dễ, người ta làm ra chính sách mới cho phù hợp với quy trình đó. Theo kiểu nói “xây cất”, tức là có xây dựng thì có tiền cất vào tủ làm của riêng. Một cán bộ của ngành xây dựng trong lúc trà dư tửu hậu đã kể: chỉ một nhân viên chạy dự án làm đường quốc lộ của một công ty cầu đường đã được “cất vào tủ” 2 tỉ, nếu xin được dự án làm 3 km đường.
Ngay cả với mục tiêu “cải thiện hiệu quả khối DNNN” cũng mơ hồ, vì không phải cứ CPH là có nhân tài làm việc và doanh nghiệp phát triển, mà chính yếu do cơ chế bảo đảm “con cháu các cụ cả/con ông cháu cha” được ưu tiên tại vị và yên vị đã buộc các DNNN tiếp nhận những “ông/bà trời con” đó, khiến DNNN một mặt hút hết mọi lợi thế của nền kinh tế về phía mình (do làm lại chính sách), mặt khác tha hồ trục lợi, mà không cần bận tâm đến sự thành đạt của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân.
Chỉ có mục tiêu “tiến đến nền kinh tế thị trường” là đúng và phù hợp với khả năng của CPH, và do đó, các quy định về việc CPH phải nhằm mục tiêu này, nhờ vậy thúc đẩy tháo gỡ những gánh nặng vô duyên của nền kinh tế quốc doanh và gia tăng lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia.
Một chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam nghiên cứu kinh tế, cách nay đã 10 năm, đặt vấn đề với chúng tôi: “Tại sao chính phủ Việt Nam phải làm kinh tế?” Rồi ông tự trả lời: “Chính phủ chỉ cần khuyến khích tư nhân làm kinh tế, rồi chính phủ thu thuế có phải tốt hơn không?”
Trong Hội thảo hôm 04.03, ông Tony Blair không đồng tình với cách CPH theo nguyên tắc chính phủ vẫn sở hữu phần lớn tài sản DNNN, ông nói: “Với cách tiếp cận thu hẹp như vậy về CPH, Chính phủ VN không thể kỳ vọng thấy được những tác dụng tích cực tương tự như quá trình CPH mang lại ở nhiều quốc gia khác”.
Như vậy quan niệm của Đông (Nhật Bản) và Tây (Anh) về kinh tế thị trường giống nhau, nhưng khác với Việt Nam cộng sản. cái khác lớn và rõ ràng hơn cả là các nền kinh tế Nhật Bản và Anh thì đứng top đầu thế giới, còn Việt Nam thì đứng gần cuối.
Về ý định giữ vững DNNN, để bảo vệ quyền lợi của người dân, ông Tony Blair cảnh báo: “Không phải lúc nào nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất với người dân, vì nó chậm thay đổi”.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: “Nhiều ý kiến của ông Blair được các lãnh đạo VN đánh giá cao và ghi nhận, thậm chí còn “đặt hàng” cho ông với mong muốn tìm ra được những kiến giải cho VN”.
Điều ông Tuấn ghi nhận, chắc ông cũng như nhiều chuyên gia khác đã biết rõ đó chỉ là chuyện “có vẻ” chứ không thật lòng, vì từ khi Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để đưa bao nhiêu người sang Mỹ học hành và nghiên cứu theo Chương trình Fulbright, nhưng bao nhiêu người trong số họ khi trở về nước được sử dụng, và bao nhiêu quan chức đã thực lòng xin ý kiến họ. Có thể “bụt nhà không thiêng”, nhưng thử nhìn các dự án cải cách tư pháp của Âu châu hợp tác thực hiện ở Việt Nam, tiêu tốn rất nhiều tiền của, trong đó có cả tiền vay nợ quốc tế, nhưng cuối cùng Cương lĩnh đảng CSVN vẫn không công nhận tam quyền phân lập, nên nền tư pháp Việt Nam vẫn cứ trơ trơ ra, không hề thay đổi, mà còn tệ hại hơn với quy định quân đội phải trung thành với đảng cộng sản của Hiến pháp 2013, với các điều luật 79, 88, 258 của Bộ luật hình sự để công an tự do và tự tiện bắt những người bất đồng chính kiến khi muốn.
Khó khăn thứ nhất ông Tony Blair đưa ra khi ông làm thủ tướng trong 10 năm ở Anh là khó nhận được những ý kiến hay của người dân thì ở Việt Nam ngược lại, chính phủ đã đóng cửa IDS, một viện nghiên cứu độc lập với chức năng phản biện, bao gồm rất nhiều nhà trí thức tâm huyết với quốc gia. Các quy tụ của người dân để thảo luận về vấn đề gì đó của quốc gia, mà không do nhà nước hay các cơ quan vệ tinh của đảng cộng sản đứng ra tổ chức thì tức khắc bị công an ngăn cản, quấy rối, đánh đập và bắt bớ.
Ông Tuấn đã nói khéo về vai trò cố vấn cấp cao của ông Tony Blair: “Bối cảnh kinh tế VN [sau – KT thêm] những lần ông Blair đến VN gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là những khó khăn kinh tế và những ngổn ngang của các chính sách cải cách”.
Ngay sau Hội thảo, ngày 05.03, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế độc lập cho BBC Việt ngữ biết: “Ông Tony Blair đã đến Việt Nam từ năm 2012 và đã gặp Thủ tướng Việt Nam. Đến năm 2013 thì công ty Tony Blair Associates đã lập một văn phòng cạnh Bộ Kế hoạch Đầu tư và đã có tham vấn, đóng góp ý kiến về các văn bản cổ phần hóa. Mới đây công ty này cũng cố vấn về nghị định hợp tác công tư (PPP)”.
Theo thiển ý của chúng tôi, công ty Tony Blair Associates chỉ thật sự đóng góp hiệu quả cho người dân Việt Nam – Chúng tôi nhấn mạnh đến “cho người dân Việt Nam”, chứ không phải để khai trí cho quan chức chính phủ và làm bình phông mị dân, vì mọi phí tổn trả cho công ty này tại Việt Nam được trích từ tiền thuế của dân, ngay cả dưới hình thức từ vốn ODA thì vẫn là của người dân – nếu họ làm cho Cương lĩnh đảng CSVN không còn ảnh hưởng gì trên Hiến pháp, pháp luật và các thực hành của nó với dân Việt Nam. Nếu không thì công ty này cũng chỉ là cách “câu tiền” của một doanh nghiệp nước ngoài mang bình phông của một nhân vật lớn của nước Anh mà thôi.
K. Thuyên
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Theo Facebook Tin Vui
VRNs (08.03.2015) – Sài Gòn – Theo dòng lịch sử, ngày 08.03 là ngày phụ nữ xuống đường biểu tình, diễn hành, đấu tranh cho quyền lợi nữ công nhân, quyền trẻ em, quyền sống của phụ nữ, quyền bình đẳng chính trị… Các hoạt động này diễn ra trước tiên ở Mỹ và Âu châu. Nhờ kiên trì, những mục tiêu đấu tranh của phụ nữ ở các nước này đã thu được kết quả rõ ràng. Có thể vì mục tiêu đã hoàn thành, nên tại Mỹ và các nước Tây Âu hiện nay không còn mừng ngày Quốc tế phụ nữ nữa.
Trong khi đó, thế giới cộng sản chủ động thành lập ngày Quốc tế phụ nữ này, nhưng các quyền của phụ nữ vẫn không được tôn trọng. Tuy vậy, phụ nữ ở các nước cộng sản không hề tự mình biểu tình đòi quyền, mà chỉ tham gia các cuộc meeting do đảng cộng sản cho phép tổ chức.
Ở các nước cộng sản, nhà cầm quyền khôn khéo, đánh lừa phụ nữ bằng cách khuyến khích tổ chức lễ hội tưng bừng. Những người đàn ông cũng tranh thủ ru ngủ phụ nữ bằng quà cáp. Do vậy phụ nữ ở các nước cộng sản chỉ còn mong đến ngày 8 tháng 3 để được đi shopping, đi dự lễ hội, ăn uống mà quên đi ý nghĩa thật của ngày đó.
Tại Việt Nam có rất nhiều phụ nữ đang bị đối xử bất công từ cánh đồng lúa ở nông thôn đến các nhà máy dệt may ở thành thị. Các nhà tù ở Việt Nam đang giam giữ nhiều phụ nữ vô tội, xét theo các Công ước quốc tế và Hiến pháp Việt Nam. Ở Việt Nam đến hôm nay vẫn trọng nam khinh nữ.
Xuyến Dân An cho biết: “Thống kê cho biết trên thế giới này, phụ nữ nghèo ở các nước chậm phát triển trong đó có Việt Nam, thường phải sống trong: nghèo túng, nạn nhân của bạo hành gia đình và trầm cảm. Ngày 8 tháng 3 nhắc đến trách nhiệm nâng cao nhân phẩm và phẩm chất sống của những người mẹ, người chị, người em đã và đang sống bằng hết trái tim mình để lo cho người khác…”
Ông Trần Bang nêu suy nghĩ: “Có bình đẳng Nam-Nữ không? khi chưa có bình đẳng công dân, khi nói đến Nhân quyền (quyền con người) thì bị coi là “phản động”, khi còn chế độ phân biệt lý lịch “ngụy”- “ta”, khi còn chế độ sỹ quan công an lấy vợ Công Giáo thì phải nghỉ việc, khi muốn làm việc công cộng (hay chính trị) như tham gia đảm nhiệm các chức vụ Nhà nước, các chức vụ trong Chính quyền các cấp thì phải vào đảng cộng sản…”
Những phụ nữ tự do và thông minh, không bị cộng sản lừa của Việt Nam đâu hết rồi?
Một chút lịch sử (theo Wikipedia)
- Tại Thành phố New York (Mỹ), ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt (nam và nữ) biểu tình chống lại những điều kiện làm việc khắc nghiệt: 12 giờ làm việc một ngày (đấu tranh bảo vệ quyền lợi công nhân)
- Hai năm sau (1859), cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên để bảo vệ và giành một số quyền lợi (đấu tranh bảo vệ quyền lợi nữ công nhân).
- 50 năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, có 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và Hoa hồng” (Bread and Roses). Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909 (đấu tranh bảo vệ quyền lợi nữ công nhân và quyền trẻ em).
- Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế cộng sản) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để kỷ niệm những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ (hệ thống cộng sản thế giới chọn làm ngày QTPN).
- Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được đánh dấu cho lần đầu tiên (19 tháng 3) ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, đã được hơn một triệu người tham gia diễn hành (Âu châu chọn 1 ngày trong tháng 3, không phải 8.3).
- Năm 1912, có 14.000 công nhân hãng dệt đình công và la lớn “Better to starve fighting than starve working – Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc”. Nữ công nhân nghỉ việc 3 tháng (phụ nữ đình công đòi ưu đãi).
- Ngày 8 tháng 3 năm 1914: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử nhưng đến ngày 12 tháng 10 năm 1918 mới được chấp thuận (Phụ nữ đòi quyền bình đẳng chính trị).
- Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8 tháng 3 dương lịch, với 2 triệu binh lính Nga đã chết trong chiến tranh các phụ nữ Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến hoàng đế Nikolai II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga (phụ nữ kêu oan cho chồng con và góp phần lật đổ chế độ).
- Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ (ngày Hai Bà Trưng đánh quân xâm lược Hoa Lục là ngày phụ nữ VN).
- Năm 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Facebook Tin Vui
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Huyền Trang, VRNs
VRNs (08.3.2015) – Sài Gòn – Bà Trần Thị Nga và cô Đỗ Thị Minh Hạnh vừa được tuyên dương 2 trong số 17 người phụ nữ anh hùng ở Châu Á, do Đài Á Châu Tự Do bầu chọn.
Chân dung hai người phụ nữ VN này được mô tả là những người tranh đấu quả cảm, kiên cường cho quyền con người ở đất nước VN -nơi mà chế độ cs độc tài đang cai trị và có nhiều thủ đoạn nhằm ‘trừng phạt’ đối với những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền.
’17 phụ nữ anh hùng ở Châu Á’ được khắc họa chân dung trong sách e-book có tên là ‘It’s not OK’, vừa hoàn thành bằng tiếng Anh.
“Những phụ nữ được khắc họa chân dung trong cuốn sách này bao gồm những phụ nữ đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Bắc Hàn, Tây Tạng, Lào và Tân Cương”, RFA nhấn mạnh.
Một trong số ’17 phụ nữ anh hùng ở Châu Á’ được nêu danh là cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Cô chia sẻ sự bất ngờ: “Thật sự, tôi cảm thấy bất ngờ và rất hạnh phúc khi được Đài Á Châu Tự Do [RFA] vinh danh. Tôi xin cám ơn RFA. Tôi cảm thấy cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng và sự yêu mến của mọi người. Ở VN, có rất nhiều người phụ nữ xứng đáng và tuyệt vời như Thanh Nghiên, Công Nhân, Thục Vy, Hoàng Vi… Họ đều có đặc thù riêng và rất là tuyệt vời”.
Người phụ nữ anh hùng thứ hai cũng được nêu đích danh là bà Trần Thị Nga bày tỏ niềm vui: “Tôi cảm thấy bất ngờ trước thông tin này, vì từ trước tới nay, tôi vẫn là một người phụ nữ hết sức bình thường, bởi vì tôi không có nhiều kiến thức đấu tranh như nhiều anh chị em dân chủ ở VN. Trước đây, tôi cũng chỉ là một người sợ hãi và lo sợ những điều mà nhà cầm quyền sẽ gây ra [cho gia đình tôi], nhưng tôi bị nhà cầm quyền đẩy vào thế phải kiên cường, không kiên cường không được, nên bắt buộc tôi phải hành động.”
Trong suốt thời gian tham gia tranh đấu, hai người phụ nữ này không tránh khỏi các rào cản từ phía gia đình và những lời dị nghị, đàm tiếu từ những người xung quanh. Nhưng họ đã kiên cường vượt qua và kiên trì, miệt mài giúp gia đình, bạn bè, hàng xóm hiểu được lý tưởng đấu tranh của mình.
Bà Trần Thị Nga kể lại: “Ban đầu, tôi chỉ giúp đỡ những lao động VN gặp nạn khi họ làm việc ở Đài Loan thôi. Sau đó, tôi tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, giúp đỡ dân oan… Bố tôi biết những công việc đó là chính đáng, tuy nhiên, nhiều lần cả gia đình vẫn mắng, ngăn cấm không cho tôi tiếp tục công việc này nữa. Bởi vì công an nói với gia đình, hàng xóm những điều không đúng sự thật về tôi. Họ thường bao vây quanh nhà và khủng bố tinh thần những người trong gia đình. Lúc đó, bố mẹ và anh chị em phản đối rất mãnh liệt vì họ sợ công an sẽ thủ tiêu tôi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm. Bởi vì, khi tôi làm việc tại Đài Loan, gặp tai nạn thì chính những người dân Đài Loan, cảnh sát Đài Loan đã giúp đỡ tôi. Nếu không, tôi sẽ không sống cho tới ngày hôm nay. Vậy thì tại sao tôi có thể làm ngơ trước nỗi đau của những người dân oan bị mất đất, bị trù dập được. Chính vì thế, tôi sẵn sàng giúp đỡ những người khác khi họ gặp hoạn nạn. Tôi cũng đã trình bày điều này với gia đình, rồi dần dần gia đình cũng hiểu công việc tôi làm là tốt và những lúc công an khủng bố tinh thần tôi là phi pháp.
Đặc biệt là hàng xóm, bạn bè của tôi cũng thay đổi luôn. Lúc đầu, họ sợ lắm, nhưng cho đến thời điểm này thì đã có rất nhiều người ủng hộ. Điều quan trọng là họ lắng nghe khi tôi trình bày về các quyền căn bản của công dân VN, và bây giờ họ đã biết quyền và nghĩa vụ của bản thân họ.”
Còn cô Minh Hạnh nhớ lại: “Khi tôi chọn con đường đấu tranh cho quyền của người lao động, gia đình tôi phản đối rất nhiều. Khi tôi vào tù thì tư tưởng của gia đình tôi mới từ từ được thay đổi và nhận ra những gì tôi làm là đúng, hợp lý và biết không thể ngăn cản được con mình. Chỉ có tình yêu của gia đình dành cho tôi mới giúp họ vượt qua được những khó khăn đó. Sự thay đổi đó đã tạo sức mạnh cho tôi.
Tôi đã được cha mẹ yêu thương với một tình yêu vô bờ bến, khi mẹ tôi phải gian nan vất vả đi khắp nơi để giúp con mình thoát khỏi nhà tù. Đó là một điều hết sức tuyệt vời. Tôi rất tự hào về mẹ của tôi. Bên cạnh đó, anh chị em tôi đã tôn trọng, ủng hộ để tôi đủ tự tin bước trên con đường đã lựa chọn, chẳng hạn như anh chị đã thay tôi chăm sóc cho cha mẹ khi tôi vắng nhà.
Tôi nghĩ, với sự tuyên dương của RFA sẽ khuyến khích các cháu của tôi tự tìm hiểu các vấn đề xã hội nhiều hơn, và sẽ biết cách sống như thế nào cho xứng với quê hương đất nước.”
Riêng cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị nhà cầm quyền cầm tù kết án 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam, vào tháng 03.2011. Cô đã thụ án được hơn 3 năm tù giam thì được thả tự do vào ngày 28.06.2014, vì các chính phủ trên thế giới lên án nhà cầm quyền cs VN đã cầm tù cô một cách trái phép. Cô Minh Hạnh nói: “Tôi cảm thấy tự hào vì đã đi trên con đường tôi chọn. Điều đó, cũng được trả giá qua những năm tháng bị cầm tù, đánh đập, tra tấn, bị sách nhiễu… Tôi cũng cảm thấy may mắn khi được ở tù, bởi vì chính nơi đó tôi đã nhận ra giá trị của cuộc sống trong đó có tinh thần chiến đấu, tinh thần vượt qua những khó khăn quyết bảo vệ đất nước.”
Bà Trần Thị Nga đã nhiều lần bị công an câu lưu, đặc biệt bị công an truy sát, hành hung đến trọng thương vào chiều ngày 25.05.2014, khiến cho chân của bà bị tật, thế nhưng bà vẫn kiên trì những gì đã và đang làm. Bà Nga quả quyết: “Tôi luôn xác quyết việc làm của tôi là chính đáng và tôi tiếp tục dấn thân.”
Bà Nga cũng nhấn mạnh, những việc bà làm xuất phát từ trách nhiệm của một người mẹ với bốn đứa con nhỏ của bà đang sống trong một đất nước ngày càng suy đồi đạo đức. Bà Nga đặt vấn đề: “Nếu ngày hôm nay, người mẹ không bảo vệ được các quyền căn bản của con mình và không đứng lên đấu tranh giành lại quyền cơ bản này thì tương lai của những đứa nhỏ sẽ đi về đâu.”
“Tôi tha thiết kêu gọi các người mẹ, các chị em cùng nhau đứng lên trong trách nhiệm của chúng ta, để bảo vệ tương lai cho con em chúng ta được đón nhận các quyền cơ bản như là một con người.” Bà Nga kêu gọi.
Một quyền khác cũng khá quan quan trọng của người phụ nữ dường như chưa được phát huy mạnh tại VN, đó là ‘tham gia phản biện các vấn đề chính trị, xã hội để góp sức thay đổi quê hương đất nước”, cô Minh Hạnh cho hay.
Đó là những gian truân, những thử thách mà hai người phụ nữ bình dị là bà Trần Thị Nga và cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã trải nghiệm trong quá khứ, đang gặp trong hiện tại và sẽ vượt qua trong tương lai. Sự hy sinh của họ đã được thế giới công nhận và đất nước VN sẽ được đổi thay -bắt nguồn từ những hạt giống biết ‘tự hủy’ như không.
Huyền Trang, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi HT, VRNs
VRNs (07.3.2015) – Sài Gòn – Luật sư Nguyễn Văn Đài, sống ở Hà Nội, bị côn đồ khủng bố, đe dọa và theo dõi khi ông đã hết hạn 4 năm quản chế tại gia, vào ngày 06.03.2015.
“Khoảng 5 giờ 30 chiều ngày 05.03, có 4 tên côn đồ tấn công, khủng bố và đe dọa gia đình tôi. Sự việc xảy ra chỉ vài phút, rồi sau đó họ bỏ đi. Tôi gọi điện báo công an phường 2 lần nhưng không có ai tới tìm hiểu sự việc.
Ngày 06.03, tôi hết quản chế. Theo luật pháp, tôi đã được trả lại toàn bộ các quyền công dân, có thể tự do đi lại trong nước và nước ngoài, nhưng chính quyền đã cho an ninh bao vây quanh nhà. Buổi trưa có 12 người bạn tới thăm và ăn trưa. Khoảng 1 giờ chiều họ ra về, ngay lập tức có một nhóm thanh niên tấn công đe dọa và phá hỏng một phần cửa ra vào của gia đình tôi. Tôi đã gọi cảnh sát 113, nhưng không có ai trả lời. Gọi cho công an phường, họ hứa tới điều tra, nhưng cũng không có ai tới. Tình trạng an ninh cá nhân của tôi là hết sức nguy hiểm.” Luật sư Nguyễn Văn Đài cho VRNs biết vào tối ngày 06.03.
Khi công dân gặp nguy hiểm và đã trình báo cho nhà chức trách, thì trách nhiệm của lực lượng công quyền là bảo vệ những người này, nhưng họ lại phân biệt đối xử với những người bất đồng chính kiến. Luật sư Đài bình luận:
“Theo Hiến pháp, pháp luật thì các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo sức khỏe, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân -bất kể người đo là ai, có tôn giáo hay không có tôn giáo, quan điểm chính kiến của họ như thế nào. Nhưng trên thực tế, những người như tôi có tôn giáo, lại có quan điểm chính trị khác biệt với ĐCS, nên tôi và gia đình cũng như hầu hết những người bất đồng chính kiến khác đang bị phân biệt đối xử. Họ đã không cho lực lượng chức năng đến để bảo vệ gia đình tôi khi chúng tôi gặp nguy hiểm”.
Tuy Luật sư đã hết hạn quản chế nhưng ông lại nhận xét dí dỏm rằng “hết quản chế còn nguy hiểm hơn cả khi còn quản chế”. Điều này đã được ông dự đoán trước và chuẩn bị tinh thần. Luật sư Đài nói:
“Trong thời gian 4 năm bị quản chế, chính quyền cũng không kiểm soát quá gắt gao. Đồng thời ngày nay, với sự hỗ trợ của internet, các trang mạng xã hội như Facebook, các ứng dụng trên điện thoại thông minh đã giúp tôi thực hiện được rất nhiều công việc, mà trước đây cho dù có được tự do đi lại cũng khó thực hiện được.
Nay hết quản chế, tôi đã chuẩn bị tâm lý và tinh thần là sẽ bị quản lý khắc nghiệt hơn. Nhưng tôi sẽ tiếp tục sử dụng triệt để những lợi ích mà công nghệ thông tin đang đem lại để phục vụ cho công việc của mình. Với kinh nghiệm những năm đã qua, tôi hy vọng sẽ đóng góp hiệu quả hơn để thay đổi đất nước”.
Vào năm 2007, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị nhà cầm quyền kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế theo Điều 88 BLHS ‘tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN”.
Hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Đài là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
HT, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Đức Thiện, VRNs
VRNs (07.03.2015) – Sài Gòn – Luật sư Võ An Đôn hôm 6.3 cho biết ông ‘sẵn sàng bào chữa miễn phí’ cho những vụ án tử vong sau khi rời đồn công an, dù biết có những khó khăn.
Vị luật sư sống ở Phú Yên cho biết thông tin trên, sau khi ông chấp nhận bào chữa miễn phí cho gia đình ông Tu Ngọc Hoài, có con là Tu Ngọc Thạch bị công an xã đánh chết trong tháng 12.2013 tại Khánh Hòa.
Luật sư Đôn trước đây từng tham gia bào chữa cho vụ ông Ngô Thanh Kiều bị 5 công an thành phố Tuy Hòa dùng nhục hình đánh chết vào tháng 5.2012 tại Phú Yên. Sau sự kiện này, các cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đã đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn nhưng không thành.
‘Phải bảo vệ tính mạng người dân’
Vị luật sư 38 tuổi nói với VRNs hôm 6.3: “Từ trước đến nay tôi chuyên bào chữa miễn phí cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, và người vị thành niên dưới 18 tuổi phạm tội”.
“Nhưng thời gian gần đây tôi có tham gia bào chữa 2 vụ án được dư luận quan tâm là vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, và vụ án em Tu Ngọc Thạch học lớp 9 bị công an xã ở huyện Vạn Ninh đánh chết”.
Luật sư Đôn cho biết: “Sau này nếu mà có những vụ việc xảy ra [tương tự] mà có người yêu cầu thì tôi sẵn sàng bào chữa miễn phí”.
Chia sẻ lý do theo đuổi những vụ án trên, luật sư Đôn nói: “Tình trạng bị can, bị cáo, người bị tạm giữ chết trong đồn công an ở Việt Nam xảy ra rất là nhiều và thường xuyên, mà không ai dám đứng ra để bảo vệ người dân, cho nên mình là luật sư mà mình không đứng ra thì lương tâm rất là cắn rứt”.
“Tuy giới luật sư cho rằng đây là những vụ việc nhạy cảm, rất là khó khăn và có thể bị tước thẻ [luật sư], nhưng tôi không sợ, sẵn sàng chấp nhận tất cả bởi vì quyền lợi và công lý của người dân phải được bảo vệ”.
Luật sư Đôn khẳng định: “Phải bảo vệ tính mạng người dân chứ không thể để xảy ra tình trạng chết rất nhiều người”, “tình trạng bị can, bị cáo, người bị tạm giữ chết trong đồn công an”.
‘Nhà nước giao cho công an rất nhiều quyền lực’
Nhận định về nguyên nhân xảy ra những vụ việc trên, luật sư Đôn nói: “Việc tạm giam tạm giữ chỉ được giao riêng cho ngành công an, và rất ít cơ quan quản lý. Hơn nữa, nhà nước giao cho công an rất nhiều quyền lực, không có sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan”.
Ngoài ra, “trình độ cán bộ điều tra rất thấp cho nên khi họ hỏi cung điều tra không ra hay người bị can bị cáo, người bị tạm giữ không khai hoặc là áp lực cấp trên yêu cầu hoàn thành vụ án nhanh, họ đánh đập để người ta khai”.
“Người ta có thể do đau đớn nên khai sai sự thật”, trong trường hợp bị can không khai nhận tội, “họ có thể bị đánh chết”.
Luật sư Đôn đề nghị: “Khi xảy ra trường hợp bị chết ở đồn công an, người dân nên đề nghị giám định, mổ tử thi và chụp hình lại”.
Ông Đôn nói tiếp: “Muốn đi kiện thắng hay không là nhờ những bức hình đó, chứ [không có hình] ra pháp lý là không có bằng chứng để kiện”.
‘Cộng đồng mạng hãy ủng hộ tôi để bảo vệ công lý và lẽ phải’
Chia sẻ những khó khăn khi tham gia những vụ án ‘nhạy cảm’, luật sư Đôn cáo buộc bị “trù dập đủ đường, về mặt hành nghề” lẫn bị “gây khó khăn về kinh tế”.
Luật sư Đôn nói rất cần “cộng đồng dư luận ủng hộ để không bị gây khó khăn” khi tham gia bào chữa những vụ tử vong sau khi rời đồn công an.
Luật sư Đôn cho biết thêm, ông đã từng bị các cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng không thành, “do dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm”.
“Sau đó người ta tung tin đồn tôi sắp bị công an bắt giữ về tội phản động nên giờ không có ai dám tới nhà tôi. Dù tôi bào chữa miễn phí nhưng không ai dám tới. Cũng từ ngày đó, bạn bè đồng nghiệp cùng đoàn luật sư, tôi gọi cũng không ai dám bắt máy”.
Luật sư Đôn cũng cho biết, hiện ông không thể sống bằng nghề luật sư, và phải kiếm sống “như những nông dân khác” bằng việc nuôi bò, trồng cỏ, nuôi gà và canh tác trên hai sào ruộng [miền Trung], và khoảng hai ba sào vườn.
Đức Thiện, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Phạm Trần
VRNs (06.03.2015) – Washington DC, USA – 30 năm qua, từ khi có chủ trương được gọi là Đổi Mới năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam đã nói đi nói lại trong suốt 11 khoá đảng từ VI đến XI về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” , nhưng càng định hướng kinh tế Việt Nam càng nằm gọn trong vòng tay Trung Quốc và tiếp tục không làm nổi con ốc vít.
Vậy mà vào buổi sáng mùa Xuân ngày 28/02/2015 , tại Thủ đô ngàn năm văn vật Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung Ương-nơi quy tụ những “nhà tư tưởng siêu việt Cộng sản to đầu nhỏ óc ” vẫn có thể điềm nhiên phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức tọa đàm để “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN” để ghi vào dự thảo Báo cáo chính trị của Trung Ương tại Đại hội Đảng 12.
Vậy họ đã nói gì và dự tính sẽ làm gì để cứu Việt Nam ra khỏi vũng lầy lạc hậu cả về tư tưởng lẫn hành động?
Trước hết, hãy lắng nghe ông tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói lạc quan: “ Thực tiễn 30 năm đổi mới đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển ổn định; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, bền vững và ấn tượng, được cộng đồng thế giới công nhận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.”
Ông khoe tiếp: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa, được xác lập theo nguyên tắc thị trường.”
Tòan lý thuyết viển vông không bằng chứng cụ thể và chỉ lập lại những điều của tập thể lãnh đạo đã phô trương trong ngót 30 năm qua.
Hãy nêu ra đây một bằng chứng không thể chối cãi: Tại Đại hội IX (năm 2001) đảng CSVN đề ra mục tiêu “đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, nhưng bây giờ thời gian chỉ còn 1,825 ngày (5 năm) nên giấc mộng vàng đã tan thành mây khói.
Lý do thất bại vì Việt Nam chỉ muốn xây nhà trên bãi cát thay vì phải có nền móng vững vàng dựa vào quy trình giáo dục và đào tạo có bài bản.
Hãy nghe bài giảng của Giáo sư Hòang Tụy, Nhà Toán học nổi tiếng thế giới của Việt Nam: “Khi mô tả sự phát triển kém cỏi của đất nước, chúng ta hay dùng từ lạc hậu hay tụt hậu, nhưng theo tôi để phản ánh đúng hơn thực chất phải nói ta đang trì trệ trong tụt hậu. Nếu tụt hậu mà đang đi lên thì cũng không quá lo lắng nhưng trì trệ trong tụt hậu thì đáng lo thật, mà biểu hiện rõ nhất sự trì trệ này là ngay về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo đánh giá của quốc tế, Viêt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Nếu chỉ kể về mức độ lạc hậu, Lào và Campuchia hiện xếp sau Việt Nam nhưng nếu họ cứ tiếp tục đứng trên ta về chỉ số đổi mới sáng tạo thì với đà này, chẳng mấy chốc thứ tự đó sẽ đảo ngược, chắc chắn họ sẽ bỏ lại ta ở phía sau.” (Trích Tạp chí Tia Sáng, ngày 10/02/2015)
Cảnh báo của Giáo sư Hòang Tụy có làm cho Bộ Chính trị 16 người, đứng đầu bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giật mình chăng, hay cứ mãi ca lên phương châm vẩn vơ “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa” mà chưa biết, nói theo ông Trọng, “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”?
Như vậy thì có hướng đâu mà định. Đó là lý do tại sao Giáo sư Hòang Tuy đã nói thẳng: “ Suy ngẫm về đường lối công nghiệp hóa, phải nhìn nhận chúng ta đã thất bại, nói nhẹ hơn là chưa thành công. Sai lầm của chúng ta là muốn xây dựng ngay những ngành công nghiệp lớn, sản xuất những thành phẩm phức tạp, tinh vi, như công nghiệp ô tô, đại cơ khí, điện tử… mà không qua bước phát triển công nghiệp phụ trợ, nên sau nhiều thập kỷ mà rôt cuộc ngành nào cũng chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp.”
Nói đúng ra là làm thuê cho nước ngòai, bởi vì hầu hết các Doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được đồ phụ tùng cần thiết cho các Công ty có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Bài học Tập đòan Samsung của Nam Hàn ở Việt Nam không tìm được con ốc vít do Việt Nam làm để khỏi phải mua của nước khác tốn kém hơn không còn là chuyện thuần túy yếu kém về khả năng kỹ thuật của Việt Nam mà danh dự người Việt đã bị tổn thương.
Báo điện tử ZING.VN viết: “Ngày 11/9 (2014), tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp VN và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, do Tập đoàn Samsung tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung, dù chỉ là ốc vít…”
Lý do vì các doanh nghiệp Việt Nam không đủ máy móc, khả năng chuyên môn và trình độ kỹ thuật.
Theo bài báo thì: “Đại diện Samsung cũng giới thiệu có tám điều kiện cơ bản cho nhà cung cấp, nổi bật là công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển. Chất lượng phải có chứng nhận ISO (International Organization for Standardization (ISO)—Tiêu chuẩn Quốc tế ) . Giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn.
Về giá cả phải cạnh tranh, có thể điều chỉnh theo hướng tích cực. Tài chính phải đáp ứng về tỷ lệ nợ, tỷ lệ vốn lưu động. Phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, quyền con người… Ngoài ra, Samsung cũng đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ như: bơm dập cháy tự động, vật liệu xây dựng chống cháy, phải có thiết bị chống ô nhiễm không khí, có công trình xử lý nước thải…”
Giáo sư Hòang Tụy nói thêm: “Chúng ta đã nhận được sự đầu tư của các hãng sản xuất công nghiệp nổi tiếng thế giới như Toyota, Samsung…; riêng Samsung đã rót vào Việt Nam hàng tỉ đô la, kết quả là ta đã có nhà máy lớn, hiện đại, sản xuất điện thoại di động xuất khẩu khắp thế giới. Tuy nhiên điều đáng buồn là mức đóng góp của Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu của Samsung mới chỉ ở khâu lắp ráp, tức là lao động với năng suất thấp nhất, còn tất cả chi tiết, phụ tùng, từ cái đơn giản nhất cũng chưa làm đuơc mà đều phải nhập khẩu. Thậm chí đã từng có chuyên gia nước ngoài nhận xét cả nước Việt Nam không tìm đâu ra nơi nào sản xuất nổi cái đinh vít cho đúng với tiêu chuẩn quốc tế.”
“Tương tự, với ngành công nghiệp xe hơi cũng vậy. Vừa qua báo chí đăng tin có mấy doanh nghiệp Việt nam định hợp tác sản xuất xe hơi nhãn hiệu Việt Nam, nhưng khi xem xét kỹ chiếc xe hơi do công ty Trường Hải ở Đà Nẵng mới chế tạo thì hóa ra cũng chỉ là lắp ráp các chi tiết, phụ tùng nhập khẩu chứ phần làm ra thật ở Việt Nam chẳng có mấy. Như thế thì giá thành không thể rẻ, chất lượng không thể cao, làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế. Đành rằng rồi sẽ cải tiến dần, nhưng con đường đó vừa lâu vừa không hiệu quả.”
Với những tỷ dụ vừa kể thì dù không phải là chuyên viên ai cũng thấy Việt Nam phải có lớp chuyên viên giỏi cả về kiến thức, ngọai ngữ và tay nghề để xây dựng đất nước, nhưng giáo dục của Việt Nam lại không đặt nặng nền tảng cơ bản và rất cần thiết này.
Vì vậy, Giáo sư Hòang Tụy mới bảo: “Thời đại ngày nay muốn đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành hoạt động sản xuất nào cũng cần đến công nghiệp phụ trợ. Phải học bảng chữ cái rồi mới viết ra văn được chứ. Nước nào đi lên công nghiệp hiện đại cũng đã trải qua bước này còn chúng ta thì đang theo quy trình ngược, chưa có công nghiệp phụ trợ phát triển đã đòi xây dựng công nghiệp hiện đại thì làm sao thành công được.
Huống chi ngày nay chẳng còn mấy ai làm công nghiệp từ A đến Z, nước đi sau chỉ có thể đi lên bằng cách phấn đấu chen chân vào các khâu có giá trị gia tăng cao dần trong các chuỗi cung ứng. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu trên nên tảng công nghiệp phụ trợ là vì thế.”
Nhưng tại sao trong suốt 30 năm qua, qua 5 đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng mà chẳng có ai nghĩ ra “làm nổi con ốc vít” cho đất nước?
TỪ CƯƠNG LĨNH ĐẾN HIẾN PHÁP
Nhưng cả 5 ông này đều rất hồ hởi cổ võ cho chủ trương “Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo”, theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27-6-1991.
Đến Đại hội đảng XI (2011), Cương lĩnh được bổ sung nhưng vẫn hố hoán lên: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”
Cuối cùng, quan điểm làm kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được viết vào Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 trong 2 Điều:
Điều 51
- Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Điều 52
Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
Như vậy từ năm 1991 (Đại hội đảng VII) cho đến Hiến pháp mới năm 2013, đảng CSVN chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện làm “kinh tế thị trường” theo Chủ nghĩa Tư bản, nhưng lại thòng thêm cái đuôi “theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, hay Cộng sản cũng vậy và “Nhà nước phải lãnh đạo”, do đảng CSVN cai trị.
Chính mớ lý luận tổ ong vòng vo Tam quốc này mà kinh tế của Việt Nam đã bị còng tay và chỉ biết làm theo kiểu “mì ăn liền” không cần góp sức sáng tạo ra.
Nhưng ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng vẫn bảo thủ trong lời phát biểu hôm 28/02/2015: “Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.”
Nếu tốt đẹp như thế thì cần gì phải đổi mới tư duy để vẽ ra định nghĩa mới ”về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” , nhưng vẫn không có lối thoát khỏi vũng lầy hiện nay?
Lý do phải thay đổi thì ai cũng đã nhìn thấy vì sau 30 năm thực hiện, kinh tế Việt Nam đã hòan tòan lệ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại và chỉ biết bắt dân làm công cho nước ngoài và xuất khẩu hàng thô, sơ chế sang Trung Quốc để sau đó lại nhập khẩu hàng chế biến từ những thứ mình xuất khẩu với giá cao hơn.
Vì vậy, ông Thắng mới nói: “Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình này còn có nhiều hạn chế, yếu kém và gặp không ít trở ngại, khó khăn.”
Nhưng đó có phải là lý do buộc những nhà lý luận của đảng phải đưa ra một “định nghĩa mới” cho Dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ được Khóa đảng XI phân bua tại Đại hội đảng XII, dự trù vào tháng 01/2016, hay tư duy của Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã cạn tàu ráo máng?
Theo tin TTXVN thì định nghĩa mới như thế này: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.”
Như vậy có khác gì nội dung của Cương lĩnh và Hiến pháp đâu. Tuy câu chữ có vài chỗ mới và thay đổi vị trí nhưng cơ bản “vẫn như cũ”, giống như “rượu cũ” đựng trong “bình mới” vậy thôi.
Chỉ có điều là độ rày, có thể bị áp lực từ Mỹ và nhiều nước trên thế giới chưa chịu nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên các “lão gia” tư tưởng của đảng muốn nói khác cho có vẻ màu mè thành thật.
Họ viết thêm: “ Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội.”
Có một điểm mới quan trọng là có lẽ các “nhà tư tưởng” đã nhìn ra cái đích biến Việt Nam “thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” vào năm 2020 đã “xôi hỏng bỏng không” nên họ đã điều chỉnh lại.
Họ viết tiếp: “ Trên cơ sở thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần nêu trên, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã tiếp tục cụ thể hóa, nêu ra phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 5-10 năm tới.
Cụ thể, “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.”
Như vậy, khi từ bỏ mục tiêu “công nghiệp hóa” vào năm 2020 nhưng vẫn phải đeo hòn đá tảng “định hướng xã hội chủ nghĩa” như Trung Quốc là đã mất tự chủ và thất bại ê chề rồi còn gì nữa?
Nhưng ngoài làm công cho nước ngoài để tồn tại, Việt Nam còn bị nằm gọn trong tay Trung Quốc để được sống tiếp.
Lý do duy nhất vì Việt Nam đã tự biến mình thành “cây tầm gửi” chỉ biết ăn bám vào “mì ăn liền” của hàng Trung Quốc là thói quen lệ thuộc không còn tự hào dân tộc.
Báo Người Lao Động (NLĐ) ngày 09/12/2014 đã chứng minh tình trạng này: “Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Trung Quốc đạt 13,5 tỉ USD nhưng phải tốn đến 39,9 tỉ USD để nhập lại các mặt hàng từ thị trường này. Kết quả trên đã làm tốc độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này tiếp tục tăng hơn 22,1% so với cùng kỳ năm trước (2013) với 26,4 tỉ USD.
Số liệu cụ thể được Tổng cục hải quan công bố, trong 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra 403 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng “ngốn” hơn 337 triệu USD dù đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, thậm chí dư thừa. Một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc do bị người tiêu dùng quay lưng nên thường lập lờ gắn mác hàng Việt như khoai tây, bắp cải, lựu, hồng giòn, lê, táo, quýt… để tiếp cận được với khách hàng.”
Như thế thì các Bộ, Ngành nhà nước có trách nhiệm an ninh và kinh tế-thương mại, đặc biệt về lĩnh vực kiểm sóat thị trường đang ăn lương của dân để phục vụ ai?
Quan ngại hơn, theo báo NLĐ: “Trong danh mục nông thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, có đến 798 triệu USD tiền nhập khẩu gạo (dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới); 76,2 triệu USD nhập khẩu cà phê; hơn 759 triệu USD nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn.
Với mặt hàng bánh kẹo, dù không còn là nước nhập khẩu hàng đầu vào Việt Nam nhưng các sản phẩm bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc từ Trung Quốc cũng chiếm 33,5 triệu USD.”
Phản ảnh lời cảnh báo của Giáo sư Hòang Tụy, bài báo cho biết: “ Dẫn đầu trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải kể đến nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, máy vi tính các loại và linh kiện, các loại vải xơ sợi dệt… Trong đó, nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại trị giá hơn 1 tỉ USD, hàng dệt may hơn 387 triệu USD, giày dép các loại là 426 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may da giày khoảng 95 triệu USD.
Tương tự, với các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam cũng tốn hơn 1,7 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu trị giá 368 triệu USD. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thua xa các nước, trong khi các đại gia công nghệ như Samsung, LG… đang ngày càng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cần rất nhiều linh kiện, nguyên phụ liệu.”
Như thế rõ ràng đảng và nhà nước CSVN chẳng có kế họach kinh tế “tự lực cánh sinh” gì ráo trọi. Tất tất mọi thứ đều do Trung Quốc cung cấp như Chính phủ trung ương Bắc Kinh đang làm đối với các tỉnh, thành địa phương của Trung Quốc, chỉ khác là Việt Nam đã xuất khẩu hàng hoá cho Trung Quốc để đổi lấy đồng tiền trả công làm ra sản phẩm cho các công ty nước ngòai sử dụng công nhân rẻ để sản xuất hàng hóa ở Việt Nam.
Tiến Sỹ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã báo động trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi tháng 5 năm 2014 rằng: “Nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao do công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.”
Ông Thành nói: “ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 30 triệu đô la Mỹ thì nhập khẩu từ quốc gia này 300 triệu đô la Mỹ mặt hàng nông sản cùng loại. Điều này cho thấy hoạt động quản lý thị trường hoặc chính sách thương mại của Việt Nam đang có vấn đề.”
Một trong hàng hà sa số “vấn đề” của Việt Nam đối với Trung Quốc là: “Hàng hóa Việt Nam nếu theo con đường tiểu ngạch thì do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ, nếu theo con đường chính ngạch thì mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc.
Trong khi đó ở Trung Quốc, công ty của Trung Quốc vào tận ruộng thu mua của nông dân với giá cao, xuất khẩu sang các nước khác.”
Như thế là Trung Quốc đã “chơi cha” trên mặt Việt Nam rồi còn gì nữa? Họ không thèm nhập khẩu hàng hóa qua cửa chính mà để cho lái buôn lẻ của mình đi vào tận làng thôn Việt Nam đầu tư và đánh lừa nông dân, nhà sản xuất để mua hàng rẻ hoặc ghìm giá.
Sau đó, hàng chế biến từ các sản phẩm Việt Nam lại được xuất khẩu qua các nước và Việt Nam qua ngõ chính với giá cắt cổ mà nhà nước Việt Nam vẫn “vui vẻ” nhận hàng thì chỉ có hai ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới trả lời được!
Ngoài tình trạng kinh tế chênh lệch nguy hiểm này, Trung Quốc còn cho thương gia buôn lậu hàng nhập vào Việt Nam, và dán nhãn Việt Nam trên hàng Trung Quốc để phá họai các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng rất ngạc nhiên là không thấy Hội đồng Lý luận Trung ương gồm 42 người, đứng đầu bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, đề ra kiến nghị nào cho đảng để đối phó với tai họa này từ 30 năm qua.
Hội đồng này đã được trao nhiệm vụ: “Là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng”, nhưng xem ra cũng đã mất định hướng và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như “một số không nhỏ” đảng viên khác.
Phạm Trần