Dân Chúa Âu Châu

Trước khi viết về đức tin của ứng cử viên Hillary Clinton, Ký Giả Michael O’Loughlin cũng đã có bài về đức tin của ứng cử viên Donald Trump, tựa là “Trump Makes a Place for Faith”.

Ký giả này cho rằng đã hơn một năm nay, các cử tri nặng lòng với Đạo đã cố tưởng tượng xem đức tin đóng vai trò ra sao trong cuộc sống và nền chính trị của Donald Trump, liệu ông ta có là một người hùn hạp (partner) tốt hay không về các vấn đề như phá thai, tự do tôn giáo…

Kết luận của những người từng lục lọi quá khứ của ông, thăm viếng các nhà thờ cũ của ông và nghiên cứu các cuộc phỏng vấn của ông cho thấy, giống như chính chiến dịch tranh cử của ông, người ta khó lòng xếp các niềm tin của ông vào loại ý thức hệ hay phong trào nào...

Ông Trump sinh năm 1946 trong một gia đình theo phái Presbyterian, tham dự phụng vụ tại một nhà thờ của giáo phái này tại Queens, N.Y., một nhà thờ, theo một bài gần đây của tờ The Atlantic, cho tới tận thập niên 1950, chỉ cấp tư cách thành viên cho người da trắng mà thôi. Ngày nay, nhà thờ ấy gần như chỉ có tín hữu da đen và Nam Mỹ.

Khoảng thập niên 1970, cha mẹ của Trump tham gia Nhà Thờ Marble Collegiate ở Manhattan, do Mục Sư “có đầu óc tích cực” là Norman Vincent Peale cai quản. Theo tờ Washington Post, chính bản thân Ông Trump cũng thờ phượng tại Nhà Thờ này tới tận thập niên 1980 và một trong các con ông được rửa tội tại đây. Ông Trump nhiều lần ca ngợi kỹ năng giảng thuyết và sứ điệp làm được mọi chuyện trong lối suy nghĩ tích cực của Mục Sư Peale.

Tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện này: trong mùa bầu cử tổng thống năm 1960, lúc Thượng Ngị Sĩ Công Giáo Kennedy ra tranh cử, Mục Sư Peale từng nói một câu khá kỳ thị sau đây: “Đứng trước viễn ảnh một người Công Giáo được bầu, nền văn hóa của ta thực sự lâm nguy”. Sau đó, ông tỏ ra hối hận về lời tuyên bố đó và thề sẽ đứng ngoài chính trị.

Ảnh hưởng của Mục Sư Peale đối với Trump vẫn còn hiển hiện lúc này căn cứ vào khá đông những người có uy tín ủng hộ ông ta. Vì những người này đại diện cho điều người ta vẫn gọi là “tin mừng thịnh vượng”, một quan niệm cho rằng nếu bạn xử sự theo các giá trị của Tin Mừng, Thiên Chúa sẽ thưởng công, giúp bạn thịnh vượng thành công. Quan niệm này không hẳn họa hiếm nơi một số giới Kitô Giáo. Mục Sư Joel Osteen, chẳng hạn, vẫn lôi cuốn được rất nhiều người tới đầy các vận động trường để nghe ông và đã bán được hàng triệu đôla tiền sách cổ vũ thứ quan niệm này.

Ông Trump, người mà các cử tri coi là ứng cử viên tổng thống ít lòng đạo nhất của cả hai đảng trong cuộc thăm dò hồi tháng Giêng của Trung Tâm Pew, tự cho mình là người tích cực đi nhà thờ và hồi Mùa Hè năm ngoái từng cho các nhà báo hay: Ông vẫn đi lễ ở Nhà Thờ Marble Collegiate. Nhưng Tháng Tám năm ngoái, Nhà Thờ này gửi cho CNN một tuyên bố, cho hay: dù cả Ông Trump lẫn cha mẹ Ông có một lịch sử lâu dài với Nhà Thờ, ứng cử viên tổng thống “không phải là một thành viên tích cực”.

Căn cứ vào con người kinh doanh cứng rắn của mình, người từng tạo ra cả một gia tài kếch xù nhờ sòng bài, người vốn tự hào về “thành tích” tính dục của mình và từng kết hôn tới ba lần, Ông Trump đã phải thừa nhận rằng người ta chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi nghe Ông nói về đức tin.

Trong một biến cố tại Iowa năm ngoái, Ông nói rằng “Người ta rất đỗi ngạc nhiên khi họ khám phá ra… rằng tôi là một người Thệ Phản. Tôi thuộc giáo phái Presbyterian. Và tôi đi nhà thờ, tôi yêu mến Thiên Chúa và tôi yêu mến Giáo Hội của tôi”.

Tuy nhiên, trong nhiều dịp khác, Ông lại nói rằng Ông là một Kitô hữu tin lành. Đầu năm nay, James Dobson, người sáng lập ra phong trào Focus on the Family gọi Ông Trump là một “Kitô hữu mới sinh” (a baby Christian) vì tuy ứng cử viên này chấp nhận “mối liên hệ với Chúa Kitô” nhưng hơi chểnh mảng vì không được dưỡng dục trong một gia đình tin lành.

Tuy nhiên, một số người không tin lòng đạo của Ông Trump vì họ cho rằng Ông rất lộn xộn đối với biệt ngữ và nền thần học Kitô Giáo. D. Michael Lindsay, chủ tịch Gordon College của Tin Lành và là tác giả cuốn Faith in the Halls of Power: How Evangelicals Joined the American Elite, chẳng hạn, cho rằng: “Chắc chắn người ta không coi Donald Trump như một người có thể hiểu được âm điệu khi người tin lành hát các bài thánh ca truyền thống của họ. Đến các từ ngữ đáng nói để lôi cuốn người Tin Lành, ông ta cũng không biết”.

Ông Trump có tiếng là người không biết gọi Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô ra sao, ông gọi nó là “Two Corinthians” (Hai Côrintô), nhưng có lẽ đáng kể hơn cả là ông đã phớt lờ cả 2,000 năm lịch sử thần học Kitô Giáo, khi ông quả quyết: Ông chưa bao giờ xin Thiên Chúa tha thứ cả!

Thực thế, ở Iowa năm ngoài, Ông nói: “tôi nghĩ nếu tôi làm điều gì sai, tôi nghĩ, tôi chỉ cố gắng sửa chữa nó. Tôi không đem Thiên Chúa vào bức tranh ấy. Tôi không đem Người vào”.

Ngoài ra cũng nên lưu ý tới cung cách Ông Trump xử lý nền chính trị tôn giáo. Vì các ứng cử viên tổng thống có khuynh hướng ve vãn các cử tri có đức tin, một là bằng cách đề cao đức tin tôn giáo của họ hai là bằng cách chứng tỏ với họ rằng ít nhất mình cũng hiểu thế giới quan của họ. Ông Trump không làm được cả hai điều vừa kể.

Ông từng điều qua tiếng lại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài cho rằng những ai ủng hộ việc xây tường không phải là Kitô hữu, do đó, ông đã ra xa lạ đối với một số nhà lãnh đạo bảo thủ cả ở phía Tin Lành lẫn ở phía Công Giáo.

Tuy nhiên, Ông Trump vẫn giữ được sự ủng hộ của khối cử tri xưa nay vẫn có cảm tình với Đảng Cộng Hòa nhưng các chuyên viên và đối thủ chính trị nghĩ rằng rất có thể bị thối chí bởi lối sống riêng của Ông ta: đó là người Thệ Phản Tin Lành (Evangelical Protestants).

Đầu mùa hè năm nay, Ông nói với một đám đông các nhà hoạt động và mục sư Tin Lành ở New York rằng “Tôi mang ơn Kitô Giáo rất nhiều. Rất thành thực mà nói, tôi mang ơn nó rất nhiều khi được đứng ở đây vì tôi chiếm được phần lớn lá phiếu Tin Lành”.

Các cuộc thăm dò xem ra xác nhận điều trên.

Hồi tháng Bẩy, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew tường trình rằng 78 phần trăm cử tri Tin Lành da trắng dự tính sẽ bỏ phiếu cho Ông Trump vào tháng Mười Một này, 3 điểm cao hơn so với cựu ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa vào thời điểm này năm 2012. Tuy nhiên, phân nửa người Công Giáo da trắng cho biết họ sẽ ủng hộ Ông Trump, hơi kém con số ủng hộ Ông Romney năm 2012.

Một số nhà lãnh đạo Tin Lành sáng giá như Ông Dobson, Chủ Tịch Jerry Falwell Jr. của Đại Học Liberty và nhân vật truyền thanh Eric Metaxas lên tiếng ủng hộ Ông Trump, nhưng các nhà phê bình cho rằng những người này đại diện cho thế hệ già của phong trào Tin Lành.

Họ cho rằng thế hệ trẻ hơn không có thiện cảm bao nhiêu với Ông Trump, trong đó, có Russell Moore, Chủ Tịch Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo của Người Baptist Miền Nam. Andrew Johnson, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Tôn Giáo và Văn Hóa Công Dân của Đại Học Nam California, cho rằng đây là bằng chứng cho thấy sự rạn nứt giữa lớp lão thành và lớp lãnh đạo trẻ hơn và ít lưu ý tới chính trị hơn của Phong Trào này.

Ông Johnson nói rằng “Trump cho thấy các rạn nứt trong điều gọi là ‘Nước Mỹ Tin Lành’. Một số các nhà lãnh đạo Tin Lành đang đánh cược gấp đôi đối với các chiến lược ‘khuynh hữu tôn giáo’ của quá khứ trong khi các người Tin Lành trẻ trung hơn đang cố gắng tách mình ra khỏi khuynh hướng này”.

Về phía Công Giáo, các người bảo thủ hàng đầu như Giáo Sư Robert George của Đại Học Princeton và George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II, đã lên tiếng thúc giục đồng đạo đừng ủng hộ Ông Trump, mặc dù họ không nói nên bỏ phiếu cho Bà Clinton.

Ngay một số vị giám mục Công Giáo được coi là bảo thủ về chính trị trong quá khứ cũng đã tỏ ý hoài nghi đối với Ông Trump, cho rằng ông đã thô lỗ hóa cuộc bàn luận chính trị của quốc gia, vì đã tấn công các di dân.

Nhưng nếu Ông Trump có khả năng xoay chuyển chiến dịch tranh cử của Ông và đánh bại được Bà Clinton, các cộng đồng đức tin tại Hoa Kỳ không còn chọn lựa nào khác hơn là làm việc với chính phủ của ông. Tình thế lúc ấy sẽ ra sao? Một số cử tri được tôn giáo linh hứng, đang ủng hộ Ông Trump, nhấn mạnh tới hai vấn đề: lời ông hứa sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống và cam kết của ông đối với tự do tôn giáo. Đầu mùa hè này, Marjorie Dannenfelser, Chủ Tịch của Susan B. Antholy List, cho Christian Broadcasting Network hay Bà hài lòng với việc Ông Trump hứa sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống vào Tối Cao Pháp Viện.

Sau khi Ông Trump gặp gỡ gần 1,000 nhà hoạt động tôn giáo và chính trị Tin Lành ở New York hồi tháng Sáu, Bà nói rằng: “Tôi được khích lệ khi Ông Trump lặp lại cam kết phò sự sống quan trọng nhất của ông cho tới nay: rằng ông sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống vào SCOTUS”.

Nhưng xem ra vấn đề tự do tôn giáo là vấn đề khiến người ta nghiêng về Donald Trump hơn cả. Ai cũng biết: trong mấy năm gần đây, vấn đề tự do trở nên hết sức sôi động đối với người Công Giáo, chủ yếu vì chỉ thị ngừa thai trong Đạo Luật Affordable Care và việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính năm 2015. Ông Trump không nói nhiều tới các vấn đề này, chỉ nói tới tự do tôn giáo theo quan điểm quyền lực chính trị.

Ông từng kết án các nhà lãnh đạo chính trị “đã bán rẻ người Tin Lành”, vì cho rằng Kitô Giáo ở Hoa Kỳ “càng ngày càng yếu đi” và Ông hứa sẽ gia tăng ảnh hưởng chính trị và văn hóa của các Kitô hữu nếu thắng cử. Để đạt mục tiêu này, ông hứa sẽ bãi bỏ qui định của Sở Thuế Liên Bang thời thập niên 1950 cấm các Giáo Hội không được tham dự vào các tác phong chính trị rõ ràng, vốn được biết dưới tên Tu Chính Án Johnson.

Ông nói: “Tôi nghĩ đóng góp lớn nhất của tôi cho Kitô Giáo – và các tôn giáo khác – có lẽ là giúp qúy vị để khi qúy vị nói về tự do tôn giáo, qúy vị có thể tiến hành và nói công khai, và nếu qúy vị thích ai hoặc muốn ai đại diện cho qúy vị, qúy vị nên được quyền làm như thế”.

Jonathan Merritt, một tác giả viết về Kitô Giáo Tin Lành, nhận định rằng những lời hứa như thế “rất vang vọng đối với những người còn sót lại của phong trào tôn giáo cánh hữu”, một phong trào, tuy đang suy giảm trong mấy năm gần đây, nhưng “nay vẫn còn rất đông”.

Tác giả này lưu ý hố phân cách giữa các nhà lãnh đạo trẻ của Tin Lành là những người chống đối Ông Trump và các “người Tin Lành ngồi ở ghế nhà thờ” là những người hy vọng nơi Ông Trump khả thể kìm hãm đà thay đổi văn hóa khắc nghiệt đang diễn ra trong đời họ.

Merritt cho rằng “Donald Trump nói nhiều về ‘những ngày xưa thân ái’; ông ta nói nhiều tới việc ‘làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại’; và trong các bài diễn thuyết của ông ta, ông ta nói phải trở về với thời của Ronald Reagan. Đối với một số người Tin Lành, đó là thời vinh quang, một thứ kỷ nguyên 1950”.

Như về trường giáo lý Chúa Nhật chẳng hạn, Ông Trump than phiền trước một đám đông Kitô Hữu Tin Lành rằng trước đây, việc này “tự động. Còn bây giờ, nó không còn tự động nữa. Có lẽ ta cần phải trở lại vị thế tự động của nó”.

Nhưng đối với một số cử tri có lòng đạo, ngay cả những người vốn có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng Hòa, các hứa hẹn của Ông Trump có thể làm cho một số công trình xã hội của họ trở nên khó khăn hơn.

Như vấn đề di dân chẳng hạn.

Trong mấy năm gần đây, các nhà lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành càng ngày càng mạnh mẽ ủng hộ cuộc cải cách di dân; theo họ, các chính sách về biên giới của Hoa Kỳ đã gây biết bao chia cách giữa các gia đình di dân. Chính vì thế, trước đây, họ ủng hộ các địch thủ của ông trong vấn đề này như Bush hoặc Rubio.

Trong khi đó, Ông Trump lại chủ trương xây tường chặn đứng di dân và đe dọa sẽ tống xuất 12 triệu người đang sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, mặc dù, trong mấy tuần gần đây, các phụ tá của ông cho hay ông đang xem xét lại chủ trương này.
Rồi còn vấn đề dưới quyền Tổng Thống Trump, ai sẽ được phép vào Hoa Kỳ nữa. Ông từng hứa sẽ ngăn không cho người Hồi Giáo vào nước ông, và ứng cử viên phó tổng thống do ông chọn lựa, tức Thống Đốc Mike Pence của Indiana, từng chống chọi với Đức Tổng Giám Mục Joseph W. Tobin của Indianapolis khi cơ quan bác ái Công Giáo địa phương công bố kế hoạch định cư một gia đình Syria hồi năm ngoái. Những người hỗ trợ việc di dân vào Hoa Kỳ chỉ trích kế hoạch của Ông Trump, cả trên bình diện nhân đạo lẫn trên bình diện tự do tôn giáo.

Ông Trump còn đổ thêm dầu vào lữa hồi tháng Tám, khi tuyên bố rằng những người di dân trong tương lai sẽ bị kiểm tra kỹ hơn nữa về an ninh, gồm cả các câu hỏi về quan điểm của họ đối với quyền đồng tính luyến ái. Dù chiến dịch tranh cử của Ông Trump không cho biết rõ các câu hỏi này sẽ ra sao, nhưng trong Đại Hội Đảng Cộng Hòa, Ông Trump hứa sẽ “làm mọi sự trong quyền hạn của tôi để che chở các công dân đồng tính luyến ái hoặc đổi phái tính, khỏi bị bạo lực và áp bức do các ý thức hệ kỳ thị của ngoại quốc”. Nếu thế, chắc chắn các di dân tương lai buộc phải có quan niệm phóng khoáng đối với người đồng tính và đổi phái tính hơn các Kitô hữu bảo thủ hiện nay.

Hiện không có câu trả lời dễ dàng cho các câu hỏi trên vì chiến dịch tranh cử của Ông Trump không cho biết nhiều chi tiết quanh các đề xuất của Ông về di dân và tự do tôn giáo. Điều này, theo Ông Lindsay của Cao Đẳng Gordon, làm nhiều cử tri có đức tin dè dặt trong việc hỗ trợ Ông ta.

Ông Lindsay cho hay: dù Ông Trump ve vãn các Kitô Hữu bảo thủ, nhưng Ông không chắc chắn họ sẽ ủng hộ ông hết lòng sau khi Ông chiến thắng. Theo Ông Lindsay: “Nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ nêu ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời đối với người Tin Lành; và đây sẽ là điều mới lạ vì mọi ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trong các cuộc chạy đua tổng tuyển cử từ Ronald Reagan trở đi đều là những người được người Tin Lành cảm nhận là họ biết và hiểu”.

Ông Lindsay kết luận: “Với Donald Trump, người ta có nhiều điều khó hiểu”.