Dân Chúa Âu Châu

Số võ khí nhập khẩu vào Âu châu tăng vọt, vì những căng thẳng giữa Nga và các nước Âu châu khác, trong khi nói chung trên thế giới việc chuyển nhượng võ khí giảm bớt.

Trên đây là lời tuyên bố của ông Pieter Wezeman, người nghiên cứu kỳ cựu về Viện Sipri liên quan đến những chương trình chuyển nhượng võ khí. Ông nói: “Sau khi Nga xâm chiếm Ucraina, các nước Âu châu muốn nhập khẩu võ khí nhiều và nhanh hơn. Những cạnh tranh về chiến lược cũng tiếp tục tại những nơi khác: sự nhập khẩu võ khí tại miền Đông Á cũng tiếp tục tăng trong khi tại Trung Đông, việc nhập khẩu võ khí vẫn ở mức độ cao.”

Trong ba thập niên trước đây, Mỹ và Nga là hai nước đứng hàng đầu về việc xuất khẩu võ khí. Tuy nhiên, sự cách biệt giữa hai nước đang trở nên rộng lớn hơn. Trong khi Nga đứng hàng thứ hai, và Pháp đứng thứ ba, thì Mỹ vọt lên trên hơn nữa, với sự gia tăng 14% việc xuất khẩu võ khí từ năm 2013 đến 2017 rồi từ năm 2018 đến 2022. Trong khoảng thời gian này, Mỹ chiếm 40% số võ khí xuất khẩu trên thế giới. Trong khi đó số lượng xuất khẩu võ khí của Nga giảm 31% trong khoảng từ 2013 đến 2017 và từ 2018 đến 2022. Trước đây, Nga chiếm 22% tổng số võ khí xuất khẩu trên thế giới, nhưng rồi sụt xuống 16%. Trong khi đó Pháp tăng từ 7,1 lên 11% số lượng võ khí xuất khẩu trên hoàn cầu.

Vụ xâm chiếm Ucraina sẽ giảm bớt thêm sự xuất khẩu võ khí của Nga. Số võ khí Nga xuất khẩu sang Ấn Độ giảm 37%, trong khi mức xuất khẩu sang bảy nước khác giảm trung bình 59%, ngoại trừ trường hợp mức xuất khẩu võ khí của Nga sang Trung Quốc tăng 39%, và tăng 44% sang Ai Cập.

Trong khi đó, Ucraina trở thành nước nhập khẩu võ khí thuộc hàng nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt từ khi bị Nga tấn công. Ucraina đứng hàng thứ ba sau Qatar và Ấn Độ. Trước đó, trong thời kỳ từ 2018 đến 2022, Ucraina đứng thứ 14 trong lãnh vực này.

Đức Thánh cha Phanxicô hơn một lần đã tố giác chiến tranh tại Ucraina và các nước khác như cơ hội khiến nhiều nước đẩy mạnh việc sản xuất và bán võ khí.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA