Dân Chúa Âu Châu

Hôm 30 tháng Sáu vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang cứu xét 1.300 đề nghị của 800 hãng chế tạo võ khí tối tân cho Ucraina.

Trong những tuần lễ tới đây, Bộ Quốc phòng này sẽ quyết định về việc chế tạo các võ khí này cho Ucraina cũng như cho quân đội Mỹ.

Trong số các đề nghị được “Lầu Năm Góc” của Mỹ cứu xét, có các võ khí phòng không, chống chiến xa, chống người, bảo vệ duyên hải, các hệ thống máy bay không người lái, hệ thống chống pháo binh của địch, và truyền thông an toàn, đó là những khí cụ rất cần cho Ucraina.

Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ cứu xét các dự án có thể được thực hiện trong vòng 30 ngày, và đối với những võ khí và quân cụ phức tạp hơn, thì phải có thể được sản xuất trong vòng 180 ngày.

Báo chí ở Ý đưa tin và nhận định rằng đây là một cơ hội làm giàu tốt đẹp cho các nhà sản xuất võ khí ở Mỹ, một thị trường và một doanh vụ vô hạn được mở ra, vì như các cơ quan tình báo dự đoán, chiến tranh Ucraina sẽ kéo dài. Hôm 30 tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Mỹ Biden thông báo sẽ dành thêm 800 triệu Mỹ kim tài trợ võ khí cho Ucraina.

Tòa Thánh vẫn tỏ ra dè dặt đối với việc Mỹ và Âu châu cung cấp võ khí cho Ucraina, tuy vẫn nhìn nhận quyền tự vệ của nước này.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng Sáu năm 2022, dành cho các chủ nhiệm các tạp chí của dòng Tên ở Âu châu, Đức Thánh cha nhắc đến Ucraina và nói rằng: “Điều chúng ta thấy trước mặt là tình trạng chiến tranh thế giới, những lợi lộc hoàn cầu, buôn bán võ khí và chiếm hữu địa lý chính trị, biến một dân tộc anh dũng thành những vị tử đạo”.

Về phần Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi trả lời câu hỏi rất thời sự của giới báo chí, hôm 23 tháng Sáu vừa qua, về việc Mỹ và Tây phương gửi khí giới cho Ucraina, ngài đáp: “Điều chắc chắn là người ta không xây dựng hòa bình bằng võ khí. Nhưng điều này, như tôi đã nói, cần phải đặt trong bối cảnh vấn đề tự vệ hợp pháp và những điều kiện trong đó việc tự vệ này có thể thực hiện”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu