Dân Chúa Âu Châu

Cựu nhà báo ở “La Croix” và sau đó ở “L’Express”, nhà văn Bernard Lecomte đã đưa tin về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Chuyên gia về Liên bang Xô Viết nhắc lại, tại Ukraina lịch sử được lặp lại, Mátxcơva theo một kịch bản đã biết trước, đó là áp đặt một chính phủ mới trong tay mình.

lavie.fr, Pierre Jova, 2022-02-25

Ngày 23 tháng 2 – 2022, tại Mátxcơva, Vladimir Putin tham dự lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Điện Kremlin. ALEXEI NIKOLSKY / KREMLIN POOL / ZUMA PRESS / ZUMA / REA

Ngày 24 tháng 2, quân đội Nga đã tiến vào Ukraina và hành quân về Kiev. Vladimir Putin đang tìm gì ở đây?

Nhà báo Bernard Lecomte: Nếu Putin đi nhanh như vậy, là để tiêu diệt quân đội Ukraina. Các vụ phá hủy đầu tiên nhắm vào các địa điểm quân sự, như phi trường, doanh trại, các ra-đa, v.v. Hiện có rất ít thương vong về dân sự. Lô-gích là tiêu diệt mọi khả năng phản kháng và sau đó thay đổi chính quyền ở Kiev bằng một chính phủ bù nhìn. Tôi hoàn toàn tin chắc điều này vì tiền lệ lịch sử trước đây ở Budapest năm 1956, ở Praha năm 1968 và ở Kabul năm 1979.

Chúng ta nên nhớ: ở Budapest, cuộc nổi dậy của dân chúng đã đưa nhà cải cách cộng sản Imre Nagy lên nắm chính quyền. Người Liên Xô dẹp tan cuộc nổi dậy và đưa János Kádár, người của họ lên nắm chính quyền. Tại Praha, xe tăng Nga chận các cuộc cải cách của Alexander Dubček và đưa ông Gustáv Husák lên thay thế. Cuối cùng, tại Kabul, Hồng quân đã đi xa đến mức ám sát ông Hafizullah Amin, để áp đặt chính quyền mới với ông Babrak Karmal.

Hôm nay, Putin đang đánh ván bài này lại ở Ukraina. Từ nhiều tháng nay, ông đã có kế hoạch này trong đầu. Ông không vội vàng: ngay cả ông có thể thay đổi ngày xâm lược để làm hài lòng các đồng minh Trung Quốc của ông, chờ cho xong Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Tổng thống Nga đang chơi cờ vua, ông đi trước bốn nước. Ngược lại, phương Tây chơi cờ đam, đi từng bước!

Liên Xô đã chết, liệu Putin có còn phương tiện để biến Ukraina thành một vệ tinh, như những gì Liên Xô đã làm với “các nước anh em không?”

Ông muốn Putin làm gì với Ukraina, nếu không là một vệ tinh? Tất nhiên, không còn ý thức hệ đằng sau. Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2, chuẩn bị và biện minh cho cuộc xâm lược, Putin rõ rệt đã chế nhạo chủ nghĩa cộng sản và Lênin, cáo buộc họ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng giữa Ukraina và Nga. Vào thời Budapest, Praha, sau đó là Kabul, đó là ý thức hệ đang hoạt động, nhưng trước hết nó là một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược, vì Hungary, Tiệp Khắc và sau đó Afghanistan phải nằm trong tầm tay của Liên Xô.

Mục tiêu này vẫn là với Ukraina, với phương pháp “chúng tôi gởi xe tăng đến, chúng tôi áp đặt một chính phủ mới và chúng tôi ‘bình thường hóa’” như Leonid Brezhnev đã nói (tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1982) về Praha. Trong trường hợp Ukraina, mục tiêu của Mátxcơva sẽ là thiết lập một chế độ tuyên bố nước này trung lập, từ chối gia nhập NATO và gắn kết với Nga.

Các cuộc can thiệp của Liên Xô ở Budapest và Praha đã làm cho nhiều thế hệ cộng sản Pháp ghê tởm Liên Xô. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng được sự thất vọng như vậy trong hàng ngũ những người cực hữu theo chủ nghĩa chủ quyền và dân tộc từ mười năm nay đã tôn thờ Putin không?

Theo tôi, sự so sánh không thích hợp. Tại Pháp, ngưỡng mộ Putin là một xung năng hoang tưởng với người có quyền lực, người được cho là bảo vệ các giá trị truyền thống. Có một hiệu ứng theo thời, đã dẫn bà Marine Le Pen cc đảng cực hữu và những người khác phải đến Matxcova, để được tiếp nhận, để xin tài trợ… Nhưng, so với Đảng Cộng sản Pháp thì nực cười. Những người cộng sản Pháp có một cam kết cực kỳ mạnh mẽ về văn hóa, tư tưởng và chính trị với Mátxcơva. Trước cuộc đàn áp ở Budapest, họ đã gom được gần 30% phiếu bầu. Sự kiện này, và sau đó là của Praha, đã xảy ra cùng thời điểm tháng 5-1968, về cơ bản là quan trọng với chiều hướng xuống dốc của họ.

Giờ đây, tình hình Ukraina đang làm cho những người ngưỡng mộ Putin trước đây phải thay đổi ý kiến với tốc độ chóng mặt. Người đang trả giá đắt cho việc này là ứng viên tổng thống Éric Zemmour, ông thiếu uyển chuyển khi nói cuộc xâm lược là không thể. Ngược lại, tôi thích phản xạ của tổng thống Emmanuel Macron, trong bài phát biểu của ông ngày 24 tháng 2, ông để lá cờ Ukraina sau lưng ông, để biểu thị sự đoàn kết và tôn trọng luật pháp của nước Pháp. Pháp không phải là bất cứ nước nào trong kế hoạch này! Bi kịch là chúng ta đã quay trở lại kiểu chiến tranh lạnh giữa một bên là phương Tây, NATO và Liên minh châu Âu, một bên là các quốc gia độc tài.

Thực chất sự bất bình của Putin, tố cáo việc thiết lập dần dần NATO ở Ukraina, gần biên giới nước Nga có cơ sở không?

Mối quan tâm này là có cơ sở, và nó là chính đáng. Chúng ta đặt mình vào vị trí các nhà lãnh đạo Nga năm 1991: Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đã hứa với họ, Liên minh Đại Tây Dương sẽ duy trì trong giới hạn của nó, Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc. Người Nga đã sai lầm khi dàn xếp cho một lời hứa suông. Sau đó, chúng ta chứng kiến sự mở rộng của NATO sang khối Đông Âu cũ: người Ba Lan vào năm 1999, sau đó là người Baltic và người Romania vào năm 2004, những nước  quan tâm đến triển vọng gia nhập NATO hơn là vào Liên minh châu Âu!

Tôi còn nghe bạn tôi, ông Bronisław Geremek, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, người có chiều sâu văn hóa nói với tôi lúc đó: “Ngày Ba Lan gia nhập NATO là ngày hạnh phúc nhất đời tôi!” Các quốc gia này hoàn toàn theo chủ nghĩa Đại Tây Dương. Khi người Pháp và người Đức cố gắng tìm ra lý do để bảo vệ châu Âu, thì người các nước khác chỉ nghĩ đến NATO. Trong bối cảnh đó, Putin không thể chấp nhận việc tên lửa Mỹ đang ở biên giới mình. Khi Georgia muốn tham gia Liên minh Đại Tây Dương tại hội nghị thượng đỉnh Bucarest tháng 4 năm 2008, xe tăng Nga đã xâm lược nước này ngay tháng 8!

Nga có bị NATO bao vây không?

Putin đã dùng lý lẽ này một cách triệt để, bởi vì nó chính đáng. Nếu tôi là Putin, tôi cũng sẽ không ủng hộ việc Ukraina vào NATO. Câu hỏi thực sự là liệu Ukraina có thực sự gia nhập NATO hay không: câu trả lời là không. Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, người Mỹ muốn đưa Bucarest vào, nhưng người Pháp và người Đức đã phủ quyết.

Nhưng cũng cần lưu ý cách Lênin diễn tả năm 1918: “Chúng tôi thấy mình như đang ở trong pháo đài bị bao vây.” Quan niệm về nước Nga có từ thời các sa hoàng, là hình ảnh sống của thần thoại quốc gia.

Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2, Putin biện minh cho cuộc xâm lược của mình bằng cách tuyên bố rằng Ukraina là cái nôi lịch sử của Nga…

Điều này không sai! Kievan Rus’ (một công quốc tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13) thực sự là cái nôi của nền văn minh Nga, khi các bộ lạc xla-vơ được người Viking cho nhập liên bang vào thế kỷ thứ 9. Nhưng người Nga quên rằng, bắt đầu từ cuộc xâm lược của người Tatar và Mông Cổ vào thế kỷ 13, mọi thứ đều đã tan tành. Trong vài thế kỷ, người Ba Lan và người Cossack đã chiếm đóng nơi này, trong khi nước Nga chính cống được thành lập ở Mátxcơva.

Song song vào đó, toàn bộ phần phía tây của Kievan Rus’, Galicia, tập hợp lại để phục vụ giáo hoàng. Các tín hữu trở thành “người công giáo-hy lạp” hoặc “hiệp nhất” (với la-mã), theo nghĩa xấu của người chính thống giáo dùng, những người vẫn ở trong quỹ đạo của Mátxcơva.  Người công giáo sống ở phía tây, trải qua sự thống trị của Ba Lan và sau đó là Áo, không liên quan gì đến phía đông của Ukraina ngày nay, vốn vẫn của người Nga và chính thống giáo. Giữa Ternopil, ở Galicia, và Lugansk, ở Donbass, lịch sử không giống nhau. Khi chúng ta nhìn thấy sự đa dạng của người Ukraina, chúng ta thấy Putin đã phạm sai lầm của đời ông: ông đã tạo ra lòng ái quốc của người Ukraina mà trước đó không hề có!

Khi Putin nói quân đội của ông đang “giải nazi-hóa” Ukraina, ông muốn nói gì?

Ông dùng một hình ảnh của lịch sử: tháng 6 năm 1941, người dân miền Tây Ukraina đã hứng chịu ách thống trị của Liên Xô đến mức họ hoan nghênh sự xuất hiện của quân đội Đức. Tất cả người Nga đều nhớ kỷ niệm đau xót này. Tai nạn lịch sử này đã không vinh danh người Ukraina, và Điện Kremlin vẫn dùng tai nạn này như một lập luận mạnh.

Văn hóa chính trị và dân tộc Nga ngày nay, được kế thừa từ Liên Xô, dựa trên sự kiện người Nga đánh bại chủ nghĩa quốc xã năm 1945. Đó là nền tảng văn hóa ái quốc của Nga. Putin phát triển tài hùng biện của mình về hình ảnh đáng gờm này, vô cùng bổ ích.

Tổng thống Nga có phi lý không, như người phương Tây thường nói?

Chắc chắn ông không phải là một tiến sĩ lịch sử, như bài phát biểu của ông ấy vào ngày 21 tháng 2 cho thấy! Ông có những ám ảnh, những quan niệm sai lầm, và ông đã thay đổi trong những năm gần đây. Người hùng thể thao mang hình ảnh nam tính mạnh mẽ bây giờ đã già đi, và có thể ông đang bị bệnh. Ông là một nhà độc tài cô độc, bực tức cau có, không nợ ai. Các bộ trưởng của ông không còn có thể đụng đến ông, tất cả chúng ta đều thấy điều này khi ông họp Hội đồng Bảo an ở Mátxcơva, ngay trước bài phát biểu của ông. Ông cai trị chỉ với cơ quan FSB (Dịch vụ An ninh Liên bang Nga phụ trách an ninh nội bộ), cơ quan thừa kế KGB của Liên Xô với SVR (Cơ quan Tình báo Đối ngoại).

Hơn nữa, ông đã làm bẽ mặt Sergei Naryshkin, giám đốc SVR, trong cuộc họp nổi tiếng vào ngày 21 tháng 2. Sứ điệp là “Ông không biết gì hết về FSB”. Chính FSB thành lập nhóm lính đánh thuê Wagner, những người điều khiển quân ly khai, và những người sẽ cố gắng lật đổ tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky.

Nếu Kiev thất thủ, liệu Nga có sẵn sàng hỗ trợ việc chiếm đóng một  đất nước có 44 triệu dân không?

Hầu hết người Nga đều tin rằng Ukraina giống giống như nhà mình. Ngay cả những người dân chủ nhất cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, cũng chính họ đã điếng người bởi ý tưởng giết người láng giềng của họ. Có một thành ngữ trong văn học Nga làm mọi người lạnh người: nalit’krov (“đổ máu”). Người Nga, những người đôi khi quá mức và sẵn sàng làm tất cả, nhưng nghịch lý thay, họ lại miễn cưỡng làm, xuất phát từ tinh thần chính thống giáo của họ. “Đổ máu” vẫn là một thành ngữ ma quỷ với người Nga, đặc biệt là liên quan đến những người thân yêu của họ. Tôi chưa bao giờ gặp một người Nga nào mà không có mẹ, có dì hoặc có bạn gái là người Ukraina!

Vào cuối thời Liên Xô, có từ 11 đến 12 triệu người Nga ở miền đông Ukraina, trong tổng số 52 triệu dân. Luôn có sự lẫn lộn giữa hai dân tộc, không ai có thể thoát được thực tế này. Phần còn lại, Điện Kremlin đã mạo hiểm khi đi đến tận Kiev, nhưng sẽ điên rồ nếu họ mạo hiểm xa hơn nữa! Người miền Tây Ukraina, người Galicia, sẽ không bao giờ đồng ý quay trở lại ách thống trị của người Nga. Nếu bị chiếm đóng, họ sẽ tạo ra một Afghanistan mới giữa lòng châu Âu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn