Dân Chúa Âu Châu

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres, nói rằng hơn 50.000 người tị nạn trên thế giới đã bị thiệt mạng trên đường trốn chạy tai ương trong bảy năm qua. Trong thực tế con số này chắc chắn cao hơn.

Ông Guterres, nguyên là Thủ tướng Bồ Đào Nha, tuyên bố như trên, hôm 16 tháng Hai vừa qua, trong buổi khai mạc cuộc gặp gỡ để đạt tới một hiệp ước hoàn cầu về di trú an toàn, hợp pháp và có kỷ luật hơn. Ông nhận định rằng “những người di dân chết trong toan tính đạt tới điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn, đó là cơ may, phẩm giá và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cái chết của họ là một sự ô nhục tập thể”. “Ngăn ngừa sự mất mạng, kể cả bằng các biện pháp cấp cứu, là một nghĩa vụ khẩn cấp về nhân đạo và là một bổn phận về luân lý và pháp luật. Bất luận các cuộc di cư ấy là do cưỡng bách hay tự nguyện, được phép chính thức hay không, chúng ta đều phải tôn trọng các quyền và phẩm giá con người. Chúng ta phải loại trừ nạn buôn người, chấm dứt tệ nạn bóc lột những người yếu thế.”

Cũng trong diễn văn khai mạc, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng 80% dân chúng xuất cư có thứ tự và hợp lệ. Nhưng các cuộc di cư không được điều hành hợp thức, trước sau vẫn tạo nên những hậu quả kinh khủng cho con người. Phần lớn các làn sóng di dân hiện nay chủ yếu do những tay buôn người lèo lái. Đó là điều không thể chấp nhận được. Những tên đại hình gian ác này tước đoạt các quyền căn bản của con người, cướp mất các mơ ước của họ và tạo nên những vấn đề nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ và thiếu nữ trở thành mục tiêu của chúng. Vì thế, cách duy nhất để phá vỡ cái vòng kiềm tỏa của những kẻ buôn người, là thiết lập những con đường di cư hợp pháp, trong sự cộng tác chặt chẽ giữa các nước nguyên quán và các nơi người di dân muốn đến. “Chúng ta phải bảo vệ hữu hiệu hơn những người di dân trong những tình trạng dễ bị tổn thương, kẻ cả những người bị thương tổn vì thiên tai và cuộc khủng hoảng khí hậu. Và chúng ta phải mở rộng cũng như tạo nên nhiều con đường khác nhau, dựa trên quyền di cư hợp pháp, để loại bỏ những nút thắt của thị trường lao động và đẩy mạnh việc tiến đến các mục tiêu phát triển dài hạn. Chúng ta cần làm hơn nữa để trở về an toàn và nhận lại chắc chắn hơn, hợp với nhân phẩm và hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ theo công pháp quốc tế”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu