Dân Chúa Âu Châu

900 người sống sót trong cuộc diệt chủng Do thái thời Đức quốc xã, đã chết vì Coronavirus tại Israel.

Số người này chiếm một phần năm trong tổng số hơn 4.500 nạn nhân diệt chủng, hiện sống tại Israel. Con số được công bố hôm 27/1/2021 vừa qua, nhân Ngày Tưởng Niệm sáu triệu người Do Thái bị Đức quốc xã tiêu diệt trong thế chiến thứ hai. Cha Rafic Nahra, Đại diện Đức Thượng phụ Pizzaballa, đặc trách mục vụ các tín hữu Công giáo Do Thái ở Jerusalem, cho biết “sự cô đơn đối với các nạn nhân ấy thực là đau thương. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng cả trong đại dịch, chúng ta không thể bỏ rơi một người nào”.

Ảnh hưởng tới cái chết của những cựu nạn nhân Shoah nói trên, là tuổi rất cao của họ, và cũng vì tình trạng rất mong manh của họ. Theo một thống kê, Coronavirus đã gây ra cái chết trong năm qua cho 17% những người đã sống sót cuộc diệt chủng. Người đầu tiên trong số này, là ông Arey Even, chết tại Jerusalem ngày 21/3 năm ngoái. Ông là một người Do Thái Hungary, con một nạn nhân đã chết trong trại tập trung Mauthausen. Aryeh Even cùng với mẹ đã thoát chết nhờ ẩn nấp trong một tầng hầm, và sau đó di cư sang Israel năm 1949.

Cha Nahra là một người Arập, gốc Liban, đã khám phá ơn gọi trong cuộc đối thoại với thế giới Do Thái, trong thập niên 1980, tại Paris và trở thành linh mục nhập tịch vào giáo phận Paris, dưới thời Đức Hồng y Jean Marie Lustiger, gốc Do thái. Cha cho biết chính phủ Israel giúp đỡ về kinh tế cho những người sống sót cuộc diệt chủng Shoah, nhưng vấn đề lớn của họ là cô đơn, vì họ thường là những người duy nhất còn lại trong gia đình. Cũng vì thế, cái chết vì Covid-19 trong tình trạng cô lập càng đau thương hơn đối với họ”.

Và cha Nahra kết luận rằng: “Trong Ngày Tưởng Niệm này, những cái chết của các cựu nạn nhân nhắc nhở chúng ta điều này chúng ta lệ thuộc nhau dường nào. Chúng ta không tự cứu thoát một mình: chúng ta thấy điều đó trong các tuyên bố về các vắc-xin chống Covid-19, đang được mau lẹ tiến hành tại Israel này, nhưng các vắc-xin ấy trở nên vô ích, nếu những người khác bị để lại đàng sau. Cuộc diệt chủng Shoah phải dạy chúng ta điều này đó là quan tâm đến người láng giềng, và đừng bỏ rơi họ trong khó khăn”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu