Dân Chúa Âu Châu

SANTA ANA, California (NV) – “Zero!”

Khi cơ hội là số 0 thì chẳng còn hy vọng gì nhiều.

Tháng Mười Hai năm ngoái, cô Yến Trần, cư dân Santa Ana, được bác sĩ thông báo phải phá thai. Không những bào thai không có cơ hội sống sót nào, mà tính mạng cô Yến cũng lâm nguy.

Cô bị vỡ nước ối khi mới mang thai được 16 tuần, bị sốt, và có nguy cơ nhiễm trùng, nhật báo The Orange County Register đưa tin vào Thứ Năm, 28 Tháng Năm.

Lúc đó, dường như không còn lựa chọn nào khác, cô cho hay.

Cô Yến bắt đầu chuẩn bị lễ tang cho bé gái mà cô dự tính đặt tên là Noelle.

“Tôi nghĩ tôi sẽ mất đứa bé ngay đúng ngày Noel,” cô Yến nói.

Nhưng rồi cô quyết định không bỏ cuộc. Thậm chí trong thời gian dịch COVID-19, cô càng trở nên quyết tâm hơn, và cứ hy vọng và cầu nguyện.

Đến trước Tháng Năm, cô Yến cùng chồng là anh Tuấn Nguyễn, bác sĩ phòng cấp cứu điều trị bệnh nhân COVID-19, hủy kế hoạch làm lễ tang.

Hóa ra, bản thân cô Yến cũng từng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để trở thành người thành đạt như bây giờ. Cô lớn lên ở vùng đồng quê, sau đó đi vượt biên, không được đi học, và đến Mỹ mà không nói được chút tiếng Anh nào.

Rồi cô trở thành bác sĩ. Cả cuộc đời mình, cô đối mặt với biết bao lần tuyệt vọng, nhưng cuối cùng lại thành công.

“Tôi là người dũng cảm”

Cha cô Yến là người học cao, và chính điều đó khiến ông gặp rắc rối.

Năm 1975, ông chuẩn bị tốt nghiệp đại học luật ở Việt Nam. Ông nói được ba thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh. Vì ông là trí thức nên bị chính quyền Cộng Sản nghi ngờ. Gia đình ông bị đày đến một ngôi làng nhỏ và họ phải sống giữa ruộng lúa.

“Bằng cách đày ông đến vùng hẻo lánh, họ nghĩ ông sẽ không liên lạc với người Mỹ,” cô Yến kể.

Cha cô qua đời vì sốt rét năm 1985, khi cô Yến chỉ mới 6 tuổi. Cô cho hay cái chết của cha khiến cô ước mơ sẽ chữa trị tất cả bệnh tật. Cô không bao giờ cho ai biết cô muốn làm bác sĩ vì nhà cô quá nghèo và sống ở vùng hẻo lánh, “Nếu biết được, họ sẽ cười cho,” cô kể.

Mẹ cô phải một thân nuôi bốn đứa con.

Cô quyết định theo đuổi ước mơ của mình ở Mỹ.

Năm 1989, gia đình cô cùng một số người khác đi vượt biên. Họ lội bộ băng qua núi đến chiếc thuyền chở họ sang đảo Palawan của Philippines.

“Mẹ tôi nói với chúng tôi rằng chúng tôi đang đi đến vùng đất hứa,” cô Yến nói. “Chúng tôi sẽ có tương lai. Ở Mỹ, ai mơ gì thì có thể đạt được.”

Họ ở Palawan gần 6 năm. Từ năm 10 đến 15 tuổi, cô không được đi học.

“Chúng tôi suốt ngày cứ lo kiếm thức ăn,” cô Yến kể.

Thời đó, ngày nào cô cũng lo bắt cua hoặc trèo cây hái xoài và dừa.

“Tôi là người dũng cảm,” cô nói. “Tôi không dễ dàng bỏ cuộc.”

Tập trung học hành

Cuối cùng, gia đình cô Yến được người dì cũng đi vượt biên bảo lãnh.

Tháng Tư, 1994, gia đình cô đáp xuống phi trường quốc tế Los Angeles,

“Thật choáng ngợp,” cô nhớ lại.

Gia đình cô sống ở Torrance, Nam California. Mặc dù lúc đó 15 tuổi, cô Yến được xếp học lớp tám một học kỳ. Sau đó, cô chuyển lên trung học North Torrance High School. Cô xin được công việc nấu ăn ở Bono Pizza. Mỗi lần lãnh lương, cô đều gửi tiền về cho vài người thân trong gia đình còn ở lại Việt Nam.

“Tôi không màng đi xem football hay tham gia hoạt động xã hội nào,” cô Yến kể. “Tôi chỉ lo lấy điểm A.”

Cô cho hay các giáo viên bắt đầu nhận thấy sự cần cù đáng nể của cô. Cô giáo dạy ESL cho cô Yến, tên là Olsen, cứ luôn nói với cô rằng, “Một ngày nào đó, em sẽ dùng câu chuyện đời mình để làm nguồn cảm hứng cho mọi người.”

Cô Yến tốt nghiệp trung học năm 1998 toàn điểm A.

Cô ghi danh học UC Irvine, chuyên ngành chính là sinh học và chuyên ngành phụ là giáo dục. Rồi cô theo học trường y Kirksville College of Medicine ở Missouri. Cô chuyển sang ngành phụ khoa.

“Tôi muốn giúp các cô gái mạnh mẽ và tự tin hơn,” cô kể.

Cô từng nghĩ đến việc tham gia tổ chức Thầy Thuốc Không Biên Giới và dành cả đời đi khắp thế giới để chữa bệnh cho người nghèo. Thần tượng của cô từ trước đến nay là Mẹ Teresa, cô cho hay.

Kế hoạch thay đổi khi cô quyết định lập gia đình.

“Không cơ hội, không lựa chọn”

Cô gặp anh Tuấn Nguyễn qua giới thiệu của một người bà con. Lúc đó, anh Tuấn là bác sĩ trẻ mới lấy bằng ở đại học UCLA.

Cuối cùng, cả hai đều biết ra họ cùng làm một chỗ – MemorialCare Orange Coast Medical Center.

Họ cưới nhau năm 2015. Vincent, con trai đầu lòng của họ, ra đời năm 2018 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm sau 4 năm hai vợ chồng cố gắng.

Không lâu sau, họ quyết định sinh thêm đứa nữa.

Ngày 18 Tháng Chín, 2019, bác sĩ cấy trứng thụ tinh cho cô Yến.

Tai họa ập đến ngay đêm Noel khi cô mang thai được 16 tuần.

Cô đang lau dọn nhà ở Santa Ana để chuẩn bị đón Giáng Sinh thì bị vỡ nước ối khi đang đi lên cầu thang.

Gia đình đưa cô đến bệnh viện mà hai vợ chồng làm việc. Cô được đưa vào căn phòng mà hai hôm trước, cô phá thai cho một bệnh nhân từng ở đó.

“Tôi khuyên người đó phá thai,” cô kể.

Giờ đến lượt cô rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Anh Tuấn nhớ lại cú điện thoại mà bác sĩ gọi cho anh thông báo rằng tình hình rất bi đát.

“Điều đầu tiên mà tôi nghĩ là chúng tôi sẽ phải bỏ đứa bé,” anh Tuấn nói. “Bác sĩ nói chúng tôi không có cơ hội, không có lựa chọn nào khác. Lòng tôi tan nát. Tôi muốn cuộn người lại khóc.”

Thêm nhiều khó khăn

Cô Yến nói “không.”

Cô sẽ không phá thai, lý do một phần là gia đình cô theo đạo Công Giáo. Và lý do khác là: Cô không bao giờ bỏ cuộc.

“Chúng tôi cứ tiếp tục dù hy vọng mong manh,” anh Tuấn nói.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản. Cô Yến nằm bệnh viện 21 ngày, rồi được cho xuất viện vì bệnh viện chẳng thể làm gì khác.

Thay vì về nhà ở Santa Ana, cô đến nhà mẹ ở Westminster. Họ thuê một giường bệnh viện và người giúp việc.

Nghĩ rằng có thể mất đứa bé bất kỳ lúc nào, cô Yến cố gắng nằm ngửa, không động đậy. Cô cứ tự động viên ráng đến ngày Valentine’s Day (lúc đó thai được 24 tuần). Vài em bé 24 tuần tuổi sống được.

Ngày Valentine’s Day, anh Tuấn đem bong bóng đến chúc mừng.

“Lúc đó, tôi nghĩ, Chúa ơi, chúng tôi còn cơ hội,” anh Tuấn nói.

Khoảng thời gian đó, anh Tuấn bắt đầu thấy bệnh nhân đến phòng cấp cứu của anh với triệu chứng cảm cúm nặng. Rồi Tháng Ba, anh thấy bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.

Điều đó tạo thêm vấn đề mới cho hai vợ chồng anh.

“Sợ quá,” anh Tuấn nói. “Không biết tôi có làm ảnh hưởng gì cho vợ và đứa bé không.”

Anh bớt thăm vợ, và cũng ngưng ôm vợ.

Cô Yến thì kể cô mơ được đi ăn nhà hàng. Cô bị trầm cảm nặng.

Tuy nhiên, cô vẫn cố nằm yên.

Nỗ lực thành công

Ngày 18 Tháng Năm, Noelle chào đời, cân nặng 7 pound, 3 ounce. Điều đặc biệt, em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Cô Yến nói cô muốn chia sẻ hy vọng với những người cùng cảnh ngộ. Nếu một phụ nữ 40 tuổi bị vỡ nước ối khi mới mang thai 16 tuần mà vẫn sinh được em bé thì ai cũng có thể hy vọng.

“Chúng tôi rất may mắn,” anh Tuấn nói.

“Và cương quyết,” cô Yến cười nói. “Đúng là thần kỳ.”

Cô cho hay, khi trở lại làm việc, cô sẽ thay đổi cách khuyên bảo bệnh nhân.

“Tôi sẽ cho mọi người thời gian nhiều hơn để quyết định,” cô nói. “Tôi sẽ thay đổi cách hành nghề.” (Th.Long) [đ.d.]

Nguồn: Người Việt