Dân Chúa Âu Châu

leparisien.fr, Antonino Galofaro, Rôma, 2020-03-10

Làm thế nào thành phố Rôma sống cách ly hoàn toàn? Từ khi chính quyền loan báo cách ly, các cửa hàng của thủ đô Rôma đóng cửa. REUTERS/Guglielmo Mangiapane

“Tôi sẽ đi chợ, nếu tôi tới được!”, một người đi đường nói đùa, ông đi về hướng siêu thị Monte del Gallo, đằng sau ga Thánh Phêrô ở Rôma. Ở cửa tiệm nhỏ này có năm khách hàng chờ bên ngoài. Một nhân viên đứng gác bên ngoài để bảo đảm chỉ có mười người được vào cửa hàng.
Dù có các hạn chế nghiêm nhặt của Thủ tướng, người Ý vẫn ra đường đi chợ… với điều kiện người này cách người kia một mét. 60 triệu người dân nước Ý cấm cung chiều thứ hai sau khi tin tức trên đài truyền hình được loan ra. Các chương trình truyền hình bị cắt đứt để Thủ tướng Giuseppe Conte trực tiếp loan tin. Các biện pháp cách ly vùng Lombardie và mười một bang miền bắc bây giờ áp dụng cho toàn nước. Chưa bao chờ thấy.

“Nhưng ít nhất tôi cũng có thể đi mua cái gì để ăn chứ?”

Nước Ý là nước thứ nhì sau Trung quốc bị ảnh hưởng nặng, đã có 10 149 ca bị nhiễm và 631 người chết, và họ quyết tâm chận nạn dịch này. Thủ tướng Ý nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi thói quen ngay lập tức. Tương lai nước Ý ở trong tay chúng ta.”
Bắt đầu ngày thứ ba 10-3, nước Ý bị cách ly. Trong bốn tuần sắp tới, họ chỉ có thể ra ngoài với một vài điều kiện, vì lý do nghề nghiệp và sức khỏe và phải trình giấy chứng minh. Ai vi phạm có thể bị 3 tháng tù và 206 âu kim tiền phạt. Và các hình phạt đã được áp dụng: 48 người đã bị cảnh cáo miệng ở Sicile vì đi theo đám tang dù đã có lệnh cấm.

“Nhưng ít nhất tôi cũng có thể đi mua cái gì để ăn chứ?”, từ hôm qua người dân đã hỏi nhau trên điện thoại hoặc tin nhắn, không phải là không có chút hoảng sợ. Cuộc sống vẫn tiếp tục, mùa xuân sẽ đến. Các đường phố ở khu vực Monte del Gallo, chỉ cách phía tây Vatican vài trăm mét vẫn không hoang vắng. Ở chợ vẫn là không khí bình thường của một sáng thứ ba. Một người bán hàng nói: “Chúng tôi còn làm nhiều hơn bình thường. Mọi người ở nhà nên họ đi chợ, có thể vì sợ nên họ mua nhiều hơn.”

Khách du lịch biến mất

Hai tay mang găng bảo vệ, anh khiêng một thùng rau: “Tôi không có vấn đề dự trữ”, anh nói như để trấn an một vài khách hàng chung quanh anh. Chợ của anh gần đại lộ Grégoire-VII dẫn đến Vatican. Xa xa là Đền thờ Thánh Phêrô. Trong bóng râm của vòm đền thánh, khách du lịch đã biến mất. Trong một khách sạn gần đó, nhân viên tiếp tân ủ rũ. Điện thoại liên tục gọi đến hủy hẹn. Chỉ một phần năm phòng có khách: “Nếu vài ngày nữa như thế này thì chúng tôi phải đóng cửa.” Phải chống lại vi-rút theo lệnh của chính quyền.

Rôma bị tê liệt. Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng. Vài cảnh sát đi tuần dưới các cột cao. Vatican vừa loan báo: đền thờ và quảng trường sẽ đóng cửa cho đến ngày 3 tháng 4. Giáo dân có thể dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư tên các hàng ghế được xếp xa nhau, họ theo dõi bài giáo lý của Đức Giáo hoàng trên màn hình. Bài giảng thánh lễ hàng ngày của ngài được thâu ở thư viện riêng. Cả một thay đổi và không phải là ít.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn