Dân Chúa Âu Châu

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã viết thư cho ĐTC Phanxicô mô tả sự gây hấn và đàn áp tôn giáo của Trung Quốc là “những trở ngại đối với hòa bình”, và đồng thời nêu chi tiết về việc “lạm dụng quyền lực” của chế độ Cộng sản.

“Mấu chốt của vấn đề đó là Trung Quốc từ chối việc từ bỏ mong muốn thống trị Đài Loan. Nó tiếp tục làm suy yếu nền dân chủ, tự do và nhân quyền của Đài Loan với các mối đe dọa của lực lượng quân sự và thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch, tấn công mạng và thao diễn ngoại giao”, bà Thái Anh Văn viết trong một lá thư gửi ĐTC Phanxicô do văn phòng của bà công bố vào ngày 21 tháng 1.

Bà Thái Anh Văn đã gửi bức thư để đáp lại thông điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Hòa bình năm 2020, bức thư thường niên của Đức Giáo hoàng gửi cho tất cả các Bộ trưởng ngoại giao trên thế giới để đánh dấu dịp năm mới.

Năm nay, bức thư của ĐTC Phanxicô có tựa đề: “Hòa bình là một Cuộc hành trình của Hy vọng: Đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái”, kêu gọi lương tâm của nhân loại, vươn lên trước sự khao khát thống trị và hủy diệt.

Tân Tổng thống tái đắc cử của Đài Loan, chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Quốc, nhắn nhủ với Đức Thánh Cha Phanxicô về mong muốn của bà nhằm “giải quyết cách ôn hòa những khác biệt trên eo biển Đài Loan”.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố của Ngài rằng việc bước đi trên con đường hòa bình đòi hỏi chúng ta phải gác lại tất cả mọi hành vi bạo lực trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù là đối với những anh chị em thân cận của chúng ta hay đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.

Tổng thống Đài Loan sau đó nêu chi tiết một danh sách các hành động của Trung Quốc mà bà cho là cấu thành “những hành vi lạm dụng quyền lực”, đồng thời mô tả hành vi bạo lực đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, cuộc tranh cãi gần đây về một huấn luyện viên NBA lên tiếng chỉ trích chế độ Cộng sản, và cuộc đàn áp đối với các tín đồ tôn giáo đang tìm cách theo dõi lương tâm của họ:

“Các nhà chức trách điều hành lực lượng cảnh sát có vũ trang bắn hơi cay và đàn áp và bắt giữ những người bày tỏ mong muốn theo đuổi dân chủ và nhân quyền; những người nổi tiếng trên internet hoặc các vận động viên bị đe dọa chấm dứt hợp đồng hoặc bị cấm tham dự các cuộc thi khi họ lên tiếng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận; các tín đồ tôn giáo đối mặt với việc bị giam cầm và đàn áp bởi các nhân viên an ninh công cộng khi họ, theo lương tâm của mình, từ chối bị ép buộc ký vào các tài liệu để tham gia một tổ chức vi phạm các giáo lý tôn giáo của họ – tất cả những điều này cấu thành những gì Ngài đề cập trong thông điệp của Ngài đó là “lạm dụng quyền lực” và đồng thời phản ánh khái niệm của sự đa dạng như một trở ngại. Thật vậy, chúng chỉ phục vụ cho việc châm ngòi cho các cuộc xung đột”.

Bà Thái Anh Văn trích dẫn trực tiếp từ thông điệp hòa bình của ĐTC Phanxicô, trong đó nêu rõ: “Chiến tranh được thúc đẩy bởi việc làm méo mó các mối quan hệ, bởi tham vọng bá quyền, bởi vệc lạm dụng quyền lực, bởi sự lo sợ người khác và xem sự đa dạng như là một trở ngại”.

Bà cũng đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta trong Thông điệp “Laudato Si” của mình bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ Đài Loan nhằm “biến Đài Loan trở thành một trung tâm phát triển năng lượng xanh ở châu Á” thông qua nhiều sáng kiến về năng lượng xanh và nước bền vững”.

Nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, bà Thái Văn Anh đã được tái đắc cử vào ngày 11 tháng 1 với một chiến dịch cam kết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc, khi những lo ngại gia tăng trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan với các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến tấn công bà Thái Văn Anh. Nhà lãnh đạo độc đoán của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã đe dọa Đài Loan, nói rằng vào năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì quyền sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo dân chủ này vào tầm kiểm soát.

Sự phân chia giữa Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu từ năm 1949, sau thành công của quân đội cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Quốc, khiến Tưởng Giới Thạch và lực lượng quốc gia phải rút lui khỏi hòn đảo. Đài Loan được chính thức gọi là Cộng hòa Trung Quốc, trong khi chính phủ ở đại lục được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

“Tôi rất đồng cảm với tầm nhìn cao thượng và lời kêu gọi đối với toàn thể nhân loại để từ bỏ mong muốn thống trị người khác, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và đồng thời học cách xem nhau như là con cái của Thiên Chúa và như anh chị em với nhau, ngõ hầu có thể phá vỡ vòng xoáy của sự thù hận muốn trả đũa lại nhau”, tổng thống Đài Loan viết trong bức thư gửi ĐTC Phanxicô.

“Nhiều cuộc xung đột quốc tế ngày nay có thể được quy cho mong muốn thống trị người khác. Khi một bên cố gắng áp đặt ý chí của mình lên người khác, cuộc đối thoại chân thành trở nên bất khả thi”, bà Thái Văn Anh nói.

Tòa Thánh đã công nhận chính phủ Đài Loan, Cộng hòa Trung Quốc, kể từ năm 1942, và hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vốn củng cố quyền kiểm soát đại lục khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1949 .

Năm 2018, các quan chức Bắc Kinh và Vatican đã ký một thỏa thuận tạm thời về các cuộc bổ nhiệm Giám mục. Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican nhằm thống nhất Giáo hội hầm trú và Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc.

Trung Quốc trước đây đã yêu cầu các nước khác chấm dứt sự công nhận ngoại giao của Đài Loan – vốn được coi như là một tỉnh nổi loạn, chứ không phải là một quốc gia có chủ quyền – như một cái giá cho sự hợp tác kinh tế hoặc chính trị gia tăng.

Thành phố Vatican là quốc gia duy nhất còn lại ở châu Âu công nhận Đài Loan là một quốc gia. Tuy nhiên, Tòa Khâm Sứ tại Đài Bắc đã không được lãnh đạo bởi một vị Sứ Thần Tòa Thánh kể từ ngày 25 tháng 10 năm 1971, khi Liên Hợp Quốc ngừng công nhận chính phủ có trụ sở tại Đài Bắc là chính phủ của Trung Quốc.

Chính phủ Đài Loan đã nhiều lần mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Đài Loan cả trước và sau thỏa thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Quốc.

Bà Thái Văn Anh bày tỏ hy vọng của mình đối với “sự phát triển liên tục của Giáo hội Công giáo” và đồng thời cho biết rằng đức tính hy vọng dẫn đến hòa bình và vượt qua nghịch cảnh.

“Tôi tin chắc rằng miễn là mọi người ở Đài Loan và trên thế giới nắm lấy niềm hy vọng và tiếp tục sẵn sàng đối thoại vốn từ chối thái độ loại trừ và thao túng, hòa bình thực sự có thể đạt được”, bà Thái Văn Anh viết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng năm mới đến các quốc gia châu Á trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư của mình vào ngày 22 tháng 1, Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất hàng năm ở Đông Á, mà trong đó hàng triệu người trở về đoàn tụ cùng với gia đình của mình.

“Tôi cũng mời tất cả mọi người cầu nguyện cho hòa bình, tinh thần đối thoại và liên đới giữa các quốc gia: những món quà cần thiết hơn bao giờ hết đối với thế giới ngày nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)