Dân Chúa Âu Châu

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 22 tháng 8 là Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng. “Chúng ta phải chống lại và từ chối những kẻ đã viện đến tôn giáo một các lệch lạc và hiểm độc để xây dựng những quan niệm sai lầm, châm ngòi cho sự chia rẽ và đồng thời gieo rắc sự sợ hãi và thù hận”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, cho biết trong một tuyên bố.

 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 22 tháng 8 là Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng.

“Nhân dịp này, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng của chúng tôi đối với các nạn nhân của vấn đề bạo lực dựa trên cở sở tôn giáo và tín ngưỡng. Và chúng tôi chứng minh rằng sự ủng hộ bằng cách làm tất cả trong khả năng của mình để ngăn chặn các vụ tấn công như vậy và yêu cầu những người có liên quan phải chịu trách nhiệm”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, cho biết trong một tuyên bố.

Đại hội đồng LHQ đã lên án các hành vi bạo lực nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số và đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với quyền tự do tôn giáo, như được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền.

“Trong vài tháng qua, chúng ta nhận thấy số vụ tấn công nhằm vào các cá nhân và các nhóm bị nhắm mục tiêu đơn giản chỉ vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”, ông Guterres nói. “Các tín đồ Do Thái đã bị sát hại trong các giáo đường Do Thái, bia mộ của họ cũng bị phá hoại; các tín đồ Hồi giáo bị bắn chết trong các nhà thờ Hồi giáo, các địa điểm tôn giáo của họ bị phá hoại; các Kitô hữu bị giết hại trong khi đang cầu nguyện, nhà thờ của họ bị thiêu hủy”.

Ông đặc biệt lưu ý xu hướng đáng lo ngại của các vụ tấn công nhắm vào các địa điểm thờ phượng, và các cộng đồng tôn giáo thiểu số bị tấn công vì đức tin của họ.

“Chúng ta phải chống lại và từ chối những kẻ đã viện đến tôn giáo một các lệch lạc và hiểm độc để xây dựng những quan niệm sai lầm, châm ngòi cho sự chia rẽ và đồng thời gieo rắc sự sợ hãi và thù hận”, ông Guterres nói.

Liên Hợp Quốc đang nghiên cứu một sáng kiến mới để chống lại những phát ngôn thù hận cũng như một kế hoạch hành động mới để bảo vệ các địa điểm tôn giáo, ông Guterres nói.

Trong những năm gần đây, các nhà quan sát đã lên tiếng báo động về cuộc đàn áp dựa trên cơ sở tôn giáo đang diễn ra ở các nước trên thế giới.

Trong báo cáo thường niên, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã kết luận rằng, “bất chấp hai thập kỷ nỗ lực làm việc không mệt mỏi nhằm chấm dứt nạn phân biệt đối xử, bạo lực và đàn áp dựa trên cơ sở tôn giáo, vô số các tín hữu và những người không có đức tin trên toàn cầu vào năm 2018 vẫn phải tiếp tục trải nghiệm sự đau khổ do niềm tin tôn giáo của họ”.

Một báo cáo vào đầu năm nay do Bộ Ngoại giao Anh ủy quyền cho thấy các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhất trên thế giới và cuộc đàn áp chống lại họ đang có chiều hướng gia tăng.

Những người ủng hộ tự do tôn giáo đã hoan nghênh LHQ vì đã thừa nhận mối đe dọa nghiêm trọng do cuộc đàn áp tôn giáo đương thời gây ra, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết cần phải đưa ra hành động tiếp theo.

“Tất cả mọi người đều có quyền tự do sống đức tin của mình, và chúng ta không bao giờ có thể quên những người đã phải đối mặt với sự đàn áp vì thể hiện đức tin của mình”, theo bà Kelsey Zorzi, Chủ tịch Ủy ban NGO của Liên Hợp Quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng và giám đốc vận động quốc tế về tự do tôn giáo toàn cầu tại ADF International.

Bà Zorzi đã hoan nghênh quyết định của Liên Hợp Quốc trong việc thiết lập một ngày dành để tưởng niệm các nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo, trong khi đồng thời cũng cho biết thêm rằng “việc chỉ tưởng nhớ thôi thì chưa đủ”.

“Cuộc đàn áp tôn giáo đang có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đảm bảo rằng luật pháp và các chính sách của họ phải phù hợp với các cam kết nhằm bảo vệ tự do tôn giáo theo luật quốc tế”, bà Zorzi nói.

Ông Tony Perkins, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, cũng đã kêu gọi những hành động bổ sung nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn cầu.

“Việc tưởng niệm các nạn nhân của vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở tôn giáo hoặc tín ngưỡng là vô cùng quan trọng, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu trong những công việc của thế giới để có được công lý cho những người sống sót sau những bi kịch trong quá khứ, giống như cuộc diệt chủng của người Yazidis, các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo Shi’a ở Iraq gây ra bởi tổ chức ISIS”, ông Perkins nói.

“Chúng ta cũng phải thừa nhận và cùng cộng tác với nhau nhằm ngăn chặn hành động thanh trừng sắc tộc đang diễn ra đối với những người Hồi giáo Rohingya và các Kitô hữu tại Miến Điện cũng như tình trạng bạo lực chống lại các Kitô hữu tại Nigeria bởi lực lượng Boko Haram”.

Minh Tuệ (theo CNA)