Dân Chúa Âu Châu

Các quy định cố ý xóa sạch tôn giáo bằng cách siết chặt kiểm soát trên mạng nhưng hành động bạo ngược này không thể không bị lên án

Hôm 10-9, Ban Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc (SARA) tham khảo ý kiến công chúng về các biện pháp mà Cơ quan quản lý các dịch vụ thông tin tôn giáo qua internet có thể áp dụng để theo dõi các hoạt động tôn giáo trên mạng.

Từ khi phát hành các biện pháp được đề xuất, các cơ quan an ninh và tôn giáo của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã thu thập phản ứng của các cộng đồng tôn giáo trên cả nước để đánh giá thông tin phản hồi.

Được biết đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thiết lập một bộ quy định chung cho 5 cơ quan nhà nước và rất có khả năng trở thành luật sau này. Các nhà quản trị mạng miêu tả bộ quy định này là một “sự bóp nghẹt tôn giáo về mọi mặt” nhằm ngăn chặn hoạt động truyền giáo.

Các cơ quan được nhắc đến bao gồm SARA, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an, và Bộ An ninh Quốc gia.

Do việc đề ra các biện pháp quy định các dịch vụ thông tin tôn giáo qua mạng (NIS) nằm ngoài quyền hạn của SARA, cơ quan quản lý không gian mạng và bộ công nghệ thông tin được yêu cầu trợ giúp.

Bằng cách đưa thêm vào Bộ Công an, và Bộ An ninh Quốc gia, đảng Cộng sản biến sự việc thành vấn đề an ninh quốc gia. Vậy, hai bộ này trở thành “cơ quan hành pháp” hiệu quả của SARA.

Như thế việc lúc đầu là vấn đề chính trị – phổ biến thông tin tôn giáo trên mạng – nay đã được nâng lên thành vấn đề an ninh quốc gia, chuẩn bị cho cuộc đàn áp khắt khe hơn, có nhiều cơ quan tham gia và hình phạt nặng hơn.

Theo dự luật, Điều 9 quy định trừ các tổ chức tôn giáo, cơ sở giáo dục, và các nơi sinh hoạt tôn giáo, không được phép nhắc đến các tôn giáo như Công giáo, Hồi giáo, Lão giáo, Phật giáo hay Tin Lành trong các tên chính thức trên các website đưa tin tức.

Đây rõ ràng là một hành động cố ý “loại trừ” nhiều tôn giáo ra khỏi không gian mạng bằng cách cấm nhiều từ khóa và biểu tượng liên quan cho đến khi không còn gì cả.

Chuyện này còn tệ hơn những việc đội kiểm duyệt của Trung Quốc đã làm trong nhiều năm qua nhằm giúp ổn định cái gọi là “Đại tường lửa” trên mạng bằng cách xóa bất cứ thứ gì đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như Quảng trường Thiên An Môn, Tây Tạng, Đài Loan, và nhiều vấn đề khác nữa.

Cũng tệ không kém những hạn chế mà đảng Cộng sản đã áp đặt cho đến nay trên mạng xã hội liên quan đến việc truyền bá tôn giáo bằng cách quy định một số từ, cụm từ hay khái niệm là “cấm kỵ”. Tháng 4 năm nay đảng Cộng sản cũng đã cấm bán Kinh Thánh trên mạng.

Tuy nhiên, mọi người sớm nhận ra lập luận nực cười trong việc đề ra Điều 9 nếu so sánh với một đề nghị khác ở Điều 5 trong cùng bản thảo của bộ quy định.

Điều này nêu rõ “cơ quan quản lý các dịch vụ thông tin tôn giáo trên internet dựa trên các nguyên tắc bảo vệ những gì hợp pháp, cấm những gì bất hợp pháp, chống chủ nghĩa cực đoan, ngăn chặn sự thâm nhập, và chống tội phạm”.

Thế nhưng điều khoản không thể chấp nhận nhất đó là Điều 18. Nó quy định “không một tổ chức hay cá thể nào được phép dùng văn bản, hình ảnh, âm thanh hay các phương tiện trực quan khác để phát trực tiếp hay ghi lại rồi phát cảnh bái lạy Phật hay đốt nhang, tín đồ tiếp thu giáo huấn của Đức Phật, hát xướng, thờ phượng, dâng lễ, rửa tội hay các hoạt động tôn giáo khác”.

Đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của người dân Trung Quốc vì nó cấm tất cả các hoạt động.

Rõ ràng, điều này cho thấy bất kỳ thông tin nào liên quan đến tôn giáo, bất kể hình thức gì, đều không thể phát hành trên mạng mà không lo sợ bị trừng phạt.

Điều 18 còn trực tiếp bác bỏ Điều 9, đó là các tổ chức tôn giáo chỉ được miễn những gì mà Điều trước đó nói tới.

Trong khi lấy ý kiến của công chúng trước khi chính quyền “ban hành luật”, SARA cơ bản đang miêu tả chính xác người nào và nơi nào là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc đàn áp mới nhất của họ.

Chắc chắn bất kỳ thông tin phản hồi nào phản đối những quy định được đề xuất này sẽ được chú ý đến và những người đó sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn trong tương lai vì họ được đưa vào danh sách các mối đe dọa đặc biệt ngày càng dài đối với đường lối của đảng Cộng sản.

Rõ ràng là “thông tin phản hồi” của họ sẽ không tạo ra một sự khác biệt nào cả vì phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nêu quá rõ rằng đây là ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Không thể có sự khoan dung dành cho các tiếng nói bất đồng chính kiến khi mệnh lệnh xuất phát từ cấp cao nhất trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, một ý được tóm lược gọn gàng trong tựa đề bài bình luận nổi tiếng năm 2014 trên tờ The Economist nói về lịch sử chính trị của đương kim lãnh đạo Trung Quốc: “Ông Tập là người phải được tuân theo”.

Ông Tập nêu lên vấn đề về cách quản lý nội dung tôn giáo trên mạng hồi tháng 4-2016, 2 năm sau khi bài báo đó được phát hành, tại Hội nghị Công tác Tôn giáo Toàn quốc.

Ông còn phê chuẩn các điều khoản bổ sung trong quy định tôn giáo mới sửa đổi.

Như thế chúng ta có thể nói một cách rõ ràng rằng bộ quy định mới này gần như chắc chắn sẽ được thông qua bất kể xã hội đưa ra thông tin phản hồi nào cho đảng Cộng sản. Cái gọi là “bàn bạc” với công chúng và các tổ chức tôn giáo này chẳng khác gì là trò khôi hài. Thực chất nó chỉ mang tính thủ tục. Kết quả thực sự (ý kiến của người dân) sẽ không bao giờ được nhìn thấy. Đây là cách làm của đảng Cộng sản.

Tất cả các tôn giáo hiện đang bị đàn áp tại Trung Quốc. Những biện pháp này là đợt leo thang mới nhất của cuộc đàn áp đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đã đạt đến đỉnh cao mới trong năm nay, qua việc nhà thờ bị phá hủy và áp đặt thêm lệnh cấm bao gồm lệnh yêu cầu treo quốc kỳ Trung Quốc và hát quốc ca tại các địa điểm tôn giáo.

Chính quyền và các phương tiện truyền thông phát ngôn cho chính quyền tập trung quảng bá hệ tư tưởng của đảng Cộng sản, vốn chính thức vô thần, và họ sẽ không xa rời quan điểm này cũng không khoan dung với bất kỳ mối đe dọa nào đối với quan điểm đó.

Trong khi đó, sau nhiều thập niên tranh luận về việc ai là người chọn các giám mục chính thức đại diện cho Trung Quốc, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời hôm 22-9 về bổ nhiệm giám mục.

Nhiều chuyên gia (bao gồm Vatican) nhận thấy việc này là một bước ngoặt quan trọng vì nó đánh dấu lần đầu tiên đảng Cộng sản chính thức công nhận thẩm quyền của Đức Thánh cha trong Giáo hội tại đây. Nhưng nó cũng có tác dụng ngược lại.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Đức Thánh cha Phanxicô chính thức công nhận 7 giám mục do đảng Cộng sản bổ nhiệm – các nhân vật bị Giáo hội phạt vạ tuyệt thông trước đây vì không có sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Thế nhưng sự việc còn được xem là đặt ra tiền lệ đáng lo lắng do trao thêm quyền cho đảng Cộng sản và có khả năng chuẩn bị để sau đó ép Vatican cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Nhưng các biện pháp kiểm soát mạng mới này khiến người ta nghi ngờ về tính giá trị của những động thái này của Bắc Kinh, bề ngoài có vẻ là để “cải thiện quan hệ” với Rôma, vì rõ ràng là đảng Cộng sản đang quyết tâm đàn áp tôn giáo ngày càng mạnh hơn và thậm chí cố tình xóa sổ tôn giáo hoàn toàn trong thế giới thực cũng như thế giới ảo trong lãnh thổ của họ.

Đối với tôi cũng như nhiều người khác, trò gian xảo này có vẻ khá khôi hài.

Khi ký thỏa thuận – và thậm chí còn hơn thế nữa nếu thỏa thuận tạm thời được thực hiện lâu dài – Vatican đã làm tổn thương rất nhiều người.

Họ đã gây thất vọng cho những người từng hết sức can đảm chống lại chính quyền ở Trung Quốc để tự do hành đạo, và làm cho hàng chục nếu không nói là hàng trăm ngàn người Công giáo mất niềm tin nơi Tòa Thánh.

Chúng ta có thể so sánh nó giống như việc con cái đang hy vọng được người cha hiền ôm ấp âu yếm, nhưng thay vì thế, lại bị nhận một cái tát từ người bố – bàn tay của ác quỷ.

Vào lúc này, thời khắc đen tối, tín đồ các tôn giáo khác nhau cần phải đứng vững và can đảm phản đối không thể để đảng Cộng sản lộng quyền ban hành các đạo luật bạo ngược với ý định đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc.

Tương tự, nếu không nói là quan trọng hơn, Vatican cũng không được nhượng bộ đảng Cộng sản nữa; thay vào đó Vatican cần phải thúc ép Bắc Kinh tiến hành chỉnh sửa những sai lầm của họ và trả lại cho người dân Trung Quốc các quyền cơ bản của con người mà không chỉ có họ mà tất cả người dân trên toàn thế giới được quyền hưởng.

Đây là điều mà Vatican buộc phải xem xét và thực hiện. Không thể có sự thỏa hiệp tôn giáo trước hành động bạo ngược được.

Nguồn: vietnam.ucanews.com