Dân Chúa Âu Châu

Đảng Cộng sản đã đẩy mạnh sự đàn áp của mình kể từ khi sửa đổi các quy định về các vấn đề tôn giáo

Ba chuyên gia tôn giáo Hồng Kông đã nói về vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền và quan hệ Trung Quốc-Vatican trên một chương trình truyền hình Đài Loan.

Họ đã phát biểu với chương trình Formosa News Đài Loan rằng vấn đề tự do tôn giáo ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã bị suy giảm bởi Ủy ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ba vị khách mời là nhà phê bình chế độ Sang Pu, Giáo sư Ying Fuk-tsang, giám đốc trường thần học tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông, và Nữ tu Beatrice Leung Kit-fun, một nhà chuyên môn về quan hệ Trung-Vatican.

Nhà phê bình Sang Pu phát biểu với chương trình rằng chính sách loại bỏ tôn giáo của ĐCSTQ đã được đưa ra kể từ khi được thành lập nhưng đã trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là sau khi thực hiện các quy định sửa đổi về các vấn đề tôn giáo vào ngày 1 tháng Hai.

“Các tôn giáo khác nhau phải đối mặt với tất cả các hình thức đàn áp, đặc biệt là Giáo hội Công giáo, Giáo hội Tin lành và Hồi giáo”, vị luật sư nói.

Sau khi một thành viên của ĐCSTQ theo Hồi giáo trở về từ Hajj ở Mecca, ông đã bị trục xuất vì không có đảng viên nào được phép theo tôn giáo, luật sư Sang Pu nói.

“Một số nhà thờ bị buộc phải phá hủy ngay trước mặt các tín hữu. Tất cả các hình ảnh Thánh được treo trong làng phải được thay thế bằng bức chân dung của Tập Cận Bình, nếu không khoản trợ cấp của chính phủ cũng như quỹ xóa đói giảm nghèo sẽ không được chi”.

Giáo sư Ying cho biết ĐCSTQ vẫn tuyên bố có tự do tôn giáo tại nước này, thế nhưng nó đã bị lợi dụng và khác xa với những gì mọi người thường nghĩ.

“Tự do tôn giáo của họ đó là bạn có thể tin vào bất cứ điều gì trong tâm trí của bạn, nhưng không nhất thiết phải thực hành điều đó. ĐCSTQ nhìn tôn giáo từ quan điểm của vấn đề an ninh quốc gia, sự ổn định và trật tự xã hội, vì vậy sẽ có rất nhiều sự giám sát và kiểm soát đối với tất cả mọi vấn đề tôn giáo”, Giáo sư Ying nói.

Giáo sư Ying lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất coi trọng vai trò lãnh đạo của đảng và đồng thời muốn đề cập đến “sự kìm kẹp mạnh mẽ” trong tất cả các bài phát biểu của mình.

Giáo sư Ying cũng đã chỉ ra rằng về lâu dài, đảng sẽ thực hiện việc kiểm soát cực kì nghiêm ngặt đối với tất cả các khía cạnh của tôn giáo. “Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc”, Giáo sư Ying nói.

Nữ tu Leung cho biết chính sách tự do tôn giáo của Trung Quốc đã được đề xuất bởi Li Weihan, Bộ trưởng Ủy ban Mặt trận Thống nhất dưới thời Mao Trạch Đông. Nó đã được lặp đi lặp lại bởi Ye Xiaowen, bộ trưởng về tôn giáo dưới thời đại Đặng Tiểu Bình. Một cách nghịch lý, họ tin rằng tự do tôn giáo chính là cách thức tốt nhất để chống lại vấn đề tự do tôn giáo.

Nữ tu Leung, một giáo sư nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học Ngôn ngữ Wenzao Ursuline Đài Loan, cho biết rằng việc Trung Quốc cấm các trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi được phép vào nhà thờ là một cú đánh trí mạng nhằm vào các tôn giáo truyền thống.

Nữ tu Leung cũng cho biết rằng việc quản lý dân chủ do ĐCSTQ ủng hộ, cho phép các linh mục, nữ tu và tín hữu điều hành Giáo hội mà không có sự hiện diện của các vị Giám mục đại diện cho Chúa Kitô trong hàng Giáo phẩm của Giáo hội, chính là một cách thức khác nhằm loại bỏ các tôn giáo.

Nữ tu Leung cho biết Giáo hội Công giáo ở Hồng Kông có một hệ thống và tổ chức mạnh mẽ, vì vậy ĐCSTQ có ít cơ hội hợp tác với Giáo hội. Nhưng họ sẽ tận dụng “những thứ độc hại được bọc đường” như biếu xén tiền bạc cho các linh mục và nữ tu.

Luật sư Sang Pu nhận thấy rằng thỏa thuận Trung-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục sẽ được ký kết nhưng ông không lạc quan về mối quan hệ Đài Loan-Vatican.

Nữ tu Leung cho biết ĐCSTQ hy vọng ký kết một thỏa thuận với Vatican nhưng ĐTC Phanxicô đã không ngay lập tức đồng ý sau khi chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ. Nữ tu Leung tin rằng Vatican không phải cấp thiết trong việc thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc.

“Thậm chí ngay cả khi thỏa thuận được ký kết, có rất nhiều thứ cần phải được thực hiện theo sau đó. Mối quan hệ giữa Đài Loan và Vatican cũng chính là một vấn đề cần phải được giải quyết khi sự đóng góp của Đài Loan đối với Vatican cũng hết sức to lớn”.

Minh Tuệ chuyển ngữ