Dân Chúa Âu Châu

MadeinGermanyCách đây đúng 130 năm (ngày 23 tháng 8 năm 1887) Quốc Hội Anh đã ra luật thương hiệu với quy định, tất cả hàng hóa được sản xuất tại Đức, phải ghi chữ “Made in Germany” (Sản xuất từ Đức), trong não trạng kỳ thị và cảnh báo người tiêu dùng rằng: Sản phẩm này chất lượng kém.

Thời đó tất cả sản phẩm của toàn thế giới đều chưa ghi nguồn gốc xuất xứ "Made in... ", chỉ riêng sản phẩm của Đức buộc phải đóng dấu nguồn gốc xuất xứ "Made in Germany", vì lúc bấy giờ đồ hàng nhái và rẻ của Đức lan rộng khắp nước Anh và các thuộc địa, gây tổn hại đến sản phẩm xuất khẩu của Anh Quốc và toàn thế giới.

Dấu hiệu kỳ thị này cho thấy nguồn gốc sản phẩm có con dấu “Made in Germany” không có chỗ đứng trên thị trường thế giới, lại là sự sỉ nhục lớn đối với người Đức, trong bối cảnh, nỗ lực đôn đốc sản phẩm của mình lên chất lượng cao, để đến thế kỷ 19 nhiều người tiêu dùng phải công nhận hàng hóa có con dấu "Made in Germany" chẳng những không hề thua kém hàng khác, mà lại được mệnh danh là sản phẩm có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Đây là một trong những lý do tại sao nền kinh tế Đức vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã tăng trưởng bùng nổ.

Ngày nay sản phẩm có nhãn hiệu “Made in Germany“ có nhiều giá trị lớn trên thị thường, làm lu mờ các sản phẩn khác của Âu Châu và thế giới, do vậy năm 2014 nghị viện Âu Châu đề xuất tất cả sản phẩm được sản xuất tại Âu Châu (dù được sản xuất  tại  Đức, Pháp, Anh hay Ý … ) đều phải đóng con dấu “Made in EU” (sản xuất từ Âu Châu), song chính phủ Đức cương quyết phản đối quy định mới này, bởi lẽ đề xuất trên có thể gây nguy hiểm danh dự cho ngành công nghiệp Đức cũng như vô số các sản phẩm như xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám đã có tên tuổi và đã trở thành thương hiệu tin cậy nhất toàn cầu.

Đức với một đất nước vỏn vẹn có trên 80 triệu dân, lại trải qua hai lần tàn phá của đệ nhất và đệ nhị thế chiến, đã từng bị liên minh 4 cường quốc Anh, Mỹ, Pháp và Liên xô (UdSSR) chiếm đóng. Mỗi cường quốc chiếm một phần lãnh thổ cho riêng mình trong nhiều thập niên, mà học sinh Đức luôn được dạy về một quá khứ lịch sử đen tối với sự thao túng lũng đoạn của Đức Quốc Xã, đã đẩy xã hội Đức lâm vào cảnh loạn lạc, rối ren nhất trong lịch sử nước Đức. Mang đến cho Châu Âu nỗi kinh hoàng diệt chủng và gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại mà trong đó có hơn 60 triệu người đã bị thiệt mạng.  Và hầu như tất cả nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng đều bị suy thoái, phá hủy và bỏ hoang. Riêng nước Đức có gần 2 triệu ngôi nhà bị đổ nát, biến thành đống gạch vụn và hơn 2,5 triệu ngôi nhà bị hư hỏng nặng, sau những cuộc ném bom của quân Đồng Minh.

Đã vậy sau khi thống nhất đất nước vào năm 1989 Tây Đức phải xây dựng lại đất nước, trong não trạng người dân Tây Đức đã và đang phải đóng góp hàng trăm tỷ Euro mỗi năm cho Đông Đức, để cứu mạng nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm phá sản dưới chế độ Cộng sản.

Song với văn hóa và dân tộc Đức được liên kết chặt chẽ với nhau qua đặc tính sản phẩm kinh tế, trong tiềm năng khắc phục khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường, không cạnh tranh nhau bằng giá rẻ mà chỉ dựa trên chất lượng sản phẩm, ngõ hầu đầu tư bảo đảm và phát triển doanh nghiệp bền vững như hiện nay, mà lúc còn ngồi ghế nhà trường, các em học sinh và sinh viên đã được các giảng sư tỉ mỉ sửa từng lỗi chính tả, đặt từng dấu chấm hay dấu phẩy trong một luận văn, ngõ hầu duy trì tạo thành thói quen “hoàn hảo” trong mọi vấn đề, hầu giúp các em có thói quen khắt khe từng chút trong công việc, trong nỗ lực khắc phục lãng phí thời gian sửa sai vô ích.

Điều này rất đáng được chúng ta tham khảo và học tập. Thế nhưng với thực trạng thật đáng buồn hiện nay ở Việt Nam khi phải chứng kiến lối dạy tuyên truyền nhồi sọ như: "Ðất nước Việt Nam ta có rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú đa dạng nhiều vô kể, ruộng đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay… (hic)" "Dân tộc ta bách chiến bách thắng, từng đánh thắng nhiều triều đại phong kiến phương Bắc Trung Hoa. Cùng với niềm kiêu hãnh và tự hào về quá khứ với chiến công vẻ vang mà dân tộc ta làm được như đã chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rất oai hùng...(Hic).

Ấy vậy trên thực tế nhà cầm quyền hiện nay còn có quá nhiều “Lê Chiêu Thống”, để câu nói “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” của “Trần Bình Trọng” quên vào dĩ vãng. Thậm chí cầm cái Passport (Hộ chiếu Việt Nam) bước qua cửa khẩu quốc tế cũng cảm thấy nhục. Đấy là chưa nói tới ông Thủ Tướng phát âm chữ “Made in Vietnam” với giọng “cờ lờ tờ mờ ” chẳng giống ai, thì kiêu hãnh và tự hào với ai? Trong khi đất nước người ta với chiều dài lịch sử không được sáng sủa cho lắm, vì đánh đâu thua đó, song chỉ cầm cái thẻ thông hành Đức (Deutsche Reisepass) quyền lực nhất thế giới (Theo các bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu Passport Index 2017), cũng đã tự hào cho xứ sở rồi. Còn riêng sản phẩm thì chỉ với cây viết chì, cây viết bi, hay cục gôm có nhãn hiệu Made in Germany cũng đã làm cho cả thế giới phải nghiêng mình bỏ nón bái phục. Huống hồ là chưa nói tới tầu bay, xe tăng, xe lửa, xe hơi và các ngành công nghệ lớn khác với tổng cộng có hơn 2.300 nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Một điều chắc ít ai biết và sẽ ngạc nhiên khi biết Đức sau khi thua trận thế chiến thứ 2, bị đồng minh cấm sản xuất tất cả các loại vũ khí hạng nặng. Ấy vậy hiện nay Đức là quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nga. Riêng theo National Interest thì Đức đang thể hiện được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm tàng hình với mẫu Type-212A, có khả năng tiếp cận và tiêu diệt những tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất thế giới hiện nay. Còn xe tăng Leopard 3 chưa cho ra lò, đã được đặt cháy hàng.

Trong chiến tranh Việt Nam từ thế kỷ trước, chắc ai cũng đã từng nghe qua súng AK-47 của Liên Xô, được việt cộng Bắc Việt sử dụng cho cuộc xâm lăng Miền Nam. Song trên thực tế khẩu súng này được chế tạo (theo mẫu súng trường Sturmgewehr 44 hay Stg-44 của Đức quốc xã) từ những chuyên gia Đức bị bắt làm tù binh, sau đệ nhị thế chiến, trong đó có Hugo Schmeisser (Nhà thiết kế vũ khí của Đức).

Chính vì sản phẩm của Đức có chất lượng tốt, nên năm 2016, quân đội Pháp đã lựa chọn súng trường HK-416 của Đức, để tăng cường sức chiến đấu cho binh sĩ tại chiến trường. Và mới đây nhất lãnh đạo lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã công bố quyết định trang bị hơn 50.000 khẩu súng trường M27 (một biến thể của HK-416) của hãng chế tạo Đức Heckler & Koch, một sản phẩm có tiềm năng trở thành một trong những dòng vũ khí phổ biến nhất thế giới trong tương lai.

Phải chăng nhờ có năng suất lao động cao, với kỷ luật thép, coi trọng việc đi đúng giờ, làm ra làm chơi ra chơi, song tính trung bình một người dân Đức chỉ làm 35 giờ mỗi tuần nhưng lai được hưởng nhiều ngày nghỉ mà vẫn được trả lương, lên tới 30 ngày/năm (6 tuần/năm), cộng thêm khỏang 12 ngày nghỉ lễ, nghĩa là một năm người Đức chỉ làm 10 tháng, song được trả lương 13 -14 tháng trong 1 năm, ngõ hầu giúp các gia đình có thể sắp xếp thời gian ở bên nhau, cùng đi du lịch mà không phải bận tâm nhiều với công việc. Và đây cũng là cách để họ sẽ chú tâm với công việc, nâng cao năng suất lao động hơn sau mỗi kỳ nghỉ.

Vì bài viết khá dài nên người viết cố tình bỏ phần thể thao sang một bên không nhắc đến, nhất là bóng đá của Đức với tinh thần đồng đội. Một vị trí khá sáng sủa trong làng thể thao.

 Nguyễn Văn Tạ tham khảo