Dân Chúa Âu Châu

VRNs (10.12.2014) – Sài Gòn – Lúc 6h00 sáng thứ Ba ngày 9/12 vừa qua, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis Nguyễn Văn Qui, sau khi tro cốt của ngài được đưa về Việt Nam một hôm trước đó.

Chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis là cha Giám tỉnh DCCT VN Vinhsơn Phạm Trung Thành, cùng đồng tế với ngài có gần 30 linh mục, và khá đông người tham dự bao gồm các tu sĩ, các anh chị em thuộc Gia đình Anphong, các tín hữu và thân nhân của cha Louis.

Cha Louis Nguyễn Văn Qui qua đời hôm 29/10 vừa qua, ở tuổi 91 tại Ermont, Pháp, sau 67 năm khấn dòng, 62 năm linh mục và 50 năm chăm lo phục vụ người nghèo qua các trẻ em Bụi đời.

Sau khi được hỏa táng hôm 3/11 tại Pháp, tro cốt của cha Louis được đưa về DCCT tại Sài Gòn vào trưa ngày 8/12, thể theo mong ước của chính cha Louis, của Cha Giám Tỉnh DCCT VN và thân bằng quyến thuộc, thiêng liêng cũng như huyết tộc.

Lúc 19h00 cùng ngày sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tro của ngài được rước từ phòng khách Tu viện sang nhà thờ và được đặt tại đây một đêm, do con cái thiêng liêng của ngài thuộc Gia đình Anphong bụi đời muốn canh thức cùng ngài.

Cha Louis đã có 15 năm sống chung với các em bụi đời và những bà con xấu số tại Việt Nam, kể từ khi ngài thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu vào năm 1963 đến năm 1978.

Khi qua Pháp năm 1978, ngài tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ năm 1978 cho đến khi qua đời.

Nhận định trong bài giảng lễ hôm 9/12, cha Giuse Lê Quang Uy nói, cha Louis khi tiếp nhận những anh chị em bụi đời thuộc Gia đình Anphong đã cho họ “nếm thử trước, cảm nhận trước được cái ấm áp, cái yêu thương của nhà Cha trên trời.”

Cha Giuse tiếp tục nhắc lại sự phát triển của Gia đình Anphong, ban đầu chỉ có 8 em đánh giày do cha Louis nhận nuôi ở Vũng Tàu cho đến thời điểm 30/4/1975, thì Gia đình có ‘hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia đình nghèo, hơn 100 em bé cô nhi’.

Trải qua bao nhiêu biến cố, cha Giuse dẫn lời cha Louis nói ‘việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng.’

Cha Giuse nhận xét tiếp, cha Louis không chỉ sống tôn chỉ “tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau” ở Việt Nam mà ngài còn đem điều đó sang nhà tế bần mà ngài thiết lập ở Pháp, “để tất cả những ai sống trong ngôi nhà ấy đều cảm nghiệm được thế nào là tự do, là yêu thương của nước Trời.”

Thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis kết thúc lúc 7 giờ. Sau đó tro cốt của ngài được đưa vào nhà hài cốt của tu viện.

Theo văn phòng tỉnh DCCT VN ghi nhận, khi còn sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu sĩ DCCT như sau: “Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc (linh hồn tất bạt) và ăn nói, đối xử làm sao (thương làm sao) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua Tình Thương.”

“Không có cách nào có kết quả hơn ‘thí mạng mình vì người mình thương’. Thánh Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao (khi cho cũng như khi không cho) để người nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.”

Cha LOUIS NGUYỄN VĂN QUI

Sinh ngày 21.05.1923, tại Gia Định, Sài Gòn.

Gia nhập Đệ tử DCCT năm 1942 tại Huế

Khấn lần đầu ngày 27.10.1947 tại Hà Nội

Học tại học viện DCCT tại Hà Nội và Đà Lạt năm 1947 – 1951

Nhận sứ vụ Linh mục ngày 20.07.1952

1953-1956: Giáo sư Đệ tử viện DCCT và Tuyên uý phong trào Hùng Tâm tại Huế

1956-1964: Phó Giám đốc kiêm Giáo sư Đệ tử viện DCCT Vũng Tàu, Phụ tá Bề trên kiêm quản lý DCCT Vũng Tàu

1963-1978: Thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu, sống chung với các em Bụi đời và những bà con xấu số

Qua Pháp năm 1978, tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ năm 1978-2014.

Đã an nghỉ trong Chúa lúc 8g00, ngày 29 tháng 10 năm 2014 tại Ermont – France sau 91 năm làm con Chúa trên trần gian, 67 năm khấn dòng, 62 năm linh mục và 50 năm chăm lo phục vụ người nghèo qua các trẻ em Bụi đời.

Khi còn sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu sĩ DCCT như sau: “Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc (linh hồn tất bạt) và ăn nói, đối xử làm sao (THƯƠNG làm sao) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua Tình Thương. Không có cách nào có kết quả hơn “thí mạng mình vì người mình thương”. Thánh Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao (khi cho cũng như khi không cho) để người nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.

Nguồn: DCCT