Dân Chúa Âu Châu

Các bàn thờ Chúa như những tuyệt tác nghệ thuật đã "rơi xuống", những hàng ghế gỗ thấm đẫm những lời cầu nguyện của hàng triệu giáo dân suốt 135 năm qua cũng đã phải rời khỏi ngôi thánh đường tráng lệ từng can trường đứng bên giáo dân Bùi Chu hơn một thế kỷ đầy biến động.

Nhà thờ sắp bị hạ giải. Có lẽ, hơn ai hết, chính các cha xứ và giáo dân nơi đây là những người buồn, tiếc nhất. Nhưng họ đã nỗ lực hết sức để cứu nhà thờ, đã kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm tháng mà không có kết quả, thì họ đành vui vẻ khấn nguyện cho một ngôi thánh đường mới khang trang sắp được dựng lên trên nền của ngôi thánh đường cũ. Và đằng sau những hân hoan này là giằng xé những hi vọng và thất vọng.

Những ngày cuối cùng

Trong hai ngày 3 và 4-2-2020, nhà thờ chính tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) diễn ra một khung cảnh nhộn nhịp: các giáo dân Bùi Chu cùng công nhân đều "hồ hởi, vui vẻ" tháo dỡ các ban thờ cùng các nội thất bên trong để chuyển sang ngôi nhà thờ tạm bằng tôn bên cạnh. Các ban thờ, tượng thánh đã được đặt lại với trang trí tối giản trong căn nhà thờ tạm. Giáo dân sẽ sinh hoạt tại tại đây trong lúc đợi hạ giải nhà thờ cũ và hoàn thiện nhà thờ mới.

Nhà thờ Bùi Chu sau khi đã gỡ hết các ban thờ và nội thất bên trong thì đóng hết cửa ra vào nhưng các cánh cửa sổ màu xanh da trời vẫn bỏ lửng, lộ ra những khung cửa sổ bằng thép duyên dáng và vững chắc. Những khung cửa thép ấy, giống như toàn bộ ngôi thánh đường, đã thấm gội vào trong mình sương nắng miền quê và triệu triệu lời khấn nguyện, đã đón lấy, ôm hết bao vui buồn, hạnh ngộ của triệu kiếp người.

Phía sau những khung cửa sổ khép hờ ấy, hai hàng cột cỗ lim im lìm đứng trên bệ đá chống đỡ ngôi thánh đường cũ kỹ. Mấy ngày này chúng "đói" những bàn tay người chạm vịn và những lời kinh cầu, chỉ còn những hồi chuông vẫn đều đặn ngân vang trên gác chuông nhà thờ. Phía cuối ngôi thánh đường, nơi trước kia là gian cung thánh tuyệt đẹp khiến ngay cả những người ngoại đạo yêu cái đẹp đều phải choáng ngợp bởi cảm động, giờ toang hoang, sứt sẹo như một vết thương hở miệng. Phần mộ của bảy vị giám mục đã từng coi sóc giáo phận Bùi Chu nằm đìu hiu nơi cung thánh đã không còn các bàn thờ lộng lẫy và những lời cầu nguyện.

Bản quyền hình ảnh Lệ Hằng
Image caption Nghe tin Nhà thờ Bùi Chu sắp hạ giải, nhiều người đã tìm về thăm lại ngôi giáo đường cổ bất chấp thời tiết mưa phùn giá lạnh những ngày này ở miền Bắc

Nhà thờ đóng cửa nhưng du khách vẫn được tham quan bên ngoài với yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh. Tin nhà thờ sắp bị hạ giải khiến cho một số người, chủ yếu là giáo dân quanh vùng tìm về chiêm bái, bất chấp tiết mưa phùn lạnh giá mùa xuân miền Bắc những ngày này. Trong làn mưa bụi và nền trời xám, ngôi thánh đường xinh đẹp hiện lên thâm trầm mà kiêu hãnh, uy nghi. Vẻ đẹp sau cuối luôn mang trong nó niềm cảm động sâu sắc.

Tối 4-2, hàng trăm giáo dân của giáo xứ Bùi Chu đã đội mưa rét đến dự buổi lễ đầu tiên trong ngôi nhà thờ tạm chứ không phải trong ngôi thánh đường mà cả cuộc đời họ đã gắn bó. Trong nhà thờ tạm vừa được hoàn thành bên cạnh nhà thờ Bùi Chu, cha chánh xứ Giuse Nguyễn Đức Giang chủ trì lễ làm phép và dâng lễ tạ ơn.

Từng lời của vị linh mục già ngân lên vang vọng:

"Ông cha ta ngày xưa cũng đã được cộng tác với các ngài (các cha xứ phương Tây xây dựng nhà thờ Bùi Chu 135 năm trước - PV) để kiến thiết ngôi nhà thờ này. Nhà thờ đến hôm nay đã 135 tuổi. Với thời gian lâu dài, chịu đựng bao nhiêu trận bão lớn và những rung chuyển của bom đạn trong chiến tranh, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cho nên bề trên địa phận đã quyết định tái thiết, kiến thiết một nhà thờ mới, cũng bằng gỗ, hình dáng như vậy trên mảnh đất ấy. Trong thời gian chờ đợi có nhà thờ mới, giáo xứ chúng ta sẽ sinh hoạt tại nhà thờ tạm này mà hôm nay chúng ta sẽ làm phép và dâng lễ tạ ơn. Tất cả mọi người chúng ta vui mừng, phấn khởi vì sẽ được cộng tác với bề trên giáo phận để kiến thiết ngôi nhà thờ mới".

Một ngôi nhà thờ tạm đã được dựng lên bên cạnh nhà thờ Bùi Chu để giáo dân sinh hoạt trong thời gian chờ nhà thờ mới

Trong lễ làm phép và dâng lễ tạ ơn, vị linh mục và các giáo dân cùng cầu nguyện để ngôi nhà thời mới "từ khởi sự cho đến hoàn thành được tốt đẹp".

Trao đổi với phóng viên, Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang cho biết các cha và giáo dân ở Giáo phận Bùi Chu đều rất đồng tình và mong muốn có nhà thờ mới càng sớm càng tốt. Về thời điểm hạ giải nhà thờ Bùi Chu, đức cha cho biết các linh mục và giáo dân vẫn đang đợi Ngài Đức giám mục Chính tòa Bùi Chu Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu ấn định, nhưng sẽ sớm đến.

Chưa rõ thời điểm hạ giải nhà thờ Bùi Chu, nhưng những trò chuyện với các linh mục ở đây cho thấy một điều chắc chắn là quyết định hạ giải ngôi thánh đường 135 tuổi này là một quyết định rất khó khăn với các linh mục.

Một điều bất ngờ mà dư luận lâu nay chưa biết tới đó là các đức cha ở Giáo phận Bùi Chu đã cố gắng tìm giải pháp để giữ lại ngôi thánh đường cổ kính, nhưng họ đã chờ đợi trong nhiều năm tháng mà không có kết quả nên mới đành phải dùng đến giải pháp cuối cùng, chấp nhận mất đi ngôi thánh đường thân thương đã gắn bó với cả cuộc đời họ và cha ông họ.

Đã chờ Thủ tướng

Bùi Chu là mảnh đất được đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên tại Việt Nam. Những linh mục phương Tây đầu tiên đã đến vùng ven biển Giao Thủy, Nam Định (thuộc Giáo phận Bùi Chu) để truyền đạo ngay từ đời vua Lê Trang Tông giữa thế kỷ XVI.

Bùi Chu trở thành trung tâm truyền giáo ở giáo phận Đàng Ngoài trong những thế kỷ kế tiếp. Từ năm 1848, toà giám mục được đặt tại giáo xứ Bùi Chu. Nhà thờ Chính toà Bùi Chu được xây dựng và khánh thành vào năm 1885 thời Đức cha Wenceslao Oñate Thuận (1884-1897). Với sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Baroque phương Tây và lối trang trí đình, chùa truyền thống Việt Nam, nhà thờ Bùi Chu được các nhà nghiên cứu văn hóa và các kiến trúc sư đánh giá là viên ngọc kiến trúc bên cạnh giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa.

Cũng chính tại ngôi thánh đường này, ngày 1-2-2013, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu hiện (Đức Tổng giám mục Giáo Phận Bùi chu hiện nay), đã chính thức được làm lễ nhậm chức phó giáo phận Bùi Chu. Để rồi tháng 8 năm đó, ngài chính thức trở thành người trực tiếp coi sóc cho toàn Giáo phận Bùi Chu cùng ngôi thánh đường linh thiêng, cổ kính sau khi Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm qua đời.

Trên cương vị Tổng giám mục Giáo phận Bùi Chu, tiếp nối công việc của các vị tiền nhiệm, ngài dẫn dắt giáo phận tiếp tục đi tới. Nhưng Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu cũng phải đối mặt với một việc khó khăn: ngôi thánh đường gắn bó với bao thế hệ bị xuống cấp và diện tích của nó cũng không còn đủ cho những ngày lễ lớn của Giáo phận có tới hơn 1 triệu giáo dân này. Kế hoạch kiến thiết nhà thờ được đặt ra cấp thiết.

Làm sao để có được một ngôi nhà thờ mới khang trang, bề thế, đảm bảo an toàn cho giáo dân, lại vừa giữ được ngôi nhà thờ cổ giá trị là một bài toán khó. Một kế hoạch dường như chu toàn đã được các đức cha tính đến: cánh đồng xã Hồng Ngọc gần nhà thờ được các hộ dân đồng ý bán để xây dựng nhà thờ mới, các cha muốn xin phép được xây dựng nhà thờ mới ở đó, còn nhà thờ cũ vẫn được giữ lại. Nhưng thủ tục cấp phép đất tôn giáo không dễ dàng, lâu nay, các nhà thờ chỉ có thể xây dựng trên nền đất đã có từ trước, không thể mở rộng.

"Những chuyện này chúng tôi đã tính tới từ lâu rồi", linh mục Vinh Sơn Đỗ Huy Hoàng - Chánh Văn phòng Toà Giám mục Bùi Chu ngậm ngùi chia sẻ.

Sau vài năm chờ đợi không có kết quả, quyết định hạ giải nhà thờ Bùi Chu đành phải đưa ra, dù không dễ dàng. Đối với các đức cha, sự an toàn của giáo dân cần phải được tính đến trước tiên. Khi đưa ra thông báo hạ giải nhà thờ vào ngày 13-4-2019, các đức cha và giáo dân ở Bùi Chu đã không thể ngờ ngôi chính tòa của mình lại nhận được nhiều quan tâm (và ồn ào) đến thế từ xã hội. Quyết định tạm dừng hạ giải nhà thờ đã được các linh mục sớm đưa ra để lắng nghe thêm những ý kiến trái chiều.

Trong lúc dư luận tiếp tục ồn ào, không ít lời chỉ trích nhắm vào những người đưa ra quyết định hạ giải nhà thờ, các đức cha ở đây cùng một số người thiện chí đã lặng lẽ xem lại và đầy hi vọng vào kế hoạch xây nhà thờ mới ở cánh đồng bên cạnh mà họ đã tính từ vài năm trước nhưng chưa thành.

Ba tháng sau quyết định tạm dừng hạ giải nhà thờ Bùi Chu, từ sự hỗ trợ chí tình của một vài cá nhân, một báo cáo của tỉnh Nam Định đã được gửi lên Thủ tướng về phương án cấp phép cho nhà thờ được xây dựng ở cánh đồng xã Hồng Ngọc. Các linh mục nín thở chờ đợi.

Nhưng 6 tháng trôi qua mà không có tin tức gì nên Đức Giám mục đành quyết định tiến hành theo chương trình đã định.

"Giả sử chúng tôi được cấp cho vài héc ta ở cánh đồng đó thì tốt quá, sẽ làm nhà thờ mới ở đấy, còn nhà thờ cũ thì cứ để đấy cũng được. Nhưng không có đất thì phải chịu, đành phải làm vào chỗ đất cũ thôi. Cấp thêm đất cho nhà thờ là rất khó, rất hiếm", cha chánh xứ Giuse Nguyễn Đức Giang nói.

Một lãnh đạo địa phương cũng xác nhận rằng các linh mục từng muốn xây nhà thờ ở cánh đồng của xã Xuân Hồng, gần nhà thờ cũ nằm ở xã Xuân Ngọc.

Một cán bộ địa phương khác thì nhắc đến việc Nam Định đã báo cáo Thủ tướng về phương án này của các linh mục vào 6 tháng trước, nhưng từ bấy đến nay "từ cấp tỉnh, huyện, chả thấy có văn bản nào về".

"Quyết định tạm dừng hạ giải nhà thờ cũng 8 tháng rồi. Còn đợi Thủ tướng cho ý kiến thì cũng 6 tháng rồi, nhưng đến nay có gì đâu. Giáo dân cứ nghe, cứ chờ mà chẳng thấy đâu cả. Cho nên nó cũng khó lắm", vị cán bộ địa phương chia sẻ.