Dân Chúa Âu Châu

VRNs (27.01.2015) – Sài Gòn – Vào những ngày cuối cùng của năm 2014, đoàn chúng tôi có dịp được đến Phú Quốc, hòn đảo có diện tích khoảng 567 km² thuộc địa phận Long Xuyên ở tỉnh Kiên Giang.

Phú Quốc có 2 thị trấn là Dương Đông, An Thới và 8 xã. Trong chuyến đi, chúng tôi cũng có cơ hội tham dự một thánh lễ tại ngôi nhà thờ tạm thuộc thị trấn Dương Đông, do linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Trường Hải Đăng chánh xứ An Thới cử hành giúp một linh mục khác đang đi công tác.

Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Trường Hải Đăng cho biết, hiện đảo Phú Quốc có khoảng 3.000 người Công giáo, chiếm 3% trong tổng số khoảng 107.000 dân. Trong đó giáo xứ An Thới và thị trấn Dương Đông đều có khoảng 1.500 giáo dân, kể từ khi Giáo hội hiện diện và tồn tại được ở đây từ năm 1957.

Sau 7 năm phục vụ, cha cũng chia sẻ với chúng tôi những ưu tư về Giáo hội tại vùng đất này. Cha nói, “ao ước lớn nhất hiện thời là Dương Đông có một giáo xứ nữa để có thể giao lưu với nhau.”

“Tức là ít nhất phải có nhà thờ. Vì các hội đoàn ở đây khá đơn độc, do không giao lưu được với người khác, mà đi đất liền thì quá tốn kém.”

“Mình cũng ao ước có thêm nhà thờ ở cả những nơi khác, vì địa bàn ở đây rộng gần bằng Singapore.”

Về vấn đề loan báo Tin Mừng, cha Phanxicô Đăng cho biết, “ở đây còn rất nhiều điểm, đây [Dương Đông] là điểm chính và những điểm lẻ thì mình vẫn đi, như đi thăm dâng lễ tại nhà dân cho những nhóm nhỏ gồm 5-10 gia đình.”

Cha cho biết các sơ từ dòng Đaminh Lạng Sơn và dòng Chúa Quan Phòng cũng hiện diện tại đây để phụ giúp các linh mục. Tuy nhiên, cha nói giáo dân chưa Phú Quốc chưa ‘tích cực lắm’ trong việc tham dự thánh lễ “vì đặc thù có người lương xen kẽ chung quanh,” và vì “họ làm nghề biển theo mùa, thanh niên hoặc đàn ông chỉ đi lễ khi nào nghỉ trăng.”

Cha Phanxicô cho biết thêm, “từ năm 1929 đã có người Công giáo di cư đến vùng đảo này, nhưng sau đó họ trở lại đất liền vì làm đồn điền cao su thất bại. Năm 1945, một đoàn các cha dẫn giáo dân miền Bắc ra đây nhưng cũng không sống được.”

Mãi đến 1957, “nhóm Quỳnh Lưu, Nghệ An cùng các cha di cư vào trong này. Từ đó ở dưới thị trấn An Thới đã có thánh lễ, và năm 1959 thì có một nhà thờ.Dương Đông cũng có nhà thờ từ 1955, tuy nhiên sau năm 75 nhà nước đã trưng dụng hết các cơ sở đó.”

Trên đường trở về lại Sài Gòn, chúng tôi mong mỏi cho ước nguyện của vị linh mục sớm trở thành hiện thực, để tin mừng được rao giảng “cho mọi loài thọ tạo ở khắp tứ phương thiên hạ”.

Đức Thiện, VRNs

Nguồn: DCCT