Dân Chúa Âu Châu

Với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần và cải thiện kinh tế cho những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn trong Giáo phận, đặc biệt là người khuyết tật còn khả năng lao động và người nghèo khổ, neo đơn. Năm 2018, Caritas Huế đã thực hiện chương trình “Sinh kế” đến với 10 đối tượng. Với sự hỗ trợ vốn (3.000.000 – 5.000.000 VNĐ) từ Caritas Huế. Caritas các giáo xứ đã cùng cộng tác để giúp anh chị em khó khăn chọn công việc phù hợp hoàn cảnh, sức khỏe và địa lí. Công việc các đối tượng chọn là chăn nuôi, trồng rau sạch, buôn bán nhỏ, thu mua ve chai, bán vé số… tùy theo khả năng riêng biệt của mỗi người.

Được sự hỗ trợ từ Caritas Huế cùng với sự trợ giúp của các cộng tác viên Caritas giáo xứ và gia đình, anh chị em khó khăn đã từng bước làm việc và có những thành quả tích cực ban đầu.

Và để hiểu rõ thêm đời sống sinh kế của các gia đình sau khi nhận vốn hỗ trợ, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Hoàng Phước Nam, một người khuyết tật thường trú tại thôn Hòa An, xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông bà vui vẻ kể cho chúng tôi về cuộc sống đã có phần thay đổi sau khi nhận được sự giúp vốn.

Sau gần 6 tháng, nhờ có một chút kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông bà đã có đàn vịt khỏe mạnh, lớn nhanh nên đã xuất chuồng, một số bán thịt, một số để nuôi đẻ, ấp trứng lấy giống vịt con để tiếp tục nuôi, vì giống vịt xiêm rất dễ nuôi, lớn nhanh và đặc biệt có sức đề kháng cao với các loại bệnh. Và để có thu nhập thêm, ông bà đã nuôi xen giống heo thịt và cá trê thả bể. Không chỉ thế, trong thời gian rảnh, ông bà còn phụ giúp nhau chằm thêm nón lá để bán. Cuộc sống của ông bà bây giờ đã dần đi vào ổn định. Chúng tôi thấy khuôn mặt gầy gò của ông bà lúc này vui tuơi hơn, không còn lo lắng như trước nữa.

Trước lúc chia tay, ông Nam tâm sự: Bước qua tuổi lục tuần,với tình trạng khuyết tật như tôi,  được làm những việc lặt vặt giúp vợ, tôi cảm thấy sức khỏe mình có phần được cải thiện, không như trước đây, đối với tôi lúc này là niềm vui và hạnh phúc”.

Chúng tôi tiếp tục đi đến gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1974, lương dân, ở Thôn Giáp Trung, Xã Hương Văn, Thị xã Hương Trà. Chị Thảo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chồng đã mất, một mình nuôi mẹ già và hai con nhỏ, có 1 bé bị khuyết tật.

Dù buổi gặp gỡ không hẹn trước nhưng cũng đã tạo bầu khí thân thiện. Sau vài phút trò chuyện, chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống hiện tại, chị nở nụ cười, cho biết  “Trước đây, có khi con chạy xe cả ngày chỉ mua được vài ký sắt vụn, nhặt được vài lon bia, vài xấp giấy, vì không có nhiều  tiền  để mua các phế liệu khác có giá trị. Từ khi nhận được vốn hỗ trợ của Caritas Huế và được hướng dẫn cách sử dụng vốn để mua, bán, phân loại các phế liệu….”. Chị nói tiếp: “Trong mấy ngày qua, con đã đi thu mua khắp nơi, có những ngày con chỉ cần dạo qua vài con hẻm là mua được gần đầy xe, nào là thùng giấy, nhựa, nhưng chủ yếu là vỏ lon bia. Cũng nhờ được nhiều sự yêu mến, thông cảm của các bạn hàng, họ đã ưu ái bán phế liệu, nên không còn cạnh tranh dành dựt, không bị ép giá như lúc trước… Đồng thời cũng tranh thủ những ngày về sớm, chung tay với mẹ già tăng gia trồng rau sạch trên mảnh đất vườn sau nhà nên đời sống hiện nay đã có phần cải thiện.

Nói về mong muốn cũng như dự định của mình trong thời gian tới, chị cho biết sẽ nuôi thêm giống heo thịt để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn như rau khoai, sắn và cây chuối, như là cách bỏ ống tiết kiệm cho gia đình.

Dạo xung quanh nhà, nhìn thấy những vật dụng điện tử như quạt máy các loại, các phế liệu có giá trị như nhôm, đồng, mà chị Thảo đã lọc, lựa, phân loại khi mua về đang còn dự trữ. Nhìn những luống rau xanh mướt như mồng tơi, rau khoai, hành, ngò, củ kiệu sau vườn và nhìn vóc dáng của chị, biết chịu thương chịu khó tích cực nỗ lực đưa gia đình vượt qua mọi khó khăn, cùng cực, đã gieo trong lòng chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn với cuộc sống hiện tại của chị.

Thêm nữa, một số trường hợp nhận hỗ trợ vốn từ Caritas Huế tới nay đã chăn nuôi gà, buôn bán nhỏ, bán vé số…có thu nhập hằng ngày, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Ước mong tấm gương nỗ lực vươn lên của những anh chị em trên sẽ khích lệ thêm nhiều người khuyết tật, người nghèo khổ nhìn ra được giá trị của bản thân mình, lạc quan với cuộc sống hiện tại, xóa bỏ tự ty, mặc cảm để tự vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Văn phòng Caritas Huế