Dân Chúa Âu Châu

Trong những ngày qua, Truyền hình công giáo Pháp đã đến Việt Nam để ghi lại hình ảnh Giáo Hội Việt Nam mừng kính Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Nhân dịp này, Đức giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã trả lời phỏng vấn của họ qua cuộc trò chuyện sau.

  1. Đâu là tầm quan trọng của các thánh tử đạo đối với Giáo Hội Công giáo tại Mỹ Tho?

Với chúng tôi, sự hiện diện của các Thánh tử đạo trên đất giáo phận là lời nhắc nhở thường xuyên về giá trị cao quý của đức tin. Chúa Giêsu ví Nước Trời như kho tàng chôn giấu trong ruộng, và khi tìm được, người ta sẵn sàng bán hết những gì mình có để mua thửa đất đó (x. Mt 13,44). Cũng thế, đối với các Thánh tử đạo, đức tin là kho tàng vô giá, vì thế các ngài chấp nhận hi sinh mọi sự, kể cả mạng sống, để giữ vững đức tin.

Điều đó giúp chúng tôi ý thức về giá trị cao quý của đức tin, đồng thời ý thức rằng Giáo phận chúng tôi được tưới bằng máu các thánh tử đạo, nên chúng tôi luôn biết ơn các ngài và cố gắng noi gương các ngài trong việc vun trồng đời sống đức tin.

  1. Những mẫu gương tử đạo nào đã ghi dấu ấn trên Giáo phận?

Trong Giáo phận chúng tôi, có một vài nơi chôn táng các vị tử đạo nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị tử đạo tại giáo xứ Ba Giồng, thuộc tỉnh Tiền Giang.

Cha thánh Phêrô Lựu là cha sở của giáo xứ Ba Giồng (1852-1861). Khi đó xảy ra cuộc bách hại ác liệt, nhiều giáo dân bị bắt cầm tù. Mặc dù nguy hiểm, ngài vẫn tìm cách đến thăm để an ủi, nâng đỡ các giáo dân; cuối cùng ngài bị bắt và sau đó bị trảm quyết. Ngài là tấm gương cho các mục tử trong Giáo phận. Theo cách nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện nay, ngài là người môn đệ thừa sai, sẵn sàng đi ra vùng biên, nơi khó khăn và nguy hiểm, vì ích lợi thiêng liêng của người dân.

27 vị tử đạo là những giáo dân hiền lành, đơn sơ, chất phác, đã chấp nhận chịu chết chứ không chối Đạo bằng cách đạp lên Thánh giá. Các ngài là những tấm gương sống động cho các tín hữu trong Giáo phận, phần lớn là những người bình dân nhưng có lòng đạo chân thành và tha thiết với đời sống đức tin.

  1. Đâu là những hoa trái của cuộc bách hại và máu các thánh tử đạo đã đổ ra?

Hoa trái trước hết là sự phát triển trong lịch sử Giáo phận. Sách Công vụ kể rằng các tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem bị bách hại, phải chạy trốn về các vùng quê, nhưng chính đây lại là cơ hội để Tin Mừng Chúa Giêsu được loan báo khắp nơi (Cv 8,1-4). Với giáo phận Mỹ Tho cũng thế. Vì bị bách hại ở Ba Giồng, các tín hữu đã phải chạy trốn vào các vùng xa xôi, hẻo lánh. Thế nhưng chính nhờ vậy mà Tin Mừng Chúa Giêsu được lan rộng và nhiều cộng đoàn mới được hình thành.

Cũng phải nói đến hoa trái đặc biệt của các thánh tử đạo là ơn gọi linh mục, tu sĩ. Cụ thể, giáo xứ Ba Giồng là nơi xảy ra cuộc bách hại thì đây cũng là giáo xứ cung cấp nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ trong Giáo phận Mỹ Tho nói riêng cũng như cho Giáo Hội Việt Nam nói chung.

  1. Hoa trái đó ngày nay ra sao?

Những hoa trái đó vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên ở đây tôi muốn nói tới một tình hình mới, là vấn đề di dân trong bối cảnh hiện nay của xã hội. Trong hai thập niên qua, rất nhiều người dân, cách riêng là người trẻ, rời bỏ vùng nông thôn để đi tìm việc làm trong những thành phố lớn, để phát triển bản thân, nuôi sống gia đình, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho con cái. Đây là tình hình chung trong xã hội, dĩ nhiên người Công giáo cũng thế. Trong Giáo phận Mỹ Tho, rất nhiều người trẻ Công giáo bỏ nông thôn, lên thành thị để kiếm sống.

Vấn đề là làm sao để tình trạng di dân đó không làm mất đi đức tin và những giá trị văn hóa tốt đẹp nơi người trẻ, nhưng theo tinh thần các thánh tử đạo, những bước chân di dân đó trở thành bước chân loan báo Tin Mừng. Muốn được như thế, chúng tôi cần chuẩn bị cho người trẻ khi họ còn ở quê nhà, đồng thời cố gắng đồng hành với họ trong đời sống ở những nơi mới. Đây là vấn đề mục vụ lớn cho chúng tôi ngày nay.

  1. Đền thánh tử đạo trong Giáo phận là ở đâu?

Giáo phận Mỹ Tho chúng tôi chọn Giáo xứ Ba Giồng là Trung tâm hành hương tôn vinh Các Thánh Tử Đạo. Trong năm 2018, kỷ niệm 30 năm 117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên thánh (1898-2018), nơi đây cũng được chọn là Trung tâm hành hương của Giáo tỉnh Sài Gòn. Vì thế trong năm nay, chúng tôi đón tiếp rất nhiều đoàn hành hương đến từ khắp mọi nơi trong Giáo tỉnh Sài Gòn và cả Giáo Hội Việt Nam.

Chúng tôi đón nhận điều này như hồng ân lớn Chúa ban cho Giáo phận, chúng tôi tạ ơn Chúa và Các Thánh Tử Đạo về hồng ân này, và tin tưởng rằng với ơn Chúa và sự phù hộ của Các Thánh Tử Đạo, Giáo phận chúng tôi càng ngày càng được phát triển tốt đẹp hơn.

Văn phòng Tòa giám mục Mỹ Tho

(WGP.Mỹ Tho 23.11.2018)