Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội nghị Thường niên 2014 Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam K’Long – Đà Lạt 04-05-06/11/2014
Hội nghị thường niên Liên hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam (LHBTTCVN) năm 2014 được tổ chức tại Trung tâm Don Bosco K’Long, thuộc giáo phận Đà Lạt từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 11 năm 2014, với chủ đề: “Được Thánh hiến để thi hành Sứ vụ”.
1. Có 147 đại biểu tham dự là các Bề trên và đại diện Bề trên thuộc các đơn vị Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn Tông đồ trong toàn quốc.
2. Hội nghị thường niên LHBTTCVN năm 2014 vui mừng chào đón Đức cha Antôn Vũ Huy Chương giám mục giáo phận Đà Lạt đến chủ sự Thánh lễ Khai mạc và các thuyết trình viên là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ / HĐGMVN; Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo / HĐGMVN; Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP; Linh mục Vinh Sơn Phạm Đình Khoan, SJ; Linh mục Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SBD và Sr. Thecla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà.
3. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, các Bề trên đã lắng nghe những đề tài chia sẻ và thuyết trình về một số vấn đề liên quan đến đời sống và sứ vụ của đời sống thánh hiến:
– Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chia sẻ với Hội nghị về “Hiện trạng đời sống Tu trì tại Việt Nam”, giải đáp thắc mắc về cách thức tổ chức “Năm Đời sống Thánh hiến”, gợi ý các sinh hoạt trong Năm Đời sống Thánh hiến và trình bày về nội quy của Uỷ ban Tu sĩ đã được HĐGMVN phê chuẩn.
– Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đã trình bày đề tài: “Giáo huấn của Giáo hội về thánh hiến và sứ vụ”
– Linh mục Vinh sơn Phạm Xuân Hưng, OP đã trình bày đề tài: “Nhận định về thánh hiến và sứ vụ của tu sĩ”
– Linh mục Vinh sơn Phạm Đình Khoan, SJ đã trình bày đề tài: “Cộng đoàn tu sĩ thi hành sứ vụ”
– Linh mục Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB đã trình bày đề tài: “ Đào tạo người tu sĩ để thi hành sứ vụ”
– Linh mục Giuse Giuse Trần Hòa Hưng, Giám tỉnh Dòng Don Bosco, Chủ tịch LHBTTCVN chia sẻ về đề tài: “Quyền bính và sứ mạng”
– Nữ tu Thecla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà đã trình bày đề tài: “Hướng dẫn cộng đoàn để thi hành sứ vụ”
4. Hội nghị cũng đã nghe Ban Điều Hành LHBTTCVN báo cáo Tổng kết hoạt động và về Quỹ tài chánh của Liên hiệp trong năm 2014.
5. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các Bề trên thảo luận với các đề tài được gợi ý từ các bài chia sẻ và thuyết trình của quý Đức cha, quý cha và quý soeur.
6. Sau khi thảo luận và trao đổi chung tại Hội trường với sự chủ sự và hướng dẫn của cha Chủ tịch LHBTTCVN, Hội nghị đã đúc kết một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên hiệp trong thời gian tới; những vấn đề đào tạo và huấn luyện giới tu sĩ, đặc biệt là đối với các tu sĩ trẻ; đồng thời đề ra các sinh hoạt cụ thể trong Năm Đời sống Thánh hiến, cũng như thảo luận về việc chuẩn bị tổ chức Đại hội LHBTTCVN nhiệm kỳ V vào năm 2015 và giao trách nhiệm cho Ban Điều hành đưa ra chương trình và kế hoạch thực hiện.
Hội nghị thường niên LHBTTCVN năm 2014 đã khép lại, nhưng những thành quả và bầu khí hiệp thông huynh đệ đầy tình thân ái của Hội nghị chắc chắn sẽ đem lại cho các thành viên của Liên hiệp một niềm vui và một sự hứng khởi mới trong sứ vụ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy những người sống đời thánh hiến tại Việt Nam, càng ngày càng trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.
Thế là em đã ra đi được gần trăm ngày! Theo phong tục Việt Nam, người ta tin rằng linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, "hồn vía còn nặng" chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Nước mắt đã lăn dài, lời kinh nấc nghẹn khi hồi tưởng lại, mới gần trăm ngày thôi mà đã như ngàn thu sâu thẳm! Một trăm ngày để những nỗi đau mất mát tạm thời lắng xuống, để hình ảnh người thân dần dần mờ nhạt trong tâm tưởng những người còn sống và người chết hòa dần vào cõi thinh không, hư ảo.
Những lời kinh nguyện tắt dần trong lời thầm thĩ kêu xin: “Giêsu-Maria-Giuse xin cứu rỗi linh hồn Maria. Giêsu … Maria… Giêsu … Maria…”. Chiều nghĩa trang trở lại vẻ yên ắng, tịch mịch thường ngày. Chỉ có những làn hương khói lan tỏa nhẹ nhàng trên mộ em và những ngôi mộ “hàng xóm” trong ngày đầu tháng các linh hồn - tháng cuối năm phụng vụ Giáo Hội dành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
Như một cơn mê, em đã cố không nhắm mắt sợ rằng mình sẽ ngủ một giấc thật dài trong khi ngày mai còn bết bao nhiêu chuyện phải lo toan như đã từng lo toan kể từ khi khôn lớn. Mệt lắm, nhưng em chỉ an tâm nhắm mắt khi còn thấy khuôn mặt những đứa em đã gắn bó với những hỉ, nộ, ái, ố một thời trong cuộc sống và an tâm sẽ được gọi dậy để tiếp tục những công việc trần ai còn dang dở.
Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi.
Lúc con người nằm yên giấc ngủ,
mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai.
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt, nụ cười.
Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa
Chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan.
(Sự sống thay đổi – Phanxicô - TCCĐ)
Không còn được nghe em kể về hai thiên thần áo trắng giúp em trong cơn đau vật vã khi xét nghiệm cô đơn trên giường bệnh. Không còn nghe tiếng em trong phone mỗi khi có việc cần chia sẻ… Suốt đời tảo tần như một “chị hai” trong nhà, lúc lấy chồng lại lo cho chồng con. Ngày ngày đi về như con thoi giữa gia đình chung và gia đình riêng trong việc mưu sinh cơm áo. Những ngày cuối đời tưởng như đã nắm được chút hạnh phúc khi trong tay đã có tấm hộ chiếu thì căn bệnh quái ác đã cướp đi tất cả. Thôi thì tấm hộ chiếu theo em như một nỗi hạnh phúc mang theo những ước mơ của một kiếp người!
Nhưng quý giá hơn cả là tấm ”hộ chiếu nước Trời” mà em đã được lãnh nhận từ tay vị Linh mục đại diện Chúa Kitô và Hội Thánh trong nghi thức xức dầu và rước Mình Thánh Chúa vào lòng: ‘‘Chúng ta cùng nhau đến đây vì danh Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã cho người đau yếu được lành mạnh. Chính Ngài đã chịu đau khổ vì phần rỗi chúng ta. Ngài đang ở giữa chúng ta lúc chúng ta nhắc lại lời Thánh Giacôbê tông đồ: ‘Ai trong anh em phải yếu liệt, hãy mời các vị thay mặt Hội Thánh đến, họ hãy cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.’ (Gc 5,14-15). Chúng ta hãy phó thác người chị em của chúng ta nơi ơn lành và quyền năng Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa làm cho bớt đau đớn, ban cho được lành mạnh và được cứu rỗi.’’
Bóng hoàng hôn đang bảng lảng trên những đôi vai thập giá, nơi đây sao cô tịch, sao thinh lặng quá! Không còn những tất bật ngược xuôi trên những dặm đường đời mưu cầu áo cơm hạnh phúc. Không còn những hạnh phúc ấm êm đầy ắp những tiếng cười, không còn lo toan, không còn hưởng thụ … Chết là bắt đầu cuộc sống mới. Ở đây ai cũng như ai, ai cũng yên nghỉ bình đẳng chờ đợi sự thay đổi cuộc sống. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, thể phách ngày xưa do Chúa tạo dựng đẹp đẽ nhường nào giờ đây đã và đang trong tiến trình phân hủy để trở về kiếp tro bụi.
Khi còn sống, thân xác được dành nhiều ưu tiên: nào là ăn ngon, mặc đẹp, nào là địa vị, tiền tài, danh vọng … Trên dương thế hồn nhờ xác rất nhiều. Các việc lành thân xác làm đều mang lại lợi ich cho linh hồn, việc dữ thân xác làm gây họa cho sự sống trường sinh. Còn hơi thở, xác hồn gắn bó. Hết hơi rồi, hồn xác tạm chia lìa. Đâu còn thân xác để “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con vang tiếng ngợi khen Ngài”, đâu còn thân xác để làm những việc lành thu công, tích đức! Bấy giờ hồn không thể tự giúp mình đền tội được vì “đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ga 9,4) và chỉ trông chờ vào những việc lành phúc đức, những lời kinh nguyện cầu của những người còn sống để giúp hồn đền bồi những khinh tội chưa được tha và các tội khác đã được tha nhưng chưa đền tội đủ vì “nhân vô thập toàn” trong cuộc sống lữ hành.
Vậy là ngày lễ các linh hồn năm nay, không còn thấy bóng dáng em lúp xúp cắm những nén nhang trên mộ Cậu, em Hiển và những người thân quen tại nghĩa trang Giáo xứ. Không còn cùng gia đình bên những phần mộ dâng lên những lời kinh nguyện cầu cho những người thân và những người đã qua đời. Em đã về với chồng nơi nghĩa trang của những người đồng hương cho vẹn tình phu thê, dâu thảo. An táng là chờ ngày sống lại vinh quang. Nghĩa trang nào cũng là nơi an nghỉ, chờ đợi ngày phục sinh. Nơi an nghỉ chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu vì chúng ta đã và đang sống trong niềm tin vào Đấng đã phục sinh từ cõi chết là Đức Kitô.
Xin tạm biệt em yêu, tạm biệt những người thân và những người chưa quen chốn này. Xin mọi người hãy nghỉ ngơi thanh thản trong Chúa như Lời Ngài đã phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Chúa là cùng đích và là niềm hoan lạc đời đời của con người. Chúng ta đã được Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và chúng ta phải trở về với Ngài. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33, 14). Hẹn gặp nhau trong những lời kinh nguyện hiệp thông và ngày cánh chung sum họp chắc chắn sẽ đầy ắp những nụ cười thay cho những giọt nước mắt ngày chia xa tiễn biệt.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Tháng Các Linh Hồn 2014
Hội nghị Ban Vận động Quỹ kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang
THANH HOÁ (10.10.2014) – Tại Toà Giám mục Thanh Hoá, từ ngày 8 đến ngày 10-10-2014, Ban vận động Quỹ kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang đã tổ chức Hội nghị, với nội dung thảo luận và tìm phương hướng cho chương trình gây quỹ kiến thiết. Hiện diện trong cuộc họp này, có Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế, Trưởng Ban Kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang; Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn, phó Ban Kiến thiết, đặc trách kiến trúc; Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hoá, phó Ban Kiến thiết, đặc trách tài chánh; Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, phụ tá ban tài chánh. Cùng với Quý Đức cha, còn có sự hiện diện của cha Vicentê Phạm Trung Thành, Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, và các linh mục đặc trách vận động gây Quỹ kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang của 24/26 giáo phận.
Hội nghị đã diễn ra trong bầu khí mát mẻ của mùa thu, cộng với sự mến khách vốn có của Đức giám mục và quý cha Toà Giám mục Thanh Hoá theo phương châm “mỗi vị khách là một hồng ân”. Được thúc đẩy do lòng yêu mến đối với Đức Mẹ La Vang và với Giáo hội Việt Nam, mọi tham dự viên đều ý thức đây là công trình chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam, là niềm tự hào và là nghĩa cử hiếu thảo đối với Đức Mẹ. Trong tinh thần trách nhiệm chung cùng cộng tác để hoàn thành công trình Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, nhiều vấn đề nêu ra được các tham dự viên góp ý thảo luận sôi nổi và chân thành.
Hội nghị đã bắt đầu bằng việc giới thiệu tổng quát về mặt bằng, cấu trúc công trình, và tiến độ thi công trong thời điểm hiện tại. Những thông tin về từng giai đoạn xây dựng và mức kinh phí dự tính cũng được trình bày chi tiết, với mục đích giúp các linh mục đặc trách gây quỹ hiểu rõ những chi tiết liên quan đến công trình để việc gây quỹ có hiệu quả thiết thực.
Nội dung chính của Hội nghị là phương pháp vận động gây quỹ. Quý Đức cha và các tham dự viên đều mong muốn có sự cộng tác đồng bộ của mọi thành phần Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn và khích lệ của các Đức Giám mục địa phương. Nhiều hình thức gây quỹ được đề nghị như: Hộp gây quỹ, tổ chức bữa tiệc gây quỹ, các buổi trình diễn thánh ca, các buổi diễn giảng, thùng gây quỹ đặt tại các nhà thờ… Một phương pháp được coi là thực tế và hiệu quả hơn, là hình thức gửi phong thư đến từng gia đình trong các cộng đoàn giáo xứ, kèm theo thư kêu gọi của Đức Giám mục. Những phong thư này sẽ được gửi về các cha xứ để chuyển về Toà Giám mục. Các tham dự viên cũng mong ước Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuậ
n hằng năm có một ngày gây quỹ trong tất cả các giáo phận cho công trình này.
Hội nghị được đánh dấu bằng thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Chính toà Thanh Hoá lúc 5 giờ sáng thứ sáu 10-10, để tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi và cầu nguyện cho công trình xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang sớm được hoàn thành.
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc trong niềm vui và hy vọng của các tham dự viên. Sau bữa ăn huynh đệ, mọi người chia tay trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, tạ ơn Đức Mẹ La Vang, với niềm mong ước những điều thao thức của các tham dự viên sớm được thực hiện.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên ghi chép
Ngày 13-10-1991 kỷ niệm kết thúc các cuộc hiện ra của Đức Mẹ MARIA trước đó đúng 74 năm tại Fatima bên Bồ Đào Nha. Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, lúc bấy giờ là giám quản tông tòa giáo phận Minsk, thủ đô Cộng Hòa Bạch Nga, đã hướng dẫn một đoàn tín hữu Công Giáo Bạch Nga, chính thức hành hương kính Đức Mẹ Fatima.
Cuộc hành hương đã đánh dấu một biến chuyển quan trọng trong lịch sử nhân loại, kể từ giây phút ý-thức-hệ cộng sản vô thần đã lần lượt cáo chung tại các nước Đông Âu và Liên Xô vĩ đại. Cuộc hành hương cũng nhằm mục đích nối kết sự lật đổ chế độ cộng sản vô thần với những lời nhắn nhủ của Đức Mẹ MARIA khi hiện ra với ba trẻ mục đồng là Lucia dos Santos (1907-2005), Phanxicô Marto (1908-1919) và Giaxinta Marto (1910-1920). Hai trẻ Phanxicô và Giaxinta được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) tôn phong chân phước ngày 13-5-2000 tại đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha.
Sau đây là chứng từ của Chị Lucia - một trong ba trẻ mục đồng - lúc Chị là Nữ Tu Maria Lucia Chúa Giêsu và Khiết Tâm sống tại dòng Kín Cát-Minh ở Coimbra bên nước Bồ Đào Nha. Chị Lucia viết.
Sáng ngày 13 tháng 10 năm 1917, chúng con rời nhà thật sớm, vì biết rằng chặng đường đi đến nơi Đức Mẹ hiện ra sẽ thật dài. Từng đoàn người đông đảo cũng lũ lượt kéo đến nơi hẹn. Trời mưa như trút nước. Mẹ con vì nghĩ rằng có lẽ giờ cuối cùng của con đã điểm, nên lòng đầy lo âu, bà nhất định đưa con đến nơi hẹn. Trên đường đi, diễn ra nhiều quang cảnh thật cảm động. Mặc dầu đường xá lầy lội bùn nhơ, mọi người vẫn kính cẩn quỳ gối đọc kinh, trong một thái độ khiêm tốn và thành khẩn nguyện xin.
Khi đến đồi Cova da Iria, gần cây Sồi Xanh, bị một sức mạnh bên trong thúc đẩy, con liền lớn tiếng xin đám đông xếp dù lại để lần hạt Mân Côi. Chỉ một lát sau thì chúng con thấy một luồng ánh sáng, rồi tiếp theo đó là Đức Mẹ đứng trên cây sồi. Con liền thưa với Đức Mẹ:
- Mẹ muốn con làm gì?
Đức Mẹ trả lời:
- Mẹ muốn nói với con là người ta phải xây nơi đây một nhà nguyện dâng kính Mẹ. Mẹ là Đức Bà Mân Côi. Mẹ muốn mọi người tiếp tục lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sắp kết thúc và các binh lính sẽ trở về gia đình.
Con thưa với Đức Mẹ:
- Con có nhiều điều muốn cầu xin cùng Mẹ: xin Mẹ chữa lành các bệnh nhân và cho các người tội lỗi được ăn năn trở lại, v.v..
Đức Mẹ trả lời:
- Mẹ sẽ chữa lành các bệnh nhân, còn các người tội lỗi thì Mẹ không ban ơn hoán cải, bởi vì chính họ phải sửa mình, phải ăn năn thống hối và xin tha thứ các tội lỗi của họ.
Nói xong, Đức Mẹ tỏ dấu thật buồn bã và nói:
- Họ không được xúc phạm đến THIÊN CHÚA, Chúa chúng ta nữa, bởi vì Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi!
Tiếp đó Đức Mẹ mở rộng đôi tay, phản chiếu lên mặt trời. Và trong khi Đức Mẹ cất mình lên, luồng sáng phản ảnh tia sáng của Đức Mẹ tiếp tục chiếu dọi trên mặt trời. Đó là lý do tại sao con kêu mọi người hãy hướng nhìn về phía mặt trời, nhờ thế mọi người đã chứng kiến phép lạ ”mặt trời múa”.
Sau khi Đức Mẹ biến mất trong khoảng trống bao la của bầu trời thì chúng con trông thấy xuất hiện bên cạnh mặt trời, Thánh Cả GIUSE với Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng và Đức Mẹ MARIA mặc áo trắng với áo choàng màu xanh. Thánh Cả GIUSE và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng làm dấu hiệu như chúc lành cho thế giới, với cánh tay giơ lên và vẽ hình Thánh Giá. Một ít lâu sau thì các hình ảnh này biến mất và con lại thấy Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ hiện ra dưới hình ảnh khiến con nghĩ đó là Đức Bà Bảy Sự Thương Khó. Đức Chúa GIÊSU cũng giơ tay như chúc lành cho thế giới, làm giống cử điệu mà Thánh Cả GIUSE đã làm. Sau đó Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ biến đi. Và rồi con lại thấy Đức Mẹ xuất hiện dưới hình dáng Đức Bà núi Carmêlô.
Sau khi kể xong 6 lần hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, theo lệnh truyền của Đức Cha José Alves Correia da Silva (1872-1957), Giám Mục giáo phận Leiria, Bồ Đào Nha, Chị Lucia viết cho Đức Cha:
- Mỗi lần có dịp bắt buộc con phải nói đến các lần hiện ra này, con thường nói rất vắn tắt, kể lại những chi tiết nào cần thiết nhất, với mục đích giữ lại riêng cho con những điều kín ẩn, khiến con cảm thấy ngại ngùng mỗi khi phải thổ lộ cho mọi người biết. Nhưng vì các điều kín ẩn này thuộc về THIÊN CHÚA, và hôm nay, qua lệnh của Đức Cha là người đại diện THIÊN CHÚA muốn biết, nên con xin thuật lại. Con trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa, chứ không phải thuộc về riêng con.
... KINH THÁNH MẪU LA VANG
Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang,
đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,
tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,
cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,
giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,
vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn, ơn phần xác,
người bệnh tật, kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con
luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời này,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. AMEN.
(”LUCIE RACONTE FATIMA”, Fatima-Editions, 1976, trang 183-186)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
VATICAN. Trưa thứ bẩy, 18-10-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam.
Toàn văn Thông cáo báo chí của Tòa Thánh nói rằng:
”Hôm nay ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Thủ Tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó Thủ tướng đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti tháp tùng.
”Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ hôm nay, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến trình củng cố những quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vì đây là lần thứ hai, Thủ Tướng Dũng thực hiện cuộc viếng thăm tại Vatican sau cuộc viếng thăm hồi năm 2007. Trong cuộc hội kiến có nêu bật sự dấn thân của Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển đất nước, nhờ sự hiện diện của Giáo Hội trong nhiều lãnh vực để mưu ích cho toàn thể xã hội. Trong bối cảnh đó có tái khẳng định sự đánh giá cao đối với sự nâng đỡ của Chính Quyền dành cho Cộng đồng Công Giáo trong khuôn khổ những phát triển được Hiến Pháp năm 2013 khẳng định liên quan đến chính sách tôn giáo, cũng như về sự trợ giúp cho Vị Đại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam trong việc thi hành sứ mạng của Ngài, nhắm thăng tiến quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, hướng tới mục tiêu chung là các quan hệ ngoại giao. Rồi cũng đề cập tới một vài vấn đề mà hai bên cầu mong sẽ được đào sâu và giải quyết qua các kênh đối thoại hiện có.
Sau cùng, hai bên trao đổi ý kiến về một vài đề tài thời sự trong miền và quốc tế, đặc biệt là những sáng kiến nhắm thăng tiến hòa bình và sự ổn định tại Á châu”. (SD 18-10-2014)
G. Trần Đức Anh OP