Tin Giáo Hội Việt Nam
VRNs (08.12.2014) – Sài Gòn – 120 tham dự viên là những người Công giáo làm việc trong ngành y đã có buổi tĩnh tâm Mùa Vọng với chủ đề “Niềm vui phục vụ” được tổ vào buổi sáng Chúa nhật 07/12 vừa qua tại Dòng thánh Phaolô (Số 4,Tôn Đức Thắng, Quận 1). Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng, đặc trách Tông đồ giáo dân của Tổng giáo phận hướng dẫn.
Bắt đầu của buổi tĩnh tâm là khoảng thời gian nhắc lại tình hình sinh hoạt của giới Y tế Công giáo (GYTCG) trong một năm vừa qua.
Trưởng ban Đại diện của GYTCG, Bác sĩ Dũng cho biết với linh đạo “chăm sóc và phục vụ cho các bệnh nhân” GYTCG cũng giống như những giới sinh hoạt khác của TGP Sài gòn. Để mở rộng và chào đón mọi người tham dự, GYTCG cũng không đặt ra bất kì nội quy hay ràng buộc gì trong sân sinh hoạt chung.
Bác sĩ Dũng cũng đưa ra lời kêu gọi gửi đến tất cả người Công giáo đang làm việc tại tất cả các cơ sở y tế ở TGP Sài Gòn đều có thể đến dự các sinh hoạt của giới Y tế.
Trưởng Ban đại diện cho biết thêm rằng, có khoảng 2000 bác sĩ và những người hoạt động trong ngành Y tế là người Công Giáo nhưng trong các sinh hoạt của giới chưa một lần nào số người tham dự đẩy lên tới con số 300 hay 500.
Trong năm GYTCG cũng có một số dịp tĩnh tâm theo mùa phụng vụ của Giáo hội như Mùa Chay và một số ngày lễ đặc biệt của giới như lễ kính Thánh Camillo đấng bảo trợ của các nhân viên Y tế là bổn mạng của GYTCG.
Chú Nguyễn Mạnh Cường, giáo dân Giáo xứ Vườn Xoài đang là điều dưỡng của bệnh viện Bình Dân, cũng là một trong những thành viên của Ban đại diện của GYTCG chia sẻ về mục đích của các dịp tĩnh tâm này trong giới là để ngồi lại cùng nhau, có khoảng thời gian ngẫm lại công việc của mình, lắng nghe Lời Chúa và có một Linh mục đặc trách để có thể hướng dẫn những lúc họ gặp khó khăn.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết, khi những lỗi hệ thống áp đặt trên những nhân viên y tế và buộc họ phải hoạt động theo cơ chế, biên chế biến bệnh nhân thành khách hàng và bác sĩ phải làm việc để có lương, nơi để nhận được sự chăm sóc chữa lành không còn được gọi là “nhà thương” nữa mà là bệnh viện. Vì vậy làm sao để GYTCG có thể “vượt qua được hàng rào đó” và nói như Cha Thánh Camillo là để “Thêm yêu thương vào đôi tay” (Put more heart into your hands) và việc gặp nhau, cùng nhau nhìn lại sẽ là những dịp để chúng ta -những người trong giới y tế- có thể chia sẻ tăng yêu thương cho nhau và thúc đẩy nhau trong công việc. Cuối cùng, chính điều này có thể giúp chúng ta giảm thiểu những sai sót trong công việc.
Trong bài chia sẻ giảng huấn tĩnh tâm của Linh mục Nguyễn Văn Hưởng, cha đã nói về niềm trong công việc của các y bác sĩ và từ đó họ đem tình yêu thương vào trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Chú Nguyễn Mạnh Cường còn cho biết hàng tháng GYTCG còn có buổi gặp mặt vào Chúa nhật thứ nhất hàng tháng để chia sẻ, cập nhật và bổ sung kiến thức cho nhau về những kiến thức y tế cho nhau.
Buổi tĩnh tâm còn có khoảng thời gian Chầu Thánh Thể, sám hối và đón nhận bí tích Hòa giải và kết thúc bằng một thánh lễ tạ ơn.
Nguồn: TGP Sài Gòn
TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 phố Nhà Chung - Hà Nội
Ngày 22 tháng 11 năm 2014
THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG 2014
Kính gửi: Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
và anh chị em tín hữu trong Tổng Giáo Phận Hà Nội
Quý cha và anh chị em thân mến,
Chúa Nhật ngày 30 tháng 11, chúng ta sẽ bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng hướng chúng ta đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, sự hiện diện của Chúa giữa con người trong thế giới, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), một mầu nhiệm biến đổi cả vũ trụ, lịch sử và toàn thể nhân loại. Mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về sự hiện diện của Chúa với chúng ta trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống.
Mầu nhiệm nhập thể, sự hiện diện của Chúa và tân Phúc Âm hóa
"Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1:14). Với việc nhập thể Thiên Chúa đã hiện diện với nhân loại một cách khiêm nhường như một con người, đã chọn để kinh nghiệm đời người ngay từ lúc thụ thai để sự sống con người được trở nên sung mãn khi kết hợp với chính sự sống của Thiên Chúa. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, "Chúa Kitô một cách nào đó kết hợp với mỗi con người" (Thánh GH Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, 8) và mang sự hiện diện của Chúa Cha đến với con người trong những kinh nghiệm buồn vui, hạnh phúc và đau khổ của đời người.
Con Chúa nhập thể để qua sự chết và phục sinh biến đổi chúng ta nên những người mang sự hiện diện của Chúa và qua chúng ta mà thế giới được thấm nhập sự hiện diện của Người. Đức tin vào Chúa Kitô không phải là việc riêng tư, được chôn giấu trong nhà thờ hay trong tâm hồn, mà phải tỏa sáng đến những người xung quanh. Trong bữa tiệc ly, ông Giuđa (Tađêô) hỏi Đức Giêsu: "Tại sao Thầy chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" Đức Giêsu trả lời: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy... Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14: 22-23). Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được Chúa mời gọi sống Lời Chúa để Chúa có thể tỏ mình ra cho thế gian, mang sự hiện diện của Chúa đến với những người khác trong xã hội hôm nay bằng những cách thức và sáng kiến mới. Đó là nhiệm vụ tân Phúc Âm hóa mà Hội Thánh đang kêu gọi chúng ta thi hành.
Đức Maria là môn đệ trọn hảo của Chúa Kitô và là gương mẫu của công cuộc tân Phúc Âm hóa. Khi Mẹ đến thăm bà Elizabeth, dù chưa nói một lời về Chúa, thì bà Elizabeth đã vội thốt lên: "Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì hài nhi trong lòng đã nhảy mừng" (Lc 43-42). Vậy yếu tố cốt lõi của truyền giáo là mang sự hiện diện của Chúa Kitô cho người khác. Đức Maria mang trong mình sự hiện hiện của Chúa cả về thể lý khi cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể và về thiêng liêng bằng việc "nghe và giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11:28). Bà Elizabeth đã nhận ra điều đó và khen ngợi Đức Maria: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng những lời Chúa hứa sẽ được thực hiện" (Lc 1:45).
Mùa Vọng giúp chúng ta "sửa cho ngay đường Chúa đi" và sống gương khiêm nhường vâng phục ý Chúa của Đức Maria để có thể gặp gỡ Chúa và mang trong mình sự hiện diện của Người, sự hiện diện luôn phát sinh niềm vui cứu độ mà chúng ta không thể giữ riêng cho mình, nhưng thúc bách chúng ta chia sẻ với người khác.
Mang sự hiện diện của Chúa đến trong gia đình
Chúng ta hãy mang sự hiện diện của Chúa đến trong gia đình bằng việc tân Phúc Âm hóa, củng cố đức tin trong gia đình mình. Tòa nhà gia đình chỉ bền vững nếu được xây dựng trên nền đá là Lời Chúa. Các gia đình hãy cố gắng có thời gian sinh hoạt chung, hãy đọc kinh chung trong gia đình, cùng nhau tham dự Thánh Lễ là "nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu" (LG 11). Vợ chồng hãy mang sự hiện diện của Chúa đến cho nhau trong yêu thương, hy sinh, chăm sóc và bổ túc cho nhau. Hãy hàn gắn những rạn nứt trong gia đình và như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: Đừng bao giờ xảy ra bạo hành trong gia đình. Cha mẹ hãy mang sự hiện diện của Chúa đến cho con cái, những hoa trái và ân huệ của Chúa. Đừng bao giờ phạm tội ác phá thai! Hãy làm cho gia đình là nơi trước tiên con cái có thể kinh nghiệm sự hiện diện yêu thương của Chúa vì được cha mẹ quảng đại sinh ra và tận tâm nuôi dưỡng trong đức tin Công Giáo.
Mang sự hiện diện của Chúa đến trong giáo xứ
Sự hiện hiện đầy vui mừng của Chúa phải được lan tỏa đến một gia đình lớn hơn là giáo xứ bằng việc tân Phúc Âm hóa giáo xứ mà năm nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi chúng ta thi hành với một nhiệt huyết mới. Mỗi giáo xứ được kêu gọi trở nên cộng đoàn đức tin hiệp nhất trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cử hành bí tích, bác ái và liên đới với nhau, đặc biệt với những anh chị em nghèo khó, đau khổ, bệnh tật hay đang mắc ngăn trở về hôn nhân mà không thể lãnh nhận các bí tích.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Hội Thánh là "ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha" và những nhà thờ mở cửa là dấu chỉ sự rộng mở của Hội Thánh (Niềm Vui Tin Mừng, 47). Ước gì các nhà thờ của Tổng Giáo Phận chúng ta, là trung tâm của giáo xứ, trở nên những nơi mà các tín hữu có thể dễ dàng gặp Chúa và lãnh nhận các bí tích. Việc học giáo lý cộng đoàn trước Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như học hỏi lời Chúa và giáo lý nơi các nhóm hay hội đoàn là cần thiết để củng cố đức tin trong giáo xứ. Đức Thánh Cha Phanxicô còn khẳng định: Hội Thánh truyền giáo cho chính mình và cho người khác bằng ngay vẻ đẹp của phụng vụ thánh khi cử hành (Niềm Vui Tin Mừng, 24). Chúng ta hãy chăm sóc giữ gìn nhà thờ, đồ thánh sạch sẽ và cử hành phụng vụ đúng nghi thức với đức tin sốt sáng để mọi người có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa khi cử hành Thánh Lễ và các bí tích. Hãy thăm hỏi và giúp đỡ những người đã lìa xa Hội Thánh đã lâu để trở về hiệp thông với Hội Thánh. Hãy hòa giải những bất hòa và chia rẽ trong giáo xứ hay trong giáo họ. Mỗi giáo xứ hãy liên đới giúp đỡ để tái thiết những nhà thờ giáo họ của mình đang đổ nát và tái truyền giáo những giáo họ nhỏ bé để những nơi đó cũng mang sự hiện diện của Chúa.
Mang sự hiện diện của Chúa đến trong xã hội
Hội Thánh hiện hữu để truyền giáo. Đức tin của chúng ta phải có chiều kích xã hội, có ảnh hưởng đến người khác như Chúa Kitô dạy: "Các con là muối cho mặt đất" và "ánh sáng cho trần gian" (Mt 5:13, 14). Chúng ta là Hội Thánh và có nhiệm vụ mang sự hiện diện của Chúa đến mọi môi trường xã hội bằng nếp sống diễn tả Tin Mừng qua sự khiêm nhường, phục vụ và những việc bác ái là hoa trái của đức tin.
Chúa đến để thế gian được sống dồi dào. Dịp trước Tết Giáp Ngọ quý cha và anh chị em đã quảng đại giúp chăn ấm cho một số gia đình nghèo. Năm nay, xin anh chị em hãy tiếp tục quảng đại đóng góp vào Chúa Nhật III Mùa Vọng (ngày 14/12) để ban Caritas của Tổng Giáo Phận có thể tặng chăn ấm cho những gia đình nghèo không phân biệt lương giáo vào dịp trước lễ Giáng Sinh, như chia sẻ niềm vui của sự hiện diện của Chúa với mọi người. Xin quý cha tiếp tục kêu gọi giáo dân không vứt rác bừa bãi, cố gắng dọn dẹp cống rãnh, bãi rác, khai thông nước thải để cải tạo môi trường tại giáo xứ hay giáo họ mình đang sống. Là Kitô hữu, chúng ta hãy thi hành nghề nghiệp với lương tâm và trách nhiệm, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người, đừng lỗi luật Chúa trong việc sản xuất nông phẩm và thực phẩm với những chất kích thích hay bảo quản độc hại. Hơn nữa, trước hiện trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, chúng ta hãy tham gia giao thông an toàn với lương tâm và trách nhiệm sống Tin Mừng để bảo vệ mạng sống mình và người khác.
Sau cùng, tôi cầu chúc quý cha và anh chị em một Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh tràn đầy ân sủng và niềm vui của Đấng luôn ở cùng chúng ta.
Thân ái trong Chúa Kitô,
(đã ký và đóng dấu)
+Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng Giám Mục Hà Nội
VUI MỪNG VÀ HY VỌNG.
Kính thưa quí bà con lương giáo, quí ân nhân đang yểm trợ việc tuyên thánh cho Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp.
Hồ sơ tuyên thánh Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp đã được Đức Giám Mục có thẩm quyền, tức Đức Cha, Stêphanô Tri bửu Thiên, Giám Mục Cần Thơ chính thức cho xúc tiến từ ngày 25.8.2011. Và tôi, linh mục Phêrô Trần thế Tuyên, cáo thỉnh viên được chính thức bổ nhiệm đã cố gắng hết sức lo sao cho tiến trình tuyên thánh được phù hợp với Giáo Luật và được mọi người lương giáo ủng hộ. Một trong những cố gắng nầy là tôi đang sang học chương trình tiến sĩ Giáo Luật ở Roma trong ý hướng chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ của mình.
Một trong những kết quả lớn lao và rất đáng vui mừng và hy vọng là ngày 31 tháng 10, năm 2014 vừa qua, Thánh bộ Tuyên Thánh ở Rôma đã gửi văn thư chính thức bằng tiếng La Tinh cho Đức Cha Stêphanô Tri bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ tuyên bố: NIHIL OBSTAT – KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ trong việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho Cha Diệp.
Qua văn thư Nihil Obstat của Thánh Bộ tuyên thánh, chúng ta, những người yêu thương và thọ ơn Cha Diệp vừa vui mừng, vừa mạnh dạn hơn và vừa tích cực hơn trong việc thực hiện tiến trình tuyên thánh cho Cha và cầu xin tiến trình được sớm thành công.
Hôm nay ngày 5.12.2014 tôi đã đóng nộp lệ phí 150 EUR cho Thánh Bộ theo qui định cho việc ra văn thư Nihil obstat nầy. Xin kèm theo đây văn thư Nihil obstat bằng tiếng la tinh cũng như bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt.
Vui mừng, hy vọng và cầu nguyện.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
Cáo thỉnh viên
WGPSG -- Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận TPHCM (TGP) Phaolô Bùi Văn Đọc (TGM) đã chủ sự dâng Thánh lễ khai mạc năm Đời Sống Thánh Hiến, vào lúc 08 giờ 30 ngày 06/12/2014, tại nhà thờ Chánh Toà Sài Gòn. Gần 70 linh mục đã đồng tế với ngài. Tham dự Thánh lễ có trên 1000 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các dòng tu trong Gia đình Liên Tu sĩ TGP, quý ân nhân và khách mời.
Ngay từ 07 giờ 45, tại công viên Nữ Vương Hoà Bình, tiếng kèn hùng tráng vang lên thôi thúc mọi người đến nhà thờ. Đúng 08 giờ 20, chuông nhà thờ đổ vang, đoàn đồng tế từ nhà xứ tiến sang nhà thờ. Tới tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình, Đức TGM đã dừng lại xông hương kính Đức Mẹ.
Trước Thánh lễ, ĐTGM đã long trọng công bố phép lành Toà Thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Gia đình Liên Tu sĩ TGP nhân dịp năm Thánh Hiến.
Trong Thánh lễ, ĐTGM đã công bố: Hôm nay, chúng ta khai mạc năm Đời Sống Thánh Hiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) đã mở ra cho chúng ta. Ngài đã mượn lời của thánh Phaolô để diễn tả về sự cần thiết của đời sống thánh hiến: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô”. Ngài mong ước các tu sĩ phải là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của mình, luôn đứng về phía người nghèo và những người cô thế cô thân, thực sự đóng vai trò ngôn sứ.
ĐTGM chia sẻ tiếp: Cuộc đời tu sĩ là cuộc đời tuyên xưng liên lỉ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và là dấu chỉ của tình huynh đệ phổ quát. Đời sống tu sĩ có hai chiều kích nối kết chặt chẽ với nhau như cây Thánh giá, chiều đứng nối kết con người với Thiên Chúa, chiều ngang nối kết mọi người với nhau. Qua đó, ngài kêu mời chúng ta hãy thương yêu, khích lệ, nương tựa vào nhau để cuộc lữ hành của chúng ta đi qua trần thế hướng về quê Trời luôn luôn mạnh dạn và phấn khởi.
Cuối lễ, cha Đại diện Giám mục đặc trách các tu sĩ TGP thay lời anh chị em sống đời thánh hiến tri ân ĐTGM, cám ơn quý cha Đại diện giám mục, cha giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, quý cha hạt trưởng, cha Bề trên thượng cấp Việt Nam, quý cha bề trên, quý cha giáo, quý cha và giáo dân nhà thờ Chính Toà, cha chủ tịch và ban công tác liên tu sĩ TGP cùng các tu sĩ đã cộng tác giúp Thánh lễ hôm nay tốt đẹp, và đội kèn đồng của giáo xứ Bến Cát thuộc giáo hạt Gò Vấp. Ngài còn công bố quyết định của Toà Thánh ban ơn toàn xá trong năm Đời Sống Thánh Hiến, bắt đầu từ Chúa nhật thứ I mùa Vọng năm nay cho đến ngày 02/02/2016.
Trước khi ban phép lành, ĐTGM đã nói lên sự đóng góp của gia đình liên tu sĩ cho TGP qua con số: linh mục TGP là 337, trong khi linh mục dòng là 407 (trong đó: 56 linh mục quản lý 28 giáo xứ).
Tiếng hát bài “Các con là ánh sáng” vang lên từ ca đoàn liên tu sĩ ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã kết thúc Thánh lễ vào lúc 10 giờ 00.
nguồn: TGP Sài Gòn
WGPSG -- Nhằm chuẩn bị cho chương trình Lễ hội Giáng sinh dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, Caritas Tổng Giáo phận TPHCM (TGP) đã có buổi gặp gỡ triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Giáng Sinh với các cơ sở bác ái trên địa bàn thành phố vào ngày thứ Bảy, 29/11/2014, vào lúc 8g30, tại Tòa Tổng Giám mục,180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM.
Đến tham dự buổi gặp gỡ có đại diện của 55 cơ sở hiện đang chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ khiếm thị, khiếm thính, mồ côi, một số trường lớp Tình thương hoặc Phổ cập giáo dục. Buổi họp bàn được đặt dưới sự chủ trì của anh Đặng Văn Tưởng - cố vấn Caritas TGP và cũng là Trưởng ban tổ chức Lễ hội. Đồng thời cũng có sự hiện diện của nữ tu Têrêsa Ngọc Thủy, đại diện cha Giám đốc Caritas TGP, cùng quý nữ tu, quý vị cộng tác viên trong các tiểu ban phục vụ Lễ hội.
Mục đích buổi gặp gỡ là để trao đổi những thông tin cần thiết giữa ban tổ chức và các mái ấm, nhằm hòa chung một tinh thần, cùng nhịp nhàng trong công tác, để Lễ hội được diễn ra tốt đẹp. Mục tiêu là các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hưởng được bầu khí yêu thương đầm ấm, và việc tổ chức được trật tự trong tâm tình đón mừng Chúa Giáng Sinh.
Trong phần khai mạc buổi gặp gỡ với lời chào các thành phần tham dự, nữ tu Têrêsa cũng gởi lời chào thăm của cha Giám đốc Caritas TGP hiện nay còn đang ở miền Bắc. Được biết năm nay, không gian được xử dụng cho Lễ hội rộng rãi hơn năm ngoái. Quý Bề trên Đại chủng viện đã cho phép Lễ hội được xử dụng hết khu sân của Đại Chủng viện. Vì thế việc đón tiếp “quý thượng khách bé bỏng” của Lễ hội sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Trung thành với linh đạo của Caritas là liên đới để phục vụ, nên đã hơn một tháng nay, Caritas TGP đã thành lập Ban Tổ chức, quy tụ nhiều anh chị em có kinh nghiệm, và nhận được sự trợ giúp của các nhóm ban bè, các nhóm trong Tổng Giáo phận như: Hướng Đạo Sinh, Ban Mục vụ Giới trẻ, các sinh viên Công giáo và cả một mạng lưới Caritas TGP. Ban Tổ chức được chia thành nhiều tiểu ban. Buổi gặp gỡ này là để trao đổi về ý nghĩa và trình bày các hoạt động cho các cơ sở sẽ tham gia Lễ hội.
Chương trình Lễ hội được chuẩn bị đến từng chi tiết, cẩn trọng chu đáo. Trong số 3.230 trẻ tham dự có 35% là trẻ khuyết tật, không thể tự phục vụ mình, nên việc giúp các trẻ từ khâu đón tiếp, chuẩn bị chỗ ngồi, giúp trẻ xử dụng vé ẩm thực, thông dịch cho trẻ khiếm thính, cho đến việc bố trí giúp các em đi lại, phục vụ vệ sinh cá nhân, là cả một quy trình cần phải lưu tâm bàn họp kỹ càng.
Ngoài ra, những việc chung như giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, khâu trật tự, việc phòng cháy chữa cháy, chăm sóc y tế, cũng đã được chuẩn bị rất chu đáo. Nhìn xa hơn, Ban Tổ chức còn có cả kế hoạch dự phòng về việc thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, hướng dẫn cách xử lý, chuẩn bị cách phối hợp với các mái ấm cùng giải quyết.
Về phía các em trong các mái ấm, ban Tổ chức cũng thống nhất với quý vị phụ trách các mái ấm trong khi giúp các em vui chơi, cũng giáo dục cho các em tham dự học hỏi và thể hiện những đức tính nhân bản như nhường nhịn, vâng lời, trật tự, giữ vệ sinh chung .v.v…
Theo như những chi tiết trình bày trong buổi họp, thì Lễ hội sẽ diễn ra từ 13 giờ đến 20 giờ 30, ngày 20 tháng 12 năm 2014, tại Trung Tâm Mục Vụ TGP, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM.
Lễ hội Giáng Sinh năm nay gồm có 4 phần phục vụ:
- Phục vụ Ẩm thực và hàng lưu niệm sẽ do Caritas các giáo xứ, giáo hạt đảm nhận. Bố trí tổng hợp nhiều món ăn uống, giải khát và quà lưu niệm cùng 5 gian hàng phục vụ trò chơi cho các đơn vị tham dự (ĐVTD) đến sớm từ 13g00 đến 14g30. Các em sau khi xử dụng hết “coupon” (vé), còn thời gian sẽ được các gian hàng trò chơi phục vụ.
- Phục vụ Sinh hoạt và vui chơi chung: sẽ có những phần hoạt náo; giao lưu văn nghệ; thi làm “Hang Đá”; rút thăm trúng thưởng. Có 3 giải đặc biệt và 30 giải khuyến khích.
- Phục vụ Văn nghệ: Sau khi bước vào phần khai mạc chính, sẽ là phần Diễn Nguyện mừng Chúa Giáng Sinh; xiếc và ảo thuật. Trong phần văn nghệ, có sự góp mặt của các ca sĩ như: Phan Đình Tùng, Đoan Trang, Hồng Ân, Diệu Hiền ,Uyên Nguyên, Ngọc Mai, Nguyễn Sang,...
- Phần cuối các em sẽ được 55 ông bà Noel trao quà và tiễn từng đơn vị trật tự ra về.
Trong Lễ hội này, sẽ có sự hiện diện của vị Cha chung Tổng giáo phận, Đức Tổng Giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và các vị khách quí khác.
Đây là năm thứ hai, Caritas TGP chính thức nhận trách nhiệm tổ chức Lễ hội. Năm 2013 vừa qua là lần đầu tiên lãnh trách nhiệm tổ chức, nên Caritas đã không tránh khỏi những thiếu sót. Vì thế trong buổi gặp gỡ, ban Tổ chức cũng đã lắng nghe những ý kiến, những sáng kiến đóng góp từ đại diện các mái ấm, giúp Caritas tổ chức Lễ hội cách tốt hơn hầu phục vụ các bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cách chu đáo hơn.
Với phần trình bày diễn tiến của chương trình Lễ hội, cho thấy Ban Tổ chức đã lên kế hoạch thực hiện thật kỹ càng, và đã có những người dầy dạn kinh nghiệm triển khai. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Điều quan trọng còn là sự phối hợp của những vị phụ trách các Mái ấm điều động con em mình theo sự hướng dẫn chung.
Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi con người, nam cũng như nữ, khoẻ mạnh hay ốm đau, lành lạnh hay khuyết tật, đều là hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27; x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 108). Còn chân phước Têrêsa Calcutta đã nhìn nhận và diễn tả những thân phận đau khổ và bất hạnh trong xã hội hôm nay như là hình ảnh “Chúa Giêsu cải trang”. Từ đó, Mẹ dành cả cuộc đời của mình để cưu mang và giúp đỡ họ, vì hơn ai hết, Mẹ biết họ cần sự yêu thương và nâng đỡ.
Cầu mong từng em có hoàn cảnh đặc biệt, được tham dự Lễ hội Giáng Sinh, sẽ cảm nhận tình yêu của Chúa Hài Đồng qua sự hiền dịu, ân cần của từng thành phần phục vụ trong Lễ hội.
Nguồn: TGP Sài Gòn
WGPSG -- “Niềm vui Giáng Sinh đâu chỉ là những sắc màu rực rỡ chóng qua, mà còn là niềm vui đích thực cho đời mình và đời người”.
Đó là nội dung của chương trình tĩnh nguyện Mùa Vọng 2014, do linh mục Dòng Tên, Giuse Đào Nguyên Vũ, Tổng thư ký Ủy ban Mục vụ Di dân, trực thuộc HĐGMVN, hướng dẫn, được tổ chức lúc 18g30 thứ Sáu ngày 05/12/2014 tại Nhà nguyện Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Tham dự đêm tĩnh nguyện có gần 250 giảng viên và các anh chị em học viên.
Trước khi bước vào đêm tĩnh nguyện, cộng đoàn cùng tập hát với cha Giuse Đặng Chí Lĩnh. Sau đó, Cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc khởi nguyện chương trình bằng lời mời gọi cộng đoàn, hãy mở lòng để chờ đón Chúa, mở lòng đến với tha nhân, để niềm vui Chúa Giáng Sinh sẽ lan tỏa đến mọi nơi, và mọi người sẽ có được niềm vui đích thực trong ngày Chúa đến.
Chia sẻ với cộng đoàn, cha Giuse Đào Nguyên Vũ nhấn mạnh đến niềm vui được cộng hưởng khi chúng ta biết trao ban. Thật vậy, khi chúng ta biết chia sẻ những cảm nghiệm trong cuộc sống của nhau, trao cho nhau tình yêu thương thì thế giới sẽ bừng sáng lên niềm vui và hy vọng, vì niềm vui không tự mình mà có, nhưng phải được trao ban từ người nọ đến người kia, từ trái tim này đến trái tim khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu có sức đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác” (số 8). Chúng ta có thể đem niềm vui Tin Mừng cho người khác bằng sự quan tâm, ân cần với người chung quanh ta trong ánh mắt cảm thông, trong nụ cười đồng cảm; đừng trao cho nhau những ánh mắt vô cảm, lạnh lùng, đừng tìm niềm vui cho mình bằng những lời nói vô trách nhiệm, và hưởng niềm vui trên nỗi đau của người khác. Trong một vài phút thinh lặng, chúng ta hãy tự chất vấn lại lòng mình xem mình có niềm vui không? Và niềm vui của mình ở đâu? Có đấy, chúng ta có rất nhiều niềm vui, một thân xác khỏe mạnh trong một tinh thần minh mẫn đã là niềm vui Thiên Chúa ban tặng cho ta, và còn có rất nhiều niềm vui khác mà chúng ta không để ý tới. Hãy tạ ơn Chúa vì biết bao niềm vui Chúa đã ban cho chúng ta, và đem niềm vui đó lan tỏa đến những người chung quanh, hãy trao cho nhau niềm vui để mọi người cùng cảm nhận được niềm vui đích thực của Chúa Hài Đồng đang đến rất gần chúng ta, như Thánh Luca đã viết. “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa”.
Sau phần chia sẻ, Cha Phêrô Phạm Quang Ân đặt Mình Thánh Chúa, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn giúp cộng đoán sám hối. Cộng đoàn chiêm ngắm Chúa Thánh Thể, lãnh nhận bí tích Hòa Giải và lãnh nhận Phép Lành Thánh Thể.
Đêm tĩnh nguyện kết thúc lúc 20g15 với lời ca tâm tình và xin ơn của cộng đoàn: “Từng ngày xin hãy ở cùng con, từng ngày xin đỡ nâng con…”
Vào lúc 8g30 thứ Bảy, 29/11/2014, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đã chủ tế Thánh lễ Tiên Khấn cho 23 nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa tại nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đồng tế với Đức cha Gioan Maria, có Đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Tổng Đại diện Phêrô Phùng Văn Tôn và 30 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự Thánh lễ còn có khá nhiều tu sỹ nam nữ và đông đảo thân nhân, ân nhân cũng như bạn bè xa gần của các tân khấn sinh.
Đúng 8g00, đoàn đồng tế được rước từ nhà khách giáo xứ Chánh tòa. Đi đầu là Thánh giá nến cao. Đi tiếp theo là gia đình và các tân khấn sinh. Đi cuối cùng là quí cha và 2 Đức cha giáo phận. Đoàn rước hân hoan bước vào Nhà Chúa.
Ngỏ đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế nêu bật ý nghĩa của việc khấn dòng là cam kết riêng tư của một người nào đó với Chúa mà, trước mặt đấng bản quyền giáo phận, bề trên Hội Dòng chuẩn nhận. Lời khấn này có thời hiệu phụ thuộc vào đối tượng mà Hiến chương của Dòng đó qui định.
Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức cha Anphong so sánh giữa hai giao ước Hôn Nhân và Tận Hiến. Ngài nói: “Hôn Nhân là giao ước giữa một người nam và một người nữ. Khấn Dòng là giao ước giữa con người với Thiên Chúa. Không ai có thể nói giao ước nào hơn giao ước nào. Tuy nhiên, giao ước nào cũng phát xuất từ Thiên Chúa mà đương sự phải tìm ra cho được ý Chúa”.
Thật cảm động khi thấy các chị tiến lên, đặt tay mình trong tay chị Tổng Phụ trách Maria Nguyễn Thị Vĩnh, mạnh dạn tuyên khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Khi đó, trên khuôn mặt các tân khấn sinh, mọi người thấy xuất hiện những giọt nước mắt rơi trên gò má. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc!
Thánh lễ Khấn Dòng trọng thể kết thúc lúc 10g00, mọi người cùng chia sẻ bữa tiệc mừng các tân khấn sinh tại khuôn viên Hội dòng.
Được biết, với lễ tuyên khấn này, Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa có tổng số 290 nữ tu, trong đó 158 khấn trọn, 132 khấn tạm. Số lượng khá đông các nữ tu như vậy nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu mục vụ và truyền giáo trong giáo phận. Sự hiện diện của các nữ tu tại các giáo xứ và vùng truyền giáo là một chứng tá hùng hồn cho Nước Thiên Đàng mai sau.
Trong những năm vừa qua, Nhà Dòng luôn quan tâm đến việc đào tạo lớp trẻ vì tương lai tùy thuộc chủ yếu vào điều này. Hằng năm cứ vào dịp trung tuần tháng 8, Nhà Dòng bắt đầu tuyển sinh. Con số tăng lên theo năm tháng. Hiện nay, Nhà Dòng có 44 em Tập viện, trong đó Tập I có 21 em, Tập II có 23 em. Tiền Tập có 30 em. Đệ tử có 100 em.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
Sau 34 năm gián đoạn, phong trào Cursillo được tái lập. Ngày tháng mong đợi đã đến, ngày 9 tháng 8 năm 2009 phong trào Cursillo đã mở khóa tĩnh huấn Thủ Đức 1 dành cho nam và Thủ Đức 2 dành cho nữ tại Giáo phận Sài Gòn.
Thời gian thấm thoắt qua đi đã được 5 năm. Hôm nay, ngày 29 tháng 11 năm 2014, phong trào Cursillo Giáo phận Sài Gòn kỷ niệm dấu ấn 5 năm.
Dấu ấn kỷ niệm được tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn chiều nay.
15 giờ 00, gia đình Cursillo Giáo phận Sài Gòn quây quần bên nhau trào tràn niềm vui, phấn khởi vì đã kín múc được "nhựa sống" sau khi tham dự những khóa tĩnh huấn. Đỉnh điểm của buổi họp mặt kỷ niệm hôm nay đó chính là những chia sẻ tận đáy lòng.
Mở đầu là chia sẻ cũng rất thực tế của anh Hùng. Anh chia sẻ tâm tình của anh qua những dòng thơ của Anh. 5 năm qua, anh thấm mối tình Giêsu hơn nhờ đến với phong trào Cursillo.
Trong nước mắt, cô Tường Vy đã chia sẻ cảm nhận của Cô. Năm nay 52 tuổi, giáo viên Anh Ngữ. Hiện cô vừa đi dạy vừa ở nhà chăm sóc người mẹ già bị chấn động tâm lý, mất trí nhớ. Cô đã nhắc chính mình là phải hoán cải, hồi tâm chính bản thân sau khóa tĩnh huấn của Cursillo. Cả hội trường lắng đọng với những chia sẻ rất thật của cô ...
Và, câu chuyện rất thực trong đời sống qua câu chuyện của anh. Anh kể về câu chuyện bác ái của một người anh biết đến. Người đó chuyên đi vận động xây nhà thờ, làm việc bác ái nhưng lại bỏ quên người cha già nằm bệnh tại nhà. Chia sẻ đó như nói lên tâm tình mình phải hoán cải chính đời sống của mình, mình giúp việc bác ái ngay chính trong gia đình mình ...
Kế đến, chia sẻ của một người khi coi Đức Giêsu là niềm hy vọng của thế giới ... chúng ta đem lời Chúa vào nhà một người bạn lương dâng, một người bạn trọ chung với chúng ta, vào môi trường sống của chúng ta.
16 g 00, Thánh Lễ đồng tế tạ ơn mừng kỷ niệm 5 năm tái lập phong trào Cursillo Giáo phận Sài Gòn được bắt đầu.
Chủ tế Thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cử hành. Đồng tế với Đức Tổng trong Thánh lễ chiều nay có cha Linh hướng Phaolô Nguyễn Quốc Hưng cùng một số cha thân quen.
Đặc biệt trong Thánh Lễ này, Đức Tổng chúc lành cho 25 "cặp đôi" gia đình tham dự phong trào Cursillo Sài Gòn.
Trong bài chia sẻ, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn :
Hôm nay chúng ta bước vào mùa Vọng. Mùa Vọng không phải là mùa Chay, đừng băn khoăn về chuyện ăn chay. Mùa Vọng nhấn mạnh đến niềm hy vọng là niềm hy vọng của những con người tội lỗi. Kể cả tôi, kể cả Đức Thánh Cha cũng nhận rằng mình là kẻ có tội nhưng chúng ta hy vọng được cứu độ. Niềm hy vọng đó được xây dựng trên niềm tin của Thiên Chúa là Cha. Như ngôn sứ Isaia vừa nói : Ngài là Cha, Ngài là Chúa. Đó là danh xưng từ muôn thuở của Ngài. Từ muôn thuở, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta đặt hy vọng vào ai ? Chúng ta đặt niềm hy vọng vào Chúa ...
Mùa Vọng chính là đợi chờ là sự khao khát mong Chúa đến như trong Cựu Ước, Isaia đã nói. Và quan trọng hy vọng là trông cậy, tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa bởi vì Ngài là tình thương như Thánh Gioan nói : Thiên Chúa là Tình Yêu. Không những thế, Ngài là Đấng Sáng Tạo Toàn Năng. Ngài là Đấng Tạo Hóa đó là tình thương toàn năng và chính Đấng Tạo Hóa là tình thương toàn năng nên ta đặt tất cả niềm hy vọng, trông cậy vào nơi Ngài. Niềm vui hạnh phúc của chúng ta không phải là hạnh phúc chóng qua ở đời này nhưng là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực đó thánh Phao lô nói rõ cho chúng ta : Trong Đức Giê su Chúa ban cho chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu thì chúng ta có tất cả, chúng ta không thiếu thốn gì cả. Chính vì thế, Ngài mời gọi chúng ta đến và hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô con của Ngài.
Ngài mời gọi mỗi người có nghe lời Thiên Chúa để đến với Chúa Giêsu hay không ? Thiên Chúa là Đấng Công Chính như lời Thánh Phaolô, Ngài trung thành với lời kêu gọi của Ngài. Ngài trung thành với chính tình yêu, lời hứa của Ngài.
Nếu chúng ta tin như vậy, chúng ta sẽ được hạnh phúc mà Ngài ban cho chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc mãi mãi ...
Bài Tin Mừng nói đến trách nhiệm của chúng ta, của mọi thành phần trong gia đình của Thiên Chúa ... Ngài trao cho mỗi người chúng ta nhiệm vụ, trách nhiệm. Trách nhiệm của chúng ta là kho tàng ân huệ của Thiên Chúa chúng ta phải làm cho sinh hoa quả. Kho tàng nở hoa bằng chính sự siêng năng phục vụ của mỗi người chúng ta.
Chúng ta phải luôn tỉnh thức để đón nhận ân sủng của Ngài. Ngài ban cho chúng ta và chúng ta chia sẻ cho mọi người vì chúng ta là con cái của Ngài. Mỗi Kitô hữu chia sẻ khả năng và thậm chí khả năng yếu, chia sẻ đức tin, chia sẻ tinh thần cho anh chị em. Ước gì chúng ta sẵn sàng chờ đợi Chúa đến : Maranatha : Ngài ơi xin hãy đến !
Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, đại diện Cursillo Giáo Phận Sài Gòn lên có đôi lời cảm ơn Đức Tổng Phaolô đã tiếp tục duy trì phong trào. Hai lẵng hoa tươi được dâng lên Đức Tổng Phaolô và cha Linh hướng Phaolô bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng.
Vị đại diện cũng không quên vì tiền nhiệm của Đức Tổng là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã có công trong việc tái lập phong trào Cursillo.
Đáp lại lời cảm ơn của vị đại diện, Đức Tổng chia sẻ tâm tình của Ngài : Mục đích của Cursillo là kết nối đời sống với nhau. Ngài chia sẻ sự cô đơn ở những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản ... và ngay cả Sài Gòn này cũng đang rơi vào tình trạng cô đơn. Ngài ước mong phong trào Cursillo mở ra để giới thiệu, để kết nối giữa người với người và truyền giáo. Người Kitô hữu phải sùng đạo, học đạo, hành đạo ...
Sau Thánh lễ là bữa cơm thân mật cùng với những tiết mục văn nghệ bỏ túi.
Buổi họp mặt cũng như Thánh Lễ mừng kỷ niệm dấu ấn 5 năm tái lập Cursillo Giáo Phận Sài Gòn đã kết thúc nhưng phong trào Cursillo mở ra để hầu mong mọi người gắn kết với nhau hơn, đặc biệt trong đời sống loan báo Tin Mừng.
Micae Bùi Thành Châu
Hội nghị thường niên Caritas Việt Nam: “Một gia đình yêu thương và phục vụ”.
Từ ngày 25/-27/11/2014, Caritas Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên tại TGM Bùi Chu.
Tham dự hội nghị có 4 vị Giám mục: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Gm Gp Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Gm Phụ tá Gp Long Xuyên, Phó Chủ tịch UBBAXH, Đức Cha Anphongso Nguyễn Hữu Long, Gm Phụ tá Gp Hưng Hoá, Chủ tịch UBLBTM, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến. Có 80 thành viên cùng tham dự: Hội đồng Quản trị Caritas Việt Nam, quý Cha Giám đốc và phó Giám đốc Caritas 26 Giáo phận, các tu sĩ thành viên của Caritas và giáo dân trong các chuyên ngành khác nhau, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời.
Văn phòng Caritas VN đã tổ chức đi chung cho các giáo phận thuộc giáo tỉnh Sài gòn. Chúng tôi đến sân bay Nội bài lúc 13g30. Chờ lấy hành lý tới 15g mới đi xe đưa đón thêm hành trình 120km tới Nam định, lúc 18g30 mới về đến TGM. Đức cha Tôma và ban tổ chức đón tiếp ân cần. Các đại biểu từ các Giáo phận vùng Cao nguyên, miền Trung, miền Bắc đã đến từ ban chiều. TGM Bùi Chu có khuôn viên rộng mênh mông với nhiều cơ sở, khang trang, các tham dự viên được phục vụ thật tận tình chu đáo.
Sân khấu của Hội trường được trang trí bằng 1.000 bông hoa tươi thắm tương trưng lời chào mừng và lòng hiếu khách của 186 linh mục, 159 chủng sinh, 824 Tu sĩ thuộc 5 Hội dòng và 400 ngàn giáo dân giáo phận Bùi chu dành cho quý đại biểu tham dự Hội nghị.
Qua 3 ngày, các tham dự viên đã lắng nghe các bài tham luận về Linh đạo Caritas Việt Nam, Loan báo Tin mừng, giáo dục, y tế, các báo cáo về hoạt động một số Caritas Giáo phận, tổng kết hoạt động của Caritas trung ương.
Mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng Kinh Sáng, Thánh Lễ và Kinh chiều.
Ngày 25/11
Thánh lễ ban sáng do Đức Cha Giuse Trần Văn Toản chủ tế.
Đến 8g bắt đầu chương trình.
Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng SDB, giám đốc Caritas Việt Nam giới thiệu thành phần tham dự và chương trình làm việc. Sau đó Đức Cha Tôma ngỏ lời chào thăm các tham dự viên.
Ngày đầu tiên dành cho việc học hỏi về linh đạo Caritas.
Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch UBBAXH trình bày về Linh đạo Caritas Việt Nam. Là một chuyên viên về Linh đạo, Ngài giúp các tham dự viên hiểu rõ sự khác biệt và nối kết giữa Căn tính - Sứ vụ và Linh đạo. Ngài chia sẻ những suy tư thần học cá nhân và tham chiếu với các tài liệu của Hội thánh Công Giáo để đề xuất những nét chính cho Linh đạo Caritas Việt Nam. Ngài cũng trình bày những dấu chỉ thời đại trong Hội thánh hoàn vũ, trong khu vực Á châu và tại đất nước Việt Nam, giúp các tham dự viên nhận ra bối cảnh trong đó Caritas Việt Nam đang sống, đang phục vụ… hầu nhận ra Caritas Việt Nam là ai giữa lòng Hội Thánh và xã hội Việt Nam.
Đức Cha Giuse trích dẫn những trình thuật Tin Mừng cho thấy những giá trị của Caritas được cắm rễ sâu trong Kinh Thánh, hoạ lại hình ảnh của Đức Giêsu Kitô - Đấng không chỉ chia sẻ thân phận của những người cùng khốn mà còn đồng hoá chính mình với họ. Đức Cha Giuse nhấn mạnh trong Hội thảo về Linh đạo Caritas Việt Nam. “Mầu nhiệm Đức Kitô Vượt Ranh thể hiện trong biến cố Nhập Thể - Nhập Thế - Khổ Nạn và Phục Sinh. Người Vượt Ranh để đối thoại, để tháp tùng, để phục vụ con người toàn diện, để chữa lành và ưu tiên chọn lựa người nghèo”. Ngài khích lệ Caritas Việt Nam: Vượt Ranh không gian địa lý, tâm lý, quyền lực, công việc để hiện diện - sống chan hoà, để hoà giải – xây cầu liên đới, để tự huỷ - trở nên mọi sự cho mọi người, để hiệp thông - lột xác trong Nước Thiên Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mời gọi.
Ban chiều thảo luận nhóm. Các tham dự viên trao đổi với nhau về những yếu tố riêng biệt của Linh đạo Caritas Việt Nam và những hoạt động hữu ích thúc đẩy sự thể hiện căn tính và linh đạo Caritas một cách rõ nét hơn. Hội nghị cũng trao đổi về mạng lưới Hội viên Caritas Việt Nam tại các giáo phận với nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ quý cha giám đốc Caritas.
Ngày 26/11
Thánh lễ khai mạc Hội nghị do Đức Cha Tôma chủ tế cùng với quý Đức Cha, quý Cha đồng tế cầu khẩn Chúa Thánh Thần xuống trên các đại biểu tham dự Hội nghị lúc 7g30.
Bài giảng lễ, Đức Cha Tôma nói đến chạnh lòng thương: “Caritas được mời gọi thể hiện lòng chạnh thương của Chúa Giêsu. Lòng chạnh thương ấy biến thất vọng thành hy vọng, nỗi buồn thành niềm vui, đau khổ thành hạnh phúc. Ngài chạnh thương đám đông bơ vơ không người chăn dắt để nâng dậy cả một cộng đồng; Ngài chạnh thương người goá phụ thành Naim mất đứa con trai duy nhất để an ủi, đỡ nâng phận người và trao lại sự sống; Ngài chạnh thương các bệnh nhân để chạm tới và chữa lành…”. Lời mời gọi của Đức Cha đi đến tận cùng: “Không có tình yêu thì tất cả hoạt động trở nên vô nghĩa”. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn Thần Khí nơi mỗi chúng ta, giúp mỗi người biết chạnh lòng thương thật sự đến những mảnh đời thống khổ, biết xoa dịu những vết thương lòng, biết hy sinh phục vụ trong những việc làm bé nhỏ âm thầm ngay cả khi chịu hiểu lầm, chịu gian nan thử thách hay bắt hại. Xin Chúa thương giúp sức và chúc lành cho tất cả chúng ta.
Đến 9g: chương trình hội nghị khởi đầu với bài nói chuyện của Đức Cha Tôma trình bày đề tài: “Caritas là một Gia đình yêu thương và phục vụ”. Hoạt động của gia đình Caritas là của tập thể, không thuộc về một cá nhân nào. Gia đình này cùng nắm tay dựng xây một xã hội công bằng hơn, nhờ đức ái trọn hảo. Những hoạt động của gia đình Caritas làm cho Hội Thánh trở nên dấu chứng về Chúa Kitô như chính Ngài đã nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau (Ga 13,35). Bài chia sẻ có nội dung mạch lạc và súc tích khai triển hầu hết những nét chính yếu mà Hội nghị nhắm tới. Đức Cha đặc biệt thúc đẩy sự hiệp nhất trong gia đình Caritas, khơi dậy ý thức đồng trách nhiệm trong việc phục vụ người nghèo trong xã hội. “Tất cả mọi người trong Hội Thánh đồng trách nhiệm phục vụ người nghèo trong xã hội, bất kể là ai. Thế nên, gia đình Caritas là gia đình tình yêu hướng đến những người kém may mắn… Mặc dù hoạt động của Caritas của mỗi Giáo phận mang tính độc lập, nhưng không phải là biệt lập. Tất cả các gia đình Caritas của các Giáo phận đồng thuận với nhau trong công tác bác ái dưới nhiều hình thức theo nhu cầu Giáo phận”. Động cơ sâu xa của hoạt động bác ái là tình yêu thương: “ Mọi thành viên trong gia đình Caritas phục vụ người nghèo bằng điều thiện hảo, không có một chút ý đồ nào, sẽ trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và của Đức Kitô… Gia đình Caritas hoạt động bác ái phải khiêm tốn, không đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, không lên mặt kẻ cả vì hoạt động bác ái là một hồng ân… Trên hết, gia đình Caritas phải thực hiện bằng tinh thần đạo đức, rút ra từ cầu nguyện”.
Sau bài chia sẻ, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng - Giám đốc Caritas Việt Nam báo cáo hoạt động của Văn phòng Caritas Việt Nam, tình hình của Caritas các Giáo phận. Cha Vinh Sơn cũng đưa ra đôi nét phác hoạ cho Kế hoạch hoạt động năm 2015 và một vài nhận định liên quan tới bối cảnh hiện tại của Caritas tại Việt Nam.Bản báo cáo cho thấy sự hợp tác tích cực, tinh thần liên đới bổ trợ giữa Caritas Việt Nam và Caritas các Giáo phận trong việc huấn luyện, điều hành và những lãnh vực chuyên môn. Thách thức mà các địa phương vẫn đang phải đối diện là nhân sự chuyên môn và thiếu hụt tài chánh trong việc vận hành các hoạt động.
Đến 10g30, hội nghị đón tiếp phái đoàn chính quyền đến chào thăm. Ông Dương Ngọc Tấn, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, Ông Nguyễn Dương Long, Vụ phó vụ Công giáo, quý chính quyền Tỉnh Nam định và Huyện Xuân trường. Ông Dương Ngọc Tấn đọc diễn văn chào mừng, tặng hoa và quà lưu niệm. Ban tổ chức cũng tặng quà lưu niệm đến các vị khách chính quyền.
Hội nghị tiếp tục với 2 bài tham luận. Cha Giuse Nguyễn Văn Uy, giám đốc Caritas Xuân lộc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của Trường Trung Cấp Nghề Hoà Bình. Thầy Antôn Nguyễn Thành Chương, Bác sĩ -Dòng Gioan Thiên Chúa chia sẻ về khung pháp lý ngành y tế.
Ban trưa tiệc liên hoan rộn ràng niềm vui.
Buổi chiều, các tham dự viên hân hạnh đón tiếp Đức Cha Anphôngsô Nguyễn Hữu Long – Chủ tịch Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng.Ngài chia sẻ với Hội nghị: “Ủy ban Bác ái xã hội – Caritas Việt Nam và Ủy ban Loan báo Tin Mừng là anh em song sinh”. Thật vậy, đạo chúng ta tìm mọi cách nâng đỡ người anh em thiếu thốn được no ấm phần xác và cứu độ phần hồn. Nhờ thấy Kitô hữu sống yêu thương bác ái với mọi người mà anh chị em lương dân có thể nhận biết đức tin như lời Chúa dạy “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau”. Theo Đức Cha, khi nói đến yêu thương và phục vụ con người, nhãn quan bác ái xã hội quan tâm nhiều đến người nghèo vật chất, thiếu cơm ăn áo mặc. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến những người nghèo luân lý và người nghèo tâm lý, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2014 vừa qua. Đây cũng là đối tượng quan tâm ưu tiên của Ủy ban Loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần giúp họ tìm lại được chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa cho niềm tin. Có những người nghèo vật chất bị xô đẩy vào cái nghèo luân lý, có khi thiếu công bằng xã hội làm cho họ trở nên khốn khổ hơn nữa. Có những người nghèo tâm linh vì họ không biết đến hoặc có khi vì chính họ từ khước Thiên Chúa. Khi chúng ta làm bác ái xã hội cùng với loan báo Tin Mừng là lo cho họ cả hồn lẫn xác. Vì vậy sự phối hợp giữa hai Ủy ban này đem lại sự quan tâm toàn diện cho người. Ngài kết luận: “Mong rằng UBBAXH cho phép UBLBTM được cộng tác để lo lắng cho người dân cả hồn lẫn xác. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đang tham dự Hội nghị hôm nay, dù trên bình diện giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn, gia đình hay cá nhân, sẽ cảm thấy được phấn khích hơn, để từ Hội nghị này, và trong năm Mục vụ 2015 sắp bắt đầu, chúng ta nỗ lực đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho Chúa, trong việc thực hiện hai sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội: yêu thương phục vụ và loan báo Tin Mừng”.
Hội nghị lắng nghe báo cáo hoạt động điển hình của Caritas đại diện 3 Giáo tỉnh: Bùi Chu, Đà nẵng và Sài gòn. Sau đó 3 iGáo tỉnh gặp gỡ riêng để cùng thảo luận về sự hổ trợ lẫn nhau giữa các giáo phận, những khó khăn và thuận lợi trong việc thiết lập Caritas các giáo xứ, mối tương quan giữa văn phòng Caritas trung ương và văn phòng Caritas các giáo phận… Kết thúc ngày thứ hai của Hội nghị, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản kể một số câu chuyện giáo dục để rút ra những bài học trong Linh đạo Caritas. Ngài cũng chia sẻ những cảm nhận thiêng liêng trong đời sống riêng và mời gọi các Đại biểu quan tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tất cả các Hội viên Caritas, như thế mới có sự dấn thân hiệu quả và bền vững trong hoạt động bác ái.
Ban tối, TGM Bùi Chu tổ chức đêm văn nghệ hoành tráng chào mừng hội nghị. Với sự góp phần của 250 diễn viên đến từ Đại Chủng viện, 5 Hội Dòng, Nhà Dục Anh và Caritas Bùi chu đã làm nên nhiều sắc màu tạ ơn và rộn rã niềm vui yêu thương.
Ngày 27/11
Ngày cuối cùng của Hội nghị Thường niên Caritas Việt Nam khởi đầu với Thánh Lễ tạ ơn do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam chủ tế, cùng với quý Đức Cha và quý Cha đồng tế lúc 5g30.
Sau điểm tâm, các Đại biểu Hội nghị tham quan các phòng Truyền thống của Giáo phận Bùi Chu, khu nhà các Thánh Tử Đạo… nơi lưu trữ những vật phẩm mang chở lịch sử và văn hóa từ những đầu Tin Mừng đến mảnh đất Việt thân thương.
Hội nghị bắt đầu sớm hơn thường lệ lúc 7g45, với phần báo cáo tài chánh của Văn phòng Caritas Việt Nam và đúc kết thảo luận nhóm từ các Giáo tỉnh. Tất cả các Đại biểu đều nhất trí về việc cần phải thiết lập mạng lưới Caritas tại các Giáo hạt và Giáo xứ. Dẫu điều này cần có một sự dấn thân lâu dài và lao nhọc, nhưng không thể không thực hiện, để các hoạt động bác ái đem lại hiệu quả bền vững và thăng tiến liên tục.
Đức Cha Tôma - Chủ tịch UBBAXH – Caritas Việt Nam và Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng – Giám đốc văn phòng Caritas Việt Nam chủ toạ buổi thảo luận chung, cùng các Đại biểu phân tích những thuận lợi, khó khăn liên quan đến hoạt động của Caritas tại các Giáo phận. Những mối tương quan với các Đấng bản quyền trong Hội thánh, với các Linh mục quản xứ, với các tín hữu trong Giáo phận… cần phải được kiến tạo cách tốt đẹp, để có được sự đồng thuận và hợp lực trong hoạt động.
Các Đại biểu trao đổi thêm về vai trò của văn phòng Caritas Giáo phận, như một nhịp cầu hết sức thiết yếu cho mối tương quan giữa Caritas Việt Nam với Caritas Giáo phận, giữa các Caritas Giáo phận với nhau và với các Giáo hạt, Giáo xứ. Sự hiện diện đã quan trọng, năng lực của nhân viên càng quan trọng hơn cho một hoạt động hữu hiệu và lâu bền.
Cha Giám đốc Caritas Việt Nam tổng kết Hội nghị vào lúc 10g15, lược lại những hoạt động trong gần 3 ngày vừa qua cùng với những đề xuất và định hướng cho năm Mục vụ 2015.
Tất cả Đại biểu hợp nhất trong giờ Chầu Thánh Thể để tạ ơn Thiên Chúa, phó dâng cho Ngài niềm vui và nỗi ưu tư cho hoạt động của Caritas ngày càng hữu hiệu hơn, thể hiện được Caritas là một Gia đình yêu thương và phục vụ, làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa. (x. caritasvietnam.org).
Hội nghị thường niên năm 2014 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nổ lực hơn trong việc phục vụ bác ái.
Sau cơm trưa thân mật, mọi người chia tay trở về nhiệm sở với những công việc bề bộn cuối năm Phụng vụ.
Xin quý Thầy Cô dạy dỗ và huấn luyện cho các em biết sống theo lương tâm để trở thành muối men tốt trong xã hội. Chớ gì quý Thầy Cô giáo Công giáo được nhận biết và cảm phục như những người sống và giáo dục các sinh viên, học sinh có lương tâm ngay thẳng, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sự sống.