Dân Chúa Âu Châu

Đối với Đức Giám mục Dominique Rey, giám mục địa phận Fréjus-Toulon, Pháp, tín hữu Kitô không được sợ khi xác quyết chứng tá đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, dù là với người Hồi giáo", Vừa từ Syria trở về, Đức Giám mục đưa ra phân tích của mình về tình trạng Syria hiện nay và phát biểu về lời mời gọi của Đức Phanxicô xin đón nhận người tị nạn.

Đức Giám mục Dominique Rey là giám mục địa phận Fréjus-Toulon, Pháp từ năm 2000. Năm 2005 ngài thành lập nhóm chuyên gia trong ngành xã hội-chính trị (Observatoire sociopolitique, OSP, think-tank) ở Fréjus-Toulon để cố vấn và cho ý kiến trong mục đích cổ động quan điểm Giáo hội về các chủ đề xã hội.

Figarovox: Cha là người Pháp đầu tiên và duy nhất đến Syria bên cạnh các tín hữu Kitô bị bách hại. Xin cha cho biết cha đã thấy gì ở đó?

Đức Giám mục Rey: Tôi được Thượng phụ công giáo Hy Lạp Grégoire III tiếp đón từ 22 đến 26 tháng 8-2015. Chúng tôi đã đi thăm một số cộng đoàn Kitô. Cảm nhận chính của tôi thì đây là một sự tử đạo đúp: tử đạo của đá và tử đạo của da thịt. Tử đạo của đá với những khu vực (Kitô và Hồi giáo) bị đập phá, các con đường không còn đi được, các nhà thờ bị phá hủy... Và nhất là tử đạo bằng da thịt với hàng ngàn thảm cảnh thương đau, với sự bách hại một cách ngang nhiên, các cuộc ra đi cưỡng bức, với cảnh gia đình thấy người thân của mình bị giết hại trước mắt.

Một đất nước điêu tàn, không tương lai, một vùng đất u sầu mà người dân phải bỏ đi trốn. Rất nhiều người ở đó nói với tôi: "Xin cha giúp chúng con ra đi", dù các nhà chức trách tôn giáo xin họ ở lại. Trong số các tín hữu Kitô, một vài người quyết định ở lại, họ làm chứng cho sự kháng cự về mặt đạo đức và thiêng liêng rất gương mẫu.

Nếu sự ra đi của người Syria đã bắt đầu cách đây một năm, thì bức hình em bé chết trên bãi biển đã huy động toàn thế giới nhìn về Syria. Bạn nghĩ gì về những hình ảnh khủng khiếp này? Xúc cảm là cái bẫy hay ngược lại, đây là xúc tác cần thiết để bước qua hành động?

Các hình ảnh hung bạo và trắng trợn này đã buộc chúng ta phải đi ra khỏi tình trạng trì trệ của mình. Chúng ta không thể bất động, bất động trong sự trơ ì tiện nghi thoải mái từ mấy tháng nay trước tình trạng này. Chiến lược của chúng ta không thể dậm chân ở hàng rào kẽm gai và tăng kiểm soát ở các biên giới! Khẩn thiết nhân đạo đòi hỏi chúng ta phải có lòng trắc ẩn nhưng cũng đòi hỏi sự quyết tâm của chúng ta trong hành động. Cần phải có một điểm thăng bằng giữa quả tim và lý trí. Quả tim buộc chúng ta phải dấn thân để đáp trả với tình trạng khẩn cấp này. Lý trí buộc chúng ta phải tìm giải pháp lâu dài. Bổn phận đạo đức của chúng ta và nhất là bổn phận của tín hữu Kitô là phải đón nhận tất cả những ai đang đau khổ, đặc biệt là các anh em Kitô hữu của chúng ta phải trốn khỏi cuộc bách hại. Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hành động.

Điều thiết yếu là phải giữ biên giới các vùng đất để bảo vệ căn tính của một nước. Chúng ta không thể tiếp nhận trong bất cứ điều kiện nào, phải có một chuẩn mực. Chúng ta không muốn sự toàn cầu hóa xóa mờ đi các căn tính. Phải tháp tùng họ trên con đường hội nhập văn hóa và xã hội, để họ có thể hội nhập và làm phong phú căn tính của đất nước đón nhận họ.

Cha nghĩ gì về những người giao động trước làn sóng "xâm nhập" và sợ cho căn tính Kitô của Âu Châu?

Dù muốn hay không, chúng ta đang ở trong một thế giới mở và toàn cầu hóa. Chúng ta không thể ngăn làn sóng người tị nạn đến, và sự pha trộn các sắc dân với các yếu tố kinh tế, địa chính trị, môi trường và tôn giáo rất phức tạp. Vấn đề nhân khẩu phải ở trong khuôn khổ của nền chính trị di trú. Mặt khác tính khác biệt do làn sóng người di dân với nhiều văn hóa khác nhau buộc chúng ta phải nhìn lại căn tính của mình, buộc chúng ta phải tái phù hợp lại với di sản quốc gia của mình, di sản gốc gác Kitô hữu-Do Thái của Âu Châu.

Đứng trước nỗi sợ hồi giáo hóa Âu Châu, tôi ghi nhận một điều, tín hữu Kitô thường không tự tin về căn tính Kitô của mình. Nhưng họ không được sợ khi xác quyết đức tin vào Chúa Giêsu Kitô của mình, dù là với người Hồi giáo. Đó là bài học tôi có được trong những ngày ở Syria.

Một vài người lo lắng cho sự hồi giáo hóa ở nước Pháp, vấn đề này gia tăng thêm do các người di dân mới tới. Phải nhổ tiệt các nhóm hồi giáo cực đoan và những người buôn người, dứt khoát chúng ta phải thành lập một văn hóa đối thoại, thuận tiện cho việc trao đổi các ý kiến khác nhau với các cộng đoàn hồi giáo. Phải trải rộng ra một tiến trình mục vụ phối hợp tiếp nhận và loan báo. Để đi ra hay để đối diện với các cuộc tranh cãi, hoặc ngược lại, đối diện với tình trạng dửng dưng, là Kitô hữu, chúng ta phải xây nhịp cầu gần gũi và tương trợ để xã hội chúng ta không trở thành một tháp Babel mới, theo chủ nghĩa ích kỷ, các cộng đồng không còn nói chuyện với nhau.

Một buổi hội thảo ở Liên Hiệp Quốc về những người thiểu số bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng bách hại sẽ được tổ chức ở Paris vào ngày 8 tháng 9. Cha chờ gì ở cộng đồng quốc tế?

Tôi mong chờ rất nhiều ở buổi hội thảo này. Nước Pháp và các cường quốc phải thành lập một liên minh quốc tế để bảo đảm cho một nền hòa bình lâu dài. Tình trạng hiện nay ở Syria và Irak là không thể chịu đựng được. Hòa bình là giải pháp duy nhất để giữ các dân tộc ở tại chỗ.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 08.09.2015/
lefigaro.fr, Eugénie Bastié, 2015-09-07)