Dân Chúa Âu Châu

GNsP (09.09.2015) – Luồng tư tưởng cũ của những người không có niềm tin vào sự khoan hồng đã tồn tại từ những năm 1990 lại một lần nữa xuất hiện qua những phản ứng chung quanh việc Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành những đăc ân tha tội trong dịp Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Những thành phần thuộc trường phái khắt khe này đã và đang dùng Bí Tích Hòa Giải trong trận chiến về các nguyên tắc đạo đức tình dục.

“Đối với người Công Giáo, việc được đi xưng tội là một điều tuyệt vời vì ta luôn có thể bắt đầu lại từ đầu”, là lời thoại của nhân vật chính Calogero trong bộ phim A Bronx Tale, một bộ phim nói về các băng đảng tội phạm và khả năng được cứu chuộc. A Bronx Tale cho ta thấy rằng một trong những trải nghiệm của các tín hữu Kitô là cơ hội bất tận cho việc bắt đầu lại cuộc sống.

Trong nhiều thế kỷ, tòa giải tội đã là một phương tiện kín đáo và thầm lặng của nguồn năng lượng tái tạo vô tận. Đây chính là Thần khí của sự trao ban nhưng không mà ĐTC Phanxicô đã đề cập đến trong một bức thư gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella về Hồng Ân Toàn Xá trong dịp năm Thánh về Lòng Thương Xót. Trong đó, ĐTC đã xác định lý do Ngài chọn năm 2016 là Năm Thánh Của Lòng Thương Xót là để cho càng có nhiều người nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích hòa giải, qua đó Giáo Hội mời gọi họ trở lại. Các nhượng bộ trên bình diện bí tích này cho thấy sự bao la của lòng tha thứ của Thiên Chúa qua Giáo Hội.

Trong năm thánh này, ĐTC Phanxicô đã quyết định nới rộng “quyền” tha tội phá thai cho tất cả các linh mục thay vì chỉ dành riêng cho giám mục hoặc các linh mục được đặt cách theo truyền thống từ trước đến nay. “Giáo huấn cũ” này vẫn luôn là một vấn đề của những người thuộc trường phái khắt khe trong phạm trù luân lý. Và nó lại tái xuất hiện trong những phản ứng liên quan đến quyết định nới rộng “quyền” cho tất cả các linh mục được phép tha tội phá thai. Đối với các nhân vật thuộc trường phái này, quyết định trên là một dấu hiệu của sự thất bại, là một sự nhượng bộ về các giá trị đạo đức cho các nhóm ủng hộ phá thai. Cũng chính họ đã phần nào chi phối và tác động đến các cuộc tranh luận công khai về vấn đề này trong những năm gần đây.

Bí Tích Hòa Giải luôn là một vấn đề tế nhị, chính tại Bí Tích này mà hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng thương xót có được chuyển tải đến các tín hữu hay đã bị biến dạng. Trong quá trình lịch sử của Giáo Hội, nhiều lần các thành phần lãnh đạo Hội Thánh đã bị đường lối và tư tưởng khắt khe làm khuynh đảo khiến Bí Tích Hòa Giải đã trở thành một công cụ cho các kế hoạch văn hóa-tôn giáo và làm tổn thương đến mục đích của bí tích.

Một nghiên cứu với tiêu đề “Tribunali della coscienza”, [Tòa án Lương tâm] do Einaudi Adriano Prosperi xuất bản vào năm 1996 nói về các nỗ lực sử dụng bí tích hòa giải thành một công cụ để thống trị xã hội-văn hóa của các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong thời kỳ Chấn Hưng. Vào thời điểm đó, các phiên tòa về vấn đề dị giáo đã dùng hành vi sám hối của hối nhân thành một công cụ để kiểm soát lương tâm và ngăn chặn sự lan tràn của các tư tưởng dị giáo. Đồng thời, tòa giải cũng là biện pháp thu thập thông tin và tuyên truyền cho Giáo Hội. Một số nhà cải cách trong Giáo Hội cũng nghĩ đến việc dùng các hình thức thống hối như là một phương thế để khôi phục các hành vi đạo đức xã hội. Họ nhắm vào việc tạo ra một mô hình đời sống Kitô hữu dựa trên nền tảng đạo đức nghiêm ngặt.

Gần đây hơn, một số nhân vật và Thánh bộ Vatican lại gây nên một làn sóng chú ý về những vấn đề liên quan đến các Bí Tích Hòa Giải. Năm 1997, Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình, dưới sự hướng dẫn của Đức Cố Hồng y người Colombia, Alfonso López Trujillo, đã xuất bản một cẩm nang dùng trong tòa giải tội có liên quan đến vấn đề luân lý trong đời sống hôn nhân và việc quan hệ tình dục. Bản thảo thứ nhất đã được xuất bản dưới sự bảo trợ của ĐHY Trujillo, người đã từng là thành viên của Bộ Giáo lý Ðức Tin trong nhiều năm. Mục đích của cẩm nang này là sử dụng tòa giải tội nhằm gây áp lực với các tín hữu không nhất quán trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Kế hoạch “luận luân lý” này đã thay đổi các nguyên tắc và nền tảng của việc xưng tội, khiến những hối nhân hay “lặp đi lặp lại” các hành vi tội lỗi của mình có nguy cơ không được nhận Phép Hòa Giải. Tuy nhiên cẩm nang trên đã bị Tòa Ân Giải can thiệp và tháo bỏ.
Tòa Ân Giải là Thánh Bộ lâu đời nhất của Tòa Thánh chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan đến các nguyên lý trong việc ăn năn tội, tha những tội nghiêm trọng nhất và vấn đề Ân Xá.

Người đứng đầu Tòa Ân Giải là cha Luigi De Magistris một giám mục nổi tiếng với truyền thống vững chắc và với thời gian huấn luyện “tiền Công đồng”, Đức Cha De Magistris đã lãnh nhận Tước Hiệu Hồng Y trong tháng Hai vừa qua. Chính Đức cha và một số vị khác thuộc Tòa Ân Giải đã lên tiếng rằng thành phần thuộc nhóm ĐHY Trujillo đã phủ nhận tất cả những giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội về bí tích Hòa giải. Tòa Ân Giải cũng đã làm rõ rằng tất cả những người dù đã nhiều lần phạm tội trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai (và cả những người tiếp tục sử dụng các biện pháp ngừa thai ngay cả sau khi xưng tội) không thể bị từ chối ơn tha thứ khi họ thú nhận tội trong bí tích hòa giải. Vì khi hồng ân tha thứ bị khước từ thì nó cũng đồng nghĩa với sự mất tin tưởng vào hiệu quả của bí tích.

“Việc tái phạm tội thường xuyên trong việc tránh thai tự thân không phải là lý do chính để khước từ sự tha thứ.” Các cha giải tội cần phải tránh các biểu hiện thiếu tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa hoặc sự chân thành của hối nhân. Vì trên phương diện loài người, chúng ta không thể đảm bảo cách tuyệt đối về việc tái phạm tội. Sự vô hạn của ơn tha thứ là một mạc khải về Đấng ban ơn. Chúa Giêsu luôn ban ơn tha thứ cho tất cả các tội nhân, kể cả những người luôn tái phạm. Giáo Hội cần giúp tất cả tín hữu tận hưởng hồng ơn này. Đây là lý do ĐTC Phanxicô đã cho phép tất cả các linh mục được “quyền” tha tội phá thai” trong Năm Thánh tới đây.

Về điểm này, cẩm nang dành cho các cha giải tội được công bố vào năm 1997, nhấn mạnh rằng “trong trường hợp hối nhân đã ăn năn cách chân thành và nếu không thể tìm được các vị có thẩm quyền thì bất cứ cha giải tội cũng có thể ban ơn tha thứ (chiếu theo điều số 1357 – Giáo Luật). Trong cẩm nang này, linh mục đã ban bí tích hòa giải có nhiệm vụ thông truyền lại cho giám mục trực thuộc hoặc cho những người có trách nhiệm về trường hợp mà họ đã ban bí tích hòa giải mà không được phép đề cập đến tên của hối nhân. Đây là một quy tắc mục vụ.

Tất cả các cha giải tội (từ Thánh Alfonso Maria de’ Liguori, Thánh Leopold Mandic) cho đến tất cả các hướng dẫn thần học bí tích (ngay cả trước Công Đồng) đều hướng đến cơ hội để tất cả các tín hữu có thể trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua bí tích Hòa Giải. Toàn Xá trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót cũng cùng chung quan điểm này. Các phản ứng đối lập trên cho thấy họ đã tách mình khỏi tính năng động của bí tích trong đời sống Kitô hữu. Lời Chúa và các vấn đề trong đời sống đức tin đã bị thông dịch một cách lệch lạc, làm biến dạng bí tích vốn là phương tiện mang đến ơn cứu rỗi cho chúng ta.

Bách Hợp (theo vatican insider)